kết quả từ 1 tới 2 trên 2
  1. #1

    Mặc định Cậu Hai Miêng (1858- 1899)

    Huỳnh Công Tấn và “cậu hai Miêng”: Cây đắng sanh trái ngọt? Hứa Hoành


    Cuộc đời Huỳnh Công Miêng, con trai Lãnh binh Huỳnh Công Tấn có nhiều nét độc đáo. Huỳnh Công Miêng là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, dám ăn thua đủ với kẻ mạnh hiếp yếu. Các hành vi nghĩa hiệp ấy được dân chúng Nam Kỳ ưa thích, truyền tụng và tôn làm “cậu” và gọi “cậu Hai Miêng”. Công tử Hai Miêng xuất hiện trước tiên ở Nam Kỳ, là “công tử” tiên phong lớp trước, mệnh danh là “miễn tử lưu linh”, có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép “hỏi giấy”... Thừa hưởng sự nghiệp đồ sộ của cha để lại, cậu Hai Miêng ăn xài huy hoắc, phá phách, coi tiền như rác. Đương thời cậu Hai Miêng ăn chơi khắp trong lục tỉnh. Ai cũng nghe danh cậu. Nếu cậu có phạm tội gì nhỏ, cũng không bị truy tố vì Pháp còn nhớ ơn thân phụ cậu. Truyền thuyết về cậu Hai Miêng kể lại rằng: “Có một lần cậu vào thăm quan tham biện Mỹ Tho (Tỉnh trưởng bây giờ) với thái độ hống hách khác thường:
    Bước vô trường án(1), vỗ ván cái rầm,
    Búa xua(2) ông tham biện, bạc tiền ông để ở đâu?
    Hai câu trên được dân chúng truyền tụng, chứng tỏ hành vi ngang tàng của cậu, không nể bất cứ ai, kể cả viên Tỉnh trưởng người Pháp.
    Năm 17 tuổi, Huỳnh Công Miêng, Trần Bá Hựu (em ruột Trần Bá Lộc) Lê Công Phụng, con nuôi của Lãnh binh Tấn, được qua Pháp du học trường La Seyne gần Toulouse. Sau 4 năm, cả ba không đỗ đạt bằng cấp gì cả, nhưng nói trôi chảy tiếng Pháp, về nước được Pháp cho làm thông ngôn, sau thăng ông Phán, Tri huyện... hàm. Đợt sau cậu Hai Miêng có Lê Công Hoàng, Nguyễn Quang Nghiêm (cô cậu với Lộc) đều đậu Tú tài, hồi hương liền được bổ làm Tri huyện ngay. Trường hợp cậu Hai Miêng lúc mới về nước, Pháp cho cậu phục vụ dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc, hy vọng cậu nối nghiệp cha, thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa lập công. Khi Lộc đem quân ra Bình Thuận, Khánh Hoà, cậu Hai Miêng cũng có mặt trong đoàn quân thứ đó. Lần này Lộc lập kế bắt mẹ của lãnh tụ nghĩa quân tra khảo, đe doạ giết để Mai Xuân Thưởng về hàng. Kế sách ấy tuy cũ, dã man nhưng hiệu quả. Pháp kích động cậu Hai Miêng lập công, nhưng công việc ấy không hợp với bản tính hào phóng của cậu. Cậu vốn ghét những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, binh vực người cô thế, và rất oán ghét bọn cường hào ác bá. Chán nghề chém giết, cậu Hai Miêng xin xuất ngũ để sống cuộc đời của một kẻ “miễn tử lưu linh”, ngồi ghe hầu chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cậu Hai Miêng sống cuộc đời ngoại hạng, vượt xa các công thức đương thời. Nghe đồn rằng cậu được Pháp cấp cho tấm giấy “miễn tử lưu linh”, đi tới đâu cũng không bị ai làm khó dễ, miễn dòng thuế thân, miễn sưu dịch, miễn lính tráng. Tuy nhiên, một nhà văn chuyên sưu tầm truyện xưa tích cũ là cụ vương Hồng Sển cũng cho biết “chỉ nghe đồn như vậy, chớ chưa thấy tận mắt tấm giấy “miễn tử lưu linh” của cậu Hai Miêng”.
    Cậu Hai Miêng cũng cờ bạc cầu vui, hút thuốc phiện, bao em út ăn xài không tiếc của. Dư luận Gò Công hồi trước thường kể giai thoại về cậu Hai Miêng như sau:
    Lúc mới về nước, cậu chỉ thích võ nghệ, luyện côn quyền (một loại võ khí cổ, chỉ dùng sức mạnh), múa kiếm. Cậu nổi tiếng anh hùng khắp xứ. Vì không muốn bị ràng buộc, làm tay sai cho Pháp. Cậu trả chức tước Pháp ban cho. Hàng ngày cậu đi đá gà, uống rượu, hối me (một thứ cờ bạc) thả giàn. Có lần cậu đi xuống Giồng Tháp để hốt me, nhiều đàn em theo để mang một bao bạc giấy, thứ bạc con cò, rất có giá trị hồi cuối thế kỷ 19. Cậu Hai Miêng cầm chén hốt me, có các thủ hạ là Bảy Danh, Ba Ngà, Tám Hổ lo vừa tiền và chung tiền. Sòng me nào có cậu cũng ăn thua rất lớn. Lúc sòng bạc tan, cậu ra về, đi ngang qua một vườn xoài, thấy nhiều trái xoài vừa chín ửng vàng, trông rất ngon lành, cậu kêu chủ nhà hỏi mua. Chủ nhà bằng lòng, đi lấy cây sào tới hái. Cậu cười, nói:
    - Để tôi hái cho, khỏi cần sào!
    Nói xong, cậu giậm chân, nhún mình, nhảy lên rứt một lượt mấy trái xoài chín cây. Ai nấy đều khen ngợi.
    Trong “Thơ Cậu Hai Miêng” có đoạn mở đầu như sau:
    Nam Kỳ có cậu Hai Miêng,
    Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công.
    Cậu Hai là bực anh hùng,
    Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh!
    Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
    Khác với cha hống hách, cậu Hai Miêng ăn ở rộng rãi với mọi người, hay chia xẻ tiện nghi với anh em, bè bạn và những kẻ dưới tay, cho nên du côn khắp xứ đều kiêng nể cậu, kính phục cậu Cậu tới đâu cũng được đồng bào ủng hộ, thương mến:
    Xóm làng ai cũng đều thương,
    Cậu Hai trung hậu, lòng nhân ai bì?
    (Thơ Cậu Hai Miêng)
    Hồi đó, trong những đám giỗ, đám cưới có dịp thức khuya, đồng bào Nam Kỳ hay kể nhiều giai thoại về cậu Hai Miêng: “Khi Pháp cho đào Ao trường đua (xung quanh là đường vòng đua ngựa), bắt dân phu trong tỉnh Gò Công phục dịch, làm sưu cực khổ. Họ cưỡng bách lao động như tù khổ sai: ban ngày đào đất, đắp lộ ban đêm ăn ngủ tại chỗ. Hết toán này tới toán khác thay phiên, còn bị cặp rằn (tức giám thị) đánh đập như súc vật vì muốn công việc mau xong. Một buổi sáng, cậu Hai Miêng đi ngang qua đó, thấy cảnh làm việc quần quật mà còn bị đánh như trâu ngựa. Nổi máu anh hùng, cậu liền thộp ngực một tên cai mã tà (cảnh sát bây giờ) hung ác, đấm đá luôn. Cai Phi, cặp rằn đều bị cậu cho ăn mấy bạt tay, rồi cậu bắt họ đội đất chạy lên chạy xuống như mấy người dân đang bị hành hạ. Ngoài ra cậu còn quất cho họ mấy roi.
    - Tao đánh chúng bây coi tụi bây có đau như dân phu hay không?
    Cũng từ đó, dân phu đào Ao trường đua bớt bị hà hiếp, đánh đập như từ trước đến nay. Đi ngao du tới đâu, cậu Hai Miêng cũng trừng trị bọn cường hào ác bá tới đó. Đối tượng trừng trị của cậu là bọn nhà giàu, điền chủ hống hách, các ông làng, cai tổng chuyên môn bắt nạt dân địa phương. Ngay đến cả Tây, cậu Hai Miêng cũng ương ngạnh, cứng đầu, không khuất phục. Khi hết tiền, cậu ghé dinh tham biện, chủ tỉnh “mượn đỡ” để xài. Nể tình cha cậu, các quan Tây cũng giúp đỡ ít nhiều. Hồi trước ở miền Nam, thấy ai ăn ở tánh nết ngang tàng, ông bà ta thường nói:
    Cậu Hai, cậu chớ có lo,
    Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy xài(3)
    Tôi được nghe một giai thoại chính cụ Nguyễn Văn Vực kể lại: “Có một lần đoàn ghe hầu mấy chiếc của cậu Hai Miêng ngao du tới xứ Bạc Liêu. Lúc đó nhằm mùa khô, nhiều ghe chài đến “ăn lúa” tại nhà các đại điền chủ. Lúc đó, dưới bến sông, trước nhà anh em ông chủ Thời, chủ Vận diễn ra cảnh vác lúa xuống ghe rộn rịp như cái chợ. Ở địa phương này, dân chúng ai cũng ngán hai anh em chủ Thời, chủ Vận. Ông chủ Thời có một cô con gái tên là “Cô Hai Sáng”. Dân chúng khắp trong vùng này không ai dám nói đến chữ “Sáng” như “buổi sáng”, “hồi sáng mai”, mà phải nói lại “buổi sớm”, “sớm mới”... thì đủ biết thế lực hai ông ấy ra sao.
