Được hỏi: “Tại sao ông lại rời bỏ Canada trở về Việt Nam và chọn đầu tư ngành công nghiệp in ấn ở tỉnh Trà Vinh?”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trả lời: “Hãy theo tôi về nơi tôi sinh ra và lớn lên, bạn sẽ hiểu…”
Gọi tên người là nhắc đến quê
Chân tiến sĩ vừa bước chân qua cây cầu quê ông ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, ông đã cười tươi: “Tên tôi được bố mẹ đặt theo tên xã, một phần là căn dặn tôi phải nhớ nơi mình sinh ra. Đây là cây cầu khỉ gắn bó với tôi rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ, còn đây là nhà của tôi, giờ nó chỉ còn là bãi đất trống…” Được cha mẹ yêu thương đặt theo tên xã, ông càng dành nhiều tình cảm trân trọng quê nhà hơn. Khi sống ở xứ người, nghe ai đó gọi tên Thanh Mỹ, ông lại trêu “bạn đang gọi quê hương tôi đấy. Nó nằm ở Việt Nam!”Trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1999, lúc đó ông mất gần một ngày để đi từ TP.HCM về Trà Vinh. Vừa đặt chân đến xã, bước qua cây cầu khỉ chông chênh ông rưng rưng cảm xúc. Nước mắt của người xa quê hơn 20 năm khiến bà con họ hàng xúc động. Cứ tưởng sẽ thấy cảnh quê hương đổi thay, nhưng người dân xã ông vẫn còn nhiều khó khăn. Trở lại Canada, hình ảnh cây cầu khỉ, những mái nhà lá cứ day dứt mãi trong lòng. Ông quyết tâm làm giàu nơi xứ người để sớm trở về đóng góp xây dựng cho sự phát triển quê hương.
Hãy nghĩ cho thế hệ đi sau mình
Năm 2004, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ quyết định trở về quê hương. Ông lên kế hoạch đóng góp cho địa phương và tỉnh Trà Vinh, chọn đầu tư lĩnh vực hoá chất, vật liệu ngành in, quang điện tử… là những ngành nghề còn mới lạ ở Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực vật liệu ngành in sản xuất bản kẽm theo công nghệ CTP, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, ông đã đưa Trà Vinh vào danh sách những địa danh có ngành công nghiệp công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới. Từ đây, ông kết hợp với tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều dự án, chương trình mang lại lợi ích lớn về vật chất và tinh thần cho người dân ở đây.Năm 2004 ông thành lập Mỹ Lan Group tại khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh, xác định mục tiêu tuy hoạt động về hoá chất nhưng phải luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hoạt động của doanh nghiệp phải gắn liền với cộng đồng, xã hội. Năm 2006, doanh nghiệp Mỹ Lan Group kết hợp với trường đại học Trà Vinh mở khoa hoá học ứng dụng, đào tạo hai chuyên ngành: hoá học ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano – công nghệ in. Từ năm 2007, sau ba khoá tuyển sinh, khoa hiện có hơn 100 sinh viên theo học. Làm việc ở Canada nhiều năm, bằng sự quen biết của mình, ông thường xuyên mời những giáo viên uy tín tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới về giảng dạy. Kết hợp giữa việc đào tạo trong giảng đường và đưa sinh viên đến với thực tế, thực tập và ăn lương ngay tại doanh nghiệp đã giúp sinh viên tự tin vào kiến thức cũng như hiểu biết công nghệ. “Khi bắt đầu thành công ở Canada, tôi đã nghĩ ngay đến một thế hệ trẻ kế cận. Tôi cần sự góp sức của mọi người. Việc liên kết với trường đại học Trà Vinh là một trong những cách tôi tiếp cận với sinh viên. Tôi mong các bạn ấy sẽ học được nhiều điều hay và cùng tôi làm đẹp cho quê hương”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tâm sự.

Mới đây, ông cùng trường đại học Trà Vinh khai trương phòng thực nghiệm, nghiên cứu hoá chất được đầu tư đến hàng triệu đôla. Với những máy móc quang điện tử, xét nghiệm hiện đại đã giúp bài giảng sát thực tế và sinh viên có cơ hội thực tập ngay tại trường. Đối với trường đại học ở một tỉnh đang phát triển, đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài việc sử dụng phòng thực nghiệm trong việc giảng dạy, khoa còn sử dụng vào việc nghiên cứu các dự án phát triển nông nghiệp cho tỉnh Trà Vinh và Nam bộ.
Trước khi chúng tôi kết thúc chương trình và chào tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, ông chia sẻ: “Nếu muốn tỉnh nhà phát triển, việc đầu tiên là nghĩ đến thế hệ trẻ sinh sống tại tỉnh. Họ cũng giống như tôi, yêu quê nhà và sẵn sàng đóng góp tài sức của mình. Ngay cả tôi, đã chọn Trà Vinh để đầu tư chứ không đi đâu xa cả. Có thể quê tôi chưa giàu nhưng bằng chính tài năng của người dân địa phương, tôi tin Trà Vinh sẽ càng ngày vững mạnh và giàu đẹp…”