Tiếp tục chuyên đề các nhà ngoại cảm, mình đưa lên diễn đàn bài phóng sự do phóng viên Hoàng Anh Sướng thực hiện trên tuần san Thế Giới Mới

Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở “địa ngục trần gian”

Sở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn nhất (khoảng 40.000 người) là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.





Tượng đài Nắm Đấm
Cho đến tận những ngày này, khi mà 1.067 hài cốt của những chiến sĩ cách mạng kiên cường – những “tù nhân cộng sản” bị địch bắt, đày đoạ, đánh đập, tra tấn và giết hại vô cùng tàn độc tại nhà tù Phú Quốc ngót 40 năm về trước, đã được tìm thấy và an táng tại nghĩa trang huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), khi mà cả nước dấy lên “nỗi niềm Phú Quốc” với những đại lễ cầu siêu, truy điệu đầy thành kính và linh thiêng cho các liệt sĩ thì vẫn tại nơi ấy, cuộc tìm kiếm 3.000 hài cốt còn lại vẫn đang tiếp tục. Đây có lẽ là cuộc kiếm tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, dẫu đó là đại ngàn Trường Sơn hay vùng đất Quảng Trị một thời rực lửa. Những trang sử tù đày đen tối, một lần nữa, lại ùa về đến buốt lòng. Những hầm hài cốt tập thể xương chồng chất tầng tầng, lớp lớp sâu đến 7-8m. Những bộ hài cốt không còn nguyên hình hài mà trên xương sọ, xương sống, xương ống chân.. vẫn còn găm đến 12 cái đinh mười… Tất cả, hiển hiện buốt lòng trước thanh thiên. Những dòng nước mắt xót cay. Những tiếng nấc tắc nghẹn. Và đây đó, bật lên cả những tiếng chửi thề uất hận… Để rồi, thấy cồn cã, da diết một nỗi niềm: phải sớm tìm đưa các anh về cố hương dù chỉ là một nắm đất nâu, một dúm xương tàn… Đó là nghĩa cử, là món nợ ân tình mà lẽ ra, chúng ta phải trả từ lâu.




Toàn cảnh trại giam tù binh Phú Quốc


Có mặt ngay từ những ngày đầu của cuộc kiếm tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử ở nơi từng được coi là “địa ngục trần gian” ấy, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã tâm huyết gặp gỡ nhiều nhân chứng, dày công thu thập được nhiều tư liệu quý giá để rồi thắt lòng dựng lên những sự thật vừa kinh hoàng, vừa đau đớn, vừa xúc động về hành trình xây dựng “địa ngục trần gian Phú Quốc”, về những đòn đánh đập, tra tấn tàn độc, dã man như thời trung cổ, về những cái chết thảm khốc của 4.000 tù nhân và cả hành trình truy tìm những hầm mộ tập thể có một không hai… Bắt đầu từ số này, Tạp chí Thế Giới Mới khởi đăng loạt phóng sự đặc biệt này.

Kỳ 1: Nước mắt rơi chốn “địa ngục trần gian”

Chúng tôi xuống sân bay Phú Quốc vào một ngày hè đầy giông gió. Mưa sầm sập. Mưa như trút nước. Mưa trắng xóa tứ bề. Người cựu chiến binh đồng hành cùng tôi trên chuyến bay hốt nhiên thảng thốt: “Mưa như khóc, như than cho cái chết thảm thương của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày, đánh đập, tra tấn, giết hại dã man ở vùng đất đau thương mà anh hùng nay hay sao ấy, cháu ạ?!”.
Nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa đón tôi ở cửa sân bay. Nụ cười chưa kịp tắt, nước mắt chị đã lưng tròng. Chị sụt sùi bảo: “Thương xót lắm em ơi! Cả đời chị đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khắp rừng xanh núi thẳm, khắp các địa danh khốc liệt của cuộc chiến nhưng chưa thấy bao giờ và ở đâu, hài cốt các anh lại nhiều như ở đây. Tầng tầng, lớp lớp. Hầu hết không còn nguyên vẹn. Ở hầm mộ thứ nhất, sau khi đào bới được 130 bộ hài cốt, chị và anh em trong đội quy tập K92 nhặt nhạnh từ trong các đống xương tàn được cả thúng đinh mười, chiếc nào cũng to, dài như ngón tay út. Đếm đi đếm lại, tròn trịa 300 cái. Có bộ xương bị đóng tới 16 cái đinh. Có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Ai trông thấy cũng lạnh sống lưng. Buốt lòng lắm”. Nói đoạn, chị khóc nấc lên. Đôi vai gầy guộc rung lên từng chặp. Mắt tôi bỗng cay xè. Lòng nghẹn đắng. Không kịp về khách sạn cất hành lý, tôi theo chân chị Năm Nghĩa đến thẳng tượng đài Nắm Đấm, nơi đang tạm quàn hài cốt của hơn 100 tù nhân năm xưa.




