Thiên Sơn và thế giới võ hiệp
Tôi đến Thiên Sơn (thuộc tỉnh Tây Cương - Trung Quốc) với trí tưởng tượng đầy ắp những hình ảnh về… thế giới võ hiệp. Ở đó, Thiên Sơn là vùng đất hoang mạc, đầy nắng, cát và gió như trong tiểu thuyết “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” (của Lương Vũ Sinh); là miền đất băng giá của Thiên Sơn Đồng Lão trong “Thiên long bát bộ”; là những ngọn núi cao với nhiều hang động bí hiểm như Quang Minh Đỉnh trong “Ỷ thiên đồ long ký” và là đồng cỏ chăn nuôi xanh mượt, hiền hòa dưới chân núi như trong “Thư kiếm ân cừu lục” (đều của Kim Dung). Mà lạ thật, tất cả những hình ảnh tưởng tượng đó so với khung cảnh và con người thật tại Thiên Sơn lại có những điều liên quan, tương đồng rất thú vị.
Trường sinh bất lão


Trước cổng vào miếu Nương Nương
Chúng tôi đi theo con đường quanh co, men theo vách núi có tên là “Thạch môn nhất tuyến” để đến Thiên trì ( hồ Trời), ở lưng chừng ngọn núi Pôgơđa (ngọn núi cao thứ hai ở Thiên Sơn, 5.445m). Cô hướng dẫn viên Trương Yến Bình giới thiệu với chúng tôi một loại cây rất lạ trồng ven bên đường có thân cành đều héo khô. Cây tên Hồ Dương. Người dân còn gọi loại cây này là “Tam thiên tuế” (ba ngàn năm) tức “Ngàn năm không chết, có chết thì ngàn năm không đổ, có đổ thì ngàn năm không mục”. Theo khoa học, đây là loại cây thân cao duy nhất giữa hoang mạc Trung Á. Chúng có thể chịu được nóng, chống được bão, cát, ngăn được hạn và kháng được sự bạc màu cho đất.
Qua một khúc quanh chúng tôi lên thêm một độ cao khác. Ở đây, chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng thông đầy tuyết tuy tiết trời mới cuối tháng mười. Chúng tôi lang thang trong cánh rừng ngắm tuyết bám nặng trĩu trên cành lá, thong dong với mỗi bước đi trên mặt tuyết xốp xộp để cảm nhận âm thanh rạn vỡ của từng hạt băng li ti. Xuýt xoa với cái lạnh làm đôi bàn tay tê cóng, tôi liên tưởng đến hình ảnh của tiểu sư Hư Trúc bị Thiên Sơn Đồng Lão bắt giam trong hầm băng buốt giá. Có phải ở trong môi trường khắc nghiệt như vậy, con người mới dễ dàng luyện thuật trường sinh bất lão như Thiên Sơn Đồng Lão hay thành công với hàn băng chưởng uy lực vô song (?!).
Dọc đường , chúng tôi gặp nhóm phụ nữ bán hàng rong mời chào một loại kỳ hoa dị thảo nổi tiếng: “Tuyết liên hoa”. Nghe giới thiệu là vậy nhưng thú thật nhìn những cánh hoa héo khô từ giỏ xách của các phụ nữ bán hàng rong, tôi thấy chẳng khác hoa cúc phơi khô là mấy. Nhất là với giá bán chỉ một, hai chục nhân dân tệ một cánh thì sự hồ nghi của tôi càng có cơ sở. Anh bạn đi theo nghe tôi phân tích có vẻ dao động, thế nhưng cuối cùng anh cũng mua vài cánh hoa kèm theo cặp sừng gọi là “linh dương Thiên Sơn” với lời giải thích như tự ai ủi : “Kệ, mấy khi đến được chốn này. Mua không dùng cũng xem như làm kỷ niệm”.
Sau một hồi giong thuyền lướt trên hồ Trời (Thiên trì) trong vắt, ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ soi bóng dãy núi thông xanh bạt ngàn, đỉnh tuyết phủ trắng, chúng tôi đổ bộ lên một ngọn núi để đến thăm miếu Nương Nương. Đây là miếu thờ bà Tây Vương Mẫu còn có tên là Diêu Trì cung. Thì ra chốn bồng lai tiên cảnh của bà tiên thánh mẫu gắn liền với hội bàn đào mà giới thần tiên thường tụ họp để thưởng thức đào tiên - ăn vào trường thọ sánh ngang đất trời - là đây.
Không như truyền thuyết, sử sách lại có cách nhìn khác đối với Tây Vương Mẫu. Trong “Sử ký Triệu Thế gia” và “Mục thiên tử”, quyển ba có ghi lại Chu Mục Vương , đời Tây Chu (1100 -771 trước CN) trong một chuyến viễn du đã gặp và làm thơ đối đáp với Tây Vương Mẫu, có đoạn: “Ta về đông thổ, hòa hiếu với các miền đất Hạ, muôn dân đều vui vẻ, ta gặp được nàng, cùng nàng sống ba năm, rồi sẽ trở về”… Tây Vương Mẫu tương truyền là nhân vật thần thoại, có thể là thủ lĩnh dân tộc thiểu số nào đó trong vùng Tây Vực. Dù ở góc nhìn nào, cái thật và ảo ở nơi cảnh đẹp và lãng mạn như chốn thiên thai này cũng dễ được thăng hoa, hóa nhập.
Thống nhất võ lâm


