BẮT ĐẦU TỪ CHỮA BỊNH

Sau thời gian trở về làng, Ngài đến một cái am của ông Kiến, là muốn có chỗ để thờ Phật cho dân chúng dễ bề đến lễ bái, và nhân đó dìu dắt họ từ chỗ khâm phục đến chỗ tin phụng.

Bởi thế, sau khi dùng huyền diệu của Phật gia trị bịnh bá tánh, Ngài được dân chúng trong làng Kiến Thạnh tôn thờ là một vị Phật sống. Tiếng đồn một ngày một lan rộng ra các vùng kế cận. Dân chúng vui mừng, vì rằng từ đây chẳng những đối với bịnh ôn dịch mà đối với mọi tật bịnh, người ta không còn phải lo sợ hay cho là bất trị nữa, bởi họ có một vị cứu tinh có tài cải tử hoàn sanh.

Bởi thế, thiên hạ khắp nơi ai có mắc bịnh chi cũng kéo nhau lũ lượt đến cho Ngài chữa trị, chen lấn nhau còn hơn đi xem hát hội ở làng, diễn nên một quang cảnh vô cùng náo nhiệt:
Dầm trời thiên hạ như mưa,
Ban mai đến tối phát chưa rồi bùa.
Người đi tới trước vô chùa,
Mấy người tới trễ lạy đùa ngoài sân.
Kẻ lui người tới rần rần,

Và để chứng tỏ sự đông đảo, hãy xem số thuốc của Ngài phát ra:
Tro nhang đốt chẳng biết bao,
Một đôi ba chậu thỉnh sao đủ rày.

Thiên hạ kéo nhau tới nườm nượp, nhang khói xông lên nghi ngút tối ngày. Thế mà tro nhang không đủ phát cho bịnh nhơn. Cách độ bịnh của Ngài thật là thần diệu:
Phù linh hay tợ thuốc Tiên,
Bịnh chi Thầy cũng độ yên muôn ngàn.
Hết phù Thầy bước lại bàn,
Thỉnh bông cúng Phật chân nhang âm phù.

Bịnh gì cũng thế, Ngài chỉ cho uống phù, chưn nhang, bông cúng Phật, thế là hết bịnh. Về bịnh tà ma, cách chữa trị cũng không khác:
Bịnh nhân đem tới đông vầy,
Kêu la than khóc lạy Thầy cứu sanh.
Thầy đang bày tỏ ngọn ngành,
Bịnh nhân than khóc động tình Thầy thương.
Vội vàng liền thỉnh chân hương,
Để vào tô nước giải đường quỉ ma.
Bịnh nằm đang khóc đang la,
Phù Thầy phun giải bịnh mà như không.

Nhưng đặc biệt nhứt là cách Thầy phát thuốc:
Giấy vàng rọc nhỏ ngón tay,
Thầy ngồi tưởng Phật phát rày sau lưng.

Ngài không bao giờ để bịnh nhân đứng trước mặt, và mặc dầu họ đứng sau lưng, Ngài vẫn biết họ đau gì, muốn gì. Và bất luận bịnh gì, Ngài cũng trị lành hết:
Tiếng Thầy đồn nức bốn phang,
Suyễn, ho, cổ xạ muôn ngàn bịnh nhơn.
Điên cuồng chí những bịnh đơn,
Bịnh hậu, thổ huyết gặp cơn hội này.
Mấy người noi gốc làm Thầy,
Trùng tang thảm khốc lạy Thầy xin cho.
Gặp Thầy thiên hạ hết lo.

Nhưng mỗi khi chữa bịnh nào, Ngài cũng luôn luôn có lời căn dặn:
Dặn cùng già trẻ gái trai,
Giữ lòng niệm Phật lâu dài đừng quên.
Thảo ngay nhơn nghĩa cho bền,
Thờ cha kính mẹ, tưởng trên Phật Trời.
Nói cho lớn nhỏ ghi lời,
Nhứt tâm niệm Phật, Phật Trời độ cho.

