kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”

    Dưới vỏ bọc ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân, liên tục từ năm 1991 đến tháng 5-1996, Khánh “trắng” và đàn em đã gây ra nhiều vụ giết người, hiếp dâm, cướp, trốn thuế... Phần lớn các vụ này, Khánh “trắng” giữ vai trò chỉ đạo, đồng thời là kẻ thực hiện tội phạm một cách tích cực nhất. Khánh “trắng” dùng tiền để tạo mối quan hệ khá thân với một số đơn vị, cá nhân để hợp pháp hóa tội ác của mình. Ngày 13-10-1998, bản án tử hình Dương Văn Khánh đã được thi hành tại trường bắn Cầu Ngà. Đã hơn mười năm kể từ ngày “tập đoàn” tội phạm này bị xóa số nhưng tính thời sự của vụ án vẫn còn nguyên.

    Kỳ 1: Một "tập đoàn" có... thương hiệu

    Đồng Xuân - chợ đầu mối sầm uất nhất Hà Nội, nơi nuôi sống hàng ngàn tiểu thương. Việc buôn bán đang suôn sẻ thì Khánh “trắng” cùng đám đàn em xuất hiện. Kể từ đó, tiểu thương bị chèn ép đủ bề, họ không được phép vận chuyển chính hàng của mình vào chợ mà phải thuê quân của Khánh “trắng” với giá trên trời. Ai muốn bán hàng phải làm đơn “xin phép” Khánh. Ngang ngược hơn, Khánh còn cho đám đàn em bắt, thu tiền phạt của những ai vi phạm Nghị định 36CP của Chính phủ!

    Làm trùm một cõi

    Bố của Khánh có ba bà vợ, mẹ Khánh cũng có ba ông chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh mang ba dòng họ khác nhau. Theo tự khai của Khánh thì bên họ Dương – Khánh có 11 anh chị em cùng bố khác mẹ, Khánh là con út. Anh em cùng mẹ khác cha thì Khánh có tám anh em, y là con đầu. Anh em cùng bố với Khánh đều là những trí thức, làm ăn tử tế. Khi bố Khánh còn sống, dòng họ Dương không thừa nhận y là con trong gia đình. Từ nhỏ, Khánh sống với mẹ và các em cùng mẹ khác cha tại 26B Kim Mã, gia đình khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp của nhà nước. Khánh có bốn anh em trai cùng mẹ thì ba trong số đó nhiều lần bị bắt, tập trung cải tạo về các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích... Khánh học hết lớp 5 thì bỏ học, năm 1975 đi làm công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng được tám tháng thì bỏ việc. Cái tên Khánh “trắng” đơn giản chỉ bắt nguồn từ nước da quanh năm suốt tháng trắng bủng của y và sau này, trong giới giang hồ, cái tên ấy đi kèm với một loạt những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ. Giang hồ đất Bắc mỗi lần nhắc đến Khánh “trắng” đều ngán ngại.

    Sau nhiều lần ra tù vào khám với năm tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xe xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê. Không chỉ liều mạng, đám giang hồ Hà Nội lúc ấy còn biết đến Khánh “trắng” như một tay dao búa thông minh, có tài chỉ huy và đầy tham vọng. Khánh chiêu nạp được một đám đàn em “mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự” như Sơn “lùn”, Đức “chính ủy”, Thành “xăm”, Triệu “con”; Nguyễn Quang Vinh... Ngày 17-7-1991, Khánh làm đơn xin thành lập đội dịch vụ bốc xếp tự quản, số thành viên ban đầu là 140 người, với 50 chiếc xích lô.

    Ban đầu, đội dịch vụ bốc xếp này làm ăn khá tử tế, đã từng có ý kiến của lãnh đạo chính quyền sở tại khi ấy rằng, cần phải nhân rộng mô hình tự quản này. Số người xin gia nhập tổ tự quản ngày càng tăng. Đến khi thấy chợ Đồng Xuân vẫn là mảnh đất quá bé để làm ăn, Khánh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra khu vực chợ Bắc Qua và các khu vực khác. Với bản chất lưu manh, lại nắm trong tay khá đông thành phần bất hảo nên tiếng tăm của băng nhóm Khánh “trắng” nổi như cồn, làm cho các băng nhóm khác trên địa bàn Hà Nội, thậm chí ở Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cũng phải e dè, kiêng mặt. Đến năm 1996, Dương Văn Khánh chính thức trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân. Khi ấy quân số của nghiệp đoàn bốc xếp đã lên khoảng 500 người. Tiểu thương chợ Đồng Xuân và các chợ lân cận thường thấy hình ảnh một ông chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp đi xe jeep cùng với vài tên vệ sĩ mặt mày bặm trợn lượn vè vè quanh khu vực chợ Đồng Xuân để thị sát. Khánh “trắng” còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng, lề đường, thu lệ phí của những người ở tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên. Khánh cũng đưa ra luật: không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay bé. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em cũng đều phải nộp lại cho y. Hằng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó (hầu hết là đám giang hồ cộm cán) phải làm báo cáo cho Khánh thì các “tay trong” do Khánh cài cắm cũng gửi báo cáo bí mật cho y.

    Chợ Đồng Xuân - nơi Khánh “trắng” làm mưa làm gió

    Tiểu thương nào không chịu cho quân của Khánh “trắng” bốc hàng, y như rằng bị đám tay chân của hắn cà khịa, hành hung. Chính Khánh “trắng” sau này đã thừa nhận, đội quân của mình “vác” thì ít mà “bốc” thì nhiều. Vừa vác hàng chúng vừa tổ chức lấy cắp, thậm chí cướp ngay trước mặt chủ hàng mà không ai dám ho he. Những năm đó, tiểu thương chợ Đồng Xuân bị băng nhóm của hắn o ép đủ đường, ai muốn làm ăn yên ổn thì phải ngoan ngoãn tạo điều kiện cho chúng “làm việc”. Anh Tân ở phố Hàng Cót, có vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Một hôm hàng về, anh Tân tự bốc dỡ giúp vợ. Không ngờ đàn em của Khánh “trắng” ra đòi vợ anh phải thuê chúng bốc vác. Anh Tân không đồng ý nên xảy ra cãi vã. Sáng hôm sau, có kẻ lạ mặt đến trước nhà gọi anh ra. Khi anh vừa xuất hiện trước cửa thì bị kẻ lạ mặt đâm chết. Kẻ thủ ác đã không được tìm ra nhưng sau vụ ấy, bà con tiểu thương xanh mặt khi thấy đội quân của Khánh xuất hiện đòi bốc vác thuê. Không ai bảo ai, họ nem nép bỏ tiền ra thuê bốc vác, dù trong lòng căm hận Khánh “trắng” và đám đàn em của hắn đến tận cùng.

    Tiếng tăm Khánh “trắng” được bà con truyền tai nhau kiểu như: Khánh quan hệ với nhiều quan chức, xe lam của Khánh chở hàng được CSGT cho tha hồ chạy, nếu chẳng may bị tuýt còi thì chỉ cần nói “hàng của anh Khánh” là lại ung dung đi tiếp. Có lần công an vây bắt đàn em trong một vụ gây rối, Khánh điềm nhiên nói: “Tao cho chúng mày về vườn hết!”. Điều đó cũng lý giải vì sao cho tới khi được Công an TP. Hà Nội và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức mời tới trụ sở để cung cấp thông tin cũng như tố cáo hành vi phạm tội của băng Khánh “trắng”, nhiều nạn nhân vẫn lắc đầu quầy quậy. Họ sợ bị trả thù, và còn có một nỗi lo sợ mơ hồ rằng: “Công an không làm gì nổi Khánh “trắng””. Công an đã “gãy lưỡi” thuyết phục, có nạn nhân mới mạnh dạn bày tỏ: “Băng Khánh “trắng” không khác gì các băng đảng mafia ở nước ngoài. Chúng tổ chức cướp hàng mấy tiếng đồng hồ giữa ban ngày ngay gần trụ sở chính quyền mà có sao đâu”. Cho đến khi xảy ra vụ hắn giết chết anh Đạt, Khánh “trắng” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì hắn đã khẳng định được “thương hiệu” của mình tại chợ Đồng Xuân. Cũng từ đó, hắn thẳng tay bóc lột mọi người. Các hàng quán từ lớn tới bé đều phải nộp tiền bảo kê hàng ngày cho hắn. Khánh và đàn em thích vay của ai bao nhiêu, trả khi nào, cho bao nhiêu lãi, là quyền của hắn. Tiểu thương nào không chịu, lập tức bị quấy phá. Thỉnh thoảng Khánh còn bày trò sắp xếp lại chỗ ngồi, ai muốn có chỗ tốt hơn thì phải chi tiền. Theo tính toán sơ sơ thì từ năm 1993 cho tới khi bị bắt, mỗi tháng Khánh thu không dưới 100 triệu đồng cho riêng mình.

    Vào vòng ngắm

    Chuyên án triệt phá băng xã hội đen Khánh “trắng” không phải được bắt đầu từ ngày 25-6-1996, ngày hắn tổ chức cướp ở nhà hàng, khách sạn 71D-E Kim Mã, do anh Vũ Thanh Mạnh làm chủ, mà trước đó, từ năm 1992, băng nhóm tội phạm này đã nằm trong vòng ngắm của đơn vị Chống tội phạm có tổ chức thuộc Cục CSHS - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Công an Hà Nội. Ngày ấy, Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng CSHS, Công an Hà Nội đã thu thập khá đầy đủ tài liệu về Khánh “trắng”. Cục CSHS đã tung những trinh sát dày dạn kinh nghiệm để nghiên cứu những vụ việc có liên quan đến Khánh.

    Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - người chỉ huy bắt Khánh “trắng”

    Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, nguyên Phó trưởng phòng 3, Cục CSHS - Bộ Công an, một người gắn liền với những chuyên án lớn như triệt phá băng tội phạm Phạm Chí Tin ở Khánh Hòa, bắt Năm Cam năm 1995... Chuyện bắt Năm Cam của đại tá Ngọc vẫn được nhiều người nhắc đến như một kinh điển trong việc bắt tội phạm truy nã. Năm 1995, cơ quan Công an quyết định bắt Nam Cam đưa đi cải tạo lao động. Thấy động, Năm Cam chuồn êm khiến công an mất rất nhiều công sức mà không lần ra nơi Năm Cam ẩn náu. Dước mác “đặc phái viên của Chính phủ”, anh Ngọc lang thang khắp các chốn ăn chơi để “móc nối” với đám đàn em của Năm Cam. Thấy ông công an ăn nói bất cần đời, ăn mặc bụi bặm, đàn em Năm Cam đoán ông này chắc là mất chất, có thể mua được. Anh Ngọc giả bộ chơi bài ngửa: “Chúng mày muốn cứu anh Năm thì đưa đến gặp tao”. Ngay ngày hôm sau, đám đàn em đưa Năm Cam đến khách sạn đối diện với trụ sở cơ quan CSĐT, Bộ Công an ở TPHCM để gặp “đặc phái viên của Chính phủ”. Nhìn tấm ảnh chân dung Năm Cam đã ố, không thể nhận diện một cách chính xác, đại tá Ngọc nghĩ ra một kế và nói: Chú Cam có nhiều tội lắm, bây giờ cứ viết một bản tường trình để tôi xem có cách nào cứu được không. Thế là Năm Cam viết tường trình ngay. Trong bản tường trình, Năm Cam lại quên không khai tên một cô con gái. Để cho chắc đó chính là Năm Cam, đại tá Ngọc hỏi: “Sao lại khai thiếu thế này?”. Năm Cam đọc lại và xác nhận: “Đúng là còn đứa nữa mà em quên”. Vậy là đúng Năm Cam rồi, đại tá Ngọc bảo mấy tên đàn em Năm Cam: về chuẩn bị tiệc rượu trước đi, cả đám răm rắp làm theo. Chỉ còn hai người trong phòng, đại tá Ngọc mới đưa cho Năm Cam chiếc còng số tám và bảo: “Chú gây nhiều tội, hôm nay anh phải bắt chú, tự khóa tay vào đi!”. Sau khi bắt Năm Cam, đại tá Ngọc trở ra Hà Nội cùng đồng đội triển khai kế hoạch phá băng Khánh “trắng”. Khi ấy, tin tức mà lực lượng Công an nắm được liên quan đến Khánh “trắng” và tập đoàn tội ác của hắn thông qua ba nguồn chính: một là, bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên và các vùng lân cận rất sợ Khánh “trắng”; hai là, một số cán bộ, viên chức Nhà nước có việc liên quan cần giải quyết cũng e dè băng tội phạm này; ba là, một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu liên quan tới Khánh “trắng” đã bị chìm xuồng. Cần phải dựng một cách rõ nét nhất bộ mặt thật của Khánh “trắng” và đàn em để tìm ra điểm nút phá án. Thực tế, tầm của Khánh “trắng” không bằng Năm Cam, nhưng Khánh nguy hiểm hơn ở chỗ, lợi dụng cơ chế chính sách để phạm tội gần như công khai. Trên mười hồ sơ vụ án có liên quan đến băng xã hội đen do Dương Văn Khánh cầm đầu đã được đặt lên bàn làm việc của những đồng chí lãnh đạo trong lực lượng công an. Điển hình như vụ giết chết anh Đạt ở Hàng Chiếu; vụ Dương Tử Anh (người tình của Phúc “bồ”) bị đâm mù một mắt ở chợ Long Biên; vụ hiếp dâm ở nhà nghỉ Hiệp Thành (Gia Lâm); vụ đưa 30 đầu gấu vào TP. Hồ Chí Minh để gây thanh thế với băng Trương Văn Cam và hàng loạt vụ bắn giết khác trên địa bàn Hà Nội. Với quyết tâm của lực lượng công an, giờ phút trả giá của Khánh “trắng” và đồng bọn đang đến thật gần.
    Kỳ 2: Hốt trọn ổ