Một góc trại giam tù binh Phú Quốc


Hài cốt được xếp trong những chiếc hòm gỗ to, trên phủ cờ đỏ sao vàng. Hòm được kê trên những chiếc ghế vững chãi, dưới chân là 3 con chó tinh khôn nằm canh giữ. Chị Năm Nghĩa nhẹ nhàng mở một nắp hòm, nhấc từng gói xương được bó buộc cẩn thận trong lớp vải như bó giò ra, giọng chị nghèn nghẹn: “Ngần này đồng chí hy sinh, chỉ duy nhất một người có tên tuổi, địa chỉ, còn tất cả, ai cũng là ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng cho quê hương đất nước. Chỉ tiếc rằng, họ đã không được trông thấy ngày Bắc Nam sum họp. Họ đã mất hoặc nửa thế kỷ (nếu là liệt sĩ chống Pháp), hoặc hơn ba chục năm ròng nằm dưới lòng đất sâu (nếu là liệt sĩ thời chống Mỹ), họ mới được chúng tôi mang lên. Người bị đóng 16 cái đinh trên cơ thể, có người, khúc xương xống vẫn sừng sững một cây đinh cắm phập. Nhưng họ vẫn may mắn hơn hàng nghìn người còn nằm vùi đâu đó dưới lòng đất, dưới những tán rừng, dưới những con suối lạnh. Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những người đau ốm đi chữa bệnh rồi không bao giờ đưa họ trở về nữa. Những người tù xấu số đã bị ném xuống vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy biển sâu. Việc họ trở về là không thể. Do thế, nên việc kiếm tìm cho đầy đủ cơ số hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng, cao quý nhưng… bất khả hoàn thành trọn vẹn”.
Buổi trưa hôm đó, ngồi ngay tại nhà quản trang bé tẹo của Nghĩa trang Nắm Đấm nghi ngút khói hương, tôi lần giở lại những trang tư liệu về nhà tù Phú Quốc để cố hình dung ra chốn “địa ngục trần gian” kinh hoàng ấy ở tại chính cái nơi mà ngót 40 năm trước, nó đã kết thúc sứ mệnh lịch sử đen tối của mình với những chuồng cọp kẽm gai, lộn vỉ sắt, gậy sầu đời, chảo luộc người… khủng khiếp.
Địa ngục giữa chốn trần gian
Sau thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt, người Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn. Chiến cuộc trên khắp các chiến trường ngày càng trở nên ác liệt. Số người chết, bị thương và bị bắt của cả hai bên ngày càng đông. Trước tình hình đó, Mỹ chủ trương xây dựng ở mỗi vùng chiến thuật một trại giam tù binh cộng sản. Ngoài ra, chúng còn lập thêm một trại giam để giam tù binh nữ ở Quy Nhơn thuộc vùng hai chiến thuật và xây dựng một trại giam tù binh do trung ương quản lý ở Phú Quốc. Kể từ đó, những người bị địch bắt mà chúng cho là thuộc các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng sẽ giam giữ ở những trại này, không giam chung với tù chính trị nữa.
