Năm 1698, chúa Nguyễn Phước Chu (Minh Vương) lịnh cho thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định cai trị lưu dân thuộc dinh Phiên Trấn, năm 1772, Nguyễn Hữu Đàm thu quân về dinh Phiên Trấn – Sài Gòn đắp lũy Tân Hoa (Lũy Bán Bích) từ chùa Cây Mai (Quận 5 – Chợ Lớn) đến kênh Nhiêu lộc – Thị Nghè, bao gồm dinh Phiên Trấn và dinh Điều Khiển ở giữa, phố chợ Bến Nghé (nay là Sài Gòn) ở phía đông và phố chợ Sài Gòn (nay là Chợ Lớn) ở phía tây. Từ đây có tên gọi chính thức là thành phố Bến Nghé – Sài gòn, Saigon city hay Ville de Saigon.

Năm 1790, thành Bát Quái được xây dựng và được mệnh danh là Gia Định Kinh, rồi đến năm 1863 đắp lại thành mới hình vuông gọi là Phượng Thành hay Thành Phụng. Thời kỳ này vẫn là phố chợ với nếp sinh hoạt kẻ chợ, thôn xã truyền thống. Năm 1862, đại tá công binh Coffyn đuổi hết dân kẻ chợ ra ngoại ô lập quy hoạch mới theo phong cách châu Âu bao gồm: Sài Gòn (chợ Bến Nghé) và Chợ Lớn (Sài Gòn cũ) rộng khoảng 25 km², quy hoạch này ảo tưởng không thực hiện được. Năm 1865, thành phố Sài Gòn chỉ rộng 3 km² và chợ Lớn rộng 2km², giữa 2 nơi này là đồng ruộng. Dân kẻ chợ (tiền thân người thành phố) tập trung tại Chợ Lớn và các chợ nhỏ ngoài rìa. Cuối thế kỷ XIX ranh giới 2 thành phố mới kéo sát lại nhau, rồi đến năm 1914, Sài Gòn trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông với quy hoạch rõ ràng, không gian mở, rộng thoáng. Dân kẻ chợ được giao thương buôn bán quốc tế với hàng loạt bến cảng, lúa gạo từ đồng bằng sông Cửu Long được đổi thành hàng hóa đem lên Sài Gòn xuất khẩu, các nhà buôn gạo lập ra các phố chợ gạo với hàng trăm dãy nhà, trên bến dưới thuyền dọc sông Sài Gòn, kênh rạch. Rồi khi dân số đông lên, kinh tế phát triển, hàng loạt phố chợ khác mọc lên như phố chợ giày da, vải, gà vịt, heo quay, thuốc bắc, hàng mã … và một số khu chợ kết hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp như bánh, mứt, nón, đèn, mỹ nghệ …
Thời kỳ này, thành phố đúng là một trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, nói đúng hơn là cái chợ lớn nhất, với đủ loại hình dáng .Như chợ Bến Thành với phố xá tấp nập hai bên Kinh Sa Ngư (đường Nguyễn Huệ), chợ Bến Nghé (Đồng Khởi, Nguyễn Huệ), chợ Bến Sỏi, chợ Thị Nghè, chợ Điều Khiển (đường Nam Quốc Cang), chợ Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), chợ Bình An … những chợ này với miêu tả “phố xá liên tiếp liền mái nhau dài độ vài ba dặm, hàng hóa trong chợ bày bán có: gấm đoạn, đồ sứ, giấy mực, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà bột là những hàng hóa nam bắc theo đường sông, đường biển chở đến đây không thiếu món nào”.

