Chùa Labrang – cội nguồn của Tây Tạng huyền bí


Trong hơn ba thế kỷ tồn tại và phát triển, chùa Labrang – huyện Hạ Hà, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Nam tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) đã ôm trọn lịch sử huyền bí của giới Phật giáo Tây Tạng. Nhiều điều cho đến tận bây giờ vẫn là uẩn khúc đối với các nhà khoa học nghiên cứu về nền Phật giáo Tây Tạng.

Học 40 năm để tham dự một kỳ thi duy nhất trong đời

Nằm bên cạnh sông Đại Hạ, một nhánh của sông Hoàng Hà, từ hơn 300 năm nay, chùa Labrang luôn vang lên những tiếng tụng kinh không ngớt hòa lẫn bên tiếng nước chảy miên man. Nơi đây được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng. Tuy nhiên, khác với các trường đại học Phật giáo khác trên thế giới, quá trình khổ học của các sư tăng chùa Labrang kéo dài đến 40 năm. Sau khi kết thúc gần nửa cuộc đời nghiên cứu kinh luận, các sư tăng sẽ phải trải qua một kỳ thi duy nhất và quan trọng nhất. Đó chính là kỳ thi Thorampa để lấy học vị Gheso trong Phật giáo Tây Tạng. Học vị này tương đương với học vị tiến sĩ ngày nay. Kỳ thi Thorampa được giới Phật giáo Tây Tạng đánh giá là kỳ thi nghiêm ngặt nhất.

Để có kiến thức dự thi, các sư tăng phải mất ít nhất 15 năm học những tri thức Phật học nền tảng trong Ngũ bộ đại luận (5 bộ kinh hiển tông của Phật giáo Tây Tạng). Sau đó họ phải mất 20 năm để thấm nhuần những kiến thức đó qua hàng trăm bộ kinh phân tích và dẫn giải do các sư tăng Phật sống tại đây truyền lại. Không những thế, họ còn phải liên tục các cuộc kiểm tra sát hạch để áp dụng những kiến thức mình thu lượm được vào thực tế.

Hình thức của các cuộc kiểm tra sát hạch (biện kinh) cũng rất lạ. Các sư tăng được “thẩm vấn” sẽ bị các sư tăng khác vây quanh. Họ liên tục “cọ sát” vào nhau, vào các sư tăng được “thẩm vấn” và đặt ra những câu hỏi bắt buộc các sư tăng được lựa chọn phải vận dụng tri thức mình để biện luận lô-gic. Cảnh biện kinh xem ra khá ồn ào và phức tạp, nhưng lại thực sự đơn giản, các tăng nhân coi việc xô đẩy, va chạm nhau như để tư duy được chạm vào nhau, làm tăng khả năng ghi nhớ kiến thức trong kho kinh sách khổng lồ, đồng thời cũng là lĩnh hội sự tinh túy của Phật pháp thượng thừa.


Chùa Labrang – nơi ẩn chứa bí ẩn của Phật sống Tây Tạng

Trải qua hơn 3 thế kỷ, chùa Labrang đã chứng kiến những thăng trầm của Phật giáo Tây Tạng cũng như nhiều đời Phật sống truyền thế. Tập tục Phật sống truyền thế được đưa ra dựa trên giáo lý “Tọa hóa độ sinh” (đức Phật tái thế) của Đức Phật Thích Ca. Theo giáo lý này thì khi Đức Phật (tức người đứng đầu giáo phái) viên tịch (qua đời) sẽ đầu thai vào một đứa trẻ khác (gọi là linh đồng).

Những đặc điểm nhận dạng vị “linh đồng” đó được các cao tăng nhận lại từ lời trăn trối trước khi viên tịch của vị Phật sống trước đó hoặc dựa trên những lời báo mộng của vị thần Hộ pháp có tên Lạp Mục Xuy Trung về phương hướng và địa danh mà “linh đồng” sinh ra. Tuy nhiên không phải các “linh đồng” được tìm thấy đều trở thành các Phật sống truyền thế, mà còn phải trải qua sự sàng lọc hết sức cẩn thận của các vị cao tăng. Mặc dù các cuộc “phỏng vấn” lựa chọn các “linh đồng” được làm rất chặt chẽ, hệ thống và tuân thủ nghiêm nghặt những quy tắc từ đời xưa để lại, nhưng việc thực thi và kết quả đưa ra vẫn mang phần cảm tính và huyền bí.

Tại sao các cao tăng Tây Tạng lại có thể tìm được các “linh đồng”, quá trình “sàng lọc” vị chân Phật sống ra làm sao, hiện tại vẫn là vấn đề mà nhiều học giả, những nhà khoa học hàng đầu đang nghiên cứu và chưa có lời giải. Và như thế, từ hàng trăm năm nay, những bí ẩn truyền kiếp của nền văn minh Phật Giáo Tây Tạng vẫn chìm trong tiếng nước chảy của sông Đại Hạ và tiếng tụng kinh trùng điệp chùa Labrang

nguồn phattuvietnam