Những thanh kiếm huyền thoại

Kiếm được coi là một trong những loại vũ khí lâu đời nhất thế giới. Trong 18 ban võ nghệ, kiếm đứng ở hàng quan trọng nhất. Những thanh bảo kiếm đã trở thành một phần lịch sử võ học Trung Hoa và được gắn với những thanh kiếm huyền thoại…


Một trong những thanh kiếm đầu tiên chính là Thái A bảo kiếm. Tương truyền thanh kiếm này được một thợ rèn ở Giang Tô đúc thành. Nước kiếm sắc ngọt, chém sắt như bùn. Thái A bảo kiếm sau đó được dâng cho Tần Thuỷ Hoàng và sau khi Tần vương nhất thống thiên hạ đã cho cắm thanh kiếm báu này trên núi Trâu Tịch để tế cáo trời đất và được coi như một bảo vật trấn quốc.

Tuy nhiên thanh kiếm nổi danh thời đó lại là Long Tuyền kiếm do Âu Dã Tử, một thợ rèn kiếm nổi tiếng Trung Hoa thời cổ làm ra. Trong lần ngao du, ông đã thấy mạch nước Long Tuyền trên núi Tần Khê (Chiết Giang) có ánh sắc kim khí. Biết nơi đây có quặng sắt quý, ông cho xẻ núi và lấy được một mảnh "thiết anh" (sắt tốt). Được Sở Vương giúp đỡ, ông đã dồn hết tinh lực luyện nên Long Tuyền kiếm dài ba thước sắc như nước dâng cho Sở Vương. Long Tuyền kiếm nổi tiếng đến mức sau này qua lăng kính văn học mọi thanh kiếm đều được gọi là Long Tuyền và cụm từ "tay vung ba thước Long Tuyền kiếm" đã trở thành một khẩu ngữ quen thuộc.

Nước Ngô và Việt thời Xuân Thu cũng là những nước có nhiều truyền thuyết về những thanh kiếm báu nhất. Vua Hạp Lư đã từng cho người rèn những thanh bảo kiếm như Ngư Trường, Chúc Lâu và Trạm Lư. Ba thanh kiếm này tương truyền cũng là do Âu Dã Tử rèn thành. Hiện nay ở Phúc Kiến vẫn còn chiếc ao tên là Âu Dã, đó là nơi Âu Dã Tử đã rèn nên bộ ba bảo kiếm trên.


Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn

Thanh Ngư Trường, Hạp Lư giao cho Chuyên Chư đâm chết Ngô Vương Liêu và trở thành vua nước Ngô. Sau đó Hạp Lư cho rằng thanh Ngư Trường luôn mang đến điềm gở nên cho người giấu đi.

Thanh Chúc Lâu sau này được con Hạp Lư là Ngô Phù Sai dùng trong một việc vô cùng ngu dại. Khi Tướng quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư cảnh báo Phù Sai về mối họa nước Việt, thì Phù Sai lúc đó đã bị sắc đẹp khuynh thành của Tây Thi và những mưu mẹo của hai mưu thần nước Việt là Phạm Lãi và Văn Chủng làm cho mê muội nên đã bắt Ngũ Tử Tư dùng thanh kiếm này mà tự vẫn. Sau này đúng như dự đoán của Ngũ Tử Tư, quân đội Việt đã tràn sang quét sạch nước Ngô. Việt Vương Câu Tiễn giết chết Phù Sai và chiếm được thanh bảo kiếm Trạm Lư và Chúc Lâu. Sau khi báo thù, Phạm Lãi sớm biết được bản chất của Câu Tiễn nên bỏ đi Ngũ Hồ, ông viết thư để lại cho Văn Chủng: "Vua Việt dáng môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, cùng ở lúc hoạn nạn thì được chứ lúc an lạc thì không được, nếu ngài không đi, tất có tai vạ". Quả nhiên sau đó Việt Vương Câu Tiễn vì ghen ghét tài năng xuất chúng của Văn Chủng, sợ bị cướp ngôi nên đã trao cho Văn Chủng thanh Chúc Lâu, Văn Chủng tự hiểu ý, cay đắng cầm bảo kiếm tự sát. Còn thanh Trạm Lư? Tương truyền khi chết, vì quá yêu thanh bảo kiếm này nên Câu Tiễn đã sai chôn theo mình.