    Sau khi vô hiệu hóa một tên đàn em của Khánh ngoài cửa, các chiến sĩ đã đồng loạt xông vào tóm gọn Khánh. Người nhà Khánh vẫn nói cứng với các điều tra viên: “Dăm bữa nửa tháng là về ấy mà”...
    Vụ cướp giữa ban ngày

    Điểm đột phá mà lực lượng công an chọn để mở màn cho chuyên án là vụ cướp ở 71D-E Kim Mã. Dương Văn Khánh quen biết anh Vũ Thanh Mạnh, trú tại 71D-E Kim Mã, Ba Đình. Anh Mạnh kinh doanh vũ trường và karaoke. Năm 1994, anh Mạnh vay của Dương Văn Đích 400 triệu đồng, giữa năm 1995 vay của Khánh “trắng” 105 triệu đồng, đầu năm 1996 vay của Trần Văn Minh (em ruột cùng mẹ khác cha với Khánh) 10 triệu đồng và một số người khác nữa. Hàng tháng, anh Mạnh vẫn trả một phần tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ nên ngày 4-5-1996, anh Mạnh đã mời các chủ nợ đến bàn cách trả nợ và xin khất nợ, cuộc họp này có cả Khánh “trắng”. Chính Khánh là người đứng ra yêu cầu các chủ nợ cho anh Mạnh thời hạn đến ngày 30-8-1996 mới phải trả một số tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tối 21-5-1996, Khánh lấy lý do anh Mạnh không chịu trả nợ, lại đem tài sản đi tẩu tán nên đã cử hai tên đàn em thân tín nhất là Nguyễn Quang Vinh và Tạ Văn Ninh lên 71D-E Kim Mã để thị sát trước. Rạng ngày 22-5-1996, Khánh “trắng” ra chợ Long Biên điều động hơn chục tên đàn em trong tổ kiểm tra trật tự, sử dụng ba xe ôtô vận tải và xe máy lên Kim Mã để “xiết nợ” nhà anh Mạnh.

    Bọn đàn em của Khánh đến nhà anh Mạnh nhưng anh này không có nhà, chúng tự động vào quầy bar của quán karaoke lấy bia ra uống. Khi anh Mạnh đi ăn sáng về, chúng điện báo cho Khánh “trắng” đang chờ ở nhà để Khánh xuống ngay Kim Mã trực tiếp chỉ huy cướp phá. Anh Mạnh trình bày hoàn cảnh với Khánh “trắng” để xin khất nợ nhưng y không nghe, tuyên bố thu dọn toàn bộ tài sản. Thấy có nhiều đồ đạc, tài sản, Khánh điện thoại về chợ Đồng Xuân điều thêm 20 quân và một xe ôtô tải lên Kim Mã tiếp tục tháo dỡ, khuân vác, vận chuyển về chợ Đồng Xuân, nhà riêng của Khánh ở 31/10 Nguyễn Thiệp, hội trường chợ Long Biên và nhà em rể.
    Sau khi tháo dỡ đồ đạc ở 71D Kim Mã, Khánh cho quân tiếp tục cướp phá tài sản ở khách sạn Hướng Dương 71E Kim Mã, chủ sở hữu là anh Vũ Hoàng Hiệp và anh Phạm Hải Long. Mặc dù cả ba anh Mạnh, Hiệp, Long đều trình bày, tài sản của khách sạn Hướng Dương không có liên quan gì đến anh Mạnh, nhưng Khánh và đồng bọn không nghe. Chúng ép nhân viên và các anh Hiệp, Long phải ngồi yên một chỗ, không được ra ngoài. Toàn bộ tài sản, đồ đạc, phương tiện trong hai căn nhà 71D và 71E Kim Mã bị chúng đục phá thu dọn hết. Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 13 giờ 30, Khánh đã huy động gần 40 tên đàn em, bốn xe ôtô tải để cướp phá tài sản của những người nói trên.

    Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi băng nhóm Khánh “trắng” đã lấy xong toàn bộ tài sản, Công an phường Kim Mã mới cử cán bộ xuống mời anh Mạnh cùng Khánh và các chủ nợ khác lên làm việc. Tại trụ sở công an, Khánh đã ép anh Mạnh phải ký biên bản thỏa thuận tự nguyện để Khánh và đồng bọn lấy đồ trừ nợ. Vụ việc này, Công an phường Kim Mã đã lập biên bản để các bên... tự giải quyết sau khi việc đã xảy ra!

    Sáng 24-5-1996, Dương Văn Khánh, Đoàn Ngọc Anh, Trần Văn Minh biết cơ quan công an (Đội CSHS đặc nhiệm Công an Hà Nội) xác minh sự việc nên đã hẹn anh Mạnh đến xưởng sửa chữa ôtô Dân Chủ của Dương Văn Đích, bắt viết giấy biên nhận nợ Trần Văn Minh 250 triệu, không còn nợ Khánh, Ngọc Anh, Dũng, Đích nữa và trả lại toàn bộ tài sản cho các anh Hiệp, Mạnh, Long.

    Đánh rắn dập đầu

    Ngay sau khi sự việc xảy ra, một cuộc họp khẩn đã được triệu tập với thành phần gồm cơ quan CSĐT Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an Hà Nội. Cuộc họp đánh giá những chứng cứ đã thu thập được để đưa ra kết luận: Khánh “trắng” và đồng bọn có phạm tội cướp hay không. Các thành viên tham gia đều thống nhất hành vi của Khánh “trắng” và đồng bọn là cướp tài sản. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các cán bộ chỉ huy hạ quyết tâm: đánh rắn phải đánh dập đầu, phải bắt giam ngay Khánh “trắng”, từ đấy đánh quật trở lại những vụ do chúng đã gây ra. Mục tiêu là phải tóm gọn, không để tên nào chạy thoát. Đây có thể coi là một cuộc họp đặc biệt, vì sau khi đã thống nhất ý kiến, các thành viên tham gia họp ở yên tại chỗ, lệnh bắt Khánh “trắng” được ký ngay tại cuộc họp.

    Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm của Công an Hà Nội, Bộ Nội vụ được triệu tập ngay nhưng không ai biết nhiệm vụ cụ thể là gì. Nhiều mũi công tác được lệnh xuất kích cùng lúc, mục tiêu là bắt tất cả những đối tượng liên quan. Một tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chỉ huy đến thẳng nhà Khánh “trắng” ở 31/10 Nguyễn Thiệp, Hà Nội. Tuy nhiên, khi cuộc họp đặc biệt còn chưa kết thúc, đại tá Ngọc đã nghĩ ra một kế rất đơn giản nhưng hiệu quả, đó là tung tin bắt Khánh “trắng” với một số đối tượng có thâm thù với Khánh nhưng vẫn đảm bảo bí mật. Đám giang hồ nghe Khánh “trắng” sắp bị bắt thì mừng lắm, chúng kéo nhau đến phố Nguyễn Thiệp để chứng kiến ngày mà kẻ thù không đội trời chung phải trả giá. Thấy đám giang hồ tụ tập rất đông gần nhà mình, Khánh “trắng” cứ nghĩ chúng đến để tính sổ với mình. Vì đã từng bị đối thủ tạt cả ca axít vào mặt nên Khánh “trắng” rất cảnh giác. Hắn huy động gần 20 đàn em trung thành và liều mạng nhất đến nhà mình để bảo vệ. Vậy là cơ quan công an không cần tốn quá nhiều công mà vẫn gom được hết đám “đầu lĩnh” của băng giang hồ này. Khi đại tá Ngọc bước vào cửa nhà Khánh, Hùng “Thanh Hóa” - một đệ tử thân tín của Khánh đứng ra chặn lại nhưng bị hạ ngay lập tức. Đã biết tiếng Ngọc “điếu” (đám giang hồ thường gọi đại tá Nguyễn Hữu Ngọc là Ngọc “điếu”), Khánh “trắng” và đám đàn em ngồi im re, ngoan ngoãn tra tay vào còng.
    Đây là một thắng lợi lớn và được coi là một kỷ lục trong phá án. Hai mươi điều tra viên, ba mươi trinh sát chỉ trong một thời gian ngắn đã nghiên cứu và thu thập trên 4.000 trang hồ sơ về Khánh “trắng” và đàn em. Trước đó, một tổ công tác đặc biệt gồm bốn người đã nằm gần sáu tháng trời tại khu vực chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để ghi nhận các hoạt động của tay chân Khánh “trắng”.

    Tuy nhiên, làm rõ các hành vi phạm tội khác của Khánh “trắng” là không đơn giản, vì nghiên cứu những vụ án mà Khánh “trắng” và đồng bọn đã gây ra, lãnh đạo Cục CSHS và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức nhận thấy, những vụ này xảy ra đã lâu, nhiều vụ đã được Công an Hà Nội điều tra, nhưng đã đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, có vụ đã xử và đã thi hành án xong. Vì thế, việc phục hồi điều tra những vụ này là một việc vô cùng khó khăn phức tạp. Đó là chưa kể tới các yếu tố khác chi phối việc điều tra của công an...
    Một trong những vụ án gây bức xúc dư luận chính là vụ giết anh Đạt ở 44 Hàng Chiếu, Hà Nội. Khi lật lại hồ sơ vụ án này, lực lượng điều tra lại vấp phải một trở ngại lớn, đó là nhân chứng có rất nhiều nhưng ít người dám hợp tác với cơ quan điều tra.

    Bị cảnh cáo sau khi... giết người!

