Ngậm ngùi khi mèo bị lên thớt!

Mấy năm trở lại đây, mèo - một loài vật vốn gần gũi và hữu ích cho nhà nông bỗng trở thành món đặc sản "giải xui" ở vùng quê lúa Thái Bình. Người ta ăn thịt mèo mọi lúc, mọi nơi. Các "đại gia" ăn thịt mèo đầu tháng lấy "hên"; mâm cỗ cưới có thêm đĩa thịt " tiểu hổ" càng thêm phần sang trọng; tiếp khách ở xa đến dẫn ra quán thịt mèo. Những "restaurants thịt mèo" mọc lên như nấm sau mưa tại Thái Bình. Nhiều nhà hàng quán ăn không còn phải giết mèo thủ công như trước kia mà họ trang bị những máy móc tân kì và hiện đại để "tận diệt" loài mèo một cách không thương tiếc.


Những độc chiêu... trộm mèo


Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh "vồ" tiểu hổ của các tay săn mèo thời nay thì mới thấy hết "tài nghệ" của họ và số phận của những con mèo đáng thương. Loài mèo thường ngủ ngày, đêm đi rình chuột. Chúng có đặc tính sinh học là mắt cực tinh trong đêm tối và có phản xạ nhanh gấp khoảng 9-10 lần con người nhưng chúng cũng phải "bó tay" khi đụng phải những tay săn mèo. Nhìn thấy chú mèo nào lang thang cạnh đường hoặc đang tập trung cao độ để vồ chuột, họ sẽ tiếp cận "đối phương" và chỉ cần một "kĩ năng" lắc nhẹ cổ tay với chiếc roi bằng thép (có độ dẻo, đàn hồi), vụt trúng gáy là chú mèo "chết không kịp ngáp".

Một cách bắt mèo khác mà dân "chôm" thường gọi là kiểu đánh "vu hồi", tức là lợi dụng đặc tính "bắt đèn" của mắt mèo khi bị đèn pin rọi. Trong khi mắt chúng đang tập trung vào nguồn sáng có cường độ mạnh phía đối diện thì lập tức nhanh như chảo chớp, chiếc đinh ba trên tay một gã săn mèo đứng phía đằng sau sẽ cắm phập vào lưng. Thế là đi đời một kiếp... mèo.

Mèo cái đến mùa động đực, chúng thường "ngoao, ngoao" gọi bạn tình. Lợi dụng điểm yếu của các chú mèo đực "mê gái", "đội săn" dùng mèo cái đã nhốt sẵn để "nhử" mèo đực. Khi mèo đực lượn lờ đi qua, mới thể hiện "màn chào hỏi", mà chưa kịp thực hiện "bản năng gốc" thì đã bị sập cạm răng cưa của bẫy...

Và "restaurants thịt mèo" đủ món

Có thể nói Thái Bình là tỉnh có số lượng quán bán thịt mèo nhiều nhất nước. Sau Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng, các tỉnh thành khác thực hiện khá tốt tinh thần chỉ đạo, không giết mèo. Chỉ riêng miền quê lúa Thái Bình, quán thịt mèo vẫn mọc lên như nấm với các loại tên "đặc săn thịt mèo"; "tiểu hổ" hoặc tế nhị và mĩ miều hơn là "đặc sản đồng quê".








Còn nhớ, ngay sau Chỉ thị số 19 của UBND tỉnh Thái Bình về việc cấm giết mổ mèo, "phong trào" giết mổ và xơi thịt mèo không còn "hồn nhiên" như trước, mà tạm thời lui vào "hoạt động bí mật". Nhưng chỉ sau vài tháng, tình trạng giết mổ và "xơi" thịt mèo lại đâu vào đó. Một số quán nhậu, sợ "lộ hàng" nên không dám đề thẳng chữ "mèo" trước cửa quán nhưng vẫn ngấm ngầm chào mời khách hàng loại đặc sản có một không hai này. Không chỉ riêng trên địa bàn thành phố Thái Bình mà cả các vùng quê cũng nhan nhản quán thịt mèo. Quán thịt mèo Đông La (Đông Hưng) nổi tiếng về cách pha chế, ướp tẩm...Cánh lái xe tuyến Thái Bình - Hải Phòng thường "họp" tại đây vào các ngày đầu tháng. Các ngả đường đi huyện Kiến Xương, Vũ Thư...cũng vậy cũng không thiếu quán thịt mèo. Trên đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Thái Thụy, gần cầu Vô Hối, dân nhậu thường rỉ tai nhau đến Quán thịt M. Tên quán hơi lạ là do chủ quán "tế nhị", xóa đi tên "èo", chỉ để lại chữ M.

Tại các quán đặc sản nay, thịt mèo được chế biến thành nhiều món: hấp, xào xả ớt, rựa mận, xáo măng tươi,... Nói chung là cũng đủ món, tương tự như món thịt chó. Mật mèo, nhất là mật mèo đen (hiếm) thì dùng để pha rượu, được các đệ tử lưu linh đánh giá cao bởi có tác dụng "chồng uống vợ khen". Một số "dân sành điệu về ăn uống" còn nâng món "tiểu hổ" thành tầm "văn hóa ẩm thực" với việc chế biến cầu kỳ. Ví dụ như làm thịt mèo phải kiếm cho được một cái lưỡi cày, loại đã dùng lâu ngày bóng loáng như gương đặt lên lò than củi cho nóng rực, dùng da chuột đồng đã làm sạch thui qua lửa gói ruột mèo, nướng trên lưỡi cày làm mồi nhậu. Thậm chí, một số vùng quê ở Thái Bình, đám cưới mà có món "tiểu hổ" thì mới được coi là đám cưới sang!


Nhân quả

Nói đến Thái Bình ai cũng liên tưởng đến một tỉnh thuần nông. Người nông dân nơi đây lo nhất là nạn chuột tàn phá mùa màng. Những thửa mạ, cánh đồng lúa đang làm đòng, hoặc lúa chín vàng chờ thu hoạch gặp các "anh chí" kia thì không còn gì để nói. Nhất là khi loài mèo bị "lên thớt" nhiều hơn, thì loài chuột lại càng được thể hoành hành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì diệt chuột bằng mèo là cách cho hiệu quả cao nhất vì mỗi con mèo, mỗi năm cũng bắt được đến 500 con chuột. Còn việc dùng điện để diệt chuột bảo vệ hoa màu, vừa không hiệu quả, lại vừa nguy hiểm. Đâu đó vẫn còn những cái chết thương tâm do điện giăng để diệt chuột lại không may giật chết người.

Trong khi trên những cánh đồng, loài chuột đang mặc sức phá hoại mùa màng, thì trong những ngôi nhà vẫn có những chú mèo bị xích cổ ngồi buồn thiu một góc vì chỉ cần sểnh một chút là thành... món đặc sản ở một quán đâu đó. Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới, loài mèo lại gặp "kiếp nạn" như ở Thái Bình. Năm nay là "năm tuổi" của họ hàng nhà mèo, không biết những chú mèo ở quê lúa có "đổi vận" được hay không?

MINH LÝ