Thế Tôn dạy mạng người chớp nhoáng trong một sát na, hít vào chẳng thở liền qua đời khác. Câu tuy ngắn nhưng người hiểu đến ngẫm kỹ thì ít có mấy người.
Do chúng ta chẳng biết mạng người ngắn ngủi, nên vẫn còn dùng thời gian để mà tranh biện, tranh hơn với người ta được gì? luận thua người khác ta mất gì...ngôn luận và chứng ngộ hai đều này hoàn toàn là khác nhau...Chẳng có đệ tử nào của Như Lai đạt đạo nhờ tranh biện cả...
Những câu hỏi Phật không đáp:
Xưa khi Phật còn tại thế, có một số câu hỏi đã được nêu lên để hỏi Đức Phật, nhưng Ngài không trả lời vì đó là những câu hỏi đặt sai và vô ích.
Bám víu vào những câu hỏi ấy bằng những biện luận thuần lý sẽ rơi vào cạm bẫy của sự hiểu biết quy ước, công thức và nhị nguyên. Cạm bẫy ấy sẽ đưa đến tranh luận vô tận và thắc mắc tiếp nối nhau, đánh lạc hướng sự tu tập.

Đức Phật đã che chở cho các đệ tử của Ngài tránh khỏi những cạm bẫy ấy, không phải bằng cách cấm đoán, bằng biện luận hay giải thích, nhưng bằng sự yên lặng. Có tất cả 14 câu hỏi đại loại như sau mà Phật không giải đáp :

1- Vũ trụ có trường tồn bất diệt hay không ?

2- Vũ trụ không trường tồn bất diệt ?

3- Vũ trụ đồng thời vừa trường tồn bất diệt, vừa không-trường-tồn-bất-diệt ?

4- Vũ trụ đồng thời vừa không-trường-tồn-bất-diệt cũng không phải là không-trường- tồn-bất-diệt ?

5- Vũ trụ có biên giới hay không ?

6- Vũ trũ có vô biên hay không ?

7- Vũ trụ đồng thời vừa có giới hạn lại vừa vô biên ?

8- Vũ trụ đồng thời không phải là có giới hạn, nhưng cũng không phải là không có giới hạn ?

9- Sự sống và thân xác là một thứ như nhau ?

10- Sự sống và thân xác có phải là hai thứ khác nhau ?

11- Một sinh linh được giải thoát có hiện hữu sau khi chết hay không ?

12- Một sinh linh được giải thoát không còn hiện hữu sau khi chết ?

13- Một sinh linh được giải thoát hiện hữu nhưng đồng thời cũng không hiện hữu sau khi chết ?

14- Một sinh linh được giải thoát, đồng thời không hiện hữu cũng không phải là không-hiện-hữu sau khi chết ?

Kinh Cula-Malunkya-sutta chép: « Sự hiểu biết những thứ ấy không giúp cho sự thăng tiến trên đường tu tập, vì nó chẳng lợi ích gì cho sự an bình và giác ngộ. Những gì lợi ích cho sự an bình và giác ngộ mà Đức Phật thuyết giảng cho các đệ tử của Ngài là những điều sau đây : sự thật về khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, sự loại bỏ khổ đau, con đường đưa đến sự loại bỏ khổ đau »