Cuộc sống vốn dĩ vô thường không chỉ là những giọt nước mắt cho tình phụ mà còn là giọt nước mắt cho cái quy luật sinh ly, tử biệt. Nhân đây tôi xin mạn phét viết vài dòng suy tưởng về cõi sinh ly tử biệt mà trong đời chúng ta không ít thì nhiều đã thấy và suy ngẫm. Sinh ly tử biệt từ ngàn xưa vẫn là quy luật của tạo hóa bất di bất dịch. Có sinh thì có tử. Có hợp rồi cũng có tan. Đã là người trong cõi nhân sinh không ai có thể vượt ra khỏi quy luật này. “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước cái chết”.

Dù giàu nghèo, già trẻ, đẹp xấu, quyền cao chức trọng hay cung đình đều có chung một hoàn cảnh. Có khác chăng là những sự chuẩn bị về hình thức. Người giàu có thì chuẩn bị sang trọng nhiều tốn kém thậm chí còn thuê những người chuyên “than vay, khóc mướn” để cho buổi tiễn đưa về nơi an nghỉ ngàn thu được thêm phần “ngậm ngùi tiếc nuối”. Kẻ nghèo khó chỉ một chiếc áo quan loại rẻ tiền, vài ba nén nhang với một vài nghi thức tôn giáo thế cũng đủ ấm lòng người chết, mà cũng được vui lòng người ở lại.

Lúc nhỏ tôi về quê Bác ăn đám cưới, trước bàn học của người anh quay vô vách tường là một chiếc áo quan đặt gần cửa buồng ngủ của ông. Áo quan được phủ bằng tấm vải kim tuyến. Nằm ngủ giữa đêm khuya thanh vắng mỗi khi nghe tiếng động nhỏ có thể do chuột chạy hoặc ván áo quan lâu ngày giản nở vang lên những tiếng “kẽo kẹt”, sống lưng tôi cảm thấy lạnh buốt như có ai đang đứng sau lưng. Chiếc áo quan vẫn nằm đó cho đến hơn 10 năm khi bác tôi hơn 90 tuổi, chiếc áo quan mới được mang ra xử dụng. Về dự lễ tang của bác, nhìn chiếc quan tài ôm gọn thân xác già nua còm cõi của bác tôi được quàng giữa nhà, những kỷ niệm của những ngày trọ học lần lượt hiện về trong tâm trí tôi.

Tôi nhìn lại bộ ván gỗ, nhìn lại bàn học, nhìn lại cửa buồng nơi để chiếc áo quan bùi ngùi tìm lại chút hương vị sợ sệt của ngày xưa. Hỏi lại người nhà tôi được biết chiếc áo quan này đã được bác tôi chuẩn bị cho chuyến đi xa từ lâu. Việc sinh ra và chết đi là quy luật bất di bất dịch của tạo hóa mà chúng ta thường cho là do số mệnh đặt để. Chúng ta không tự chọn cho mình được ngày sinh, nơi sinh, trong hoàn cảnh giàu, nghèo, sang, hèn. Chúng ta cũng không tự chọn được ngày ra đi về thế giới bên kia. Ngoại trừ những kẻ chán đời muốn đi ngược lại quy luật tạo hóa. Tự hủy hoại đời sống của mình do một phút giây nông nổi nào đó trong cơn tuyệt vọng.

Mỗi người có một định mệnh riêng tư an bài cho thân phận nhỏ bé trong cõi nhân sinh. Chúng ta an vui với cuộc sống như món quà quý báu của thượng đế và an phận chấp nhận rủi may cùng với chuyến đi xa về cõi hư vô, mà chúng ta thường vui miệng gọi là “về với ông bà, tổ tiên”. Khi cất lên ba tiếng khóc đầu đời để bước vào cõi nhân sinh, vô hình chung chúng ta đã chấp nhận dấn thân vào một nơi chốn nghiệt ngã, nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc nhưng không thiếu nỗi buồn đau tủi nhục. Chúng ta bước đi trong một quãng đường nhiều sóng gió vui, buồn, vinh, nhục, hạnh phúc khổ đau lẫn lộn và cuối cùng ra đi với hai bàn tay trắng, bất luận tuổi tác già, trẻ, hay sơ sinh.

Người theo đạo Thiên Chúa thì về Thiên Đàng hoặc xuống Địa Ngục. Người theo đạo Phật thì lên chốn Niết Bàn hay trầm luân nơi cõi Âm Ty với mười hai cửa ngục, tùy thuộc vào những gì mà người đó đã tạo ra trong cõi nhân sinh được gọi là nhân quả. Thân phận nhỏ bé của con người chỉ biết cúi đầu tuân phục.

Alexandre Đại Đế của nước Nga quyền uy đệ nhất, khi từ trần để lại lời trăn trối sau cùng, yêu cầu nhà quàn mở hai lỗ tròn hai bên quan tài vừa vặn để lọt hai bàn tay của ông ra ngoài. Ông muốn chứng tỏ cho mọi người trong cõi nhân sinh biết rằng giàu có, cao sang, quyền quý như ông đến khi chết đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Quả thật là bài học quý giá cho những ai chỉ biết bon chen tranh giành trong cuộc sống. Không từ bất cứ một thủ đoạn đê hèn nào để mang nhiều lợi lộc vật chất về cho mình. Cuối cùng họ mang theo được gì? Phải chăng cũng chỉ như Alexandre Đại Đế?

Mỗi lần đến viếng thăm nghĩa trang, tôi thường loanh quanh bên những ngôi mộ. Có những ngôi mộ vừa xây, có những ngôi mộ bằng đá ong mấy chục năm. Mỗi người có một số phận có những thước phim về cuộc đời đã qua nay tất cả lại im lìm nằm chung với nhau không có một người thân hay bạn bè nào an nghỉ tại đây. Tôi cũng cảm thấy bùi ngùi, xót xa cho thân phận nhỏ nhoi của con người mất sớm trong độ tuổi đôi mươi mà trên đường tôi bắt gặp... Hàng triệu ngôi mộ, hàng triệu con người đã kết thúc cuộc sống trong những ngôi mộ lạnh lẽo.

Chúng ta đã đến trong cõi nhân sinh và “đã rong chơi” như lời một nhạc sĩ nổi tiếng đã nói, với biết bao niềm hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những đau thương nghiệt ngã. Tôi còn nhớ một câu chuyện được đọc đâu đó lâu lắm rồi. Trong một buổi sinh hoạt Phật tử vị đại đức gọi hai chú tiểu nhỏ và cùng đặt ra một câu hỏi giống nhau: - Nếu ngày mai các con chết đi, thì ngay bây giờ con sẽ làm gì? Một chú trả lời : - Con sẽ chạy thật nhanh về nhà báo cho ba mẹ con biết... Cậu thứ hai trả lời: - Con vẫn tiếp tục vui chơi bình thường. Vị đại đức khen thưởng cho chú tiểu thứ hai.

Câu chuyện kể thầm nói với chúng ta hãy an vui với cuộc sống đang có, đừng bận tâm lo lắng cho ngày mai. Tất cả chúng ta đều được an bài bởi một định mệnh. Chúng ta không thể đi ngược lại những gì mà Thượng Đế đặt để cho kiếp nhân sinh. Hãy cố tạo cho cuộc sống có đầy ý nghĩa và cái chết xứng đáng được lưu danh cho hậu thế.