    Do va chạm, xích mích giữa anh Nguyễn Đức Thắng (tức Đạt) - một người buôn bán mũ cối ở chợ Đồng Xuân với Trần Đại Dương - đội viên tổ trật tự - tự quản chợ Đồng Xuân (do Khánh làm đội trưởng), trưa 24-3-1991, Đạt dùng dao chém vào vai Dương nhưng không gây thương tích rồi bỏ chạy ra khỏi khu vực chợ Đồng Xuân. Dương đuổi theo nhưng không bắt được vì bị một số người buôn mũ cối trong đó có anh Nguyễn Văn Hưng là anh trai của Đạt can ngăn. Dương tức tối đi tìm Khánh “trắng” để báo lại sự việc. Cho rằng anh em nhà anh Đạt dám qua mặt mình, Khánh lệnh cho Trần Đại Dương, Phạm Gia Chiến, Vũ Quốc Dũng, Tống Văn Thắng cùng Khánh đi tìm bắt anh Đạt để đưa về công an phường giải quyết. Đến khu vực trước cửa số nhà 44 phố Hàng Chiếu, bọn chúng không tìm thấy anh Đạt nhưng phát hiện anh Hưng là anh trai của anh Đạt đang ngồi uống nước. Khánh “trắng” hô cả bọn đàn em đánh, bắt anh Hưng đưa về Công an phường Đồng Xuân nhưng anh Hưng chống cự và bỏ chạy được. Trong khi cả bọn đang đánh anh Hưng thì anh Đạt chạy qua hàng bán thịt bò của một người lấy con dao thái thịt rồi chạy lại đâm Chiến bị thương vào cổ, đâm Dũng bị thương vào bụng, đầu gối. Dũng cướp được dao của Đạt và cả bọn xông vào đánh Đạt gục tại chỗ. Khánh “trắng” cầm con dao của anh Đạt, ra lệnh cho đàn em khiêng Đạt lên xích lô chở về Công an phường Đồng Xuân và đưa những tên bị anh Đạt đâm đi bệnh viện. Khi đến Công an phường Đồng Xuân thì anh Đạt đã chết.
    Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án giết người, khởi tố và bắt giam Vũ Quốc Dũng, Trần Đại Dương về tội giết người. Ngày 28-4-1991, vụ án được chuyển lên Phòng CSĐT Công an TP. Hà Nội thụ lý. Phòng CSĐT Công an TP. Hà Nội đã kết luận vụ án: Vũ Quốc Dũng phạm tội giết người; Trần Đại Dương phạm tội gây rối TTCC (đã thay đổi tội danh) và chuyển hồ sơ sang VKSND TP. Hà Nội đề nghị truy tố. Khánh “trắng”, Thắng, Chiến được quyết định cảnh cáo về hành vi gây rối trật tự công cộng. Sau đó không hiểu vì lý do gì, VKSND TP. Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra bị can Trần Đại Dương với lý do Dương đang làm nhiệm vụ và thay đổi tội danh của Dũng từ tội giết người sang tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đã tuyên phạt Vũ Quốc Dũng một năm tù giam. Cho đến ngày cơ quan công an phục hồi điều tra vụ án thì Dũng đã chấp hành xong bản án được vài năm.

    Đấu trí

    Kết quả xét xử của cả hai phiên tòa đã làm cho gia đình nạn nhân phẫn nộ. Gia đình anh Đạt đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng tố cáo chính Khánh “trắng” mới là thủ phạm giết chết anh Đạt, chứ không phải Vũ Quốc Dũng. Khi ấy dư luận nhân dân khu vực Hàng Chiếu - Đồng Xuân thắc mắc, nghi ngờ ở các cơ quan pháp luật, nhưng vì ai cũng sợ uy danh của Khánh “trắng”, sợ bị trả thù nên không dám tố cáo. Tuy nhiên, những thắc mắc, khiếu nại của gia đình người bị hại không được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo.

    Cho đến khi Khánh bị bắt trong vụ cướp ở 71D-E Kim Mã, Ban chuyên án tiếp tục nhận được đơn tố cáo của gia đình người bị hại. Lần theo những trang hồ sơ cũ đã bị khép lại, cùng với những tin tức, dư luận trong nhân dân, Ban chuyên án đã thu thập được những chứng cứ mới khẳng định: chính Dương Văn Khánh mới là thủ phạm đâm chết anh Đạt trên xích lô trên đường chở nạn nhân từ Hàng Chiếu về Công an phường Đồng Xuân, sau đó bố trí cho Vũ Quốc Dũng nhận tội thay và Dũng chỉ bị phạt một năm tù. Ban chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ, kiến nghị Viện trưởng VKSNDTC. Ngay sau đó, Viện trưởng VKSNDTC đã ra quyết định kháng nghị tái thẩm bản án phúc thẩm số 921 ngày 13-7-1992 của Tòa án nhân dân tối cao. Ngày 28-9-1996, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử tái thẩm vụ án, ra quyết định hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên để điều tra lại.

    Những chứng cứ khoa học - bản kết luận giám định pháp y, thực nghiệm điều tra với lời khai của các bị can, lời khai của các nhân chứng trực tiếp và gián tiếp, đã có đủ chứng cứ để kết luận: Sau khi anh Đạt bị Dũng tước dao, Dũng chỉ cầm dao khua lung tung về phía trước nhưng không trúng. Đạt chỉ bị đánh, không hề bị đâm ở khu vực 44 Hàng Chiếu. Chỉ sau khi bị khiêng lên xe xích lô, Đạt bị khóa chân và chính Khánh “trắng” đã sử dụng con dao lấy được từ Vũ Quốc Dũng đâm anh Đạt trên xe xích lô trên đường đưa Đạt đến Công an phường Đồng Xuân, dẫn đến cái chết của nạn nhân. Sau đó, Khánh ngang nhiên đến Công an phường Đồng Xuân nộp con dao gây án rồi đi cửa sau công an phường về nhà.
    Tối 24-3-1991, Khánh triệu tập bọn đàn em tham gia đánh nhau đến nhà mẹ đẻ ở phố Tôn Đức Thắng đe dọa, khống chế buộc chúng phải đổ tội cho Vũ Quốc Dũng cướp được dao của Đạt, đâm chết Đạt ở 44 Hàng Chiếu. Khánh động viên Vũ Quốc Dũng nhận tội thay mình. Khánh nghĩ, mọi toan tính của mình sẽ qua mắt được cơ quan công an, vụ án đã khép lại sau mấy năm, tội ác của hắn coi như được xóa. Đến khi bị hỏi lại từng chi tiết, hắn toát mồ hôi hột, mơ hồ cảm nhận một kết cục rất xấu đang chờ đợi mình. Tuy nhiên, để Khánh “trắng” phải nhận tội là một quá trình đấu tranh bằng trí tuệ của lực lượng công an.

    Để tránh những rắc rối, lộ bí mật điều tra, chỉ duy nhất một điều tra viên là Phạm Văn Tám, nay là thượng tá - Trưởng phòng 9 Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an được giao nhiệm vụ hỏi cung Khánh.

    Không hổ danh là một ông trùm thế giới ngầm, những ngày trong trại tạm giam, Khánh khá bình thản, ăn nói lễ phép. Một trong những nguyên nhân khiến Khánh bình tĩnh là hắn cứ nghĩ mình bị bắt chỉ vì vụ cướp trên phố Kim Mã, còn những vụ án trước đã khép hồ sơ, không ai lục lại làm gì. Khánh “trắng” có một đặc điểm không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện mà thường nhìn xuống chân. Thỉnh thoảng y mới liếc trộm bằng ánh mắt sắc như dao đầy gian xảo. Gần một tháng đầu, Khánh khai rất trơn tru nhưng đều là những gì đã rõ như ban ngày, còn những việc khác, y không hé ra dù chỉ một câu. Những câu trả lời của Khánh được tính toán rất kỹ lưỡng và gần như không có sơ hở. Chỉ sau ít buổi làm việc, anh Tám đã nắm ngay được những diễn biến tâm lý của Khánh. Da Khánh rất trắng nên mỗi khi phải trả lời câu hỏi khó liên quan đến những vụ việc nghiêm trọng, mặt y thoáng biến sắc. Lúc nào Khánh bực tức, cái sẹo - hậu quả của vụ tạt axít lại đỏ rực lên. Tuy nhiên, phải thừa nhận Khánh rất giỏi trong việc tiết chế cảm xúc.

    Với cái đầu nhạy cảm, sau khoảng một tháng bị bắt giam, Khánh “trắng” hiểu ngay rằng, mục đích bắt hắn của cơ quan công an không phải là vụ cướp ở 71D-E Kim Mã, mà chính là một loạt những vụ án nghiêm trọng trong đó có vụ giết anh Đạt ở 44 Hàng Chiếu.

    Một lần điều tra viên Phạm Văn Tám bất ngờ hỏi Khánh về cái chết của anh Đạt. Tuy hơi giật mình nhưng Khánh ngay lập tức trở về trạng trái bình thường, trả lời như một cái máy: “Vụ đó tôi biết, Vũ Quốc Dũng giết Đạt mũ cối”. Có lần điều tra viên hỏi: “Lúc đưa anh Đạt lên xích lô, anh Đạt có giãy giụa chửi bới không?”, Khánh “trắng” buộc phải thừa nhận là có, vì trên thực tế, y và đàn em phải xích chân anh Đạt lại. Lần khác, điều tra viên lại hỏi: “Ai là người nộp con dao cho Công an phường Đồng Xuân?”, Khánh cũng buộc phải nhận là mình nộp vì điều đó đã thể hiện trong biên bản. Điều tra viên hỏi tiếp: “Từ phố Hàng Chiếu về Công an phường Đồng Xuân, có ai cầm con dao ngoài anh không?”, thì Khánh ấp úng không trả lời được.

    Khi vụ án giết anh Đạt được phục hồi điều tra thì những đối tượng có mặt tại hiện trường, kể cả Vũ Quốc Dũng cũng được triệu tập. Bản thân không giết anh Đạt nên Dũng khai lung tung. Trước đó, trong phiên tòa xét xử, Dũng được Khánh “trắng” hướng dẫn cách khai nên có vẻ rất lôgíc, nhưng vài năm sau, khi bị hỏi lại thì Dũng quên tịt những lời khai trước. Đối chiếu với những lời khai của Dũng với những vết thương trên người anh Đạt thì Viện Khoa học hình sự khẳng định, nếu đứng đối diện không thể gây ra những vết thương này. Nhiều khả năng, người gây ra cái chết cho anh Đạt thuận tay trái. Và để xác định Khánh “trắng” thuận tay nào, một lần điều tra viên vào hỏi cung hắn, anh không “mời thuốc” Khánh giống như những lần trước mà lần này, anh ném cho Khánh điếu thuốc từ ngoài cửa. Theo phản xạ, hắn giơ tay trái ra bắt lấy. Thoáng thấy nụ cười của điều tra viên, Khánh vã mồ hôi, lắp bắp: “Em chịu cán bộ rồi”.

  2. #2

    Mặc định Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”

    Kỳ 4: Cậy thế làm càn

    Không hiểu sao, Khánh thương Thắng “trố” vô cùng, dù thằng em này không ít lần gây phiền toái cho y. Thắng mê cờ bạc, lấy tiền của Khánh bao gái, thậm chí gây ra vụ giết người trong trại tạm giam, vậy mà Khánh vẫn thương và cho tiền ăn chơi trác táng, thậm chí còn che giấu, can thiệp để Thắng “trố” thoát tội trong vụ giết người ở buồng giam 15A Trại tạm giam Công an Hà Nội. Cho đến khi vụ án này được phục hồi điều tra, dư luận mới biết tới một sự thật đau lòng: hồ sơ vụ án đã bị điều tra viên làm sai lệch ngay từ đầu.

