Chuyện Hàn Tín chôn sống mẹ ruột để được phong thủy

- Hàn Tín là cái tên không xa lạ với nhiều người dân thuộc nền văn hóa Đông Á. Họ Hàn là khai quốc công thần nhà Tây Hán, là một tướng quân anh dũng thiện chiến, một nhà quân sự túc trí đa mưu. Nhờ chiến thuật linh hoạt, biến đổi khôn lường của mình, Hàn Tín đã góp một công sức không nhỏ trong việc giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang giành được thiên hạ trong cuộc tranh chấp với Sở Bá Vương Hạng Vũ, được người đời xưng tụng là “quốc sĩ vô song”, “công cao vô nhị”.
Tuy nhiên, dù công cao cái thế, song trong nhiều truyền thuyết dân gian, Hàn Tín cũng có những chuyện chẳng lấy gì làm quang minh chính đại. Người ta nói rằng, để “được phong thủy” phục vụ cho sự thăng tiến của bản thân, Hàn Tín đã chôn sống mẹ ruột của mình…

Hàn Tín sinh năm 229 trước Công nguyên trong một gia đình nghèo khó. Từ khi sinh ra, Hàn Tín đã không có cơ hội nhìn mặt cha ruột của mình, theo mẹ trải qua những ngày cực kỳ gian khổ, sống nhờ sự cứu tế của người khác vì thế hai mẹ con họ Hàn thường xuyên bị người xung quanh coi rẻ.
Khi Hàn Tín lớn lên một chút, cũng chẳng có vẻ gì là một người có chí hướng, tính tình phóng túng, không hiểu lễ độ, chẳng lo gì tới việc làm ăn, cả ngày đeo bên mình thanh kiếm do ông cha truyền lại lang thang khắp đây đó khiến từ đầu phố tới cuối hẻm không ai không chê cười.

Một hôm, Đình trưởng Nam Xương Đình thấy Hàn Tín tuy phóng đãng, ngỗ ngược song tướng mạo đường hoàng, cốt cách hơn hẳn hạng phàm phu tục tử nên đã mời họ Hàn tới làm môn khách trong nhà mình.

Tuy nhiên, Hàn Tín là kẻ chẳng quan tâm tới lễ tiết, chẳng quan tâm tới chuyện vụn vặt, vì thế chẳng biết làm thế nào mà đắc tội với phu nhân của đình trưởng. Đình trưởng phu nhân cứ mỗi lần nhìn thấy Hàn Tín là lập tức nổi điên lên, nhất định không chịu nhìn mặt.

Vì thế, mỗi khi Hàn Tín tới ăn cơm thì cơm đã hết từ lâu. Thời gian trôi qua, Hàn Tín cũng nhận ra rằng đình trưởng phu nhân không ưa gì mình, đành phải bỏ đi.




Hàn Tín sinh năm 229 trước Công nguyên trong một gia đình nghèo khó.

Hàn Tín rời khỏi nhà đình trưởng Nam Xương, chợt nhớ ra một việc. Một hôm, nhà đình trưởng mời tới một lão tiên sinh. Người này râu dài bạc như cước nhưng mặt mũi thì lại hồng hào, giống như một cao nhân đắc đạo.

Sau khi đình trưởng và ông lão uống trà xong, hai người cùng nhau đi ra ngoài lên núi. Hàn Tín nổi cơn tò mò, cũng lần theo sau. Mỗi khi hai người quay lại nhìn, Hàn Tín lại vội vàng nấp vào bụi cây. Đình trưởng và ông lão đi vòng qua mấy ngọn núi, nơi này thì nhìn ngó tìm kiếm, nơi khác lại xem xét, thi thoảng lại dừng lại, đo đo đạc đạc, sau một hồi lại đi.

Đột nhiên, hai người dừng lại ở một nơi, chỉ thấy mặt ông lão lộ ra vẻ vui mừng. Hàn Tín rất muốn biết họ đang làm chuyện gì, vì thế, tiến sát tới gần trốn ở một bụi rậm cách rất gần 2 người. Câu chuyện giữa đình trưởng và lão tiên sinh, Hàn Tín nghe rõ từng câu một.