    Khi mấy chiếc ghe hầu của cậu Hai Miêng do thủ hạ chèo đi ngang qua, vô tình ông chủ Thời trông thấy, kêu một đứa bạn (người ở đợ) gần đó, hỏi lòn:
    - Ghe của ai đi dưới sông đó bây?
    Nghe câu hỏi phách lối ấy, cậu Hai Miêng tức giận. Cậu cho ghe ghé lại. Thấy cô Hai Sáng đang đứng chơi dưới bến, cậu Hai Miêng liền cho tay chân bộ hạ bắt cô ta trói lại, và kéo lên cột buồm. Khi biết đó là cậu Hai Miêng, quan tham biện Pháp còn nể, ông chủ Thời xuống nước nhỏ, năn nỉ. Ông thương lượng với cậu Hai Miêng “xin chuộc” cô Hai Sáng bằng một bao cà ròn giấy bạc. Bao cà ròn đơn bằng đệm bàng, đáy rộng, miệng túm, hồi trước thường dựng gạo, dung lượng khoảng 10 lít (hay 1 yến), rất thông dụng ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Lúc đó nhiều Hoa kiều từ miền Hoa Nam nhập cư vào miền Nam, chịu khó buôn bán lẻ. Hàng ngày, họ vác một bao cà ròn trên vai đựng cốm, kẹo, thuốc cảm mạo, kim, chỉ, thuốc hút, bánh in... đi len lỏi vào các miền quê bán dạo. Người dân quê gọi “cái chợ nhỏ lưu động ấy” là “chệt cà ròn” (cà ròn khị). Khi ông chủ Thời năn nỉ xin tha cho cô Hai Sáng, cậu Hai Miêng bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi gia nhân ôm bao cà ròn đầy nhóc giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó, ông chủ Thời, chủ Vận bớt hống hách với dân làng.
    Bình thời, cậu Hai Miêng có tác phong của người bình dân, thân với tá điền, lối xóm quen lạ. Gặp lúc đương đầu với ai, cậu rất hung dữ vì có võ nghệ, dám chấp cả bọn du côn, đàng điếm chuyên ăn hiếp kẻ cô thế. Có lần cậu Hai Miêng xuống điền ông La Bách (Labast) ở Sóc Trăng, trừng trị bọn cặp rằng hà hiếp các nông dân tá điền, dân chúng địa phương còn nhắc tới cậu như một cử chỉ biết ơn.
    Tuy có học bên Tây, nhưng cậu Hai Miêng cũng có ít nhiều tác phong của bọn du côn do ảnh hưởng của Thiên địa hội. Ông Cai tổng Lê Quang Chiều, người Phong Điền, Cần Thơ, là thúc phụ của bác sĩ Lê Văn Hoạch(?), có soạn quyển “Quốc âm Thi Hiệp Tuyển”, trong đó, có bài thơ ca ngợi cậu Hai Miêng:
    Số hệ ai làm hỡi cậu Miêng?
    Ba mươi tám tuổi du huỳnh tuyền. (1857-1895)
    Sao lờ Bến Nghé xiêu người ngó,
    Khói toả Cầu Kho thăm vợ hiền.
    Đúng bực phong lưu trời vội dứt
    Những trang hào kiệt đất không kiêng.
    Cho hay khuất bóng danh còn tạc,
    Nhựt báo đòi nơi đã khắp truyền.
    Huỳnh Công Miêng mất năm 1895, được an táng trong một ngôi mộ lớn ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu). Thơ Cậu Hai Miêng là một trong những tập thơ có sức phổ biến rất mạnh ở Nam Kỳ. Thấy dân chúng hâm mộ con người ngang tàng ấy, người Pháp tìm cách ngăn cấm, nhưng không ngặt nghèo như các bài thơ khích động tinh thần yêu nước khác.
    Nhiều người lớn tuổi vẫn thuộc lòng từng đoạn khác nhau. Quyển “Thơ Cậu Hai Miêng” do tác giả Văn Phước Nguyễn Bá Thời Sáng tác, nhà in Tín Đức Thư xã ấn hành năm 1928, lưu truyền lai rai, mãi đến năm 1954 mới tuyệt bản. Hai vợ chồng Huỳnh Công Tấn chỉ có 3 người con: một trai là Huỳnh Công Miêng, hai gái đều tu theo dòng kín. Thay vì sống cảnh đời trần tục để hưởng phú quý do tài sản của cha để lại, cả 3 người đều tìm một cuộc sống riêng tư. Tuy không phải là con đường phục vụ dân tộc để trả món nợ tội lỗi của cha, nhưng họ cũng không làm điều gì đáng chê trách. Vì lẽ đó, trong dư luận miền Nam có người nói rằng trường hợp Huỳnh Công Tấn “cây đắng sanh trái ngọt” không biết có đúng không?
    Last edited by dang552003; 15-03-2011 at 02:26 AM.

