Tác giả: Cổ Mộ
Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 622, ngày 20.11.2007, chuyên mục Góc thiền, trang 53- 54


Thiền sư Đỉnh Châu cùng một sa di đi ngang qua sân chùa. Bỗng một cơn gió ào tới, lá trên cây rụng xuống ào ào. Sư cuối xuống nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong túi. Sa di thấy vậy bèn nói: “Thiền sư không phải nhặt đâu, mỗi sáng chúng ta đều sẽ quét dọn mà”.

Sư Đỉnh Châu điềm nhiên: “Không thể nói vậy được, chẳng lẽ quét dọn thì chắc sẽ sạch hết sao? Ta năng nhặt từng chiếc thế này, sẽ khiến cho mặt đất thêm sạch sẽ”.

Sa di: “Những chiếc lá rụng nhiều như vậy, ông nhặt đằng trước, nó lại rụng đàng sau, vậy nhặt bao giờ cho hết?”

Đỉnh Châu: “Lá không chỉ rụng trên mặt đất mà lá còn rụng trong tâm của chúng ta. Ta nhặt lá rụng trong lòng ta, hẳn có lúc sẽ sạch”.

Ngày xưa, khi Phật Đà còn tại thế, có một đệ tử tên là Chu Lợi Bàn Đà Gia rất đần độn. Anh ta đọc một bài kệ được câu sau thì đã quên câu trước. Phật hỏi biết làm gì, anh ta nói biết quét sân. Phật bèn bảo anh ta khi quét sân hãy niệm câu “phất trần tảo cấu” (quét bụi quét bặm). Anh ta theo như vậy một thời gian lâu và nghĩ bụng: bụi bẩn bên ngoài thì dùng chổi mà quét, vậy còn bụi bẩn trong lòng thì phải dùng cái gì mà quét?

Nghĩ được như vậy, là Chu Lợi Bàn Đà Gia đã bắt đầu trở nên thông minh rồi vậy.

Người ta nói:

Thiền sư Đỉnh Châu nhặt lá rụng chính là nhặt những vọng tưởng và phiền nảo trong tâm. Khắp sông núi bao la có biết bao nhiêu là lá rụng, làm sao có thể nhặt hết ? Nhưng lá rụng trong tâm nhặt được một chiếc lá là bớt đi một chiếc. Chỉ cần Thiền giả an tâm thì lập tức thấy cả đại thiên thế giới. Và chỉ cần tâm an tĩnh thì ai ai cũng có thể nhặt hết được những chiếc lá rụng trong lòng mình.