Sở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn nhất (khoảng 40.000 người) là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục. Khoảng cuối năm 1966, Mỹ nguỵ tiến hành xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam – Phú Quốc” tại thung lũng An Thới, trên diện tích rộng chừng 400ha, chiều dài chừng 5km chạy suốt từ miếu Cô Sáu đến Cầu Sấu. Chiều rộng khoảng chừng 1,5km. Để biến khu đất 400ha này thành đồng không đồi trọc, lính Mỹ đã rải xuống một khối lượng chất độc hóa học khổng lồ, tạo thành một vành đai trắng rộng hàng cây số. Xung quanh được bủa vây bởi biển, rạch và rừng, tịnh không có một mái nhà dân, một bóng người sinh sống.
Toàn trại giam Phú Quốc có 12 khu. Mỗi khu chia làm 4 phân khu: A, B, C, D. Mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam. Mỗi nhà giam nhốt chừng 120 người. Cao điểm, nhiều khi chúng nhồi nhét đến 150 người. Thử làm một phép nhẩm tính: một phân khu có trung bình 12 nhà. Vậy 4 phân khu sẽ là 48 nhà. Gấp 10 lần con số 48 đó sẽ là 480 nhà lao cỡ nhỏ hay 48 nhà lao cỡ trung hợp thành. Quá khủng khiếp! Cho nên không phải ngẫu nhiên, nhà tù Phú Quốc được xem là nhà tù lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Toàn bộ các phòng giam này là loại nhà tiền chế, lấy khung thép lắp sẵn làm sườn rồi đắp điếm bởi các miếng tôn. Vách dựng bằng tôn, mái lợp tôn, đến cửa ra vào cũng làm bằng tôn nốt. Cả nhà tù khổng lồ ấy không hề có lấy một viên gạch, một mảng tường bê tông nào. Trưa hè nắng cháy, nhìn vào nhà lao thấy rừng rực đến nhức mắt, tưởng chừng toàn bộ những dãy nhà tôn điệp trùng kia đang bị dìm trong chảo lửa.
Phân khu nào cũng có hàng rào kẽm gai bủa vây. Rồi từng khu bên trong lại tiếp tục bị bủa vây bởi những hàng rào dây thép. Chỗ dày có thể lên đến 10–15 lớp. Chỗ mỏng cũng phải 7-8 lớp. Nhìn từ trên cao xuống, sẽ thấy các mái nhà tôn trắng toát nằm san sát và những hàng rào kẽm gai tràn ra, tầng tầng lớp lớp như những con sóng biển. Về lực lượng bảo vệ, ngoài Bộ chỉ huy quân cảnh do một trung tá hay đại tá cầm đầu, còn có bốn tiểu đoàn quân cảnh, có lúc lên năm. Mỗi khu có một tiểu đoàn. Mỗi phân khu có một đại đội quân cảnh canh giữ. Ngoài lực lượng này, nhà lao còn có một trung đội quân khuyển toàn chó béc-giê giống Anh to lừng lững, dữ tợn như sư tử, một trung đội bảo vệ sân bay, một trung đội quân tiếp vụ cộng một tiếu đoàn tiếp vận 3, trực thuộc trung ương, có nhiệm vụ tiếp vũ khí cho cả nhà lao, sân bay, lực lượng hải quân và quân y viện. Riêng lực lượng hải quân là một sư đoàn giăng kín ngoài biển. Với lực lượng bảo vệ dày đặc như vậy, nên gần như hình thành một tỉ lệ: cứ hai tù nhân là có một lính trông coi. Đó là chưa kể đến đội ngũ các giám thị hùng hậu vừa tinh quái, nham hiểm, vừa tàn độc. Bọn chúng là lực lượng riêng, có nghiệp vụ, được xét tuyển kỹ càng, hầu hết là hạ sĩ quan. Số này lầm lỳ, bạo tợn và rất dữ đòn. Chính chúng đã sản sinh ra những trò tra tấn vô cùng dã man và tàn độc hơn cả thời trung cổ, khiến nhà tù Phú Quốc trở thành “địa ngục khiếp đảm chốn trần gian” và gây ra cái chết thảm khốc của hơn 4.000 tù nhân, cái chết kinh hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng.
(Còn tiếp)