Gã khùng có 4.000 cổ vật triệu đô từ đồng nát
26/01/2011 1501

- 20 năm miệt mài sưu tầm, đến nay “dị nhân” Nguyễn Văn Tuấn đã lập riêng cho mình một bảo tàng “bí mật” trong lòng Đà Lạt với khoảng 4.000 cổ vật, hiện vật cực kỳ giá trị, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố này.

Tuấn “khùng”…

Cha mẹ sinh ra gã đặt tên là Tuấn. Người đời tặng thêm chữ “khùng”, bởi gã là một tay không giống ai. Đã quá nửa đời người nhưng tất cả đang dang dở: chưa vợ, chưa con, chưa nghề nghiệp ổn định. Phần lớn thời gian rảnh rỗi gã dành vào việc đi lang thang ở ngoài đường, vào các điểm thu mua phế liệu đi tìm cái mà gã nói là những đứa con đang bị xã hội văn minh đánh mất.


Tuấn "khùng" dạy đàn để kiếm sống qua ngày

Gã lại mắc vào cái tật mà những người không hiểu cho gã là ngông: không bao giờ giao du với người có chức, có quyền. Bạn bè hàng ngày đến nhà lão đàn đúm là những tay bán hàng rong, anh thợ hồ, bác lái xe, hay các cô cậu học sinh, sinh viên bị gã bỏ “bùa” vì mê cái tính tận tụy, nhiệt tình của gã.

Hàng xóm của gã rỉ tai tôi, lão đang lao vào một thứ đam mê tột độ: mê sưu tầm cổ vật, hiện vật. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp đều được gã đổ vào cuộc chơi không có điểm dừng này.


Những cổ vật Tuấn "khùng" sưu tầm được.

Thoạt nhìn cách ăn mặc, nói năng ai cũng nghĩ lão là một nông dân chân chất đích thực, nhưng hóa ra gã là một tay trí thức có hạng. Sau lần mua cả đống đĩa đời Tống đem về nhà mới biết bị “sập bẫy” đồ giả của bọn chuyên buôn đồ cổ, gã quyết tâm thi đỗ đại học. Rồi gã thi đỗ vào hai ngành lịch sử và quản trị kinh doanh của Trường Đại học Đà Lạt ở tuổi 33. Tốt nghiệp, gã không “rinh” bằng cấp ra xã hội kiếm sống mà đem về nhà khoe mẹ rồi giấu kín trong tủ.

Gã tủm tỉm khoe, sau 20 năm sưu tầm, gã có khoảng 4.000 cổ vật, hiện vật cực kỳ có giá trị gắn liền với sự hình thành và phát triển của Đà Lạt. Chỉ tính về kinh tế cũng đã tới con số triệu đô, còn giá trị về văn hóa, lịch sử thì gã khẳng định là vô giá.

Sưu tầm cổ vật từ… phế liệu

Hằng ngày Tuấn “khùng” kiếm sống bằng cách mở lớp dạy đàn, gã vốn là tay chơi guitar và organ có hạng. Ngoài giờ dạy nhạc gã thường đi lang thang khắp các điểm thu mua phế liệu trong thành phố để tìm cái gã gọi là “đứa con bị đánh rơi”. Gã nói phần lớn những cổ vật giá trị gã có được hiện nay là thu mua từ các điểm phế liệu và đi… nhặt ngoài đống rác.

Từ năm 1992, gã lao mình vào cuộc chơi sưu tầm cổ vật, hiện vật. Đến năm 1995 đã có trên 100 món, trong đó có nhiều chiếc đĩa của vua chúa chuyên dùng để phát hiện độc tố trong các món ăn, dàn máy đĩa quay bằng dây thiều hiệu Pathé của Pháp lớn nhất Việt Nam, máy tính, tiền xưa bậc nhất thế giới, máy khắc chữ phục vụ giới học sinh, sinh viên, công chức đầu tiên của Đà Lạt, máy trắc địa người Pháp dùng để đo đạc xây dựng sau khi phát hiện ra Đà Lạt, máy thu hình đời đầu tiên, bình vôi cổ Việt Nam, bộ sưu tập tiền cổ Đông Dương, Bảo Đại, Pháp thuộc, Việt Minh…

Và đến nay, lão có khoảng 4.000 cổ vật, hiện vật rất có giá trị.





