Oai Đức Câu Niệm Phật
Thích Trí Minh

1/ Người dòng Bà La Môn ở nước Thiên Trúc.

Vào thời đại xa xưa, tại nước A Thâu Sa của xứ Thiên Trúc (vì nước Thiên Trúc vào thời cổ có 16 nước lớn) có một người dòng Bà La Môn (không thấy nói tên họ), anh chàng này bẩm tánh chân thật, nhưng ngu si vô trí lại khổ một nổi là tâm nhiễm ái thiên trọng, nên anh đối với vợ yêu thương quá mức, với tình chồng vợ không biết chán nhàm. Trái lại vợ anh chẳng những là người hiền lành, mà lại thông minh lanh lợi. Cô này sanh trưởng trong một gia đình kính tin Tam Bảo, riêng cô là người chẳng những với ngôi Tam Bảo sùng kính đến mức tối đa, lại rất am tường Phật lý, về việc tu hành thì cô chuyên về Pháp môn Tịnh Độ, trường trai niệm Phật. Cô thuê thợ làm một chiếc trống thuần hoàng kim. Mỗi ngày Cô quy định hai thời khóa niệm Phật khuya và tối, vì trong lúc ban ngày phải bận việc gia đình, trong thời gian này cô niệm Phật cũng chỉ nhiếp tâm thầm niệm mà thôi. Mỗi khi niệm Phật thì cô gõ trống thế cho mõ, như trên đã nói, chồng của cô đã quá đần độn lại quá yêu vợ không rời, nên lúc cô vợ đang cúng đánh trống niệm Phật, mà anh nắm lôi tay cô bảo đi ngủ, cô ôn tồn đáp: “Không được anh ơi! Nếu anh muốn em cùng đi ngủ thì mỗi tối đồng với em đánh trống niệm Phật cho xong mới cùng nhau đi ngủ”. Anh vì thương vợ nên sẳn sàng ưng thuận, có những lúc đang niệm Phật anh ta thúc hối đi ngủ thì cô ấy vẫn từ hòa nói, chưa đủ anh ơi! Niệm thiếu mang tội chết! Từ đây anh dòng Bà La Môn này cùng vợ niệm Phật không sót một đêm, trải qua thời gian ba năm, anh bị trọng bệnh rồi qua đời, nhưng vì tim vẫn nóng, nên không nhập liệm, trải qua năm ngày anh sống lại, bấy giờ anh đối với vợ khóc một cách thảm thiết dường như buồn tủi một việc gì? Cô Phật tử vợ anh hỏi lý do, anh nói: ”Em ơi! Giờ đây anh không có một niệm muốn gần em nữa! Duy có tâm niệm lo tu là chăm niệm Phật để được về Tây Phương Tịnh Độ mà thôi! Vì sau khi anh chết bị ngục tốt dẫn vào Hoạch Than địa ngục (địa ngục này hành phạt tội nhân bằng cách nấu trong vạc dầu sôi), lúc ấy anh thấy tất cả tội nhân đương bị nấu trong vạc trồi lên chìm xuống, dường như nấu đậu, lại có tội nhân la khóc thảm thiết, trườn qua vành chảo mà muốn chạy ra, bị Ngục tốt dùng gậy đánh đập trúng chảo đồng đang nấu nghe tiếng cảng cảng và nó lại bắt quăng vào chảo, lúc ấy anh vô cùng Kinh hồn khiếp vía sợ hãi, bỗng nhớ lại khi cùng em đánh trống vàng niệm Phật, hai tay chắp lại chí thành niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì lại chí thành niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì chảo dầu sôi tức khắc biến thành một ao nước mát có hoa sen đầy trong ấy, bao nhiêu tội nhân đều ngồi trên hoa sen, và thấy họ vui tươi không la khóc. Tất cả đều sanh về Tây phương Tịnh Độ. Ngục tốt tức khắc tâu với Minh Vương, Ngài liền đến chỗ chảo dầu sôi đã biến thành ao sen, vui mừng vô hạn, và tức khắc truyền lịnh phóng thích anh về dương thế, lại dạy bảo anh sau khi về dương thế phải siêng niệm Phật, đừng gần vợ nữa. Vì thế, anh giờ đây 100% không muốn gần em. Anh cũng muốn nói cho em được rõ, Minh Vương chẳng những vui vẻ truyền lệnh phóng thích anh về, mà Ngài còn nói:

Trên trời dưới trời không ai bằng Phật

Đức từ bi Ngài cứu khắp quần sanh

Có những chúng sanh tạo nhiều tội ác

Đọa vào địa ngục chịu khổ cực hình

Chỉ nghe một câu A Di Đà Phật

Dầu sôi lửa dữ tức khắc biến tan

Tất cả tội nhân đều được vãng sanh

Ao nước trở thành thanh lương (mát mẻ)

Tây phương Cực Lạc Đức từ bi ấy

Hết sức cao cả con không thể gì

Dùng lời diễn tả chỉ có chí thành

Tánh mạng nương về nơi đấng Lưỡng Túc.