Tuy nhiên bộ đôi kiếm thư hùng nổi tiếng nhất Trung Hoa và cũng có nguồn gốc ly kỳ nhất lại là song kiếm Can Tương-Mạc Gia. Theo "Ngô Việt Xuân Thu" thì Can Tương là một người luyện kiếm tài danh người nước Ngô thời Xuân Thu. Sau ba mươi ngày trèo non lội suối, Can Tương đã tìm ra được một quặng sắt vô cùng quý giá và cho dựng lò luyện kiếm. Luyện trăm ngày mà quặng sắt chẳng chịu chảy ra, vợ ông là Mạc Gia thấy thế hỏi, Can Tương trả lời: "Kim loại này phải có nhân khí mới tan được". Nghe vậy Mạc Gia tắm gội sạch sẽ, rồi nhảy vào lò luyện kiếm, kim loại tan ra và Can Tương rèn được hai thanh bảo kiếm. Vua Hạp Lư đòi ông phải dâng kiếm báu, ông đưa cho nhà vua thanh Can Tương, nhưng sau đó Hạp Lư đòi nốt thanh Mạc Gia. Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, thanh Mạc Gia cũng biến mất.

600 năm sau, tể tướng nước Tân là Trương Hoa bỗng thấy ở huyện Phong Thành có ánh kiếm quang rực rỡ, ông sai nhà địa lý giỏi nhất là Lôi Hoàn đến tìm hiểu. Lần theo mạch đất, Lôi Hoàn tìm được một hộp đá, bên trong là hai thanh bảo kiếm ghi chữ Can Tương và Mạc Gia. Lôi Hoàn giấu đi thanh Can Tương, chỉ dâng lên Trương Hoa thanh Mạc Gia. Một hôm khi hai người đi thuyền trên sông, bỗng hai thanh kiếm đeo trên người rơi tuột xuống sông. Trương Hoa vội cho thợ lặn xuống tìm kiếm báu. Lặn qua tầng nước, thợ lặn hết hồn vì thấy dưới lòng sông có đôi rồng đang vểnh râu nhìn. Từ đó hai thanh Can Tương và Mạc Gia coi như mất tích.

Ngoài những thanh bảo kiếm đã biến mất, cũng có những thanh kiếm lưu lạc khắp nơi và tạo thành những truyền thuyết khác. Tương truyền Long Tuyền kiếm sau này đã lọt vào tay của Cao Biền. Khi đi cai trị Việt Nam, Cao Biền đã cho chôn Long Tuyền kiếm vào Long mạch nước Nam ở… làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho bây giờ. Sau này vào ngày 28/3 năm Canh Ngọ (1930), đức Hộ Pháp của đạo Hòa Hảo là Phạm Công Tắc đã mang bùa xuống nơi chôn Long Tuyền kiếm để ẩn trị thanh kiếm này, khai thông long mạch cho Việt Nam (hiện nay Hộ Pháp Phạm Công Tắc vẫn còn tượng thờ ở Toà Thánh Tây Ninh).

Năm 1965, tại Lã Vọng Sơn tỉnh Hồ Bắc, người ta tìm thấy mộ của Việt Vương Câu Tiễn và tìm thấy thanh Trạm Lư. Các nhà khoa học thấy thanh kiếm này đã được mạ crom (hợp chất chống gỉ) và theo kiểm tra phóng xạ thì thanh Trạm Lư có 9 nguyên tố hoá học khác nhau. Sau hơn 2.000 năm, thanh Trạm Lư vẫn sáng bóng và sắc như nước. Một thanh kiếm khác cũng được tìm thấy ở khu khảo cổ này là thanh Tê Lợi (tương truyền là do Mạc Gia đúc). Soi phóng xạ người ta thấy trong thanh kiếm này còn có chất wolfram, một chất hiếm mà mãi sau này người châu Âu mới tìm ra.

Hoàng Tùng
(Tham khảo từ Sử ký Tư Mã Thiên, Xuân Thu Chiến Quốc và các trang web)

Xem thêm bài về thanh kiếm của Viêt Vương
http://www.thegioivohinh.com/showthr...=2738#post2738