Sau hơn 2 tháng làm việc miệt mài, công việc trùng tu những cỗ quan tài “bay” của người Bo ở hạt Gongxian, phía tây nam của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã hoàn tất.
Đây được đánh giá là dự án các cỗ quan tài thuộc loại lớn nhất và bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Có 43 cỗ quan tài đã được bảo tồn nguyên vẹn, 16 cỗ quan tài vô danh. Trong quá trình trùng tu, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những bí ẩn kỳ lạ về hình thức mộ táng tại đây.
Công tác bảo tồn khu mộ táng độc đáo của nền văn minh Bo
Công tác tìm kiếm và bảo tồn mộ cổ từng là đề tài thu hút rộng rãi sự quan tâm của dư luận trong khoảng thời gian gần đây. Vào tháng 9 – 2002, một cuộc trùng tu nghiêm túc các cỗ quan tài “bay” tại địa phương Gongxian thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã được tiến hành. Đây là lần thứ 3 diễn ra một cuộc trùng tu quy mô lớn tại cùng một địa điểm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Hai dự án trước từng diễn ra tại Gongxian vào các năm 1974 và 1985.
Theo ông Cui Chen, người phụ trách Bảo tàng Yibin (Tứ Xuyên) thì những cỗ quan tài “bay” được chia làm 3 dạng chính. Thứ nhất, đó là những dạng quan tài được treo lơ lửng trên những cái cọc gỗ được đóng một nửa vào vách núi. Thứ hai, đó là dạng quan tài được đặt trực tiếp bên trong lòng những khu hang động nằm trên vách núi. Dạng quan tài “bay” thứ ba là dạng nằm nhô ra trên vách núi. Tất cả 3 hình thức mộ táng này đều được tìm thấy tại Gongxian, nơi nổi tiếng bởi sự hiện diện của một bộ sưu tập các cỗ quan tài “bay” đa hình thái, một nơi chứa đựng những bí ẩn về mộ táng kỳ bí nhất trên đất nước Trung Quốc.
Những cỗ quan tài huyền bí này được tập trung thành từng cụm bao quanh 2 ngọn núi chính là Matangba và Sumawan với khoảng chừng 100 cỗ quan tài được trên trên những vách núi đá vôi lởm chởm, với địa thế như thế đảm bảo cho quan tài không bị xâm phạm bởi những kẻ trộm đồ tùy táng hoặc bởi các loài động vật ăn thịt hoang dã.
Các báo cáo từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước đã chỉ ra rằng tại đại phương Gongxian, người ta đã tìm thấy tổng cộng có khoảng 280 cỗ quan tài “bay” hiện diện. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 năm qua, có khoảng gần 20 quan tài “bay” đã “hạ” xuống đất vì mục ruỗng qua thời gian. Những cỗ quan tài “bay” thực ra được treo cách mặt đất ít nhất khoảng 10 mét, tuy nhiên cũng có những cỗ quan tài được treo các mặt đất khoảng 130 mét. Không giống như những lần khảo sát trước đó, các nhà nghiên cứu thường chỉ quan tâm nghiên cứu đến lớp vỏ gỗ bao bọc quanh xác chết, lần này các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu sâu vào bên trong cỗ quan tài.
Thêm vào đó, họ cũng đã nghiên cứu lớp trát vữa lỏng trên mặt đã nơi đóng cọc gỗ theo quan tài, các nhà nghiên cứu tin rằng lớp trát vữa này là cần thiết để gia cố làm rắn chắc cho bề mặt đá vôi. Các nhà nghiên cứu tin rằng, người Bo với nền văn mình của họ từ lâu vốn đã bị “thất lạc” trong lịch sử văn minh nhân loại. Mặc dù không còn nhiều tài liệu thư tịch cổ đại để giúp cho người hiện đại hiểu về người Bo nhưng những cỗ quan tài “bay” đang hiện diện tại Gongxian (Tứ Xuyên) chính là bằng chứng khẳng định được giá trị văn hóa độc đáo của họ trong lĩnh vực mộ táng, một giá trị văn hóa đan xen tinh thần thật đặc biệt.