(Phước đức trí huệ).

Truyện này tôi thành kính y trong bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục thuật lại chữ Việt. Trong bộ sách này ghi lại truyện vãng sanh có mấy ngàn, truyện anh chàng Bà La Môn là một truyện trong ấy (trong truyện này ai là người được vãng sanh? Tức là các tội nhân bị nấu chảo).

Quý vị đọc truyện này có vài điểm nên lưu tâm:

- Hành động của cô Phật tử (vợ anh Bà La Môn).

- Niệm Phật đã ba năm mà bị đọa địa ngục.

- Hành động của cô Phật tử trong truyện ngắn này, chúng ta nên tán thán, vì nếu cô ấy như những người khác, thì có nhiều thất bại.

- Gia đình không an vui, tại sao vậy? Vì khi cô đương niệm Phật mà bị chồng quấy rầy như vậy, theo như những người phụ nữ khác, sẽ nổi sân si la mắng rằng đồ khốn nạn, người ta đang trong giờ tu niệm mà nắm tay lôi kéo hối thúc đi ngủ. Trong khi ấy anh Bà La Môn chắc 100% không nhịn, vì dù anh là người đần độn vô trí, nhưng vẫn có tâm tự ái, hơn thế nữa là chồng thì bao giờ cũng ở trong thế thắng, nghĩa là người có quyền hơn vợ, đương nhiên anh sẽ chửi mắng và có thể xảy ra việc đánh đập là khác.

- Không thể an tu. Vì như trên đã nói, thì làm sao an tâm mà tu niệm? Thế là đại sự của mình bị hỏng!

- Không hướng dẫn chồng vào Phật pháp. Điểm này không cần dài dòng vì giữa hai bên đã bất hòa, đã chạm tự ái, tâm sân đã sùng sục nổi dậy, là vì ái với sân nó đi đôi không rời nhau, niệm đầu vì anh ấy quá yêu vợ và yêu trong trường hợp về nhục dục, mà không như ý thì đương nhiên lửa sân nổi dậy. Sơ lược ba điểm như trên, chúng ta thấy cô Phật tử trong truyện rõ là người khôn ngoan có trí lại gồm hiền từ.

- Niệm Phật ba năm mà bị đọa. Sự việc này mới nghe qua, ai ai cũng phải có tâm nghi ngờ đối với lời vàng của đức Thế Tôn. Vì trong Kinh Ngài có dạy rõ “Niệm một câu A Di Đà Phật, sẽ tiêu diệt tội trọng trong đường sanh tử 80 ức kiếp”. Chỉ một câu mà còn có hiệu lực dường ấy, tại sao anh Bà La Môn kia mỗi đêm đều cùng vợ niệm Phật suốt 3 năm mà bị đọa? Nam Mô A Di Đà Phật! Xin quý vị bình tâm, tôi sẽ y trong Kinh mà lược thích sự nghi ngờ ấy. Chúng ta nên biết tất cả pháp, thì tâm đứng đầu, tâm làm chủ, nếu dùng tâm ấy mà tạo nghiệp thì như bóng theo hình không bao giờ sai chạy. Thế mà anh Bà La Môn niệm Phật, bằng cách đọc Thánh hiệu Phật mà thôi, trong tâm tưởng hoàn toàn không có niệm. Tại sao? Vì dù anh suốt ba năm niệm Phật theo vợ, nhưng trong tâm bao giờ cũng nghĩ được vợ theo ý mình. Chuyện này tôi nói phớt qua, quý vị thừa hiểu nhiều, hơn nữa cũng không nên nói. Có điều chúng ta 100% nên lưu ý là, dù anh Bà La Môn ấy suốt ba năm không có một phút thành tâm niệm Phật, chỉ miệng đọc Thánh hiệu bằng cách bắt buộc theo lời vợ đã hứa (tức là cô Phật tử ấy bảo anh nếu muốn đi ngủ phải cùng em niệm Phật cho đủ), do sự đọc Thánh hiệu bằng cách bắt buộc ba năm, nó huân sâu vào tạng thức, thành hạt giống niệm Phật nằm mãi trong tâm, như hạt kim cương không bao giờ hư hoại, nên khi gặp duyên thì hạt giống sẳn có ấy nó phát ra rất mạnh mẽ, theo Duy Thức Học của Phật dạy gọi là chủng tử khởi hiện hành. Do vậy nên anh Bà La Môn khi bị ngục tốt dẫn vào ngục nước dầu sôi, thấy bao tội nhân đang bị hành hình đã vô cùng khiếp sợ, lại nghe tiếng đánh đập tội nhân cây côn trúng vào chảo kêu lảng cảng thì trong tâm thức anh tức khắc nhớ lại tiếng gõ trống vàng niệm Phật với vợ khi ở dương thế, liền thành kính chấp hai tay lại mà niệm Nam Mô A Di Dà Phật thật lớn! Kính thưa quý vị, với câu niệm Phật của anh Bà La Môn lúc này có công năng tiêu tội trọng vô lượng vô biên kiếp chứ không phải chỉ trong 80 ức kiếp, vì câu niệm Phật lúc này của anh chẳng những chí thành mà tất cả tâm lực đều dồn hết vào đó, nên mới được kết quả vĩ đại như vậy. Ví dụ cho dễ hiểu, như nhà tối vạn vạn năm, mà đem ngọn đèn pha soi vào, thì tất cả sự tối tăm đều tan tức khắc. Vì lý do này, mà chảo dầu sôi đang sôi sùng sục, tức khắc biến thành ao nước mát mẻ đầy cả hoa sen, bao nhiêu tội nhân đều ngồi trên ấy.

