(Thảo luận bàn tròn)

- Chào các bạn trẻ! Sau lễ Phật Đản các em đọc được những gì ở Hương Đạo Online nhỉ?


Một em giơ tay xin nói:

- Thưa chú, có bài viết của tác giả Viên An: “Cảm nhận của một Phật tử nhân ngày Phật Đản 2633”. Bài này hay lắm, có những đoạn văn em vô cùng tâm đắc, khiến em đã chép vào sổ tay để dành. Chẳng hạn: “khi ta đến với đạo phật bằng niềm tin, là ta chỉ mới sờ được bên ngoài quả dừa, nhưng nếu ta đến với đạo phật bằng trí tuệ thì ta mới nếm được nước dừa ngọt ngào bên trong”. Nhưng đọc đến câu: “Năng lễ, Sở lễ, Tánh không tịch” thì em bí! Bí cả ngữ và bí cả nghĩa. Nhất là 2 chữ ‘năng’ và chữ ‘sở’, hai chữ này em đã tra cứu trong tự điển Hán Viết, tự điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Hà Nội và tự điển Tiếng Việt của Thanh Nghị, nhất là tự điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật Giái Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành cũng không có 2 từ ngữ ấy. - Thiết nghĩ, kinh sách Phật pháp vốn khó hiểu rồi, mà sao các hàng giáo phẩm còn đưa các từ ngữ ‘tối nghĩa’ vào kinh sách làm chi hả chú???

- Khá khen thay, em có tâm học đạo rất sâu sắc đấy. Em thắc mắc câu: "Năng lễ sở lễ tánh không tịch" ư ? Nó thuộc thuật ngữ. Đã là thuật ngữ thì ta chỉ cần hiểu nghĩa thôi, rồi quên lời đi. Tức là ta phải hiểu ngầm: Năng là cái “ta” và Sở là cái không phải “ta”. Thế là xong, tìm hiểu thêm càng thêm rắc rối mà chẳng có ích gì ráo trọi. Bởi vì thế gian chữ ‘năng’ không có nghĩ là cái “ta” và chữ ‘sở’ cũng chẳng có nghĩa là đối tượng của cái ta. Thế thì tìm làm chi cho tốn công nhọc sức. Hầu hết các tôn giáo đều có lễ lạy khác nhau. Với Phật Giáo, ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các tôn giáo khác. Nói tóm lại, “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch”, nghĩa là người lạy và đấng mình lạy, thể tánh đều vắng lặng bình đẳng. Thật tướng vạn pháp đều thể hiện một cách bình đẳng, không phân biệt, không thấy có mình lạy và người để cho mình lạy. Nếu khi lạy mà tâm còn vướng mắc mong cầu gì đó, dù là cầu cho tha nhân, hay một chút tơ tưởng đến bất cứ điều gì, như nghĩ đến đức Phật, các chư Bồ Tát, nhớ đến cha mẹ ông bà tổ tiên cũng không được. Nghĩa là Tâm phải ở trạng thái thanh tịnh vắng lặng. Nhờ thế mà ta với Phật trở thành “Đồng nhất thể” (Ta và Phật ở trong nhau). Tuy hai, nhưng không khác thể tánh.

Có một vị Phật tử hỏi thầy Thích Giác Hoàng câu: Năng lễ sở lễ tánh không tịch là gì? Thầy trả lời rằng:

* Năng lễ: chỉ cho người đảnh lễ, tức là người đang đảnh lễ Phật hoặc chư Bồ-tát. Bản tiếng Việt dịch ý là chúng sanh.

* Sở lễ: chỉ cho đối tượng được đảnh lễ, tức là chư Phật và chư đai Bồ-tát. Bản dịch Việt dịch ý là Phật.

* Tánh không tịch: bản dịch là tánh rỗng lặng. Tâm không vướng mắc các pháp, nên gọi là tâm không; không loạn động điên đảo nên gọi là Tịch. Ý ở đây muốn nói, bản giác thanh tịnh của đức Phật và tất cả chung sanh đều như nhau, đều trong sạch và không vướng mắc…

Dịch sát nghĩa bài kệ trên: Người đảnh lễ và đối tượng được lễ bản tánh đều vắng lặng, không vướng mắc…

Tác giả Quảng Thông viết trong Tập San Nghiên Cứu Phật Học ở Huế rằng: “…Lễ mà không còn có người lễ và người được lễ. Tất cả đều bình đẳng trong thể tánh chân không. Năng lễ sở lễ tánh không tịch”.

Vậy các em hiểu chưa nào?

Một thiếu nữ Phật tử lên tiếng:

- Dạ hiểu, thì có hiểu chút chút. Nhưng chưa sâu sắc, xin chú nói rộng hơn tí nữa.

- Thầy Thích Nhất Hạnh có nhiều ví vụ về đề tài này, để chú chép một vài đoạn của thầy để làm sáng tỏ hơn cho các em dễ hiểu nhé!

“Người lạy và người được lạy, cả hai đều không có bản chất riêng biệt. Mình và Bụt không phải là hai thực thể riêng biệt. Mình ở trong Bụt và Bụt ở trong mình, phải thấy cho được điều đó trước khi lạy xuống. Đây là một điểm rất đặc biệt của đạo Bụt. Những hạt giống của tuệ giác này có thể có mặt trong truyền thống Cơ-đốc giáo, và trong các tôn giáo khác, nhưng đã không biểu lộ ra một cách quá rõ rệt như trong đạo Bụt. "

Năng lễ là người lạy, Ce lui qui fait la prosternation. Sở lễ là người được lạy, Ce lui qui reçoit la prosternation. Cả hai đều rỗng ruột, nghĩa là cả hai đều không có một cái ngã riêng biệt. Hai ta có dính líu tới nhau.

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch, the one who bows and the one who is bowed to, are both by nature empty. Empty là không, là trống rỗng. Đó là giáo pháp về sūnyatā của đạo Bụt. Trống rỗng ở đây không có nghĩa là không có mặt. Trống rỗng ở đây có nghĩa là chẳng có một cái thực thể riêng biệt…”.

Cho nên chú viết bài thơ để các em suy luận xem sao nhé:

EM CÙNG PHẬT

Hàng ngày em cùng Phật (*)
Tung tăng đi rong chơi
Khắp núi đồi
Trong hang động
Ngoài biển khơi.

Nô đùa như chim nhỏ
Trong nắng ấm ban mai
Em ăn cùng Phật
Em chơi cùng Ngài
Màn đêm buông phủ
Em ngủ với Ngài.

Ôm nhau trong giấc mộng dài !
Mà không hề biết rằng ai bên mình?
Trăm năm một kiếp phù sinh
Biết ta là Phật, khi mình hết mê.

Phạm Đà Giang

______________

(*) Tức tâm, tức Phật.
theo http://www.huongdaoonline.com.au