    Quen cũng giết

    Buồng giam 15A thuộc dãy 11 - 15 Trại tạm giam Hà Nội có 22 bị can đều thuộc loại đầu gấu. Các bị can gọi buồng này là buồng “trung ương”. Đứng đầu dãy 11 - 15 là Trần Đức (Đức “béo”), Nguyễn Tiến Thắng (Thắng “trố”) là trách nhiệm, trưởng buồng 15A Thòng Trấn Lâm là trách nhiệm, “tự giác” giúp cán bộ quản giáo, sau đó là các tên Thắng “điếc”, Thắng “ngựa”... đều là những tên đầu gấu trong buồng. Bọn chúng được ăn cơm riêng, có người hầu hạ riêng. Tất cả những bị can khác đều phải nghe theo lệnh của chúng. Các bị can mới vào nhập buồng đều bị đánh để “dạy luật”, phải viết thư về gia đình xin tiền để nộp cho chúng, không có cũng bị chúng đánh. Khi đánh “dạy luật”, chúng phân công nhau: tên trông cán bộ (soi cán bộ), tên cầm chân, tên cầm tay, tên bịt mồm, tên dùng khăn, dây trói...

    Bị can Nguyễn Thanh Hà cũng nằm trong trường hợp bị đánh “dạy luật” nêu trên. Khoảng 16 giờ ngày 5-10-1994, Hà được đưa vào buồng 15A. Đức “béo” tiếp nhận và chỉ chỗ cho Hà ngồi cạnh nhà vệ sinh. Hà đỏ mặt và có ý không vâng lời Đức. Đức cho rằng Hà “bật” lại nên bàn với Thắng “trố” sẽ cho Hà một bài học. Thắng “trố” bảo Đức và một số tên khác: “Thằng này nó gần nhà tao nhưng nó bướng, đánh bỏ mẹ nó đi”. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, cán bộ quản giáo ra khỏi buồng. Chúng chuẩn bị đánh thì Hà phát hiện và nhảy lên bể nước. Thắng “trố” ra hiệu cho tên Hào đi vòng ra sau lấy áo may ô chịt cổ Hà lôi xuống. Cả bọn xông vào đánh, sau đó lôi Hà ra phía sau bể nước giấu khi phát hiện cán bộ quản giáo đi tới. Cán bộ đi khỏi, chúng lại tiếp tục lôi Hà ra đánh cho đến khi người này không còn phản ứng gì nữa.

    Sau đó, Thắng “trố” bắt các bị can trong buồng không được khai hắn đánh chết Hà. Vì sợ Thắng “trố” có ông anh Khánh “trắng” đang tự do tung hoành ngoài xã hội, các nhân chứng khi ấy không dám hé răng nửa câu, vả lại, có người khai về Thắng “trố” đều bị điều tra viên gạt đi.

    Thắng “trố” sinh năm 1968, có năm tiền án tiền sự, 14 tuổi đã bị tập trung vào trường giống như trường giáo dưỡng bây giờ, lại có anh là trùm giang hồ Hà Nội, thế nên chất lưu manh đã ngấm vào máu Thắng. Hắn không biết sợ là gì vì cứ nghĩ đã có “anh Khánh” lo. Khánh “trắng” không từ một tội ác nào nhưng lại ghét nhất cờ bạc và cũng chưa bao giờ là kẻ mê gái. Thế nhưng, đứa em được Khánh thương nhất thì khác hoàn toàn. Thắng “trố” suốt ngày chơi bời, cờ bạc và tán gái. Với túi tiền lúc nào cũng đầy và cái danh em trai Khánh “trắng”, Thắng “trố” dễ dàng “cưa” được rất nhiều gái đẹp trong đó có nhiều người con nhà tử tế, được học hành, có công ăn việc làm đàng hoàng. Sau khi cùng đồng bọn đánh chết anh Hà, Thắng “trố” thật sự lo sợ và đã cầu cứu anh. Giận thằng em tím mặt nhưng Khánh không nỡ để nó chết. Sẵn mối quan hệ khá thân thiết với một số người có trách nhiệm, ngay sau khi nhận được lá thư cầu cứu của Thắng với nội dung: “Bọn chúng (tức là các bị can khác) đang có ý định đổ tội cho em”, Khánh đã lên kế hoạch giải cứu em trai. Bằng quan hệ và tiền bạc của Khánh, Thắng “trố” đã thoát án tử hình một cách ngoạn mục.

    Sau khi Khánh “trắng” bị bắt, gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Hà mới có đơn tố cáo trong vụ án còn để lọt Thắng “trố”. Một số người từng bị giam chung với Thắng ở Trại tạm giam Hà Nội cũng cung cấp cho Ban chuyên án tin tức, tài liệu nêu trên. Vì vậy, Ban chuyên án quyết định điều tra lại hành vi của Nguyễn Tiến Thắng trong vụ án. Cơ quan điều tra đã đồng loạt cử điều tra viên đi sáu trại cải tạo, trại tạm giam như: Trại tạm giam Hà Nội; Trại Văn Hòa, Hà Nội; Trại Tân Lập, Vĩnh Phúc; Trại cải tạo số 5; Trại Thanh Lâm, Thanh Phong - Thanh Hóa và cả ở ngoài xã hội để thu thập chứng cứ. Hai mươi phạm nhân từng bị giam cùng buồng với Thắng “trố” tại thời điểm vụ án xảy ra đã được ghi lời khai. Biết Khánh “trắng” đã bị bắt, lại được sự động viên, giải thích của điều tra viên, 12/20 phạm nhân khai đã trực tiếp chứng kiến Thắng “trố” bàn bạc, chủ mưu và trực tiếp đánh chết anh Hà. Bốn người khai không nhìn thấy Thắng đánh, nhưng có nghe Hà nói với Thắng trước khi chết: “Thắng trố! Mày là bạn tao, mày đánh tao, tao mà đi tao hận mày suốt đời”.

    Trong quá trình bị giam giữ, Thắng “trố” còn viết thư cho người yêu và bức thư này đã bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Thắng viết: “Qua hai chị Hằng, Tuyết gặp ngay anh Khánh, nói gặp anh ngay lập tức, qua thụ lý vụ án này, anh sẽ nói rõ... Nếu không anh không có ngày về đâu...”, “...Cuộc đời anh phụ thuộc cả vào anh Khánh, cho nên tốt hay xấu, số phận sẽ ra sao phụ thuộc ở cả người anh”, “Chúng nó về hết, anh phải xử, anh hận chúng nó lắm, thôi anh dại anh phải chịu, anh Khánh đang lo cho anh...”.
    Hồ sơ bị làm sai lệch

    Quá trình điều tra về hành vi phạm tội của Nguyễn Tiến Thắng và Đặng Đức Thắng, Ban chuyên án đã xem xét đến nguyên nhân tại sao hai tên Thắng lại bị bỏ lọt tội. Kết quả điều tra đã có đủ cơ sở để kết luận: sở dĩ Thắng “trố” và Thắng “ngựa” bị bỏ lọt tội là do có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của điều tra viên Ngô Duy Ân. Khi cơ quan điều tra hỏi cung các nhân chứng là bị án, có rất nhiều người khai về việc Thắng “trố” tham gia đánh anh Hà. Họ đã khai với điều tra viên Ngô Duy Ân nhưng Ân không ghi vào biên bản mà còn nói với các bị can là “khai bớt thằng nào hay thằng ấy”. Ngày 25-10-1994, Ngô Duy Ân ký sổ cung trích xuất hai bị can Hào và Thắng “trố” ra làm việc. Ân hỏi cung Hào, Thắng “trố” viết bản tự khai. Trong bản tường trình, Thắng “trố” thừa nhận sau khi Hà bị đánh, hắn có lại gần đá nhẹ vào người Hà mấy cái xem có việc gì không, nhưng tài liệu này Ân đã không đưa vào hồ sơ vụ án.

    Như vậy, chỉ cần căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu mà Ân đã thu thập được đến thời điểm tháng 10-1994 đã có thể xác định Thắng “trố” có liên quan trực tiếp đến vụ án và có dấu hiệu đồng phạm với Đức và đồng bọn trong việc đánh chết Hà, nhưng Ân đã bỏ qua những tài liệu này, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt Thắng “trố” ngay từ đầu.

    Không chỉ thế, trong khi hỏi cung, Ân còn cho người nhà gặp Thắng “trố” tại buồng hỏi cung, dùng bản thân Thắng “trố” đe dọa các bị can khác để họ không khai về Thắng. Ngoài ra, Ân còn tự ghi nội dung lời khai của một số bị can vào bản cung rồi bắt họ ký mà không cho họ đọc lại, mục đích cũng là muốn để lọt Thắng “trố”. Bởi vậy mới có các trường hợp cùng một lúc Ân gọi nhiều bị can ra làm việc, nhiều bản cung của các bị can trùng nhau về ngày giờ làm việc. Để khách quan, Ban chuyên án đã cho kiểm tra lại sổ đi cung thì đúng ngày giờ đã ghi trong bản cung các bị can trên, Ngô Duy Ân đã ký sổ trích xuất các bị can để hỏi cung cùng một lúc. Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Ân đã cố tình che giấu mối quan hệ với Khánh “trắng”. Nhưng bản thân Khánh “trắng” và một số tên là đồng bọn đã thừa nhận Ân và Khánh “trắng” có quan hệ với nhau. Ân từng nhờ Khánh trông giữ đất đai cho gia đình mình. Trong sổ tay của Ân có ghi một số điện thoại (nhưng đã xóa), kết quả giám định cho thấy đó chính là số điện thoại của Khánh “trắng”. Điều đó chứng tỏ khi Ban chuyên án bắt đầu điều tra các vụ liên quan đến Khánh thì Ân đã tính đến việc xóa các dấu vết quan hệ với Khánh “trắng”.

    Từ những chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra có đủ cơ sở kết luận: Ngô Duy Ân có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt hai tên tội phạm nguy hiểm. Với hành vi này và hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, Ân đã bị truy tố và phạt tám năm tù giam.
    Kỳ 5: Đại náo khách sạn Lạng Sơn

    Điển hình là vụ Đào Công Huy - một tên đàn em thân cận của Khánh “trắng” cùng đồng bọn gây ra vụ hiếp dâm ở khách sạn Lạng Sơn và nhà nghỉ Hiệp Thành. Khi vụ án được chuyển lên Phòng CSĐT Công an Hà Nội thụ lý thì nhờ có sự can thiệp của Khánh “trắng” mà người bị hại đã viết đơn bãi nại. Vụ án được đình chỉ điều tra trong nỗi uất hận của nạn nhân. Phải mất rất nhiều thời gian, Ban chuyên án mới tìm được người bị hại và đưa vụ án ra ánh sáng.

    Đánh vũ nữ giữa sàn nhảy

    Khách sạn Lạng Sơn ở Gia Lâm, Hà Nội khá nổi tiếng bởi nơi đây có một vũ trường với nhiều vũ nữ rất đẹp từ TP. Hồ Chí Minh bay ra và được thay đổi thường xuyên. Đây được coi là mảnh đất màu mỡ của các đối tượng đòi quyền bảo kê. Ngửi thấy hơi tiền, đàn em của Khánh “trắng” mò đến khách sạn này chỉ sau khi khai trương một thời gian rất ngắn. Vài tên ăn mặc phủi, đeo kính đen, đúng chất đầu đường xó chợ. Chúng lừ lừ tiến vào vũ trường giữa lúc đang nhộn nhịp nhất. Ban đầu chúng ngồi uống bia và ngắm vũ nữ, sau chúng ôm vũ nữ nhảy loạn xạ. Nhảy chán, có tên ôm micro hát tự nhiên như ở nhà. Trước khi vào đây, chúng đã dọa cho các nhân viên bảo vệ sợ mất mặt, thế nên những lần sau đó, chúng ra vào vũ trường hết sức tự nhiên. Có lần chúng còn đè vũ nữ ra đánh đập ngay tại sản nhảy. Chủ khách sạn là hai anh em anh Đỗ Hữu Nghĩa và Đỗ Hữu Lê Hùng (Hùng “đavít”). Hai người này ở TP. Hồ Chí Minh ra, thân cô thế cô nên phải tạm thời đóng cửa vì không chịu nổi sự quấy phá của chúng.