Lịch sử cận đại, thành phố có nhiều biến động, năm 1943, kỹ sư Pugnaire, kiến trúc sư Cerutti (giám đốc Đông Dương sự vụ về đô thị và kiến trúc) công bố kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn với đề tài khu thương nghiệp Sài Gòn nới rộng về phía bắc với nhà ga mới ở góc đường Chasseloap – Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Sommo (Hàm Nghi) nối dài gặp nhau tại chợ Vườn Chuối. Về phía tây sẽ nới rộng tới trại Desmares, qua công viên 23.9. Khu chợ mới mở rộng gấp đôi, phố buôn bán sẽ được xây dựng dọc các trục đường. Trong suốt thời gian cận đại này, nhiều biến cố khác nhau dẫn đến Sài Gòn tăng dân số nhanh chóng, người ở các vùng quê khác đổ về thành phố với việc hàng loạt khu ở tạm bợ trên kinh rạch, chợ cóc, chợ chồm hỗm mọc lên. Theo đó thói quen, tập quán của người Việt từ nông thôn đến thành thị là đi chợ mỗi ngày, ăn uống đơn giản nhưng phải tươi sống, bởi thế hợp chợ ở mỗi khu phố, mỗi trục đường, chân cầu hay góc hẽm trở thành một hình ảnh quen thuộc, trở thành bản sắc khó từ bỏ.

Thành phố hiện nay đông dân nhất nước, trong vòng 10 năm thành phố đã tăng 7,8 triệu người. Người nhập cư ở những quận mới, quận ven như Gò Vấp, Tân Bình, Quận 7, Thủ Đức, Bình Chánh, thành phố rộng ra gấp đôi so với thế kỷ trước, có những chợ truyền thống phải di tản như chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, nhưng bù lại hàng trăm chợ tự phát mọc lên ở bất kỳ nơi nào mật độ dân cư đông đúc. Những khu công nghiệp như Tân Thuận, Nhà Bè, khu chế xuất Linh Trung, khu công nghiệp Bình Chiểu, làng Đại Học Thủ Đức, khu Công Nghệ Cao, công viên phần mềm Quang Trung .v.v.. Nhà máy đi vào hoạt động nhưng chợ thì không xây, nên hàng loạt chợ tự phát cứ thế mọc lên, tràn ra đường, bên hông nhà máy, và mỗi buổi chiều tan ca, từng cái chợ phải chạy loạn với công nhân vì còi cảnh sát trật tự đuổi như đuổi tà!
Ở Singapore, người Hoa sinh sống phần lớn, nếu chú ý với một ba lô trên vai lang thang vào các ngõ hẹp, những khu phố nhỏ sẽ ngạc nhiên và gần gũi khi hàng loạt chợ nhỏ được quy hoạch rõ ràng, cũng nền ciment, mái lợp tôn, cột sắt, trống hoắc, đơn giản, nhưng hệ thống cấp thoát nước khoa học, vệ sinh, ở đó bán đủ thứ hàng tươi sống như chợ Việt Nam. Kuala Lumpua cũng vậy, chợ đúng nghĩa với bãi sân rộng, mọi người tha hồ mua bán đủ thứ mà không chịu một khoảng phí nào cả, giá rẻ như cho. Tôi đã tự tay mình nấu một tô mì theo ý thích, bà chủ quán đứng xem và tuyên bố “free”. Ở Bangkok, chợ lại càng nhiều và phong phú, chợ đêm, chợ chiều, chợ lề đường, chợ trong khu phố, tha hồ chọn lựa, trả giá. Chính quyền Thái Lan quan niệm, mở con đường cho người dân lao động sinh sống trong thành phố đô hội, họ quy hoạch khá rõ ràng và nhân bản.
