Ngôi mộ có bốn tấm bia


Nhắc đến Côn Đảo, người dân lập tức nhớ ngay đến người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Trên ngôi mộ chị Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, có bốn tấm bia.

Theo lời chị Nguyễn Thanh Vân, cán bộ Khu Di tích lịch sử - cách mạng Côn Đảo: Tấm bia thứ nhất do các tù chính trị tại Côn Đảo lập để tỏ lòng tôn kính; Tấm bia thứ hai do vợ chồng Thiếu tá tỉnh trưởng Tăng Tư làm chúa đảo vào năm 1964 dựng thể hiện sự kính phục chị Sáu linh thiêng; Tấm bia thứ ba được lập trong công trình trùng tu tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương; Tấm bia thứ tư nằm phía sau ngôi mộ có hình dáng như một chiếc gương là một phần trong tổng thể tôn tạo ngôi mộ, sắp tới sẽ tiến hành đắp phù điêu có gắn hình chân dung chị Sáu.





Ngôi mộ có 4 tấm bia của anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu
ở nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo.


Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1947 khi mới 14 tuổi, chị gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng.

Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.

Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: “Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản”, chị đã thét vào mặt y: “Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó là tiếng hô: “Đả đả thực dân Pháp!”. “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.



Khu công viên tượng đài nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng đúc bằng đồng, cao 7m do tác giả Thanh Thanh sáng tác, diễn tả tư thế chị Sáu ung dung ra pháp trường với tà áo tung bay trong gió


Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây.

4 giờ sáng ngày 23/1/1952, Đã được mật báo về hành động anh hùng của Võ Thị Sáu và cả ngày giờ giặc Pháp hành hình chị - một nữ tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo từ trước tới thời điểm ấy, hàng ngàn trái tim những người tù chính trị từ banh I đến banh II đã thổn thức suốt đêm. Khi lắng nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả anh em cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.


Vì khi những người tù bị chết, các bạn tù cố gắng đặt một tấm bia tự tạo lên phần mộ nhưng do phần vì kẻ địch cố tình xoá dấu vết người tù phần vì gió biển thổi mạnh đã nhanh chóng san bằng những nấm đất lẫn cát. Hàng ngày, tranh thủ giờ lao động khổ sai, những người tù lại tìm cách gon lại, đắp thêm cát để giữ phần mộ đồng chí mình. Câu chuyện về phần mộ anh hùng Võ Thị Sáu thật là xúc động.

Tương truyền ngôi mộ chị Sáu rất linh thiêng

Khi chị Võ Thị Sáu bị quân thù giết hại, anh em tù chính trị đã chôn cất chị và làm một tấm bia đá khắc tên tuổi chị đặt dưới chân mộ. Đã nhiều lần kẻ địch phá bỏ nấm mộ chị Sáu vì chúng muốn xoá đi hình ảnh anh hùng, bất khuất của chị trong lòng những người tù. Không biết bao lần bia mộ của chị bị phá vỡ hoặc vứt bỏ nhưng địch phá bia này, bia khác lại mọc lên do các anh em trong tù bí mật dựng lại.
Đến nỗi chính vợ con chúa đảo và cai ngục cho là chị Sáu rất linh thiêng, không ai có thể phá bỏ được mộ của chị.
Năm 1964, chúa đảo Tăng Tư lên chức Tỉnh trưởng Côn Sơn kiêm Giám đốc đề lao Côn Đảo đã cho vợ về Sài Gòn thửa một bia đá trên đó ghi "Liệt nữ Võ thị Sáu…". Do vì vợ của chúa đảo bị 1 căn bệnh nan y chạy chữa mãi không khỏi, đã đến xin tại mộ chị và đã qua khỏi.


Sau vụ Chuồng Cọp bị hai dân biểu Mỹ phát hiện, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ bị triệu vào đất liền thì năm 1973 hắn lại được điều ra làm chúa đảo. Sẵn lòng hận thù, tên Vệ cho cai ngục dàn hàng ngang đập phá những ngôi mộ và treo giải cho ai đập phá mộ Võ Thị Sáu. Một cai ngục tên Sức trong lúc say rượu hung hăng mang búa đến mộ chị Sáu. Chỉ sau nhát búa đầu tiên, không hiểu hắn thấy gì mà đã hốt hoảng vứt búa bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu thất thanh. Sáng hôm sau, người ta thấy xác tên Sức cỏng queo bên bờ kè.



Người dân Côn Đảo còn kể: 7 giờ sáng ngày 23/1/1952, chị Sáu bị xử bắn và chôn tại nghĩa trang Hàng Dương. Mấy ngày sau, bên mộ chị một cây dương tách ra làm hai nhánh. Nhánh hướng về phía Nam thì héo, nhánh về phía Bắc thì xanh tươi. Từ đó những người tù và nhân dân cho rằng, chị Sáu hy sinh, thân xác nằm tại miền Nam nhưng hương hồn chị luôn hướng về miền Bắc. Năm 1993, cây dương bên mộ chị tự nhiên héo đi mặc dù Ban Quản lý Di tích và nhân dân cố chăm sóc nhưng cây không sống. Sau đó một cây lêkima lấy ngay tại Côn Đảo được mang đến trồng thay thế cũng không sống. Cây lêkima thứ hai mang từ Vũng Tầu ra trồng cũng chết như cây trước. Chỉ đến khi cây lêkima từ Đất Đỏ quê hương chị Sáu mang ra trồng thì nhanh chóng xanh tốt.



Chuyện kể rằng khi còn nhỏ, ở quê nhà chị Sáu rất thích hoa lêkima và thường nhặt những bông hoa nhỏ xinh trong trẻo ấy sâu thành chuỗi đeo vào cổ thay đồ trang sức. Ngày nay, cây lêkima bên mộ chị Sáu đã 14 năm tuổi kể từ khi trồng, nhưng vẫn nhỏ nhắn, xinh xắn như ngày nào. Điều ấy làm ta liên tưởng đến "sức sống và sự trẻ mãi không già" của người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.



Kính cẩn nghiêng mình trước mộ chị Võ thị Sáu trong làn khói hương trầm mặc đang lan tỏa dưới bóng dương xanh và rì rào gió, âm hưởng bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" lại ngân lên trong trái tim mỗi người. Tại phần mộ Võ Thị Sáu vẫn lưu lại hai tấm bia: Một của những người tù, những người đồng chí tự tạo bằng đá Côn Đảo; một của người bên kia chiến tuyến - một chúa đảo mang từ Sài Gòn ra và cây lêkima nhỏ xinh trổ đầy hoa trắng. Đó là sự thật mà chúng tôi, những công dân nước Việt vượt trên hai ngàn cây số từ tỉnh miền núi Hòa Bình đến đất thiêng Côn Đảo chứng kiến và ghi lại. Không những thế, khi vào một số nhà người dân Côn Đảo, chúng tôi thấy nhiều gia đình lập ban thờ thờ chị Võ Thị Sáu trong nhà mình.


Chị Sáu hi sinh nhưng trong trái tim người dân Côn Đảo, chị luôn tồn tại như một vị thánh. Ngày giỗ của chị dường như đã trở thành ngày lễ trọng đại đối với người dân nơi đây. Năm 2004, ngày giỗ của chị rơi vào mồng 2 Tết. Tưởng chừng như sẽ vắng vẻ, nhưng ngược lại, mọi người lại tụ tập về đây nhiều hơn. "Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ. Sông núi vẫn nhắc tên người anh hùng...".


Tổng hợp các báo.
Báo Bà Rịa- Vũng Tầu, Báo Hòa Bình