    Khi vũ trường được mở lại, bọn đàn em Khánh “trắng” lại mò tới. Khi biết đích xác đứng sau vụ quậy phá này là Khánh “trắng” thì giám đốc khách sạn đành cắn răng mỗi tháng trả cho chúng 1,5 triệu đồng, còn chuyện ăn uống, ôm ấp vũ nữ hầu như miễn phí. Đêm 24-7-1995, bốn tên đàn em của Khánh do Đào Quang Huy cầm đầu lại mò vào vũ trường. Uống chán, tên Huy chỉ tay vào ba cô vũ nữ và cháu L. (dưới 16 tuổi) đến chơi với mẹ làm ở khách sạn, đang run như cầy sấy, ra hiệu bước đến bàn chúng. Tên Huy ngồi với cháu L. Đến khoảng 23 giờ, Huy bảo bốn cô gái thay quần áo để đi hát karaoke với chúng. Các cô không nghe thì bị hắn đập bàn quát, buộc bốn cô phải đi thay quần áo. Cũng trong thời gian đó, Đô và Huy sai tên Long đến trước nhà nghỉ Hiệp Thành thuê trước năm phòng ngủ. Trước tình hình đó, anh Nghĩa và Hùng “đavít” xuất hiện thông báo các cô phải họp. Tên Huy hạ lệnh “chỉ được họp 20 phút thôi đấy”. Kế hoãn binh này của ông giám đốc đã không có hiệu quả. Tên Long đi thuê phòng về đã xồng xộc chạy lên phòng họp chỉ tay vào đồng hồ “nhắc nhở”. Sau đó, hai tên Đô và Huy cùng lên và yêu cầu bốn cô (trong đó có cháu L.) đi theo bọn chúng. Một cô ra chậm đã bị Huy tóm cổ áo lôi ra cửa, tên Đô đấm vào ngực cô này. Ban giám đốc khách sạn phản ứng, định gọi điện báo cho Công an huyện Gia Lâm thì bị chúng đe dọa đánh chết. Sau đó, ba vũ nữ và cháu L. bị chúng lôi đến nhà nghỉ Hiệp Thành. Tại đây, bọn chúng bắt các cô ngồi chơi bài một lúc, sau đó chia mỗi cô vào phòng với một tên. Tên Huy bắt cháu L. vào phòng với mình và hắn đã dùng vũ lực hiếp cháu L. Đến khoảng 10 giờ sáng hôm sau, chúng mới cho các cô về.

    Thêm một lần giải cứu đàn em

    Đào Công Huy nguyên là một tay anh chị ở Gia Lâm. Hắn đã có hai tiền sự về tội trộm cắp và đánh bạc. Huy làm nghề bốc xếp ở bến xe Gia Lâm và là một trong những đàn em thân tín của Khánh “trắng” phụ trách đầu nguồn vận chuyển và bảo kê hàng hoá cho Khánh “trắng” từ phía bến xe Gia Lâm qua cầu Chương Dương về chợ Đồng Xuân, Long Biên. Tiền vận chuyển và bảo kê hàng hóa hàng ngày Huy đều đưa về nộp cho Khánh “trắng”. Huy và tên Đô còn bảo kê cho một số nhà hàng, khách sạn ở khu vực Gia Lâm. Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Gia Lâm đã khởi tố vụ án, bắt được Đô, còn Huy bỏ trốn. Gia đình Huy đã nhiều lần đến “nói chuyện” với Ban giám đốc khách sạn Lạng Sơn và mẹ cháu L. nhưng không có kết quả. Vì vậy, gia đình Huy đã sang nhờ Khánh “trắng” can thiệp, thông qua mối quan hệ của mình để tác động cho ban giám đốc khách sạn Lạng Sơn và mẹ con cháu L. viết đơn bãi nại cho Huy. Khánh đồng ý và đi gặp một số chủ khách sạn, vũ trường như Queen Bee, Bàn Cờ, Royal - những nơi y thường lui tới để ăn chơi, nhờ họ tác động tới anh Nghĩa và anh Hùng - chủ khách sạn Lạng Sơn. Sau khi gặp Khánh “trắng”, biết hắn là một trùm giang hồ xã hội đen, vì muốn yên ổn làm ăn nên hai anh này đã đồng ý bố trí để Khánh “trắng”, gia đình Huy gặp mẹ cháu L. tại nhà hàng ở 17 Đặng Dung do Khánh tổ chức. Sau khi ký vào đơn bãi nại, gia đình Huy đã đưa cho mẹ con cháu L. 920USD nói là để bồi dưỡng sức khỏe cho cháu L. Mẹ con cháu nhận tiền rồi vội vàng vào luôn TP. Hồ Chí Minh, không dám ở lại Hà Nội nữa. Cho đến khi Khánh “trắng” bị bắt, hai mẹ con mới dám tố cáo lại toàn bộ sự việc.
    Rõ ràng, Dương Văn Khánh đã có hành vi tác động để cháu L., người bị hại và mẹ cháu là người đại diện cùng Ban giám đốc Khách sạn Lạng Sơn và những người chứng kiến làm đơn bãi nại với nội dung việc giao cấu giữa cháu L. và Huy là tự nguyện, không bị ép buộc, ban đầu do hai bên hiểu lầm nhau nên mới tố cáo dẫn đến việc vụ án bị đình chỉ. Đây là hành vi che giấu tội “hiếp dâm có tổ chức” của Đào Công Huy và đồng bọn.

    Sau sự can thiệp của Dương Văn Khánh, gia đình Huy lấy được đơn bãi nại của mẹ con cháu L. và Ban giám đốc khách sạn Lạng Sơn nộp cho Công an huyện Gia Lâm thì vụ án được chuyển lên Phòng CSĐT Công an Hà Nội. Điều tra viên Nguyễn Ngọc Minh được phân công xử lý, tiếp tục điều tra vụ án. Ban đầu tiếp nhận hồ sơ, Nguyễn Ngọc Minh yêu cầu và vạch kế hoạch điều tra, trong đó có nội dung: Xác minh ghi lại lời khai của người bị hại để làm rõ lý do xin bãi nại. Tuy nhiên, quá trình điều tra Minh đã không thực hiện theo kế hoạch, không xác minh lại lời khai của nhân chứng, người bị hại. Theo sự bố trí của gia đình Huy, Minh xuống Kim Động - Hưng Yên là nơi Huy đang trốn để gặp Huy, hướng dẫn khai, bố trí cho Huy ra tự thú. Khi Huy ra tự thú đã khai nhận giao cấu với cháu L. một lần, nhưng Minh lại cố tình ghi thêm vào bản cung là Huy đã giao cấu với cháu L. nhiều lần. Kết quả giám định và lời khai của Huy đã khẳng định việc làm này của Minh. Minh thường xuyên đi ăn nhậu và nhận quà biếu của Huy và Đô. Cụ thể là Minh đã nhận của Huy một áo da trị giá ba triệu đồng, 1.100.000 đồng để đăng ký xe máy. Ngoài ra, Minh còn đòi Huy phải đưa tiền để Minh lo lót cho Huy được đình chỉ điều tra. Sau khi nhận 2.000USD từ Huy, Minh đã báo cáo sai sự thật với cấp trên và Viện Kiểm sát Hà Nội dẫn đến vụ án bị đình chỉ. Nguyễn Ngọc Minh đã trực tiếp đem quyết định đình chỉ điều tra tới tận nhà riêng giao cho Đô và Huy. Hành vi của Minh đã cấu thành tội làm sai lệch hồ sơ vụ án và nhận hối lộ, bị xử phạt tám năm tù giam.

    Sau khi nhận được hồ sơ đánh giá chứng cứ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ hai bị can là Trần Văn Quân và Lưu Tuấn Hùng với lý do hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; ba tên: Huy, Đô, Long thì đưa ra truy tố; cầm đầu là tên Huy, còn Đô, Long là kẻ giúp sức tích cực. Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã xử phạt Đào Công Huy 15 năm tù giam, Đoàn Văn Đô 8 năm tù giam, Đào Đức Long 10 năm tù giam.

    Có thể nói, Khánh đã rất khôn ngoan khi tranh thủ các mối quan hệ với chính quyền sở tại, với một số quan chức để “cứu” đàn em khi chúng “lỡ dại”. Ngay cả với các thế lực đen đối nghịch, hắn cũng từng “quần hùng” để gây thanh thế, hòng chiếm địa bàn làm ăn. Những trận “thư hùng” này chúng tôi sẽ đề cập đến ở bài viết sau.
    Kỳ 6: Thuật "nuôi quân" của Khánh "trắng"

    Để được việc, Khánh đã dùng nhiều “võ” với đám đàn em cũng như gia đình chúng, mà đứa nào cũng cảm thấy “tâm phục, khẩu phục”. Tuy nhiên, những băng nhóm đối địch từng tuyên bố sẽ cho Khánh “trắng” tắm trong thùng axít, và thực tế y đã phải điều trị tốn mấy chục triệu vì bị tạt cả ca axít vào mặt.

    Ngũ hổ tranh hùng

    Từ ngày 14-4-1992, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định cho phép Khánh được đứng tên giấy phép kinh doanh dịch vụ bốc xếp vận chuyển khu vực chợ Đồng Xuân. Theo quyết định này thì dịch vụ bốc xếp vận chuyển chợ Đồng Xuân là một đơn vị tập thể, hạch toán độc lập và được mở tài khoản tại ngân hàng. Tháng 10-1992, đội bốc xếp của Khánh được gia nhập tổ chức công đoàn và cuối năm đó thì sáp nhập cùng công đoàn bốc xếp, vận chuyển chợ Long Biên của Nguyễn Văn Hùng (tức Hùng “cu ba”, một thời gian sau đổi thành Nghiệp đoàn bốc xếp Đồng Xuân - Long Biên do Khánh làm chủ tịch. Không muốn “chia lửa” cho Hùng, Khánh “trắng” quyết tâm phải thâu tóm chợ Long Biên từ tay Hùng.

    Nếu xét về tương quan lực lượng thì không biết bên nào mạnh hơn, bởi Khánh “trắng” có đệ tử thì Hùng cũng có quân của mình. Đội quân của Hùng “cu ba” cũng oai vệ không kém, tập hợp toàn các tay đầu gấu vùng xóm bãi vốn nổi tiếng xưa nay. Bước đầu, Khánh thăm dò Hùng bằng vài ba vụ đánh nhau giữa đám đệ tử của hai bên, thế nhưng xét thấy chơi kiểu “tay bo” không có lợi, nên ngay lập tức Khánh thay đổi thủ đoạn. Đích thân Khánh đã tìm gặp Hùng để thương lượng, đề nghị bắt tay cùng làm ăn. Vốn không phải tay vừa, Hùng cương quyết từ chối, cũng có thể do nhận ra sớm bộ mặt quỷ quyệt của Khánh. Trong buổi gặp gỡ này, Khánh và Hùng suýt đánh nhau nhưng Khánh đã kiềm chế được nhưng trong lòng nuôi mối hận trả thù
    Đầu tiên, Khánh đánh vào kinh tế của Hùng “cu ba” bằng cách cho đàn em dậy từ lúc 2 - 3 giờ sáng hằng ngày, đợi ở cầu Chương Dương để đón lõng các xe hàng hoa quả chở từ Trung Quốc về chợ Long Biên. Các xe hàng này đều bị đàn em của Khánh bắt phải bán cho chúng hoặc chở đi nơi khác chứ không được phép chở vào chợ Long Biên - địa bàn cai quản của Hùng. Sau này, tìm hiểu được nội tình, Hùng rất căm vì bị thất thu về nguồn bốc xếp hoa quả, đời sống của các thành viên trong đội bốc xếp gặp khó khăn, đương nhiên, nguồn thu nhập của Hùng cũng bị giảm sút. Bước tiếp theo, Khánh xâm nhập khu vực chợ Long Biên bằng cách khống chế hai trong ba tổ dịch vụ bốc xếp tại chợ này. Đội bốc xếp ở chợ Long Biên có ba tổ: tổ cá, tổ gạo và tổ hoa quả (Hùng trực tiếp quản lý tổ hoa quả). Do quản lý quá yếu nên Hùng không biết là ngoài tổ hoa quả còn có hai tổ này. Vì thế, khi Khánh ôm quyền quản lý hai tổ còn lại, Hùng mới ngã ngửa.