Lúc bấy giờ, chỉ nghe ông lão nói: “Nơi đây không tồi, để tôi đo đạc kỹ hơn xem sao”. Vị đình trưởng nghe vậy, cung kính nói: “Mong lão tiên sinh giúp cho, chuyện tiền công, chỉ cần tiên sinh muốn bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu”.
Ông lão dường như không nghe thấy lời của vị đình trưởng, chuyên tâm quan sát khu vực quanh đó. Đột nhiên, ông lão nói: “Đây thực là một nơi bảo địa phong thủy hiếm gặp! Ta đã xem phong thủy rất nhiều năm, đi khắp nam bắc nhưng chưa bao giờ gặp một nơi phong thủy đẹp như nơi đây”.

Viên đình trưởng vui mừng như muốn nhảy cẫng lên, vội vàng bước tới hỏi: “Có thật không? Mong tiên sinh chỉ bảo rõ hơn”.
Ông lão dùng tay vuốt chòm râu bạc như cước của mình, cười nói: “Trên đầu của nơi này chính là hồ Hồng Trạch, phía dưới chân thì có rất nhiều ao hồ nhỏ, bên tay trái chính là Ác Kim Hồ, bên tay phải là Nữ Sơn Hồ.

Theo phong thủy mà nói thì, nơi sông hồ uốn khúc quay vòng trở lại, đó chính là nơi tích tụ long mạch”. Đình trưởng nghe xong vui mừng lắm, nói: “Vậy thì quyết định chọn nơi đây!” Tới lúc này, Hàn Tín mới biết rằng, hóa ra hai người này đang xem phong thủy để tìm nơi chôn cất người.

Đúng lúc Hàn Tín định bỏ đi thì ông lão lại nói với vị đình trưởng: “Vì ông đã tin ta nên ta cũng tiết lộ cho ông biết. Ông xem, Hồng Trạch Hồ ở phía trên đầu trông giống như một chiếc mũ của nguyên soái, hai bên Ác Kim Hồ và Nữ Sơn Hồ giống hai chiếc đai bay của mũ.

Ngoài ra còn có Bạch Mã Hồ đứng ở bên cạnh hầu hạ. Đây chính là mảnh đất phong thủy có thể giúp người ta phong hầu bái tướng hơn nữa chính là một võ tướng rong ruổi chiến trường”. Đình trưởng nghe thấy vậy, càng vui hơn nói:

“Nếu như điều đó là thật thì tại hạ và tiên sinh sẽ cùng nhau hưởng vinh hoa phú quý, truyền đến ngàn vạn đời sau!” Thầy phong thủy cười một cách mãn ý nói: “Ta đây đang chờ được nghe một câu nói như vậy của đình trưởng.

Nếu đến ngày ta trăm tuổi mà được cùng chôn ở nơi đây để được cùng hưởng phong thủy thì ta sẽ chọn chính huyệt cho đình trưởng”. Viên Đình trưởng nói: “Không sai, đại trượng phu đã nói một lời, bốn ngựa cũng không đuổi kịp! Lão tiên sinh ngài cứ yên tâm”.

Thầy phong thủy nói: “Mang cho ta một cái cọc tới đây, ta cũng muốn đánh cược một ván. Cả đời khó có thể gặp được nơi phong thủy đẹp như thế này, cần phải điểm vào chính huyệt của nó”.

Chỉ thấy, ông lão đi về hướng Đông 10 bước rồi chăm chú nhìn, một lúc sau, ông lão dùng chiếc cọc tre cầm trên tay đóng xuống đất và nói: “Nói thực với ngài, nếu như không có câu nói cùng hưởng vinh hoa phú quý của ngài, thì theo thói thường, tôi sẽ không bao giờ điểm vào chính huyệt cả. Bởi lẽ, nếu như điểm vào chính huyệt sẽ làm tổn hại đến dương thọ của chúng ta.

Nhưng nếu như điểm lệch đi một chút thì sức mạnh của phong thủy sẽ giảm đi nhiều. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, gặp một nơi có phong thủy đẹp thế này, ta cũng không nỡ bỏ qua, huống hồ ông đã đồng ý sẽ mang thi thể ta chôn tại đây, giúp con cháu ta có thể hưởng vinh hoa phú quý”.
Hai người nói chuyện tới đây thì Hàn Tín lẳng lặng bỏ đi, coi chuyện này chẳng phải là chuyện gì ghê gớm. Tuy nhiên, sau khi bị đình trưởng phu nhân đuổi ra khỏi cửa, Hàn Tín trở thành kẻ vô gia cư, ăn bữa sáng lo bữa tối, vì thế đột nhiên, Hàn Tín cảm thấy căm ghét nhà đình trưởng.

