Đây là loạt bài phóng sự ảnh đăng trên báo SGTT, chúng ta đã tận diệt thú rừng, tàn phá rừng xanh, hủy hoại thiên nhiên. Hậu quả là giờ đây biến đổi khí hậu càng lúc càng dữ dội, thiên nhiên đang giận dữ đáp trả lại con người, đấy chính là luật nhân quả, hậu quả này xứng đáng với loài người chúng ta.:

Bài 1: Thảm hoạ gia đình khỉ

Lts. Tháng 12.2010 vừa qua, tại liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 4, bộ phim tài liệu. Tội ác rừng xanh của nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn Lê Hoài Phương đã đoạt giải “Việt Nam xanh” – giải thưởng cao nhất của liên hoan. Để thực hiện bộ phim này, Lê Hoài Phương đã âm thầm theo chân những người săn bắt khỉ trong ròng rã ba năm trời. Không chỉ quay phim, tác giả còn sử dụng máy ảnh để chụp lại những hình ảnh tàn sát nhói lòng. Trong loạt bài viết riêng cho Sài Gòn Tiếp Thị này, Lê Hoài Phương không chỉ lần đầu công bố những hình ảnh có thể coi là bằng chứng tội ác của các sát thủ rừng xanh với loài khỉ, mà còn đưa ra một góc nhìn khác về những sát thủ này, cũng như câu chuyện hậu trường làm thế nào để tác giả thực hiện được những thước phim tư liệu quý giá đó.

Xứng danh thuỷ tổ của loài người, tổ chức bầy đàn của loài khỉ rất chặt chẽ. Mỗi bầy luôn có một khỉ đầu đàn chỉ huy. Khỉ đầu đàn có nhiệm vụ quan sát, báo động cho cả bầy. Mỗi cánh rừng rộng lớn thường chỉ có một bầy khỉ sinh sống.


Để bẫy được khỉ, những tay săn bắt thú dùng bắp trái treo trên các bụi cây để nhử chúng. Từ bên ngoài lưới, khỉ muốn vào ăn bắp phải đi qua những thân tre làm cầu do các tay săn bắt thú cố ý tạo ra. Cầu này được cột bằng một sợi dây chắc chắn, kéo vào thum nơi các tay săn bắt thú đang núp. Chỉ cần chặt đứt sợi dây, cầu tre sập xuống là khỉ bên trong lưới sẽ hoàn toàn cách ly với bên ngoài và chúng sẽ bị bắt.


Khỉ đầu đàn vào ăn bắp xong đi ra ngoài, leo lên một cây cao nhất để cảnh giới sự nguy hiểm của thú ăn thịt, đồng thời phát hiệu lệnh cho cả đàn vào ăn bắp. Các tay săn bắt thú chờ cho đàn khỉ vào đông nhất là chặt đứt dây, cầu khỉ sập xuống. Khỉ ở trong lưới hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài. Các tay săn bắt thú bỗng dưng xuất hiện, cả đàn khỉ vùng chạy nhưng chỉ chạy được trong lưới…


Ngoài việc đánh bẫy bắp để bắt cả đàn khỉ, các tay săn bắt thú còn đánh bẫy vòng để bắt từng con riêng lẻ. Thông thường, khỉ đầu đàn hay mắc loại bẫy này vì vị trí thủ lĩnh của chúng. Nếu khỉ đầu đàn dính bẫy vòng nhưng tự mình thoát ra được, nó vẫn bị khỉ khác soán ngôi.


Theo lời của những người săn bắt khỉ thì loại mà lái buôn đặt mua nhiều nhất là khỉ con không quá 2kg và khỉ cái đang nuôi con. Do vậy, khi sập bẫy khỉ con và khỉ cái được bắt đầu tiên và luôn được chăm sóc rất đặc biệt.


Sau những hoảng loạn đầu tiên, phần lớn các khỉ con, khỉ cái được bắt gọn. Những con khỉ đực dần dần bình tâm lại, bắt đầu hành động chống trả. Đây là những con khỉ đực có khí chất mạnh mẽ, có thể trở thành khỉ đầu đàn trong tương lai. Những vết cắn của chúng là chí mạng, hết sức nguy hiểm, nên giải pháp chống lại nhóm khỉ đực này là bẻ răng. Những hạt bắp vàng ươm chúng ăn để dành hai bên má, nay rơi ra cùng với những chiếc răng bị bẻ, nhìn rất tội nghiệp.


Đau lòng nhất có lẽ là khỉ đầu đàn núp sau thân cây một mình chết lặng, chứng kiến cuộc vây bắt và không hiểu nổi vì sao con người lại bắt hết gia đình của chúng. Rồi đây khỉ đầu đàn chỉ còn lại một mình lang thang trong rừng vắng.

bài và ảnh Lê Hoài Phương

Ảnh cuối, ánh mắt của con khỉ đầu đàn sao giống ánh mắt của con người mỗi lần chứng kiến cơn thịnh nộ của thiên nhiên cướp đi mạng sống, tài sản của chính họ, họ ngơ ngác không hiểu sao ông trời lại gây nên nỗi đau đó mà không biết rằng đó chính là luật nhân quả mà mình phải gánh chịu.
Hãy dừng tay lại và khắc phục sai lầm trước khi mọi việc không thể cứu vãnignored.