    Đến giữa năm 1993, khi quân của Khánh vừa đông về số lượng lại khí thế đang lên ào ào nên Khánh ra mặt, nửa để áp đảo, nửa muốn tạo cớ để dàn xếp với Hùng. Khánh nhiều lần cho quân xuống gây sự, đánh nhau với đàn em của Hùng và nhanh chóng rút lui, để lại đám quân của Hùng phải chịu trận khi lực lượng công an tới. Thực ra, mục đích cuối cùng của Khánh “trắng” vẫn là ép cho Hùng phải “tâm phục khẩu phục”, nhường chợ Long Biên cho mình. Và đúng như mọi diễn biến mà Khánh lường trước, Hùng “cu ba” cuối cùng chịu thất thủ, mỗi tháng chấp nhận nhận “lương” 6 triệu đồng từ Khánh cùng một số thỏa thuận về kinh tế, chấp nhận làm “phó tướng” cho Khánh. Thế là, chỉ cuối năm 1993, Đội bốc xếp chợ Long Biên nhanh chóng được “bàn giao” cho Khánh “trắng”.

    Trong quá trình hoạt động, Khánh còn nhòm ngó tới các khu vực như bến xe Long Biên, ga Hàng Cỏ, bến xe phía Nam... thậm chí từng đưa 30 đầu gấu vào TPHCM định gây thanh thế với băng xã hội đen do Năm Cam cầm đầu. Khánh bay vào TPHCM trước để nắm tình hình, đàn em đi tàu hỏa vào sau. Nhưng rồi một số “quân sư” đã phân tích điều hơn lẽ thiệt nên Khánh “trắng” lặng lẽ rút quân. Riêng khu vực chợ tạm Phùng Hưng do “nữ tướng” Phúc “bồ” cầm chịch thì Khánh đành chịu thua. Khi chợ Đồng Xuân cháy, hàng hóa đành phải chuyển sang chợ tạm Phùng Hưng một thời gian, đương nhiên đội bốc xếp của Khánh cũng phải chuyển sang đây. Là phận nữ nhi nhưng Phúc “bồ” có cách hành xử cao cờ hơn hẳn các đấng mày râu. Mới nghe phong thanh về ý định của Khánh, Phúc đã sai ngay đàn em và cũng là “bạn thân” của mình là Dương Tử Anh (một võ sĩ quyền Anh khá nổi tiếng) tới tận chợ Long Biên tìm Khánh để “hỏi cho rõ”. Lấy cớ là bị đàn em Khánh chửi, Phúc “bồ” đã nói với hai đệ tử Dương Tử Anh và Đỗ Cường Giang: “Hôm qua thằng Vinh “đồng” nó chửi tao, chúng mày ra chợ nói chuyện với nó”. Dương Tử Anh và Đỗ Cường Giang đi xe máy ra chợ Long Biên tìm Nguyễn Quang Vinh (tức Vinh “đồng”) - một đàn em thân tín của Khánh “trắng”. Tử Anh và Giang gặp Vinh tại một quán nước đã nói: “Mày biết chuyện gì giữa chị tao (Phúc “bồ”) với thằng Khánh (Khánh “trắng”) mà xen vào, thằng Khánh thuê bọn Hải Phòng 10.000USD để bắn tao...”. Vinh thấy Dương Tử Anh dám gọi Khánh “trắng” là “thằng” đã cự lại: “Sao mày dám gọi anh tao là thằng”. Hai bên lời qua tiếng lại và chửi nhau. Đầu tiên chúng cầm chén nước hất vào mặt nhau, sau đó Vinh “đồng” cầm chai bia đâm vào mặt Dương Tử Anh. Lúc đó Dương Tử Anh đang đeo kính râm nên kính bị vỡ, mảnh kính đâm vào mắt phải. Dương Tử Anh ôm mặt cùng Giang bỏ chạy khỏi chợ. Lúc xảy ra đánh nhau ở chợ Long Biên, một số tên đàn em cũng vào hùa với Vinh đuổi đánh hai đàn em của Phúc “bồ”.

    Dương Tử Anh được đưa đi viện khám, điều trị nhưng mắt phải của y đã mù, thương tật 30% vĩnh viễn. Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Cường Giang về tội gây rối TTCC.

    Nhưng sau đó, Khánh “trắng” và Phúc “bồ” đã đứng ra dàn xếp, đại diện cho hai đội bốc xếp, hai băng nhóm tội phạm bảo lãnh cho Vinh “đồng” và Giang. Dương Tử Anh cũng có đơn xin rút yêu cầu truy tố, nên Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra các bị can. Trong quá trình điều tra mở rộng chuyên án, Ban chuyên án xét thấy vụ án có tính chất nghiêm trọng do mâu thuẫn giữa hai tổ chức tội phạm do Khánh và Phúc cầm đầu nên đã kiến nghị Viện KSND tối cao ra quyết định hủy quyết định đình chỉ điều tra của Công an Hà Nội để phục hồi điều tra vụ án. Nguyễn Quang Vinh đã bị đề nghị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

    Nếu không có sự nhún nhường của Khánh “trắng”, chấp nhận chịu thua ả đàn bà côn đồ cùng với thỏa hiệp không nhòm ngó gì tới chợ tạm Phùng Hưng thì một trận thư hùng đẫm máu chắc chắn đã xảy ra. Hơn nữa, cái đầu tinh ranh của Khánh tính toán rất nhanh, chợ tạm Phùng Hưng chỉ hoạt động một thời gian cho đến khi nào xây xong chợ Đồng Xuân, vì thế Khánh không dại gì tranh giành.
    Nuôi quân ba năm dùng một giờ

    Những năm đầu của thập kỷ 90, trong một số đám hiếu hỷ của các quan chức phường, quận Hoàn Kiếm, người ta luôn thấy sự xuất hiện của Khánh. Khánh chịu khó đầu tư “làm từ thiện”, thăm nuôi một số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà một số gia đình chính sách. Khánh xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình từ thiện bằng những đồng tiền phi pháp được bỏ ra mỗi lần không nhỏ. Khánh “đầu tư” vào các mối quan hệ có lợi cho các hoạt động ngầm của mình và cũng không quên chăm lo đến đám đệ tử. Từ việc ma chay, cưới xin đến bố mẹ của chúng ốm đau thế nào, Khánh đều có mặt thăm hỏi chu đáo. Triệu “con” - một đệ tử được Khánh tìm cho một cô vợ khá đẹp và nhường căn gác xép cho đôi uyên ương mới cưới làm tổ ấm.

    Những kẻ khác nếu chẳng may bị tóm trong một phi vụ nào đó, đều được Khánh tổ chức tiếp tế, thăm nuôi cẩn thận. Một đệ tử khác là Thắng “khoèo”, khi nhận án 18 năm vẫn yên tâm vì ở nhà, Khánh đã nhận lời chu cấp đầy đủ cho gia đình y. Chính vì vậy mà đám đệ tử của Khánh sẵn sàng làm bất cứ việc gì từ to tới nhỏ, miễn đó là “chỉ thị” của Khánh. Những năm 1992-1993, đám đội phó dưới quyền Khánh được trả lương sáu triệu đồng/tháng, các tổ trưởng, tổ phó được bồi dưỡng thêm mỗi tháng từ 1 đến 1,5 triệu đồng, là chuyện nằm mơ đối với những người lao động chân chính. Không chỉ một mình Khánh “trắng” giỏi thu phục đàn em, trong đám đệ tử của Khánh còn có Vinh “đồng”, đối tượng chỉ xếp sau Khánh trong giới giang hồ. Xét về quan hệ thì Vinh không thể so với Khánh nhưng sự liều lĩnh và cách “chăm sóc” đàn em thì Vinh hơn Khánh một bậc. Đàn em nào bị bắt, Vinh thường xuyên thăm nuôi, gửi tiền nong chu đáo. Khi ra trại, Vinh sắp xếp công việc ổn định. Băng nhóm của Khánh phình to rất nhanh một phần nhờ vào tài dùng người của Vinh “đồng”.

    Khánh “trắng” từng khoe khoang, anh em trong đội, ai có bố mẹ ốm đau, Khánh cùng 20 tổ trưởng đều đến thăm hỏi, quà cáp. Với những trường hợp gia đình neo đơn, Khánh đứng ra lo lắng ma chay... Thuật “dùng người” còn được Khánh áp dụng khôn khéo với trường hợp của một người tên C., nhà ở làng Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Gã này từng ra tù vào khám, đâm chém người không ghê tay. Nhà C. nghèo lắm, hai mẹ con ở trong một cái nhà chẳng ra nhà. Biết chuyện, Khánh thu phục C. làm quân của mình. Vừa có chân bốc vác, lại sắm sửa được nhiều thứ trong nhà, C. khấp khởi mừng như vớ được “minh chủ”. Có lần Khánh còn cho C. cả một chiếc tivi khiến C. rất tự hào với hàng xóm. Khánh từng ba hoa với các nhà báo về thành tích tạo công ăn việc làm cho rất nhiều đối tượng bất hảo và điều y ân hận nhất là chưa tổ chức cho đội bốc xếp đi thăm... nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

    Nhưng ai cũng hiểu Khánh có làm “việc tốt” nhiều hơn thế thì cũng chỉ là vỏ bọc che đậy cho những hành động sai khiến đám đàn em đi đâm thuê chém mướn, cướp của, giết người, nhận tội thay... cho y mà thôi. Đơn cử như vụ dàn xếp để Vũ Quốc Dũng nhận tội thay, Khánh thỏa thuận sẽ ở ngoài lo mọi việc cho gia đình Dũng và cũng sẽ lo cho Dũng một bộ hồ sơ “tốt” nhất. Có điều Khánh không nhận ra, đó là rất nhiều đàn em của Khánh sau này khi biết rõ bản chất lừa đảo, cáo già của “đại ca”, đã tỏ lòng căm hận cực độ với kẻ đã làm cho gia đình họ tan nát. Thậm chí, có người còn bức xúc, “nếu pháp luật không xử Khánh thì chúng tôi cũng sẽ xử hắn...”.
    Kỳ cuối: Kiếm tiền bạc tỷ không cần nộp thuế
    Khởi sự từ năm 1989 với chiếc xích lô cà tàng, chỉ sau 6-7 năm làm “ông chủ chợ”, Khánh đã có bốn ngôi nhà, hai xe ôtô và nhiều tài sản có giá trị khác. Mỗi lần “đi họp”, Khánh “trắng” đều cưỡi chiếc xe Camry mới coóng màu trắng. Vào thời điểm đó, chiếc xe này thể hiện “đẳng cấp” chủ nhân của nó. Rất giống với các băng đảng xã hội đen ở nước ngoài, Khánh “trắng” biết dùng bạo lực để kiếm tiền rồi sử dụng tiền vào các hoạt động kinh tế dưới các danh nghĩa hợp pháp, đồng thời tiến hành từng bước các hoạt động chính trị - xã hội.