Hài cốt của người Bo
Tháng 9 – 2002, một nhóm chuyên gia khảo sát một cỗ quan tài “bay” đầu tiên nằm cách mặt đất khoảng 20 mét. Sau khi cẩn thận vén dỡ lớp gỗ trên bề mặt quan tài, các chuyên gia đã tìm thấy hài cốt của người Bo đã từng sống cách đây 400 năm. Bộ xương thể hiện hình hài của một người cao lớn. Cũng trong quan tài, các chuyên gia còn tìm thấy cát và một lớp bùn nhưng không tìm thấy bất kì một món đồ tùy táng thường thấy như khi chôn cất người chết. Ông Cui Chen cho hay rằng, cách không cho đồ tùy táng người chết nhằm mục đích ngăn ngừa bọn trộm hôi của. Cỗ quan tài này cân nặng ước chừng khoảng 200 kg, dài 2 mét và rộng 0,7 mét, cỗ quan tài được làm từ một cây gỗ cổ thụ duy nhất, chứng tỏ người Bo khi xưa đã rất kỳ công trong việc chọn lựa gỗ để làm quan tài.
Các nhà nghiên cứu còn khám phá rằng, người Bo xưa đã sử dụng dầu của cây tùng phết lên mặt bên trong của quan tài, sau đó mới đặt xác của người quá cố vào. Việc phết dầu tung còn giúp cho thi thể của người quá cố có thể duy trì qua nhiều thế kỉ mà không bị mục nát xương dù thịt đã hoàn toàn tan rã.
Sau đó, 5 cỗ quan tài đã được mở nắp phục vụ công tác nghiên cứu chi tiết. Một số lượng các hiện vật văn hóa quý giá đã được đưa ra ánh sáng. Trong số các hiện vật đã được tìm thấy có 2 cái chén (bát) sứ men xanh trắng, 1 con dao bằng sắt với họa tiết đơn giản, 1 con dao nhỏ hơn và 2 cái mác bằng sắt. Các chuyên gia cho biết rằng, những đồ vật này có niên đại vào thời nhà Minh (1368-1644). Cùng thời điểm khảo sát tại Gongxian, các nhà nghiên cứu tìm thấy 29 cỗ quan tài cổ xưa và có 16 cỗ quan tài mới được an táng sau này. Những cỗ quan tài mới này rất khó để phát hiện ra bởi vì nó được táng ngay bên trong các khu hang động trên vách núi đã vôi và được che đậy bởi bụi cây và cỏ dại.
Trong lúc khảo sát những cỗ quan tài này, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy thêm những hiện vật tơ và vải lanh. Có một quan tài được tìm thấy trên đỉnh núi ở độ cao 130 mét không có đinh tán để giữ chặt hài cốt và nắp quan tài như những cỗ quan tài “bay” được táng ở các tầng thấp. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu vết của dây chão buộc chặt xác chết vào cỗ quan tài cũng như dây chão trói chặt bên ngoài cỗ quan tài. Những bức tranh phong thủy cũng được tìm thấy.
Một nền văn hóa bị tuyệt tích
Người Bo là một cộng đồng dân tộc ít người, sinh sống dọc theo biên giới những vùng đất mà ngày nay thuộc địa giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam: Tại những nơi đó, cộng đồng này đã tạo lập ra một nền văn hóa rực rỡ có niên đại từ cách đây 3000 năm. Những bậc tổ tiên xa xưa của người Bo đã giúp vương quốc Tây Chu (1.100 – 771 trước công nguyên). Người Bo khác biệt hoàn toàn với các nhóm dân tộc ít người khác thông qua những phong tục chôn cất kỳ thú. Đặc biệt là họ có thói quen đốn những thân cây gỗ thật cứng, có tuổi thọ từ hàng chục đến hàng trăm năm để đục khoét thành những cỗ quan tài. Quan tài của người Bo không tô sơn cầu kỳ mà được để thô mộc đơn giản. Những cỗ quan tài “bay” tại Gongxian có niên đại cách đây khoảng 400 năm, có thể là được làm vào khoảng giữa hoặc thời kỳ cuối của nhà Minh (1368-1644), trong khi nhiều cỗ quan tài có niên đại lên đến cả 1000 năm, cụ thể là rơi vào thời nhà Tống (960-1279). Đến ngày nay, những cỗ quan tài “bay” sớm nhất được tìm thấy xung quanh khu vực đập thủy điện Tam Hiệp, có niên đại từ cách đây 2.500 năm, rơi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (năm 770- năm 476 trước công nguyên).
Tục chôn cất người chết trong các cỗ quan tài “bay” trải dài ở những vùng đất thuộc phía tây nam của Trung Quốc vào thời cổ đại. Tuy nhiên, những phong tục này đã bị mai một cùng với sự biến mất bí ẩn của người Bo. Người ta chỉ biết đến người Bo và nền văn minh của họ thông qua những cỗ quan tài “bay” và những bức tranh mà họ đã “vẽ” lên trên vách núi đá vôi. Người Bo cổ đại từng có nền văn hóa rực rỡ tương tự như người Maya ở khu vực châu Mỹ.
