Sau kỳ sinh nở, đời sống tinh thần của phụ nữ thường có những thay đổi và xáo trộn. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ chưa chuẩn bị tâm lý cho vấn đề này, do đó thường dễ rơi vào sự trầm cảm, thậm chí có thể bị rối loạn tâm thần.

Trầm cảm do đâu?

Hiện nay, y học vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau khi sinh, nhưng có một vài giả thiết cho rằng đó là do sự chuyển biến lượng hoóc-môn trong máu của người mẹ. Khi có thai, lượng hoóc-môn này lên xuống để đón đầu cho sự ra đời của đứa trẻ. Ngay sau khi sinh, một lượng hoóc-môn mới tiếp tục bắt đầu xuất hiện khơi nguồn cho dòng sữa nuôi bé. Các cữ bú đêm liên tục, chăm sóc bé tỉ mỉ tạo ra tâm lý căng thẳng nơi người mẹ, trực tiếp sinh ra nững cơn buồn vui thoáng chốc, mệt mỏi dù không phải làm việc quá sức.

Ngoài ra, trầm cảm sau sinh là do hệ quả của lối sống hiện đại. Trước đây, người phụ nữ chưa tham gia nhiều vào các công việc của xã hội nên nguy cơ trầm cảm sau sinh ít hơn. Cuộc sống sôi động ngày nay với nhiều áp lực và nhu cầu, nghĩa vụ, bổn phận, đã khiến các bà mẹ trẻ chưa kịp học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ nên dẫn đến tình trạng lo lắng thái quá.

Cần phân biệt giữa “cơn buồn thoáng qua khi sinh” - một phản ứng bình thường của sản phụ sau khi sinh, với tình trạng trầm cảm. Ở “cơn buồn thoáng qua”, người mẹ thường thấy mệt mỏi, lo lắng, thoáng buồn... Tình trạng này thường xuyên xuất hiện sau sinh và kéo dài vài ba ngày là chấm dứt. Nhưng nếu tình trạng trên kéo dài hơn mười ngày với các triệu chứng ngày càng nặng như: luôn cảm thấy buồn, không quan tâm đến các sự việc xung quanh, ăn không ngon, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, hay khóc không lý do.. thì bệnh nhân đã bị rối loạn trầm cảm sau khi sinh.

Trầm cảm sau khi sinh không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bà mẹ, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và nhân cách của bé sau này. Trẻ trở nên rụt rè, nhút nhát trước đám đông, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức chậm, hành động tiếp thu yếu hơn các bạn cùng trang lứa.

Khi lớn lên, bé thường hay hung hăng và bạo lực. Bé càng có hành vi xấu nếu mẹ chúng bị suy nhược thần kinh liên tục. Các bé trai dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn bé gái.

Chữa bệnh khi mới chớm bệnh

Trầm cảm sau khi sinh tuy không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu không có phương pháp điều trị sớm và tích cực sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sức khoẻ và cả tinh thần và thể chất của người mẹ.

Để tinh thần người mẹ sau khi sinh được ổn định, vui vẻ, thoải mái, ngay từ khi bắt đầu mang thai, sản phụ và người thân, đặc biệt là người chồng, cần có những biện pháp tâm lý thật tốt. Với các bà mẹ trẻ, ngoài việc đọc sách báo và học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc sức khoẻ bản thân khi mang thai, chăm sóc và nuôi dạy em bé..., còn cần phải học hỏi các phương pháp xử lý những rắc rối khi gia đình có thêm thành viên mới. Mang thai, sinh nở và nuôi dạy con là một biến động rất lớn, thậm chí là có thể thay đổi hoàn toàn so với cuộc sống thời son rỗi. Người mẹ sẽ phải vất vả hơn, mệt mỏi hơn, lo lắng nhiều hơn, thời gian dành cho bản thân, cho người thân, cho sự nghiệp không còn nhiều, kinh tế xáo trộn, quan hệ thay đổi... Xác định được điều đó sẽ giúp các bà mẹ vượt qua những năm tháng khó khăn đầu tiên khi gia đình có thêm thành viên mới.

Ngay thời kỳ thai nghén, nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, bên cạnh việc nghỉ ngơi thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, thai phụ rất cần sự dộng viên, nâng đỡ tinh thần của người thân và bạn bè. Nếu có các rối loạn tâm thần nặng thì cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa. Sau khi sinh con vài ngày, người mẹ cần theo dõi các diễn biến tâm lý của mình để kịp thời điều chỉnh.

Để giảm thiểu những lo lắng hay xung đột không đáng có trong thai kỳ và hậu sản, cả vợ và chồng cần được các chuyên gia tư vấn theo một chương trình giáo dục tiền sản, để cung cấp những kiến thức cơ bản về sức khoẻ và tâm lý của người mẹ, cách chăm sóc bé nhằm tạo điều kiện cho người chồng giúp vợ một cách thật tốt nhất.


(Theo Mỹ thuật)