    Những mánh khóe để trở thành tỷ phú

    Như bài trước chúng tôi đã đề cập, năm 1989, sau khi đi tù, tập trung cải tạo về, Khánh “trắng” vẫn còn làm nghề đạp xích lô ở khu vực gầm cầu Long Biên để kiếm ăn hằng ngày. Nhưng từ đây, y đã tập hợp được đám đàn em khoảng ba chục tên, đều là dân tiền án, tiền sự làm nghề đạp xích lô kiếm sống. Cũng vào thời điểm này, ở địa bàn chợ Đồng Xuân, Bắc Qua và khu vực xung quanh hình thành nhiều băng nhóm khác nhau làm nghề đạp xích lô và bốc xếp hàng hóa. Khi đã có lực lượng, Khánh bắt đầu tranh giành địa bàn, gây ảnh hưởng đến các khu vực khác ngoài khu vực gầm cầu như chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Trần Nhật Duật, Hàng Chiếu... Đầu năm 1991, lợi dụng chủ trương lập lại trật tự vận chuyển bốc xếp hàng hóa ở chợ Đồng Xuân của UBND phường Đồng Xuân, Khánh “trắng” xin phép thành lập đội trật tự - dịch vụ bốc xếp tự quản chợ Đồng Xuân và ngày 1-1-1991, UBND phường Đồng Xuân ra quyết định số 74 thành lập đội này và chỉ định Dương Văn Khánh làm đội trưởng, các đội phó là Nguyễn Văn Sơn (Sơn “lùn”), Nguyễn Văn Tuân (Dũng “béo”) đều là những tay chân thân cận của Khánh “trắng”.

    Theo quyết định của UBND phường Đồng Xuân thì đội phải chịu sự chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của UBND phường và chịu sự điều hành, giám sát trực tiếp của Ban chỉ huy Công an phường Đồng Xuân, hoạt động theo kế hoạch, quy chế của phường và theo sự hướng dẫn của các ngành cấp trên. Ngày 14-3-1992, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định cho Dương Văn Khánh được đứng tên giấy phép kinh doanh dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, là một đơn vị kinh tế tập thể, hạch toán độc lập và mở tài khoản tại ngân hàng. Đến tháng 10-1992, tổ chức Công đoàn và lao động đội bốc xếp Đồng Xuân được thành lập. Đến năm 1993 đổi tên thành Nghiệp đoàn lao động theo chủ trương của Liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm. Đây là tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Khánh “trắng” được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn kiêm đội trưởng đội bốc xếp.

    Tuy là danh nghĩa tập thể đội bốc xếp và nghiệp đoàn lao động nhưng lợi dụng sơ hở trong quản lý của các cấp chính quyền và ngành chức năng ở phường, quận, Khánh đã lợi dụng các danh nghĩa tập thể này để tạo thành vỏ bọc nhằm thực hiện nhiều hành vi phạm pháp. Khánh biến các đội viên thành những người lao động làm thuê, làm giàu bất chính cho Khánh. Bóc lột sức lao động của họ, lương, thưởng, phạt cho người lao động do y tự quy định, chèn ép khách hàng. Khánh “trắng” tự ý đặt ra các loại giá dịch vụ buộc các tổ lao động phải tuân theo và hàng ngày phải nộp tiền cho y. Dưới sự chỉ đạo của Khánh, bọn đàn em buộc khách hàng và bà con buôn bán ở chợ Đồng Xuân phải chấp nhận giá vận chuyển, bốc xếp do chúng tự đặt ra. Thậm chí chúng còn không cho phép bà con mang vào chợ hàng hóa của chính mình.

    Sau khi cháy chợ Đồng Xuân năm 1994, địa bàn hoạt động bị thu hẹp, việc tranh giành chợ tạm Phùng Hưng với Phúc “bồ” không có kết quả, Khánh “trắng” đã xâm lấn sang địa bàn bến xe và chợ Long Biên của Hùng “cuba”. Ban đầu hai bên còn thương lượng nhưng Hùng “cuba” không chấp nhận. Khánh “trắng” đã dùng thủ đoạn cho tay chân, đàn em của mình trong đội dịch vụ bốc xếp Đồng Xuân đón chặn tất cả các ngả đường, đầu nguồn vào chợ Long Biên và bến xe, buộc các chủ hàng phải cho chúng vận chuyển, làm cho Hùng “cuba” không còn nguồn hàng hóa để bốc xếp vận chuyển, buộc phải dâng địa bàn cho Khánh “trắng” và được Khánh cử làm đội phó (trên danh nghĩa) và ăn lương tháng như những người lao động khác. Để hợp pháp địa bàn hoạt động, Khánh cho phát triển tổ chức công đoàn ở đội bốc xếp của Hùng “cuba” và cho sáp nhập hai tổ chức công đoàn này thành: Nghiệp đoàn bốc xếp - vận chuyển chợ Đồng Xuân - Long Biên. Khi đã có vỏ bọc, Khánh “trắng” dùng mọi thủ đoạn để thao túng một số cán bộ, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Kể từ khi Chính phủ có Nghị định 36/CP, Khánh “trắng” cho đàn em thành lập một tổ kiểm tra trật tự trong đội bao gồm những tên là đàn em, tay chân thân cận chuyên đi phạt bà con buôn bán, chủ hàng ra vào khu vực chợ Đồng Xuân - Long Biên mà chúng cho là “vi phạm Nghị định 36”, mức phạt do chúng tự đặt ra, tiền thu được đều nộp cho Khánh. Không những thế, Dương Văn Khánh còn khuếch trương thanh thế qua một số hoạt động từ thiện bằng chính nguồn tiền lấy được của người lao động để phục vụ danh lợi cá nhân của mình. Do vậy, đã không ít người lầm tưởng Khánh “trắng” là người tốt, là nhà hảo tâm, thậm chí có lúc, có người còn gọi Khánh là “đồng chí”. Trong vụ cướp ở phố Kim Mã, một lãnh đạo Liên đoàn lao động quận còn làm văn bản gửi cấp trên với nội dung: “Dương Văn Khánh không phạm tội cướp mà chỉ là xiết nợ”.

    Nghĩ mình đã có “địa vị”, từ năm 1992 đến năm 1994, Khánh “trắng” không hề nộp một khoản thuế hoặc phí nào cho phường, quận. Cho đến khi Chi cục Thuế Hoàn Kiếm yêu cầu Khánh phải khai báo doanh thu và nộp thuế cho nhà nước thì Khánh mới cho người khai báo và nộp thuế lấy lệ cho Chi cục Thuế Hoàn Kiếm. Còn địa bàn Long Biên, Khánh không khai báo và cũng không nộp thuế.

    Cụ thể, từ năm 1994 đến tháng 5-1996, Khánh khai báo doanh thu với Chi cục Thuế Hoàn Kiếm là: 743.943.000 đồng, Khánh chỉ nộp tổng số thuế doanh thu và lợi tức trong ba năm là 62.874.000 đồng. Trong khi đó, khám xét nhà Dương Văn Khánh, cơ quan điều tra thu được những chứng từ, tài liệu chứng minh doanh thu của Khánh chỉ trong tám ngày là 109.683.000 đồng. Tính trung bình doanh thu của Khánh trong một ngày là gần 14 triệu đồng. Tháng 9-1996, Chi cục Thuế Hoàn Kiếm kiểm tra giám sát doanh thu của đội bốc xếp sau khi Khánh “trắng” bị bắt, mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn thu được 20 triệu đồng tiền thuế.

    Tại cơ quan điều tra và theo tài liệu tính toán của Cục Thuế Hà Nội (chỉ căn cứ vào doanh thu do Khánh khai) thì từ năm 1992 đến tháng 5-1996, tổng doanh thu của Khánh là 5.570.000.000 đồng. Như vậy, Khánh đã gian dối không khai báo doanh thu là 4.826.057.000 đồng và đã trốn hai khoản thuế rất lớn là thuế doanh thu và thuế lợi tức là 350.844.800 đồng.

    Hành vi trốn thuế của Dương Văn Khánh lý giải phần nào việc Khánh xuất phát điểm từ một kẻ đạp xích lô, chỉ trong 6 - 7 năm, Khánh đã trở thành tỷ phú, tài sản có bốn ngôi nhà, hai xe ôtô và nhiều tài sản có giá trị khác. Chính vì vậy, hình phạt của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đối với Khánh về trội trốn thuế là: 3.508.448.000 đồng ngoài số tiền Khánh trốn thuế phải truy thu: 350.844.800 là hoàn toàn xứng đáng.

    Cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ngoài, bọn Khánh “trắng” đã biết dùng bạo lực để kiếm tiền rồi dùng chính những đồng tiền bẩn đó trong các hoạt động kinh tế dưới các danh nghĩa hợp pháp. Có thể nói rằng, với một cái đầu tinh quái, Khánh “trắng” là một trong những kẻ giang hồ xảo quyệt nhất trong việc sử dụng bạo lực và kinh tế hòng thực hiện tội phạm và trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Thật may là những chiếc vòi bạch tuộc của Khánh “trắng” khi đang vươn ra, nhăm nhe tiến đến các hoạt động chính trị - xã hội thì bị chặt đứt, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường.
    Đền tội

    Các điều tra viên kể rằng, những ngày cuối Khánh ăn chay thường xuyên để sám hối. Cách hôm bị thi hành án khoảng một tháng, Khánh viết thư về dặn vợ rất kỹ chuyện lập bàn thờ cho mình và dặn chỉ một mình vợ mới được đèn nhang thờ cúng Khánh hàng ngày. Khánh dặn vợ phải cho các con học hành chu đáo, đừng để chúng phải chịu thiệt thòi như tuổi thơ của Khánh. Có hai đồ vật Khánh luôn giữ bên người được gọi là bùa hộ mệnh, đó là chiếc dây chuyền bằng kim loại mạ vàng đã ngả màu và một vòng chỉ ngũ sắc. Khánh luôn nghĩ những món đồ này sẽ mang đến may mắn nên thường mang theo bên mình.

    Đúng 5 giờ sáng 13-10-1998, đoàn xe giải hai bị án Khánh “trắng” và Thắng “trố”, đứa em cùng mẹ khác cha với Khánh về tới Trại tạm giam Hà Nội. Phần thủ tục diễn ra nhanh chóng. Ngay sau đó, Khánh được ăn bữa cuối cùng và viết thư cho vợ con. Nhưng Khánh không ăn bữa cuối cùng gồm xôi và gà luộc mà gói lại gửi về cho vợ con. Cùng lúc này, Thắng “trố” cũng đang làm nốt những thủ tục cuối cùng trước hội đồng thi hành án, khép lại những chuỗi ngày đen tối của một tập đoàn tội ác lộng hành, gây nhức nhối dư luận một thời.

  3. #3

    Mặc định Khánh "trắng" và những chuyện chưa từng công bố

    Cuối năm 1998, Khánh trắng đã bị xử tử hình và đồng bọn của hắn cũng đã bị pháp luật trừng trị, nhưng cho đến ngày hôm nay, vụ án này vẫn còn tính thời sự
    Khoảng cuối năm 1995, một đồng nghiệp ở chương trình Công đoàn (Đài Truyền hình Việt Nam) rủ chúng tôi đi viết bài ca ngợi công tác làm từ thiện của "nghiệp đoàn" bốc xếp chợ Đồng Xuân do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) làm Chủ tịch. Hồi ấy, việc làm từ thiện của các đơn vị, cá nhân còn hiếm lắm nên việc làm thiện của "nghiệp đoàn" này nổi như cồn. Khánh hẹn chúng tôi đến đoạn giữa phố Nguyễn Thiệp, sát gầm cầu Long Biên. Đây vừa là nhà ở của Khánh vừa là đại bản doanh của "nghiệp đoàn".