Ở châu Âu, như Pháp, Đức, Bỉ, Sofia, Moscow, họ dành những quảng trường nhỏ trong khu phố cho người dân họp chợ mỗi ngày, chỉ riêng ở Mỹ là không có, mọi cái đều phải đưa vào siêu thị, small. Ngay hàng hóa rẻ cũng có siêu thị 1USD, bởi xứ này mỗi người một chiếc xe hơi, rất ít xe buýt, hay tàu điện ngầm, bởi thế đi xe hơi làm sao họp chợ được, đành phải vào siêu thị thôi, buồn hiu hắt vì mất cái thú trả giá …
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm thành phố mới thật sự sôi động. Ai đó nói: “Tôi từ nội thành ra ngoại thành, bỗng gặp mùa xuân đi ngược lại”, bởi hàng đoàn xe thồ, xe ba gác, xích lô, xe tải chở mai, đào, cúc, vạn thọ, lan, huệ lũ lượt vào thành phố, dồn ứ mỗi ngã tư , mỗi cửa ngõ thành phố và tràn ngập lề đường, lòng đường và các bãi đất trống, công viên di động này họp chợ mỗi năm, một không gian lạ lùng cho du khách, công viên di động khắp mọi nẻo đường những ngày gần giáp tết, tạo ra sắc màu đô thị lung linh và rực rỡ, chợ hoa trên phố, chợ kiểng ở góc đường, chợ báo xuân dọc lề đường, chợ lan trên xe thồ, sẽ mãi in đậm trong tâm khảm người Sài Gòn, thành phố trải lòng đón những cái chợ không mời mà đến, bất kể luật lệ, quản lý đô thị, bất kể quy hoạch định hướng, chợ hoa khổng lồ này vẫn đi mãi vào hồn đô thị.
Chợ tết là những gì tinh túy nhất của người Việt và thành phố nói riêng, nó tô điểm cho không gian sống của người Việt, nó góp phần làm xanh thành phố, nó tạo ra “tổ ấm đám đông nhân bản”, hơi lộn xộn một chút nhưng đầy bản sắc.
Buổi sáng như mọi ngày suốt mấy chục năm qua, mẹ tôi đội nón đi chợ, dù kinh tế khó khăn, dù chiến tranh lan tới, hay thành phố đã hội nhập, mẹ tôi vẫn đi chợ mỗi ngày, cái chợ chồm hỗm gần nhà, dưới chân cầu Kinh bán đủ thứ tươi sống mà giá rẻ, có những ngày đen tối, mẹ đem từng đồng bạc nhàu nát, tần ngần giữa phố chợ để đem về nữa bó rau lang, nuôi sống cả nhà! … Hình ảnh cái chợ nhỏ, lúp xúp nón lá của những người mẹ, người chị đã in đậm vào tôi với biết bao kỷ niệm. Hình ảnh này tôi đã bắt gặp ở hầu hết ở những nơi có người Việt sinh sống, miền bắc, trong Nam, cao nguyên, hải đảo, châu Âu, châu Mỹ, châu Á, làn sóng người Việt Nam tỏa ra mọi ngã, vượt biên, lao động hợp tác, hay du học sinh nơi đâu cũng hình thành những cái chợ nhỏ … Dù là siêu thị, đại thương xá, đối với tôi nó vẫn là cái chợ, chợ nhỏ, chợ lớn, chợ vải, chợ gạo, chợ cao cấp, chợ chồm hỗm … và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Sài Gòn cũng hình thành và phát triển dựa trên những cái chợ. Nhiều người muốn thành phố phát triển theo hướng này, hướng nọ, muốn là Hồng Kông, Singapore, NewYork, muốn tập trung, lan tỏa hay đa trung tâm, riêng tôi chỉ muốn phát triển thành phố dựa trên … những cái chợ!…
Vậy thành phố Hồ Chí Minh với những con đường mới mở, những dự án mới hãy chú ý đến một không gian nhỏ, không chiếm đất là bao, dành cho những người lao động, tiểu thương một chỗ dừng chân buôn bán, cho những người buôn thúng bán bưng, những nhà nông đem nông sản lên đổi chác, những nhà vườn có chỗ họp chợ. Dù mai này thành phố có to rộng, cao vút, những chợ nhỏ này vẫn mãi là kỷ niệm của người Việt, bởi đó là không gian giao tiếp của cộng đồng, giao lưu giữa nông thôn và thành thị, giao thoa giữa con người với con người …
:star:?