Ở đây chúng ta sẽ thấy rõ, cái công đức niệm danh hiệu Từ phụ A Di Đà của anh Bà La Môn không mất cũng vì vậy mà trong Kinh Phật dạy niệm Phật dù không chí thành cũng là nhân xa sẽ được giải thoát trong vô lượng kiếp về sau. Nói đến đây thuật giả nhớ lại, hay dùng bánh trái dụ trẻ con niệm Phật là chính ý ấy vậy. Còn việc tại sao do một câu niệm Phật của anh Bà La Môn mà tất cả tội nhân được ảnh hưởng lợi ích vĩ đại như vậy, điều ấy tôi xin dẫn một đoạn trong Kinh Pháp Hoa ở Phẩm Phổ Môn quý vị sẽ rõ: Trăm ngàn vạn ức người, vì kiếm bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và những thứ quý báu cùng loại, nên ra biển cả; giả sử bị trận gió lớn trong bầu trời u ám thổi bạt thuyền tàu sa vào đảo quốc La Sát, trong những người ấy, nếu chỉ có một người trì niệm danh hiệu Quán Âm Đại Sĩ, thì những người kia cũng vẫn thoát được cái họa La Sát.

Tiếp theo thuật giả thành kính y trong các Kinh. Kinh địa ngục, Kinh Lâu Thán, Kinh A Hàm, Chánh Pháp Niệm Xứ, trang Thung Lục Bộ Sách lược thuật về nguyên nhân vì sao vua Diêm Vương tức trong truyện gọi là Minh Vương. Khi thấy tội nhân vạc dầu sôi biến thành ao nước mát và có nhiều hoa sen tội nhân ngồi trên đó. Ngài vui mừng đến tột độ tức khắc truyền lệnh phóng thích người Bà La Môn và cung kính thuyết kệ diễn tả đức từ bi cứu khổ ban vui của Đức Từ Phụ Di Đà. Vì các Diêm Vương âm phủ đối với tất cả tội nhân quý Ngài đều có từ tâm với họ nên mỗi khi Ngục tốt bắt người dẫn đến liền truyền lệnh bảo Tàu quân đem bộ sổ ra xem, căn cứ theo lời khai của mỗi tội nhân phù hợp với trong ấy, gặp những người nào khi còn ở trên dương thế tu nhiều phước đức nhất là có tâm tin kính Tam Bảo ăn chay niệm Phật thì các Ngài vui mừng vô cùng. Trái lại gặp những tội nhân tạo nhiều tội ác thì các Ngài quở trách, nơi đây thuật giả xin dẫn nguyên văn chính cú của vua Diêm Vương đối với tội nhân quở trách như sau:

“Các ngươi may mắn đã được thân người

Mà chẳng lo tu khác nào như người

Đã đến núi báu (núi có vàng ngọc) mà về tay không

Hôm nay đến đây phải chịu cực hình

Là do các ngươi tạo nhiều tội ác

Tự mình tạo tội thì tự thọ khổ

Đâu có người nào đem khổ đến cho

Giờ đây các ngươi kêu la than khóc

Mong cầu việc gì! Ta đâu cứu được

Ta cũng không thể chịu thay các ngươi!”

Như trên là nói qua Diêm Vương rất trọng Phật Pháp và rất thương kính người tu hành, mà nhất là ăn chay niệm Phật siêng làm các việc lành, lánh xa tất cả điều ác, việc ấy cứ xem trong ba câu chuyện ngắn Thuật giả dẫn trong Long Thơ Tịnh Độ sau đây thì rõ.