    Đứng đợi ở trước cửa độ mươi phút, thấy Khánh cùng 3 vệ sĩ ngồi chỗm trệ trên chiếc xe Jeep, mui trần đỗ xịch trước cửa, nhanh nhẹn bước xuống, bắt tay từng người trong đoàn nhà báo chúng tôi. Thoáng nhìn, nom y cũng không đến nỗi nào, thậm chí trông có vẻ nho nhã, thư sinh, riêng bộ ria mép theo kiểu tướng ngụỵ Nguyễn Cao Kỳ đã rất ấn tượng. Giọng nhỏ nhẹ, Khánh giới thiệu hệ thống "nghiệp đoàn” của y có hơn 500 người, nhiệm vụ chính là bốc xếp, vận chuyển hàng hoá cho bà con buôn bán ở chợ Đồng Xuân (lúc đầu, năm 91, "nghiệp đoàn” này chỉ có vài chục người với mấy chiếc xích lô, sau đó số người xin vào làm đông quá nên Khánh "khoá sổ"). "Chủ tịch" Khánh bảo: "Ngoài nhiệm vụ trên, chúng tôi còn làm công tác uống nước, nhớ nguồn, chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh neo đơn...". Nhìn xung quanh tường nhà, chúng tôi thấy treo la liệt giấy khen, bằng khen của các ngành, các cấp của thành phố. Một trợ lý của Khánh (chúng tôi không nhớ tên) khoe "thủ trưởng" của mình: "Anh Khánh sắp được "trên" giới thiệu là ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân thành phố khoá tới đấy! ". Rồi Khánh dẫn chúng tôi đi thị sát...

    Sau này, chương trình truyền hình Công đoàn cùng nhiều báo bạn đã đưa nhiều phóng sự, tin, bài về "nghiệp đoàn" của Khánh trắng như một điển hình tiên tiến. Riêng chúng tôi, do bận nhiều việc khác nên chưa kịp có bài viết về "nghiệp đoàn" của y, thì vào giữa năm sau, năm 1996, Khánh trắng cùng hơn 20 đồng bọn bị bắt về nhiều tội danh (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác). Ở bài viết này, chỉ xin được nhắc lại vài câu chuyện không bình thường trong vụ án Khánh trắng. Tuy cuối năm 1998, Khánh trắng đã bị xử tử hình và đồng bọn của hắn cũng đã bị pháp luật trừng trị, nhưng cho đến ngày hôm nay, vụ án này vẫn còn tính thời sự.

    Câu chuyện thứ nhất:

    Hôm ấy, điều tra viên công an Hà Nội Nguyễn Ngọc Minh đến một quán rượu. Sau khi “nốc” cũng kha khá, viên sỹ quan cảnh sát này móc ở túi áo ra một tờ giấy có đóng dấu đỏ chót, vuốt đi, vuốt lại với giọng khàn khàn đọc to "Quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can" cho Đào Công Huy (bị can trong một vụ án hình sự) nghe.

    Nghe xong, Huy ôm chầm lấy Minh, hết lời cảm ơn viên sỹ quan này, vì đã làm cho Huy và đồng bọn "hồi sinh". Tất nhiên, Huy không quên biếu ngay cho Minh một chiếc áo da trị giá 300 USD và hơn 2 triệu đồng để sáng mai viên sỹ quan này còn kịp đi nộp thuế trước bạ chiếc xe máy láng cóng vừa mua. Và Huy cũng không quên gửi kèm 2.000 USD để Minh... tiêu vặt. Chính cái sự "cảm ơn" này của Huy đã đưa Nguyễn Ngọc Minh ra trước vành móng ngựa, với 2 tội danh: "Làm sai lệch hồ sơ vụ án" và "Nhận hối lộ”. Chả là trước đấy, Đào Công Huy và 4 đối tượng khác đã ép 3 nữ tiếp viên và cháu Kim L (con của một nữ tiếp viên ở khách sạn Lạng Sơn, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) phải qua đêm với chúng. Khi vụ việc vỡ lở, Huy sợ bị xử lý về tội "Hiếp dâm trẻ em" (vì cháu Kim L là người vị thành niên) nên gia đình y đã nhờ Khánh trắng "can thiệp". Khánh trắng cười khểnh (tất nhiên là sau khi đã nhét tiền vào túi), bảo: "Chuyện nhỏ, cứ vô tư đi, anh sẽ giải quyết". Ngay lập tức, Khánh trắng cùng các vệ sĩ lên xe Jeep đến khách sạn, bảo với chủ khách sạn và mẹ con cháu Kim L rằng "biết điều thì im mồm, nếu không ngày mai chúng tao sẽ cho tất cả chúng mày lên bàn thờ ngồi mà ngắm hoa quả". Nghe vậy, mọi người kinh sợ, ngay tắp lự làm đơn bãi nại cho Huy. Tuy vậy, công an Hà Nội vẫn quyết định khởi tố vụ án và điều tra viên Nguyễn Ngọc Minh được giao thụ lý. Biết chuyện này, Khánh trắng bảo với Huy đến "làm việc" với Nguyễn Ngọc Minh và đã được Minh "giúp" bằng cách làm sai lệch hồ sơ vụ án... Và sau đó, Huy đã "thưởng công" cho Minh như đã nói ở trên. Không hiểu do vô tình hay kiểm tra không kỹ mà sau này cơ quan điều tra công an TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra đối với bị can Đào Công Huy và đồng bọn.

    Câu chuyện thứ hai:

    Sau khi giao ban, các cảnh sát khu vực lại toả xuống địa bàn để làm nhiệm vụ. Nhưng sáng ấy (ngày 22/5/1996), sỹ quan Đoàn Ngọc Anh (cảnh sát khu vực công an phường Kim Mã) lại không xuống phố 326 và phố Sơn Tây (nơi Đoàn Ngọc Anh phụ trách) mà tới thẳng 71E Kim Mã để... đòi nợ ông Vũ Thanh Mạnh. Tại đây, gặp đúng lúc Khánh trắng và đàn em đang hội quân, chuẩn bị siết nợ ông Mạnh. Thay vì ngăn cản hành động vi phạm pháp luật sắp xảy ra thì Đoàn Ngọc Anh vội lao về nhà riêng, trút bỏ bộ sắc phục cảnh sát, khoác bộ thường phục (như vậy vẫn còn "tỉnh đòn" chán), rồi vội quay lại nhà Vũ Thanh Mạnh, để tranh thủ đòi nợ riêng. Sỹ quan cảnh sát Đoàn Ngọc Anh bảo với "chủ tịch nghiệp đoàn" Khánh trắng: "Lấy hết đồ đạc ở khách sạn này về, thì lão Mạnh còn gì để trả nợ cho tôi?". Thấy Khánh trắng đang còn ngần ngừ, Đoàn Ngọc Anh "bồi" tiếp: "Vậy thì số tài sản thu được này, chúng ta coi như của chung. Sau này đem hoá giá để trả nợ cho các thân chủ". Khánh trắng liền "ok". Tuy Khánh đã đồng ý như vậy, nhưng do cảm thấy vẫn chưa yên tâm, nên viên sỹ quan này vội đi cùng, áp tải... số tài sản vừa siết nợ về "tổng kho" của Khánh “trắng” để... thanh lý.

    Cũng là đòi nợ nhưng sỹ quan cảnh sát Nguyễn Tiến Dũng, công an phường Kim Mã (dù không cho ông Mạnh - chủ khách sạn - vay trực tiếp mà là vợ Dũng cho vay số tiền là 5.100 USD) lại thay bộ cảnh phục ngay tại trụ sở công an phường. Sau khi khoác lên người bộ quần áo thường phục, Dũng liền phóng vèo xuống 71E Kim Mã để đòi. Khi ông Mạnh bảo không có tiền "tươi" ngay, thì Nguyễn Tiến Dũng, cũng như Đoàn Ngọc Anh, đã giúp cho Khánh “trắng” và đàn em siết nợ. Hậu quả là sau này, cả 2 viên sỹ quan công an đều phải lĩnh án về tội "Cướp tài sản công dân".

    Câu chuyện thứ ba:

    Thật ra, chủ nhân chính trong ngôi nhà 71E Kim Mã khi Khánh đến siết nợ là của ông Phạm Hải Long, không còn là nhà của ông Vũ Thanh Mạnh. Ông Long đã mua lại ngôi nhà này trước khi Khánh trắng đến siết nợ. Biết là vậy nhưng Khánh trắng và đồng bọn vẫn tìm đến. Ông Long trình bày mỏi cả mồm nhưng Khánh không nghe mà còn... doạ đánh. Ông này sợ quá chạy về nhà cũ lấy giấy tờ sở hữu rồi chạy lên công an quận Ba Đình kêu cứu. Hôm ấy, ông Long gặp đúng một viên sỹ quan ở đội an ninh tên là Phương đang ngồi ở phòng trực ban. Vị này đưa ông Long sang gặp một sĩ quan cảnh sát khác để giải quyết. Nhưng thật phũ phàng, vị sỹ quan này bảo: "Sao ông lại vượt cấp thế, cứ về công an phường báo, gửi đơn trực tiếp hay qua đường bưu điện đều được nhé. Nếu phường không giải quyết được thì lên đây chúng tôi mới giải quyết". Thật là hết chỗ nói! Sau này, ở phiên toà xử Khánh trắng và đồng bọn, chúng tôi tới dự, thấy có người khẩn khoản yêu cầu xem xét tư cách vị sỹ quan nọ nhưng buồn thay, toà lại không đả động gì đến yêu cầu chính đáng này!

    Câu chuyện thứ tư:

    Dù đã đi dự nhiều phiên toà nhưng chúng tôi chưa thấy phiên tòa nào lại vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi liên quan như ở phiên tòa xử Khánh “trắng” và đồng bọn. Có thể vì họ sợ liên lụy với "tập đoàn" tội phạm khét tiếng này chăng? Không hiểu, có phải vì vậy mà ông Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân khi ấy đã phải dùng lý do "dự lễ khai giảng năm học mới" để không đến dự toà hay vì ông đã "trót" trao quá nhiều bằng, giấy khen cho Khánh trắng nên sợ?. Ngay cả lãnh đạo cục thuế Hà Nội và 2 chi cục thuế các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... cũng đều vắng có mặt trong những ngày xử đầu tiên. Chỉ đến ngày cuối cùng của phiên toà, khi buộc phải có mặt thì đại diện của 2 chi cục này mới đến dự. Nhưng khi được toà mời phát biểu thì những vị này lại không "dám" nhờ toà buộc Khánh trắng và "nghiệp đoàn" của y phải nộp lại số tiền thuế đã trốn (thu lợi tới 5, 57 tỷ đồng trong 4 năm mà Khánh chỉ khai với cơ quan thuế doanh thu gần 744 triệu đồng)!!!


    - Bố của Khánh “trắng” có 3 đời vợ, mẹ của y cũng có 3 đời chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh trắng có đến 3 dòng họ khác nhau. Bản thân Khánh “trắng” có 5 tiền án, tiền sự. Khởi đầu sự nghiệp là công nhân, sau Khánh bỏ việc, chuyển sang đạp xích lô, chở hàng thuê ở gầm cầu Long Biên. Khi đã "phất lên", Khánh cùng đàn em, "mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự" như Đức “chính uỷ”, Thành “săm”, Sơn “lùn”... định thành lập "nghiệp đoàn" bốc xếp.

    - Liên tục từ năm 1991 đến tháng 5/1996, Khánh “trắng” và "tập đoàn" tội phạm của y đã gây ra hàng loạt vụ giết người, hiếp dâm, đâm thuê, chém mướn, trốn thuế trên địa bàn Hà Nội. Sau này, Khánh “trắng” và đồng bọn đã phải ra hầu toà về 4 tội: "Cướp tài sản công dân; "Giết người; "Che giấu tội phạm và Trốn thuế".

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Hoá giải nỗi khiếp sợ mang tên trùng tang
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 15-03-2011, 08:44 AM
  2. Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 28-02-2011, 09:25 PM
  3. Ám ảnh Hoa hậu xứ Mường
    By tieuthu_soma in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 09-02-2011, 12:22 PM
  4. Nỗi ám ảnh "rừng ma"
    By hungdac in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 20-01-2011, 04:51 PM
  5. Ảnh mật đặc công Triều Tiên ám sát TT Hàn năm 1968
    By Bin571 in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 19-12-2010, 03:20 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •