NÚI SAM HUYỀN BÍ
Chuyện đồng quê - Trần Văn


Từ bao năm xa quê hương mến yêu và núi Sam nơi gần như là chôn nhau cắt rún thứ hai của Ngọc.

Mùa phượng vĩ đã về cũng là mùa bãi trường đến. Cứ đến tháng tư âm lịch, những cây phượng vĩ ở triền núi Sam thay lá xanh non mơn mởn và những chùm hoa đỏ mộng cũng bắt đầu nở rộ. Từ Châu Đốc, đi đường bộ sáu cây số là đến Đầu Bờ, bên trái trên triền núi là Tây An Tự, một ngôi chùa lớn nhứt của miền Tây và cũng là ngôi chùa cổ kính uy nghiêm được xếp vào di tích quốc gia, thập phương bá tánh rất ngưỡng vọng.

Chênh chếch bên kia đường là miếu bà Chúa Xứ. Sau vài cây mưa đầu mùa hàng trăm cây phượng vĩ cổ thụ xung quanh miếu khoe sắc xanh tươi của lá, sắc đỏ thắm của hoa, một ngôi trường trung học đệ nhất cấp được xây cất ở bên trái, phía trong cửa chính là một dãy nhà hai tầng đúc kiên cố. Đến mùa vía Bà, những ngày lễ chính : 23, 24, 25, 26, 27 tháng tư âm lịch, những ngày trước và sau lễ chính, độ hai tuần, ngôi trường nầy được trưng dụng làm nơi tạm trú cho thập phương bá tánh từ xa về chiêm bái Bà. Ngôi trường, nhà bảo sanh, trạm y tế bên cạnh miếu Bà đều do tiền quỹ quý tế của tín hữu cúng Bà xây dựng. Các cơ ngơi này vừa phục vụ công ích, vừa làm nơi vãng lai cho những tín hữu không thuê khách sạn hoặc không có nhà người quen tá túc.

Háo hức chờ mong được đi vía Bà, thanh niên nam nữ, lứa tuổi học trò, từ miền Trung, Sài Gòn hoa lệ đến miền cuối đất Việt, những nơi xứ hóc bà tó xa xăm cũng nô nức về núi Sam cúng bái lạy tạ và ngắm nhìn phong cảnh hữu tình, nên thơ. Những người lớn tuổi có dịp đi chiêm bái vùng đất linh thiêng có năm non bảy núi, có nhiều di tích lịch sử : Tây An Tự uy nghi, Miếu Bà Chúa Xứ linh hiển, lăng Thoại Ngọc Hầu đồ sộ, Ngài là một đại công thần của nhà Nguyễn đã khai phá và mở mang vùng biên giới màu mỡ nầy.

Chạy ôm vòng quanh chân núi Sam, là một con lộ đá tráng nhựa, chiều dài chung ước tính cũng trên sáu cây số, dẫn du khách từ đầu bờ có Tây An Tự, Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu đến Bến Vựa. Bên phải, xa xa là cánh đồng lúa chạy đến dòng kinh Vĩnh Tế và màu xanh biêng biếc đến xứ Chùa Tháp. Bến Vựa là nơi tập trung nhiều mồ mả, từ con đường nhựa đi ngang qua nhiều ngôi mồ xây đủ kiểu cách, nhà giàu xây mộ có mái che, trung lưu chỉ xây bằng đá, còn nghèo chỉ có "sè sè nắm đất bên đường" cũng đủ làm ngôi nhà tạm để đưa người quá cố về bên kia thế giới nhàn du tiên cảnh.

Từ đây nhìn lên núi, cách chừng hơn trăm mét, đường vòng vèo có xây bậc cấp, đó là Bạch Vân Tịnh Xá, du khách đi lên dễ dàng, một cây cổ thụ tàng phủ che mát nhiều hòn đá to dựng đứng. Một vùng đá phẳng do bàn tay con người làm có thể chứa hàng trăm người, nơi lý tưởng cho những cặp tình nhân hoặc những kẻ nhàn du tổ chức ăn uống, ngơi nghỉ, dừng chân. Du khách có thể phóng tầm mắt nhìn lên đỉnh núi chót vót hoặc nhìn về phía Thất Sơn hùng vĩ,hay nhìn sang bên kia kinh Vĩnh Tế và tầm nhìn chỉ thấy một màu xanh bất tận. Đó là đồng lúa của những người nông dân ở hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, đồng lúa ở đây "cò bay gãy cánh" không phải "cò bay mỏi cánh". Cách bờ kinh Vĩnh Tế một cây số rưỡi là biên giới Cao Miên cũng đồng lúa mênh mông tiếp giáp với Việt Nam.

Đến mùa nước nổi từ tháng năm đến tháng mười âm lịch, đây là mùa cá nước ngọt của Việt Nam. Những con cá mẹ cá cha từ Biển Hồ của xứ Chùa Tháp theo dòng nước lũ của mùa mưa về đây sinh cư và ở cử nên sản sinh vô số nào là : cá linh, cá sặc, cá rô, cá lóc, cá bông, cá trê, cá vồ, cá tra, cá ba sa, cá he, cá chài, cá thác lác...

Đặc biệt là cá hô, một loại cá ngon vào bậc nhất của loài cá nước ngọt, thịt cá thơm, ngon có nhiều sụn, ăn rất sướng cái miệng từ món tả pín lù, xào khóm, canh chua. Món nào cũng hết sẩy. Một miếng thịt cá hô cho vào miệng thì ôi cha, sướng ơi là sướng ! Ta chỉ muốn ngậm để vậy mà thưởng thức. Cá hô, một loại cá nước ngọt mà có con nặng trên một trăm kí, loại cá nầy lâu lâu mới bắt được một con, còn những con vài chục ký trở lại thì các ngư phủ bắt được thường xuyên vào khoảng tháng ba tư âm lịch. Đặc biệt, ở khúc sông Vàm Nao và chung quanh cù lao Ông Chưởng thuộc An Giang có loại cá hô nầy nhiều. Từ tháng năm tháng sáu năm trước, loài cá hô tràn xuống đồng lúa Châu Đốc sinh sôi, sau đó dẫn dắt con cháu đến định cư vùng Vàm Nao, Chợ Mới, có lẽ nơi đây nước sâu và sông to liền kế nhau.

Trên Bạch Vân, du khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh ở cạnh một cây cổ thụ cành lá sum sê che phủ, bên trong do bàn tay khéo léo của thợ đục đá đã tạo một hang động có bàn thờ và nhang khói lúc nào cũng nghi ngút, với những dĩa trái cây ngũ quả, bình bông. Nơi đây, quả là một nơi lý tưởng cho khách nhàn du ngắm cảnh, gió mát nên thơ, được gọi là Bạch Vân Tịnh Xá, du ì không phải là am, cốc nhưng do gia đình thầy Bạch Liên Phạm Ngọc Đa tạo dựng khu vực nầy từ thập niên 40. Thầy Bạch Liên Phạm Ngọc Đa từng làm hiệu trưởng đầu tiên Collège de Chau Doc, đồng thời thầy cũng là Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Việt Nam đầu tiên khoảng năm 1950.

Núi Sam còn có chùa Hang dù là một ngôi chùa nhỏ của tư nhân, không nằm trong giáo hội tỉnh (trước 1975), chùa nầy xây cất trên một miệng hang, theo truyền khẩu, đây là hang của một con mãng xà tinh tu luyện, hang chạy dài đến núi Cấm, từ núi Sam đến núi Cấm cách xa trên mười cây số theo đường chim bay. Ai tin thì cứ tin, ai không tin thì bỏ qua cho.