Vì sao nhà các ngươi lại được ăn sung mặc sướng, được người người tôn trọng trong khi Hàn Tín ta cũng là người lại phải cơm hẩm canh thiu, lại còn phải chịu sự khinh rẻ của người đời. Đột nhiên, Hàn Tín nhớ lại chuyện đình trưởng chọn mộ.

Tên đình trưởng đã giàu có, tương lai lại còn muốn được bái tướng phong hầu, vừa giàu vừa sang, tất cả mọi điều tốt lành đều thuộc về ngươi cả. Không được, ta nhất định rút cây cọc đánh dấu để xem ngươi còn bái tướng phong hầu nữa hay không.

Nghĩ vậy, Hàn Tín đi theo đường nhỏ chạy lên núi. Cây cọc tre mà thầy phong thủy đánh dấu vẫn còn đó. Hàn Tín xông đến định nhổ cây cọc lên. Tuy nhiên, đương lúc cầm vào cây cọc, Hàn Tín chợt nghĩ, dù ta có nhổ cây cọc này đi, đình trưởng vẫn có thể dẫn thầy phong thủy tới xem lại, chi bằng ta đổi cây cọc đi chỗ khác, phong thủy cũng sẽ thay đổi theo.

Đáng tiếc đây là nơi có phong thủy đắc địa. Chi bằng ta mang phần mộ của nhà ta tới đây, nếu đúng như ông lão phong thủy nói thì gia đình ta rồi cũng có lúc phong hầu bái tướng.

Nghĩ thế, Hàn Tín nhổ cây cọc tre rồi dùng một ký hiệu riêng đánh dấu vào chỗ cây cọc vừa bị rút. Tiếp đó, Hàn Tín đi ngang theo sườn núi mấy chục bước, nhìn thấy xung quanh khung cảnh không khác nhiều so với nơi thầy phong thủy đã chọn liền lấy cây cọc đóng xuống đó.

Tuy nhiên, lúc này Hàn Tín lại gặp phải khó khăn lớn. Từ nhỏ, Hàn Tín đã không biết mặt cha mình là ai, cũng chẳng biết cha mình chôn ở đâu làm sao để mang phần mộ cha tới chôn ở nơi phong thủy bảo địa này đây.
Nghĩ thế, Hàn Tín chạy về nhà hỏi mẹ, không ngờ, mẹ Hàn Tín đáp: “Con không có cha, nhà ta cũng chẳng có phần mộ đâu”. Hàn Tín nói: “Con làm sao lại không có cha được? Không có cha thì con từ đâu ra? Lẽ nào là mẹ nhặt về hay sao?”

Tuy nhiên, bất kể Hàn Tín hỏi thế nào, bà mẹ cũng không chịu nói nửa lời. Hàn Tín không còn cách nào khác, đành phải đem chuyện viên đình trưởng chọn mộ và dự định của mình nói với mẹ. Lúc này, mẹ của Hàn Tín mới mở hòm lấy ra một thứ, Hàn Tín nhìn theo, hóa ra đó là một bộ da động vật.
Hàn Tín kinh ngạc lùi lại sau hai bước, nhìn trừng trừng vào bộ da hỏi: “Đây là thứ gì vậy?” Mẹ Hàn Tín nước mắt lưng tròng nói: “Con chẳng hỏi ta cha con là ai hay sao? Đây là cha con…” Hàn Tín cầm bộ da thú dữ dằn ném xuống đất rồi nói: “Không! Đây làm sao là cha con được?”

Bà mẹ vừa khóc vừa nói: “Con à, con hãy từ từ nghe mẹ nói đã. Nhà ta cách nơi đây rất xa, lúc đó, gia đình chúng ta vẫn có thể coi là một nhà có của ăn của để. Khi ta trưởng thành, một đêm, trong phong ta bỗng nhiên xuất hiện một chàng công tử vô cùng tuấn tú, có thể nói là trên đời khó tìm.

Sau đó, cứ cách vài ba hôm chàng ta lại tới một lần nhưng lúc tới và lúc đi đều không để lại tông tích gì, cũng chẳng ai hay biết. Chúng ta qua lại với nhau suốt hơn một năm, vì thế mới có con ra đời”. Hàn Tín cướp lời mẹ nói: “Vậy thì chàng công tử tuấn tú kia là cha của con?”