  2. #2

    Mặc định

    Lãnh Binh Tấn (1840[1]-1877) tên thật Huỳnh (hay Hoàng) Văn Tấn, còn được gọi là Huỳnh Tấn, Huỳnh Công Tấn; là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ, Việt Nam.

    Cuộc đờiHuỳnh Văn Tấn, người thôn An Long (Yên luông nhị thôn), huyện Tân Hòa[2] (Gò Công), trước thuộc tỉnh Định Tường, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

    Lúc đầu, Huỳnh Văn Tấn là thuộc hạ của lãnh tụ kháng Pháp Trương Định. Về sau, vì phạm quân kỷ bị chủ tướng phạt nên bực tức và cũng vì gian lao quá, chịu không nổi, Văn Tấn bỏ hàng ngũ sang làm cộng sự cho Pháp.

    Theo sách Cuộc khởi nghĩa Trương Định, thì có lần Tấn ăn hối lộ của một viên cai tổng tại Gò Công, để giúp người này đem gia đình lên Sài Gòn, theo chính phủ mới. Việc vỡ lỡ, Văn Tấn bị Trương Định xử chém, nhưng nhờ có nhiều người can ngăn, nên được tha. Từ đó, ông rấp tâm làm phản. Nhân đi tuần tại miệt Gò Công, Văn Tấn gạt đồng đội trốn sang hạt Tân An, rồi trốn lên Sài Gòn gặp bạn là Trần Hữu Nguôn giới thiệu làm việc cho Pháp.

