Hỏi: Diệu đạo của Tổ Sư có thể được biết không?
Đáp: Người xưa há chẳng nói: “Đạo chẳng thuộc biết cùng chẳng biết”. Biết là vọng tưởng, còn chẳng biết là vô ký. Nếu đạt đến địa vị chẳng nghi, thì rỗng suốt như thái hư, há có thể gán cho là phải quấy ư?

Hỏi: Thế thì chư Tổ ra đời không ích lợi cho quần sanh sao?Đáp: Phật, Tổ ra đời không có một pháp cho người, chỉ cần yếu là chúng sanh phải tự thấy bản tánh của mình. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biết tất cả pháp tức là tự tánh của tâm, sự thành tựu huệ thân chẳng do nơi khác mà ngộ”. Cho nên Phật, Tổ không khiến người mắc lầy trong văn tự, chỉ cần yếu phải thôi dứt để thấy bản tâm mình. Do đó nhập môn Đức Sơn liền bị đánh, nhập môn Lâm Tế liền nhận hét. Đã là một sự dò xét thái quá như thế, sao lại lập ngữ ngôn ư?

Hỏi: Xưa nghe Ngài Mã Minh tạo luận Khởi Tín, Lục Tổ nói Đàn Kinh, Hoàng Mai truyền Bát Nhã, đều là dùng tiệm thứ cho người, đâu không dùng phương tiện chỉ pháp ư?
Đáp: Trên đảnh núi Diệu Cao từ xưa tới nay chẳng cho thương lượng. Nhưng đầu non thứ hai, chư Tổ tóm lược dung hòa cho nói cho hiểu.

Hỏi: Xin hỏi đầu non thứ hai là lược bày phương tiện ư?
Đáp: Đúng thay lời nói này. Đạo lớn mầu nhiệm mà rộng rãi, chẳng phải có chẳng phải không. Chơn tâm u vi dứt nghĩ dứt bàn. Cho nên người chẳng từ cửa đó mà vào, tuy tìm xét năm ngàn tạng giáo cũng chẳng là người thấu suốt chơn tâm. Chỉ nói ra một lời để so sánh thì sớm trở thành pháp dư thừa. Nay chẳng tiếc mi mao (lông mày) kính viết mấy chương để phát minh chơn tâm, hầu làm căn bản lần hồi vào Đạo.