Mẹ Hàn Tín lại nói: “Đêm hôm đó, chàng ta lại tới, chàng nói với ta sự thật. Chàng ta nói chàng ta là một con khỉ đã tu luyện hơn nghìn năm, đã đắc đạo thành tiên. Tuy nhiên, nay chàng ta đã phạm vào luật trời, tiên giới muốn trừng phạt chàng ta, chàng ta không sống được nữa nên mới nghĩ tới chuyện lấy da của mình để tặng cho ta.

Chàng ta nói xong thì biến mất, trong phòng từ đâu bỗng xuất hiện một bộ da khỉ. Chuyện chàng trai là khỉ thành tinh thì có thể giấu được chứ cái bụng của ta thì làm sao mà giấu được. Cha mẹ ta căn vặn ta xem ai là cha đứa trẻ nhưng ta không thể trả lời được.

Cha mẹ mắng chửi ta là làm nhục gia đình, đuổi ta ra khỏi nhà. Ta mang cái bụng to đi khắp phố phường tìm miếng ăn, cuối cùng sinh ra con ở một bãi cỏ hoang. Người chưa tới số chết thì chắc chắn sẽ được cứu.

Khi mẹ hai mẹ con ta đang sắp chết vì đói thì chúng ta được một ông lão cứu sống. Ông lão đó họ Hàn, không con không cái, chỉ có 2 ông bà già chung sống với nhau. Ta đã nhận hai ông bà ấy làm cha mẹ nuôi. Vì thế, con mới mang họ Hàn.

Hai ân nhân của chúng ta lần lượt qua đời, chính vì thế, hai gian nhà này mới trở thành nơi nương tựa của mẹ con ta”.
Hàn Tín nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, cầm bộ da khỉ lên, tới sân sau tìm một cái xẻng rồi lên núi. Sau khi tìm được chỗ, chẳng mất bao nhiêu công sức, Hàn Tín đã đào được một cái hố lớn, to bằng huyệt mộ. Đào xong, Hàn Tín ném bộ da khỉ xuống dưới đáy huyệt.

Tuy nhiên, khi bộ da khỉ còn chưa rơi xuống tới đáy huyệt thì một cơn gió từ đâu thổi tới, đẩy ngược bộ da lên. Hàn Tín ném lại, lại bị gió thổi lên. Hàn Tín lấy làm lạ, nhìn xung quanh không hề thấy có gió. Hàn Tín lại cầm bộ da ném lại một lần nữa, lại bị gió thổi ngược lên.

Dường như gió sinh ra từ dưới đấy huyệt. Hàn Tín lúc này mới nghĩ thầm: Ta không tin là không chôn được! Nghĩ xong, Hàn Tín tìm một viên đá to đặt lên trên miếng da khỉ rồi ném xuống dưới huyệt. Tuy nhiên, kết quả viên đá rơi xuống còn bộ da khỉ vẫn bị thổi ngược lên trên. Hàn Tín thấy không có cách nào khác, đành phải quay về nhà gọi mẹ.

Khi gọi mẹ tới, Hàn Tín nói mẹ mình xuống huyệt để đón bộ da khỉ cho mình, đợi khi mình dùng xẻng xúc đất đổ đè lên bộ da xong thì sẽ kéo mẹ lên. Mẹ Hàn Tín nghe theo lời của con trai trèo xuống hố, hai tay nhận bộ da khỉ.

Không ngờ khi Hàn Tín chỉ mới xúc được một xẻng đất thì một cơn cuồng phong không biết từ đâu thổi tới, cuốn toàn bộ đất cát mà Hàn Tín đào lên lúc trước lấp xuống huyệt mộ. Mẹ Hàn Tín cũng bị đất đá chôn luôn dưới huyệt.

Hàn Tín sợ quá, chẳng biết làm thế nào, đứng ngây ra một lúc rồi mới vội vã dùng xẻng đào đất lên để cứu mẹ. Thế nhưng, đất bị đào lên tới đâu thì như có phép lạ lại bị hút trở lại tới đó. Hàn Tín biết rằng, mình không thể cứu được mẹ, khóc một trận lớn, khấu đầu lạy ba cái rồi ngầm ngùi trở về nhà.

Khi Hàn Tín từ mộ mẹ mình trở về, đi ngang qua khu chợ thì có mọt người mổ lợn tuổi tác tương đương với Hàn Tín bước ra chặn lại. Anh chàng mổ lợn này cơ thể cao lớn, khỏe mạnh, tay lúc nào cũng lăm lăm con dao mổ, đi lại nghênh ngang, khiến cả thành Hoài Âm không ai không sợ.