    Có người lại cho rằng Văn Tấn vốn có thói mê đàn bà con gái, nên bị chủ tướng Định cảnh cáo. Có lần Trương Định tát tai Tấn về việc này, nên Tấn sanh tâm thù oán. Còn tài liệu do P.Vial, Giám Đốc Nội vụ ghi lại trong tập hồ sơ "Lãnh Binh Tấn ngày 31 tháng bảy 1869", thì trong một lần giao chiến Văn Tấn bị Pháp bắt. Để đoái công chuộc tội, Tấn xin cung khai đầy đủ mọi việc quân của Trương Định, và bằng lòng làm cộng sự.[3]

    Sau đó, vào tháng 2 năm 1862, Huỳnh Văn Tấn dẫn quân Pháp tấn công căn cứ nghĩa quân ở Gò Công. Biết được, Trương Định rất tức giân, cho người lên Sài Gòn tìm cách trừ khử Văn Tấn, nhưng không thành công.

    Trong một lần tấn công khác, bị bắn trúng ở đùi, được đưa về Sài Gòn chữa trị, nên Văn Tấn càng dốc lòng muốn diệt Trương Định.

    Ngày 19 tháng 8 năm 1864, biết được Trương Định cùng 25 nghĩa quân từ chiến khu Bình Xuân trở về Kiểng Phước, nơi vùng Đám Lá Tối Trời, Văn Tấn liền cho người đi báo với Pháp xin viện binh, còn mình cùng với một số thuộc hạ, mai phục bên nhà Trương Định ở. Tờ mờ sáng hôm sau (20 tháng 8 năm 1864), quân của Văn Tấn tràn vào, Trương Định cùng các thuộc hạ chống trả quyết liệt. Nhưng một viên đạn của đối phương đã trúng ngay xương sống làm Trương Định không thể chiến đấu được nữa. Ông Định đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), để bảo toàn khí tiết. Trong số 25 nghĩa quân theo phò chủ trướng, chỉ còn mười tám người, tất cả đều bị bắt sống. Nghe Văn Tấn dụ hàng, ai nấy đều mắng chửi Tấn thậm tệ, và Tấn đã ra lệnh bắn chết hết.

    Ngoài công lao vừa kể, Huỳnh Văn Tấn còn giúp Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực, khi vị lãnh tụ này chạy ra đảo Phú Quốc (1868).

    Sau bị người Pháp chán ngán vì lối làm việc luông tuồng, quê mùa, thất nhân tâm, lấn quyền...và ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre đến quan Giám đốc Nội vụ Pháp (directeur de l'intérieur) Pauli Vial.

    Bởi vậy, Quan Giám đốc Nội vụ phẫn nộ, trách mắng, tìm cách đổi Tấn về miền Đông Nam Kỳ, nhưng vào năm 1869, Văn Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt phó đốc binh Bùi Duy Nhứt đang chống Pháp.

    Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an, nên tìm cớ không dùng Văn Tấn nữa. Năm 1877, Huỳnh Văn Tấn lâm bịnh nặng. Người nhà dùng “ghe hầu” (ghe nhà giàu có mui có buồng riêng) lên Chợ Lớn để chạy chữa, nhưng mới được nữa đường thì mất. Đó là ngày 26 tháng 11 năm 1877, hưởng dương 37 tuổi. Sau khi Huỳnh Văn Tấn mất, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng đài ghi công ông tại tỉnh lỵ Gò Công (nay là thị xã Gò Công). Năm 1945, đài ghi công bị đồng bào kéo đến đập phá tan tành...[4]