Tuấn "khùng" khoe 2 chiếc cup thời Bảo Đại gã mua ở điểm thu mua phế liệu với giá sắt vụn.

Đến nhà gã, mới tới đầu ngõ đã nghe gã say sưa kể lại với đám đàn em đáng tuổi con của gã về quá trình sưu tầm cổ vật, hiện vật mà không cho ai được vào kho xem khiến người lạ nghĩ Tuấn “khùng” đang “nổ”. Nhưng khi câu chuyện sắp mãn cuộc, lão tẩn mẩn vào phòng tìm chìa khóa mở cửa vào kho bê ra đủ thứ là lạ bám đầy bụi bặm thì ai cũng ngỡ ngàng, trầm trồ.

Thấy tôi, gã cao hứng vào kho ôm ngay một mảng gỗ chạm hình đôi long đối đầu với nhiều hoa văn đặc sắc. “Đây là bản sắc "Tiết hạnh khả phong" của vua Bảo Đại ban cho một phụ nữ ở Đà Lạt vào những năm 40 của thế kỷ trước…” - gã nói.

Tuấn “khùng” say sưa đọc và dịch nghĩa cho đám học trò những chữ Hán viết trên tấm sắc phong. Gã kể tấm bản sắc phong này gã nhặt ở đống rác bên đường.



Tuấn "khùng" cho đàn em xem bức "Tiết-Hạnh khả phong" do Bảo Đại ban cho một phụ nữ ở Đà Lạt mà gã nhặt được ở đống rác

Gã còn mua được cả những chiếc cup chung của 3 nước Đông Dương với giá sắt vụn. Đó là chiếc Cup bóng đá Đông Dương năm 1941-1942 do vua Bảo Đại, vua Sihanouk và toàn quyền Đông Dương Decoux tài trợ, chiếc Cup đua xe đạp của 3 nước Đông Dương năm 1947.

Đang giới thiệu về 2 chiếc cup bỗng nhiên gã nhăn mặt tỏ vẻ giận dữ, gã nói vì 2 chiếc cup này làm gã bị người đời chửi nhục. “Cách đây chưa lâu, có một người ở Hà Nội viết thư vào bảo tôi nói láo. Họ không tin tôi có chiếc 2 chiếc cup này. Họ bảo tôi dựng chuyện, hoặc làm giả. Chú thấy có điên không?!....”.


Nhiều người không tin Tuấn "khùng" có được 2 chiếc cup này

Để chứng minh là chiếc cup thật, lão đọc vanh vách những chữ chìm, nổi khắc trên chiếc cup bằng tiếng Pháp cho tôi hiểu rồi nhất quyết đòi tôi phải chụp những chữ này để đưa lên báo cho lão …“bớt nhục” với người đời.

Hàng sắt vụn có giá… 2 triệu USD

Ban đầu Tuấn “khùng” cũng là một tay buôn bán, môi giới đồ cổ có tiếng, nhưng với cái tính thật thà của lão thì lại luôn phải chịu thiệt. Gã kể gã phát hiện một cây đèn cổ của Pháp nhưng không có tiền mua đành giới thiệu cho một anh khác mua với giá 4 chỉ vàng nhưng anh này bán lại được 55 lượng vàng. Một bức tranh vẽ 100 con ngựa của một danh họa Trung Quốc vào thế kỷ XVIII anh cũng giới thiệu cho bạn mua với giá 500.000đ anh này bán lại với giá 28.000USD.

Và nay gã thành người sưu tầm cổ vật, hiện vật chứ nhất quyết không chịu bán ra. Năm 2005, một đôi vợ chồng người Pháp đã tìm thấy trong bộ sưu tầm của gã rất nhiều cổ vật của nước họ rồi trả giá 2 triệu USD nhưng gã lắc đầu từ chối. Gã nói làm vậy sẽ có tội với Đà Lạt.

Nói về những cổ vật, hiện vật của Tuấn “khùng”, ông Đỗ Văn Thể, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Lâm Đồng chia sẻ: Đây là một kho bảo tàng có ý nghĩa rất lớn về giá trị văn hóa, lịch sử. Những cổ vật đã khắc họa lại cả một nền văn hóa gắn liền với Đà Lạt từ khi hình thành đến nay, đặc biệt là sự giao thoa văn hóa Đông – Tây mà anh Tuấn đã dày công sưu tầm.

Khắc Lịch