Tên mổ lợn chặn Hàn Tín lại nói: “Nhìn ngươi cao to, ngựa tốt, lại đeo bên mình một thanh kiếm giống như ai cũng phải sợ ngươi! Nếu như ngươi có gan thì rút kiếm ra tỉ thí với ta, xem kiếm của ngươi mạnh hơn dao mổ lợn của ta bao nhiêu.

Nếu như ngươi sợ chết không dám thì hãy quỳ xuống bò quá háng của ta mà đi tiếp”. Lúc này, những kẻ ăn theo tên mổ lợn cũng không ngớt đứng bên ngoài hò reo thách thức Hàn Tín.

Hàn Tín nhìn bộ dạng cao lớn của tên mổ lợn, cảm thấy không ổn. Lúc đó, đến cơm Hàn Tín cũng chưa ăn, lấy đâu ra sức mà đánh lại một tên mổ lợn to lớn thế này. Nếu như mình bị đánh chết, mọi người đều sợ tên đồ tể, không ai ra làm chứng thì chẳng khác gì mình chết oan.

Thôi được rồi, chẳng phải ta muốn sau này được phong hầu bái tướng hay sao? Tới lúc đó ta trả mối thù bị xỉ nhục này cũng chưa muộn. Nghĩ vậy, Hàn Tín chầm chậm cúi đầu, quỳ xuống và bò qua háng của tên đồ tể mà đi. Những người đứng xem xung quanh ai nấy được một trận cười vỡ bụng.
Hàn Tín ôm ấp chí lớn ngang dọc chiến trường, mang thanh kiếm gia truyền tới đầu quân dưới trướng của Hạng Lương. Sau khi Hạng Lương bại trận bị chết, Hàn Tín theo về với Hạng Vũ, làm chức chấp kích lang trung, thực tế là chức canh cửa.

Hàn Tín nhiều lần hiến kế cho Hạng Vũ nhưng Hạng Vũ vốn tự phụ, không thích nghe ý kiến của người khác. Hàn Tín cảm thấy mình ở dưới trướng của Hạng Vũ sẽ không thể thi triển được tài năng vì thế quay sang đầu quân cho Lưu Bang, làm một chức quan nhỏ trông coi kho lương.

Quân sư của Lưu Bang là Tiêu Hà sau nhiều lần nói chuyện với Hàn Tín, phát hiện Hàn Tín là một nhân tài, nhiều lần tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang. Tuy nhiên, Lưu Bang cũng như Hạng Vũ không mấy để ý tới Hàn Tín.
Trong một lần đại quân của Lưu Bang hành quân, mười mấy vị tướng lĩnh đã tìm cách bỏ trốn. Hàn Tín cũng cảm thấy mình không được Lưu Bang trọng dụng nên cũng bỏ trốn theo. Tiêu Hà sau khi biết chuyện, vội vàng đuổi theo Hàn Tín.

Đây chính là nguồn gốc của giai thoại nổi tiếng: “Dưới trăng Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín”. Sau khi Tiêu Hàn tìm được Hàn Tín trở về, đã hết lời tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang. Nể tình của quân sư họ Tiêu, Lưu Bang mới chấp nhận phong cho Hàn Tín làm tướng quân.

Sau khi có được sự trọng dụng, Hàn Tín có cơ hội thi triển tài năng. Những chiến thắng vang dội của quân Hán trước quân Sở đều do Hàn Tín thực hiện. Do công lao ngày càng lớn, tước vị của Hàn Tín cũng ngày một cao hơn.
Trước sau, Hàn Tín đảm nhiệm các chức tướng quân kiêm tả thừa tướng, đại tướng quân kiêm tướng quốc, Tề vương, Sở vương. Tuy nhiên, cuối cùng Hàn Tín bị giáng làm Hoài Âm hầu. Vì thế, sau này, người ta đều gọi Hàn Tín là Hoài Âm hầu.

Do công cao át chủ, Hàn Tín trở thành mối đe dọa đối với triều đình nhà Hán. Vì thế, sau khi Lưu Bang chết, Lã Hoàng hậu vu cáo Hàn Tín mưu phản rồi ra lệnh giết chết.
Năm bị giết, Hàn Tín mới chỉ 32 tuổi. Người ta đều nói, do Hàn Tín chôn sống mẹ mình để được phong thủy làm tổn thương tới dương thọ vì thế mới chết trẻ như vậy.
  • Hải Phong