Trung tâm địa lý đại lục châu Á
Dãy Thiên Sơn (người Duy Ngô Nhĩ gọi là Tengri Tagh nghĩa là dãy núi thần linh) nằm trải dài 2.500km từ Đông sang Tây, rộng 100 - 400km từ Nam lên Bắc, phân chia thành Tây Thiên Sơn thuộc các nước Liên Xô cũ và Trung Thiên Sơn, Đông Thiên Sơn thuộc Tân Cương (Trung Quốc). Về vị trí địa lý, dãy Thiên Sơn ở chính giữa đại lục châu Á, được ví như trái tim châu Á, là trung tâm giao lưu văn hóa Đông Tây thời cổ đại.
Chính tại Thiên Sơn, Thành Cát Tư Hãn đã gặp đạo sĩ Khưu Xứ Cơ của Toàn Chân giáo. Và sau cuộc gặp gỡ này, tư tưởng nhân đạo của đạo giáo cũng ảnh hưởng rất lớn đến tư duy quân sự của vị đại hãn này trên bước đường chinh phục toàn cõi Á –Âu. Trong thời gian ở Tân Cương, chúng tôi còn có dịp đến thăm một nơi được gọi “trái tim của trái tim châu Á”, “trung tâm của trung tâm châu Á”, đó là Trung tâm địa lý đại lục châu Á (gọi tắt là Á tâm) nằm ở làng Bao Gia Tào Tử, thôn Vĩnh Phong với vị trí chính xác là 87 độ 19 phút 52 giây kinh độ Đông và 43 độ 40 phút 37 giây vĩ độ Bắc.
“Á tâm” được xây dựng thành một công viên khá rộng, chính giữa là tượng đài gồm 4 thân trụ chụm lại, trên là biểu tượng quả địa cầu và chính giữa là biểu tượng dây dọi. Nền được lát gạch láng có hình châu Á. Từ nơi này đi đến bờ biển gần nhất là Bắc Bắc Dương cũng đến 2.500km. Trời thật trong xanh, phía chân trời rộng mở xa tít tắp. Đứng giữa tâm điểm này, bất chợt tôi nhớ đến lời luận bàn của Huỳnh Ngọc Chiến về Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký) và giấc mơ thống nhất giang hồ bằng vương đạo của Kim Dung trong chuyên luận “Bút kiếm Kim Dung”. Trương Vô Kỵ tiếp thụ và tổng hợp được hai tuyệt kỹ võ học “chính - tà”: Cửu Dương thần công và Càn không đại na di – tiêu biểu cho hai nền văn hóa Đông – Tây dưới góc độ võ thuật. Trên đỉnh Quang Minh (tức đỉnh Pobeda 7.439m cao nhất Thiên Sơn) Trương Vô Kỵ lần đầu tiên hiển lộ thân thủ, dùng tuyệt thế thần công áp đảo quần hùng, cứu nguy Minh giáo và hóa giải tất cả oan cừu giữa hai phe chính - tà.
Đỉnh điểm của chuỗi hành động này là hình ảnh rất lãng mạn: Trương Vô Kỵ đánh bại song kiếm của vợ chồng Hà Thái Xung – Ban Thục Nhàn phái Côn Lôn và song đao của hai trưởng lão phái Hoa Sơn bằng một… cành mai. Lấy một cành mai đang nở hoa tươi đẹp để chiến thắng cái thô bạo trong đao kiếm, xem ra cái ý tưởng chân thiện – lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo vẫn luôn được ca ngợi, tôn vinh trong cuộc sống.
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Tuyết liên hoa được xem như loại thần dược, có khả năng cải tử hoàn sinh. Nghe kể lại, Tuyết liên hoa là loại thực vật thân thảo sống lâu năm trong khe đá đóng tuyết trên núi cao, thân thẳng đứng, cao tới 0,5m. Hoa chùm màu đỏ tía tập trung cả ở đầu cành, chung quanh có nhiều cánh hoa mỏng trắng trong mờ giống như hoa sen. Hoa to bằng miệng chén, lá cánh nhạt, dày giống như lá chuối và có mùi hương rất thơm.
Lê Quang

http://www.sggp.org.vn/SGGP12h/2008/1/140069/