Những bí ẩn được khám phá
Mùa xuân năm 1941, các chuyên gia cổ vật uy tín là Liang Sicheng, LinHuiyin, Liu Dunzhen và Chen Mingda đã đặt chân đến Sumawan, ngày nay thuộc một phần của địa phương Gongxian (Tứ Xuyên). Từ đằng xa họ đã nhìn thấy một vách núi cheo leo, hiểm trở, những quan tài này được nâng đỡ bằng một hệ thống các cọc gỗ chôn nhập một đầu trong vách đá núi. Khung cảnh kì lạ này đã làm tất thảy các chuyên gia đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì quả thật họ chưa nhìn thấy nó bao giờ, từ đây đã làm nảy sinh một cuộc thảo luận khá sôi nổi. Một số chuyên gia tin rằng các cỗ quan tài này vốn trước đó được đặt dưới mặt đất, người ta đã đóng cọc chìa đỡ trên vách núi, thòng dây cột chặt quan tài bên dưới rồi từ từ kéo lên vị trí định treo, phương pháp này cũng tương tự như việc sử dụng ròng rọc để nâng đỡ các đồ vật nặng. Một số ý kiến khác lại nói rằng những cỗ quan tài này đã được đặt ngay trên vị trí của những cọc gỗ được đục cắm sâu vào trong vách đá núi. Tuy nhiên, nếu người Bo xưa đã làm như thế thì vô cùng nguy hiểm, có thể mất mạng như chơi, họa chăng là người Bo sử dụng thêm những thiết bị dùng cho việc leo núi để giữ an toàn.
Tại sao người Bo lại an táng người quá cố tại những vị trí cao khủng khiếp như thế? Nhà nghiên cứu Li Jing viết rằng, trong suốt thời đại nhà Nguyên (1279-1368) đã có một tư liệu đề cập đến vùng Vân Nam như sau: “Những cỗ quan tài được táng trên cao được xem là một điềm may mắn. Thậm chí, vị trí treo quan tài càng cao càng thể hiện địa vị xã hội của người quá cố trong xã hội người Bo xưa. Và những cỗ quan tài nhanh chóng “hạ” xuống thì con cháu của người quá cố sẽ gặp nhiều thuận lợi và may mắn”.
Người phụ trách Bảo tàng Yibin, Cui Chen đã tiến hành nghiên cứu 3 cách thức khác nhau trong việc an táng người Bo xưa, ông nói: “Có thể đã có một đường đất thoai thoải được đắp để lấy đường đi lên vị trí của những cỗ quan tài được treo, tuy nhiên các chuyên gia nói rằng nếu xây dựng đường thì sẽ tốn nhiều nhân công lao động vất vả, vả lại an táng trên cao không hễ dễ chút nào trong các thao tác vận chuyện, “hạ huyệt” như an táng dưới đất bằng. Thêm nữa, gỗ để đóng cọc đỡ các cỗ quan tài phải cực kỳ vững chắc nhưng các cuộc điều tra đã gặp thất bại vì không ai có thể lý giải được lý do vì sao những cây cọc đó không bị mục ruỗng trong suốt hàng trăm năm khi treo lơ lửng trong không gian và trơ trơ chịu đựng mưa gió qua thời gian. Do đó, giả thuyết treo cỗ quan tài bằng hệ thống ròng rọc xem là khả quan hơn cả, vì vậy tấm màn bí ẩn về các cỗ quan tài “bay” tại Gongxian (Tứ Xuyên) có thể được hé lộ phần nào”.
Giải thích về nguyên nhân mất tích của nền văn minh theo người Bo có thể hiểu theo diễn biến lịch sử Trung Quốc như sau: Trong suốt những năm cuối cùng của triều đại nhà Minh, khi mà quân đội triều đình thường xuyên mở ra những trận đàn áp các cộng đồng dân tộc ít người ở Tứ Xuyên và Vân Nam. Trong hoàn cảnh đó, người Bo đã bị thất thủ và họ bị quân triều đình tàn sát rất dã man. Để thoát được sự đàn áp của Minh triều, những người Bo còn sót lại đã chạy trốn đến những vùng đất mới để định cư. Họ che giấu tên tuổi thật sự của mình và tái hòa nhập vào các nhóm dân tộc khác nhằm mục đích sống còn. Mặc dù nền văn hóa của người Bo đã bị tiêu diệt thế những những hậu duệ của người Bo vẫn còn tồn tại.

Đọc thêm: Khám phá "suối xương" giữa thủ đô Hà Nội