Chẩn bệnh qua móng tay
01/12/2010 12:05:02

- Từ những biểu hiện đơn giản như ở sắc mặt, giọng nói, những thay đổi từ móng tay, rồi đến hơi thở... nếu ta chú ý và biết cách quan sát sẽ tự chẩn đoán bệnh, trước khi có kết luận chính xác của bác sĩ chuyên khoa.




Nhạc sĩ Đỗ Sơn Hà (thuộc thế hệ 14 của họ Đỗ ở trấn Sơn Nam, Nam Định) di cư về thôn Dũng Cảm xã Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội lập nghiệp. Ngay từ khi đang học cấp I, ông Hà đã được bố truyền nghề thuốc gia truyền với các phương thuốc bí truyền chữa bệnh tứ chứng nan y: cổ trướng, phù thũng, phong tê thấp, trúng phong mồm miệng méo xệch, chân tay co quắp...

Tiếp thu được nghề thuốc gia truyền, ngay những năm là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 1971 ông Hà đã vừa dạy học tại Chí Linh, Hải Dương, vừa chữa bệnh cho nhiều người.


Ông Đỗ Sơn Hà đang chẩn bệnh qua móng tay

Ông Hà chia sẻ, khi móng tay xuất hiện những đường vân thẳng là do thiếu vitamin A hoặc dự báo bệnh gan; có vân ngang báo trước bệnh tắc nghẽn tim sẽ phát, bệnh thận; Có các vết đốm do hệ miễn dịch giảm sút; Lõm ở giữa biểu hiện chức năng hô hấp kém;

Dẹt, lõm hình thìa, không bóng và dễ gẫy do thiếu máu, thiếu chất sắt; Có chấm trắng hoặc trắng nhợt do thiếu máu; Xuất hiện có chấm trắng hình bóng do bệnh đường ruột; Xuất hiện chấm đen hoặc xanh là hiện tượng trúng độc; Móng mềm, không thẳng do thiếu dinh dưỡng; Móng âm dương (nửa hồng, nửa trắng) do chức năng thận kém; Hình bán nguyệt quá nhỏ hoặc không nhìn thấy do khả năng tiêu hóa kém.

Theo ông Hà, cách nhận biết bệnh qua móng tay này, nếu quan sát kỹ thì chính xác bệnh tới 100%, đây là điều để mọi người tự thấy những thay đổi, biểu hiện trên cơ thể của mình để khám và chữa bệnh kịp thời.

Lý giải về vấn đề nhìn móng tay đoán bệnh, ông Hà cho biết, theo học thuyết Đông y, khám bệnh phải thông qua: Vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (sờ nắn gân cốt cơ nhục, bắt mạch) xem nguời bệnh mắc bệnh gì, bệnh ở biểu, hay ở lý; Loại bệnh thực chứng hay hư chứng; Bệnh ở lục phủ hay ngũ tạng để từ đó tìm nguyên nhân mắc bệnh và tìm phương cứu chữa.

Cơ thể người có 12 đường kinh chính và 2 đường kinh phụ, được chia thành 2 nhóm đường kinh (7 kinh dương và 7 kinh âm).

Tùy thuộc vào hướng đi của đường kinh qua lục phủ ngũ tạng và bàn tay, bàn chân, thí dụ: kinh Thủ thái âm phế, kinh Thủ dương minh đại trường, kinh Túc dương minh vị, kinh Túc thái âm tỳ, kinh Thủ thiếu âm tâm, kinh thủ thái dương tiểu trường, kinh Thủ quyết âm tâm bảo lạc, kinh Túc thiếu dương đởm... để từ đó xem màu sắc, hình dáng của móng tay, móng chân mà đoán bệnh, tìm phương cứu chữa.

TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Bệnh viện Y học Cổ truyền TƯ chia sẻ, từ xa xưa cả trong Đông y và Tây y cũng đã có cách nhận biết bệnh qua móng tay qua biểu hiện màu sắc, hình dáng. Song cách nhận biết bệnh như thế này gọi là phán đoán triệu chứng để qua những biểu hiện đó người bệnh thăm khám bác sĩ có kết quả chính xác nhất. Nếu móng tay có hình dáng dùi trống thì 100% là ung thư phổi.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, đây cũng không phải là vấn đề gì huyền bí. Sách Đông y cổ xưa và hiện đại cũng nói nhiều về vấn đề này. Thực chất đây chính là một trong tứ chẩn bệnh của Đông y: vọng - văn - vấn - thiết, đây là nhìn, tức là vọng.

Những biểu hiện bên ngoài của một số tạng, như tạng can, qua màu sắc, hình thái, màu mắt của một người mà có thể chẩn đoán đúng bệnh. Phương pháp nhìn móng tay đoán bệnh có thể đoán chính xác tới 100% một số bệnh, qua độ bóng, màu, hình thù của móng tay, nhưng không thể đoán tất cả các bệnh.


Phạm Hằng