    Nhận xét
    Theo nhà văn Sơn Nam thì: Huỳnh Văn Tấn là người thất học, không tham vọng lớn, khả năng chỉ có giới hạn; nhưng Văn Tấn vẫn trở nên giàu có nhờ tài tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư của mình. Ngoài ra, khi lãnh trách nhiệm dọ thám cho người Pháp, Văn Tấn biết lợi dụng địa vị này, để bắt hay tha người để trục lợi. Thực dân Pháp xài Văn Tấn, chẳng qua để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới, am hiểu nhân dân và địa thế. Pháp phong cho chức lãnh binh của lính mã tà, tức là chức vụ quân sự cao nhứt trong một tỉnh thời đàng cựu. [5]. Vì vậy, Huỳnh Văn Tấn còn được người đời gọi Lãnh Binh Tấn. Về sau, Pháp không phong chức này cho ai nữa vì ở thuộc địa, quyền chỉ huy quân sự nằm trong tay người Pháp. Sở dĩ lúc ban đầu Pháp phong như vậy, chỉ vì muốn Văn Tấn hăng hái hoạt động.[6]

    Bài Thơ chống Pháp và tay sai của một tác giả khuyết danh, có câu:
    Chó săn có lũ thằng Tường,''
    Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một đoàn...[7]
    Hay tin ông mất, Tôn Thọ Tường là bạn đồng liêu, có hai câu đối viếng:
    Phúc qưới thị thảng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhứt trịch,
    Thinh danh ưng bất hủ, ức dương công luận phú thiên thu.
    Tạm dịch:
    Giàu sang ấy thoáng qua, lừng lẫy hùng tâm khinh một ném,
    Tiếng tăm đành chẳng mục, chê khen công luận phú ngàn năm.
    Thông tin thêm
    Trên mười lăm năm tiếp tay cho Pháp, Văn Tấn gầy được một sản nghiệp to lớn về ruộng đất để lại cho các con, hai trai ba gái. Một gái chết nhỏ, hai gái đi tu theo Nhà Dòng, con trai lớn được người đời gọi là cậu Hai Miêng. Văn Tấn mất, Pháp cho làm tang lễ trọng thể. Và có lẽ vì sợ những người căm hận Văn Tấn, nên gia đình bí mật chôn ông vào một trong năm cái huyệt và xây năm mộ giống nhau ở Yên Luông! Vợ Văn Tấn, được dân gọi là Bà lớn, người hiền thục, lập một ngôi chùa thờ Quan Thánh, gọi là chùa Ông, trong có bài vị thờ Văn Tấn. Năm 1987, bài vị vẫn còn. Ngôi chùa nay là nhà trẻ Sơn ca. Để ghi nhận công lao Văn Tấn, Pháp cho lập tháp và khắc bia. Tháng 10 năm 1945, nhân dân kéo đến phá tan tháp.[8]
    Con trai Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng, du học bên Pháp, về xứ lúc đầu theo Phủ Trần Bá Lộc, đánh với phe "Văn Thân" ngoài Thuận Khánh, do Mai Xuân Thưởng dẫn đầu. Sau này nghĩ sao không rõ mà không nhận chức gì, chỉ ngao du ăn xài theo bực công tử. Đi khắp Lục Tỉnh, đi đến đâu, ưa đánh lộn bênh vực người mắc nạn, hết tiền vô quan Tây "mượn xài". Quan nể tình cũ ông cha, hằng trợ giúp và dầu phạm pháp cũng không bắt tội. Khi chết được đời nhắc tên trong "vè Cậu Hai Miêng" với danh từ ngộ nghĩnh là "lưu linh miễn tử".

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. cậu Nghĩa bên thủy nguyên,hải phòng
    By subin in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 18-04-2011, 09:50 AM
  2. Cậu bé trở vê từ thiên đường sau cái chết (đưa tin ngày 7/3/2011 trên thời sự vtc14)
    By blackcatpro9x in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-03-2011, 10:50 AM
  3. Linh Hồn Không Có
    By phimanh in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 38
    Bài mới gởi: 14-02-2011, 11:38 AM
  4. Bà chủ quán nhìn thấy ma nữ canh xe cho hai người! (tiếp)
    By Hoadạhương in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 18
    Bài mới gởi: 27-01-2011, 09:36 PM
  5. Chuyện hai gia tộc kỳ lạ
    By Bin571 in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 21-01-2011, 02:16 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •