Nguyên mẫu “Đức mẹ Đồng trinh” của Raphael là người nổi loạn
23/12/2010 0929

- Hình ảnh mà Raphael khắc họa trong các bức vẽ “Đức mẹ Đồng trinh” lừng danh đã đi vào lịch sử hội họa như tạo vật dịu hiền, trinh bạch, thuần khiết. Tuy nhiên,“nguyên mẫu” cho các bức vẽ ấy lại chẳng thánh thiện chút nào. Cô ta còn được coi là một trong số những người đàn bà dâm đãng nhất thành Roma thuở ấy.




Cô con gái người thợ làm bánh đã hút hồn thiên tài hội họa


Raphael gặp nàng thơ của mình lần đầu tiên vào năm 1514, khi ông đang làm việc theo đơn đặt hàng của Agostino, một chủ ngân hàng danh tiếng ở Roma. Người chủ giàu có này đã không tiếc mọi phí tổn để mời Raphael đến trang trí cho galery trong tòa lâu đài Farnesia nổi tiếng của mình. Thậm chí Raphael còn được đón về ở hẳn trong một căn phòng sang trọng ngay tại lâu đài tráng lệ ấy để thuận tiện cho công việc.


Chân dung Raphael


Những bức tường bao quanh galery tòa lâu đài Farnesia đã được Raphael điểm tô bởi những bức bích họa nổi tiếng như “Three graces”, “Galatea”... Tiếp đó, ông dự định sẽ mô tả hình ảnh của Thần Tình yêu và Tâm hồn (Cupid và Psyche). Tuy nhiên, vì không thể tìm được ai phù hợp để làm mẫu vẽ Psyche, họa sĩ đành phải tạm ngưng công việc lại.

Một lần, khi đang cùng người học trò đi dạo trong khu công viên quanh lâu đài Farnesia, Raphael đã quá bước đến bên bờ sông Tiber để rồi ở tại đó, ông bắt gặp một thiếu nữ với vẻ đẹp lạ thường khiến ông choáng ngợp. “Cuối cùng ta đã tìm thấy Psyche!” – ông thì thầm với người học trò đi cùng như vậy.

Margarita Lootie là tên của cô gái trẻ người Ý đã chinh phục được trái tim của bậc thầy hội họa Raphael. Nhưng cũng chính mỹ nhân này về sau đã trở thành kẻ hủy diệt sức khỏe của danh họa, là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết quá trẻ của ông.

Lúc làm quen với Raphael, Margarita mới 17 tuổi. Cô là con gái của một người thợ làm bánh và vì thế mà họa sĩ vẫn gọi cô là Fornarina (fornarino trong tiếng Ý có nghĩa là thợ làm bánh mì). Ngay trong lần gặp đầu tiên Raphael đã mời Fornarina đến thăm xưởng vẽ và đề nghị cô hãy nhận lời làm người mẫu cho ông.


Chân dung Fornariana (1518)


Để cảm ơn người đẹp về việc đã ghé thăm, Raphael ngỏ ý muốn tặng nàng một sợi dây chuyền bằng vàng. Quá bất ngờ trước một món quà xa xỉ, cô gái đã từ chối. Raphael bèn đề nghị cô hãy mua sợi dây chuyền ấy bằng 10 nụ hôn.

Fornarina liếc nhìn “người chào hàng” từ đầu đến chân: một trang nam nhi đương xoan (Raphael lúc ấy vừa bước qua tuổi 31) với thân hình không tệ… Và cô đã đồng ý. Chỉ có điều là Fornarina đã trả cho Raphael không chỉ bằng 10 nụ hôn mà bằng cả tấm thân nóng bỏng của một cô gái trẻ! Mối quan hệ tình ái của cặp họa sĩ-người mẫu được bắt đầu từ đó, kéo dài suốt 6 năm, cho đến lúc Raphael qua đời.


17 tuổi đã am tường thủ thuật yêu đương

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng lúc hiến mình cho Raphael, cô gái mang vẻ đẹp thiên thần của Đức mẹ Vô nhiễm không còn là trinh nữ nữa. Đã nhiều tháng trước khi gặp Raphael, đêm nào cô cũng đón vị hôn phu của mình - một chàng chăn cừu tên là Tommazo – đến phòng riêng để tập dượt các bài học ái ân. Vì thế dù là gái chưa chồng nhưng Fornarina rất am tường các thủ thuật yêu đương.

Còn Raphael, ngay lần đầu tiên được ngắm Margarita ngồi làm mẫu vẽ đã bị hút hồn đến mức đêm đó ông theo đến tận phòng riêng của cô rồi ở lại đó cho đến sáng hôm sau. Sau nhiều giờ mòn mỏi đợi thày về, một học trò của Raphael có nói bóng gió về tác hại của ái ân vô độ. Nhưng Raphael liền bảo: “Người nghệ sĩ trở nên tài hoa hơn khi anh ta yêu và được yêu say đắm! Tình yêu sẽ giúp cho tài năng thăng hoa! Rồi cậu sẽ thấy nhờ có Margarita ta sẽ vẽ được những bức tranh như thế nào! Đúng là Chúa đã ban nàng cho ta!”

Ba ngàn đồng vàng đổi lấy nàng

Như thể bị Fornarina bỏ bùa, chỉ vài ngày sau đó Raphael đã quyết định đem đến cho bác thợ làm bánh 3000 đồng tiền vàng để được toàn quyền “sở hữu” con gái ông. Bố Fornarina không phải là một người cha khái tính, ông tỏ ra rất vui mừng trước “giao kèo” béo bở này và còn xăng xái hứa sẽ chịu trách nhiệm giải thích với chàng rể tương lai Tommazo.


Người đàn bà choàng mạng (1516)



Sau đó, Raphael đã thuê cho Fornarina một dinh thự xinh xắn ở ngoại ô Roma, sắm cho nàng đủ thứ lụa là gấm vóc và các món trang sức quý giá. Từ đó, con gái của một người thợ làm bánh mì, vị hôn thê của một chàng chăn cừu, đã hóa thân thành một quý bà sang trọng.

Suốt một năm trời, đôi tình nhân Raphael - Fornarina gần như không rời nhau lấy nửa bước. Raphael chẳng thiết gặp gỡ ai, bỏ bê mọi công việc và lãng quên cả những giờ học của học trò. Agostino bắt đầu bực mình vì việc trang trí galery của ông cứ dậm chân tại chỗ. Để Raphael chú tâm đẩy nhanh tiến độ công việc, Agostino cho phép họa sĩ đưa luôn cô nhân tình vào sống chung trong một căn hộ tại lâu đài Farnesino.


Người đàn bà có “dung nham” trong huyết quản

Thế là nàng Fornarina kiều diễm đã theo Raphael về sống tại lâu đài của Agostino. Và trong lúc họa sĩ còn bận bịu với công việc thì cô người yêu bé bỏng của ông chẳng ngần ngại làm duyên làm dáng với ông chủ nhà Agostino.

Một lần, trong lúc Raphael đi vắng, Agostino đã ghé thăm Fornarina và được người đẹp này giữ lại để “chung vui” suốt một ngày. Kể từ đó, bất cứ lúc nào có thể Fornarina lại tranh thủ hẹn hò với Agostino. Để làm đẹp lòng Fornarina, Agostino còn tìm cách đẩy Tommazo, cựu hôn phu của Fornarina, vào một tu viện để anh ta không còn làm phiền cô với những lá thư đầy lời lẽ hăm dọa nữa.

Raphael vẫn tiếp tục bận bịu, và Margarita, “cô bé ngây thơ với vẻ mặt thiên thần” vẫn tiếp tục đi tìm nguồn an ủi ở bên ngoài. Thời ấy có rất nhiều họa sĩ trẻ tuổi ở khắp Italy đã tìm đến bậc thầy hội họa Raphael để xin làm học trò. Và Fornarina đã trơ trẽn tán tỉnh hết thảy các chàng trai và chẳng ngần ngại hiến thân cho họ. Đám thanh niên đương nhiên chẳng chối từ thịnh tình của một người đàn bà đẹp.

Hết chàng này để chàng khác thay phiên nhau đến “vấn an” Fornarina tại phòng riêng. Thậm chí, vì người đàn bà đa tình này mà một cuộc đấu kiếm đã xảy ra giữa các học trò của Raphael khiến một trong những kẻ ái mộ Fornarina suýt tử nạn.

Với Fornarina, dường như bao nhiêu đàn ông cũng chưa đủ. Nhu cầu tình dục ở người đàn bà này nhiều đến mức không một người đấng mày râu nào có thể đáp ứng đủ.

“Trong huyết quản của nàng không phải là máu mà là cả một dòng dung nham nóng chảy tuôn trào!” đám đàn ông đã nói về Fornarina như vậy.


Đức Mẹ Đồng Trinh (1514)

Càng ngày Raphael càng hay than phiền về tình trạng sức khỏe và cuối cùng thì ông ngã bệnh thật sự. Các thầy thuốc cho rằng Raphael bị suy nhược vì cảm mạo. Nhưng nguyên nhân thực sự hoàn toàn khác: chính dục vọng vô độ của Fornarina cộng với gánh nặng công việc đã tàn phá sức khỏe của Raphael. Một lần, sau khi được các thày thuốc giác hơi giải cảm, Raphael cảm thấy khỏe hẳn ra. Ông nghĩ rằng mình đã phục hồi và cho gọi Fornarina đến để rồi cuộc giao hoan sau đó đã đánh gục hoàn toàn người họa sĩ tội nghiệp.

Ngày hôm sau, tình trạng của Raphael trở nên nguy kịch. Hiểu rằng phút lâm chung của mình đã cận kề, Raphael bỗng cảm thấy ghê sợ người đàn bà đã khơi dậy trong ông bao dục vọng vô độ, và ông đã van nài mọi người đừng để Fornarina đến gần ông thêm nữa...

Raphael qua đời vào ngày 6/4/1520 khi mới 37 tuổi. Ông đã di chúc lại cho Fornarina một tài sản đủ để cô ta có thể sống một cuộc đời thanh sạch. Nhưng người đàn bà ấy không thỏa mãn với những gì đang có. Cô ta tiếp tục sống nương nhờ vào sự bảo trợ của Agostino, người đàn ông không bao lâu sau đó cũng chết yểu bởi căn bệnh y hệt như Raphael.

Sau cái chết của Agostino, Fornarina trở thành một trong những cô gái bao đắt giá nhất thành Roma. Nhưng dù cho số phận của người đàn bà này có thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng trong con mắt của hậu thế hình ảnh của Fornarina trong tranh Raphael vẫn luôn là một tạo vật trinh bạch, với những đường nét thiên thần khắc ghi vào trong hình tượng Đức Mẹ Đồng trinh được thờ phụng khắp nhân gian.

Bình Minh Mưa (Dịch từ báo Nga)