Thì ra, từ chỗ dùng huyền diệu chữa trị bịnh nhân, Đức Phật Thầy đã dìu dắt chúng sanh đến chỗ cải sửa tánh tình, biết điều nhân nghĩa, ngay thảo mẹ cha, kính thờ Trời Phật. Ngài nhận thấy căn tánh chúng sanh trong thời kỳ này quá cạn cợt. Nếu đem Phật pháp thậm thâm ra hoằng hóa chẳng dễ gì khiến cho họ nghe hay tin tưởng. Con người ở thời này chỉ thiết những cái gì đem lại kết quả nhãn tiền cho họ thấy được rờ được, chớ không thiết những điều cao siêu mà muốn cho hiểu được phải vận dụng nhiều tâm tư trí não.

Vả lại từ lâu lối tu hành của nhà thiền theo phái Thần Tú, đã gieo rắc vào tâm não họ lắm điều mê tín dị đoan, nay muốn đem họ lại con đường chánh giác chẳng phải là dễ.

Đức Phật Thầy đã hiểu rõ căn cơ của chúng sanh, cho nên muốn cứu vớt họ, Ngài không thể đem ngay giáo lý của Phật ra khai thị, mà phải lợi dụng tấm lòng tin phục những điều linh thính của họ để dắt họ từ chỗ tà tưởng đến nơi chánh tín. Không có phương pháp nào làm cho họ tin phục bằng dùng huyền diệu chữa trị các bịnh căn, vì rằng người đời bởi có cái tâm quá tham dục, nên lúc nào cũng sợ chết. Thế cho nên, khi mà họ thấy cái chết hiện ra trước mắt, nếu ai có thể cứu cho họ khỏi chết thì dầu với điều kiện khó khăn nào bắt họ làm, họ cũng vâng lời ưng thuận. Bịnh thời khí phát sanh, chính là cơ hội cho Đức Phật Thầy hóa độ những người thiển căn ấy. Lợi dụng cái lòng sợ chết của họ, Ngài đã dắt họ vào con đường đạo hạnh.

Ban sơ, Ngài bắt bịnh nhơn muốn được lãnh thuốc hay sau khi lãnh thuốc rồi, phải lại làm lễ bàn thờ Phật. Ngài còn dặn khi về nhà muốn cho hết bịnh phải năng niệm Phật. Gặp bịnh nào không thể trị thì nhơn đó Ngài dạy cho họ hiểu luật nhơn quả báo ứng. Điều cốt yếu là Ngài khuyên họ ăn ngay ở thật, làm lành lánh dữ và nhứt là phải thờ kính mẹ cha, tin tưởng Trời Phật.

Dần dần, Ngài cho chỉnh đốn cái cốc thành một cái chùa, hay nói rộng ra thành một cơ cấu tôn giáo, có nghi thức thờ phượng lễ bái. Về cách trần thiết, Ngài cho thờ một tấm trần điều thay thế cho hình ảnh hay tượng cốt. Ngoài bông hoa, nước lã và đèn nhang trên bàn thờ Phật không còn bài biện món chi thêm nữa. Đó là nghi thức thờ phượng mà Ngài chỉ dạy cho dân chúng làm theo, nó khác hẳn cách thờ phượng của nhà thiền.

Sau khi chỉ dạy về nghi thức thờ phượng để gây cho bá tanh có có đức tin về Trời Phật. Ngài mới mở ra nơi pháp hóa độ những kẻ thiện căn. Chính bắt đầu từ đó, qui mô tổ chức của Ngài đã trở thành mối đạo.

Thế là Đức Phật Thầy từ chỗ lợi sanh tiến đến cơ hoằng pháp, mở ra một mối đạo đi đúng với giáo pháp vô vi, khác hẳn các giáo phái chú trọng về âm thinh sắc tướng.

Chẳng bao lâu mà số người đến qui y thọ giáo không thể tưởng tượng. Từ làng này sang làng nọ trên đường cũng như dưới sông rạch, thiên hạ kéo nhau như nước vỡ bờ. Người ta đông đảo cho đến chen nhau dựng liều trại chung quanh cốc làm nơi ngơi nghỉ; còn dưới sông thì ghe xuồng san sát đen nghẹt đậu chật cả một khúc kinh.