Khi du khách ngắm cảnh đã rồi, lót tót đi xuống và tiếp tục đi vòng theo chân núi gặp Bến Đá, nơi đây tập trung ghe tàu để chở đá, cát cung cấp vật liệu xây dựng đi khắp nơi ở miền Tây. Bến Đá là "thủ phủ" của núi Sam và đây là xã Vĩnh Tế, cũng có trường học chợ búa, nhà bảo sanh, trạm y tế, văn phòng hội đồng xã.

Tiếp tục đi vòng qua Đá Chẹt cũng là nơi khai thác đá nhiều nhứt ở núi nầy, một con lộ từ đường cái, chạy ngoằn ngoèo đến tận đỉnh, nơi đây cũng có đài truyền tin, nhà mát. Trước 1975, trên đỉnh núi Sam có đặt mấy khẩu pháo 155, 105 ly, để phủ hỏa lực yểm trợ cho thị xã Châu Đốc cũng như các đồn bót và vùng biên giới bên kia kinh Vĩnh Tế trong tầm tác xạ khả dụng.

Con lộ lên đỉnh núi được làm khang trang, rộng đủ hai xe chạy ngược chiều nhau. Du khách đứng trên đỉnh núi Sam, nếu có thêm cái ống dòm, mặc tình mà ngắm cảnh nhìn sang đến quận Gòi Tà Lập của tỉnh Takeo (Kampuchia) hoặc nhìn ra thị xã Châu Đốc hay vùng năm non bảy núi. Mùa nước lớn, mùa lụt định kỳ hàng năm, nhiều lúc mưa nhiều lũ mạnh, cả một vùng đồng lúa bao la chạy tới chân trời bị nhận chìm dưới màu nước bạc như là biển cả mênh mông, cảnh đẹp và thơ

mộng vô cùng tận.

Triền núi Sam có đến mấy trăm cái am, cốc hoặc chùa tư nhân, mạnh ai nấy tu, mạnh ai nấy tín ngưỡng, ăn chay, ăn mặn đều được, kể cả tu cùng gia đình vợ con, bói toán, xin xâm, cho số đề đều "ô kê" cả. Núi Sam còn là một địa linh nhân kiệt đã sản sinh nhiều nhà khoa học, khoa bảng, nhà chánh trị nổi tiếng.

Núi Sam thật là linh thiêng huyền bí, chùa chiền, am động, đình miếu nhiều đều được nhiều người ở mọi miền đất nước sùng bái ngưỡng vọng, vãng lai.

Từ hướng thị xã Châu Đốc nhìn vào vùng Thất Sơn (bảy núi) núi Sam, một ngọn núi gần nhứt và có hình như một con Sam biển nằm trên một thảm xanh mênh mông. Núi Sam ở thế đất, độ cao khoảng 375 mét cách mặt biển. Từ chân núi, khắp bốn phía, đâu đâu cũng là ruộng lúa. Dân tại đây sinh sống bằng nghề làm ruộng, khai thác đá cát và đến mùa nước nổi thêm nghề bắt cá, nhứt là cá linh để làm nước mắm.

Nói đến núi Sam mà không nói đến các món ăn, món nhậu của xứ nầy là một điều thiếu sót. Món thịt bò xào lá dang với nước cốt dừa thì tuyệt cú mèo vừa ngon ngọt lại vừa béo thơm. Lá dang, một loại lá chua ở vùng núi Sam và nói chung là Thất Sơn mới có nhiều, còn các nơi khác dù người dân có trồng nhưng không đáng kể. Còn ở vùng nầy cây dang mọc tự nhiên. Món nhậu dân vùng nầy thích là bông lá "sầu đâu" trộn gỏi với khô cá sặc hoặc cá trê, cá lóc nướng, cá trạch lấu nướng mới tuyệt cú mèo lại còn thêm thịt ba rọi thái mỏng cùng với ớt đỏ, nước mắm me nữa, nhậu hết ý. Món thịt chuột rô ti, cá nướng hay món rùa rang muối cũng là món ăn đặc sản của núi Sam huyền bí.

Ai đã đến núi Sam một lần, khó mà quên và chắc chắn sẽ còn trở lai viếng núi Sam dài dài...