- Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xẩy ra những vụ án giết người man rợ, rúng động dư luận. Những kẻ thủ ác, dù đó là một trí thức hay không phải trí thức đều không hề biết quý trọng tính mạng và giá trị sống của một con người, đã gây ra những tội ác kinh hoàng. Đã có rất nhiều kẻ thủ ác trước đó phải nhận những hình phạt thích đáng, nhưng những tội ác mới vẫn liên tiếp diễn ra. Vậy đâu là căn nguyên thực sự của tình trạng bạo lực, tội ác gia tăng hiện nay?
Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng: Có rất nhiều tội ác xuất phát từ những suy nghĩ lệch lạc. Lại có những kẻ thủ ác giết người với sự khoái trá. Với nhiều người, cái ác đã ẩn náu trong họ từ lâu. Khi có cơ hội, cái ác bùng nổ phá vỡ “màng văn hoá” mỏng manh anh ta đang có để gây tội ác. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Hòa Bình xung quanh các vấn đề trên.

- Ông nhìn nhận ra sao về những tội ác man rợ trong đời sống liên tục diễn ra gần đây?

Đúng là vấn đề bạo lực rộ nên trong thời gian qua và vấn đề này hoàn toàn không phải do báo chí truyền thông săm soi chuyện giật gân. Nhưng một xã hội phát triển, văn minh cũng là ngòi nổ cho rất nhiều tội ác giết người.

Theo tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình, do cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực đã trở thành "ngòi nổ" của nhiều tội ác!
Trong đời sống xã hội hiện đại, con người đứng trước nhiều áp lực trong cuộc sống và thách thức trong mưu sinh. Những áp lực ấy nếu có điều kiện sẽ bật bung ra và người ta gây ra tội ác.

Mặt khác, trong xã hội nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng “kẻ mạnh và cường quyền vẫn luôn thắng” nên có xu hướng dùng bạo lực ở nhiều người. Trong điều kiện bình thường, ý thức luật pháp, tình yêu con người đè nén nên cái ác không đủ sức bật ra. Nhưng khi người ta không có chiều sâu, không có “màng văn hoá” bao bọc thì một lúc nào đó, cái ác thắng thế và thế là những tội ác diễn ra.

- Có một thực tế là những kẻ thủ ác hiện nay, dù đó là một trí thức hay không phải trí thức đều tiến hành tội ác một cách rất nhanh gọn, lạnh lùng. Tại sao lại có một điểm chung ghê rợn giữa những này mà trước đó, họ là những con người rất khác nhau?

Tôi cho rằng điểm chung của những kẻ thủ ác ấy xuất phát từ sự rẻ rúng mạng sống của một con người. Sự rẻ rúng ấy là do sự lệch lạc giá trị đời sống. Họ không biết tôn thờ những giá trị chuẩn mực, không có lẽ sống nên người ta mới nghĩ việc tước đoạt mạng sống người khác là cực kỳ đơn giản.

Vì vậy, mới có chuyện một kẻ giết người trí thức như Nguyễn Đức Nghĩa nhưng hậu quả hắn gây ra cũng chả khác mấy kẻ giết người trong vụ án giết bà Phó Bí thư quận uỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây. Thậm chí, không khác với vụ nông dân cầm dao giết 4 mạng người mới đây trên Phú Thọ, hay vụ kẻ thủ ác cầm búa định giết 7 người trong Thành phố Hồ Chí Minh.

Không biết quý trọng mạng sống của con người nên Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang đã không ghê tay khi tiến hành giết một người vô can là một Phó bí thư Quận uỷ tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Google-imegine)
Nó giống nhau ở chỗ các đối tượng đều không nhận thức được giá trị sống của một con người và giống ở sự ra tay giết đối tượng rất nhanh gọn, rất tàn độc và hầu như không có nhiều suy nghĩ trước việc gây ra tội ác của mình. Nó chỉ khác ở chỗ là sau khi gây tội ác, kẻ trí thức biết cách nguỵ tạo và chạy trốn tinh vi hơn, trong khi kẻ ít học thì ngược lại.

Nhưng qua tất cả những vụ giết người ghê rợn, tôi thấy một điều rằng, trong xã hội hiện đại, mọi cái trở nên giản đơn hơn. Cái nguy hiểm của xã hội hiện đại ghê sợ ở chỗ ấy. Đó là mọi thứ đều rất đơn giản và nhanh chóng, kể cả đó là việc tước đoạt mạng sống của một con người.

- Có nhiều cách lý giải nguyên nhân của một tội ác nào đó. Nhưng việc những người thân trong cùng gia đình đâm chém, giết nhau man rợ vì những nguyên nhân hết sức vu vơ mà báo chí đã nêu gần đây thì sao? Tại sao những vụ giết người thương tâm như thế vẫn cứ diễn ra?

Đúng là mới đây tôi có đọc được chuyện anh em người ta giết nhau vì những lý do hết sức vu vơ: như em giết anh vì cãi nhau trong cuộc nhậu; hay em giết anh để trả thù việc bị anh hay mắng nhiếc. Sự thật thì ở đâu đó, những tội ác như thế vẫn diễn ra.

Nhưng, như tôi nói ở trên, vì cuộc sống ngày nay người ta có quá nhiều áp lực chuyện mưu sinh. Vì những ức chế giữa các thành viên trong quá khứ. Đặc biệt, vì cái ác luôn hiện hữu trong mỗi con người nên một khi “màng văn hoá” của họ không đủ để kìm hãm cái ác, cái ác sẽ thắng thế và tội ác mà cộng đồng cho là rất ghê rợ nhưng kẻ thủ ác lại gây ra hết sức tự nhiên.

Một kỹ sư cơ khí có học thức nhưng đã vô cảm đến nỗi, liên tiếp thực hiện tội ác để giết chết một thanh niên mình không hề quen biết trong vụ tai nạn đêm 18/9! (Ảnh Google-imegine).
- Nếu coi nguyên nhân dẫn đến tội ác do kẻ thủ ác không sâu sắc, do những ức chế trong quá khứ mà gây ra tội ác, thì vụ một kỹ sư cho xe ô tô chèn chết một thanh niên mới đây tại Hà Nội: Một người có học thức, không hề quen biết nạn nhân vẫn gây ra tội ác ghê rợn như thế được giải thích vì sao?

Việc nhiều tài xế cố tình giết chết người bị nạn đúng là gây phẫn uất trong dư luận. Người ta cũng đã có nhiều cảnh báo cho chuyện này. Nhưng, những điều cảnh báo tưởng đã thuộc lòng ấy nó vẫn không đủ “độ chín” trong người ta. Vì thế, mới có những hành vi thủ ác liên hoàn mà kẻ thủ ác thực hiện nhiều khi trong trạng thái khoái trá.

Tôi nghĩ, việc những tài xế cố tình gây tội ác liên hoàn vì họ nghĩ nhiều khi đi tới cùng một tội ác cũng là cách trốn chạy thông minh. Nhưng sự thật, cách trốn chạy ấy lại chẳng thông minh chút nào. Chính vì thế, sau khi thực hiện được hành vi giết người, người ta mới hối tiếc.

- Như vậy là xã hội càng phát triển thì tội ác càng nhiều. Vậy, có cách nào để chế ngự và hoá giải cái ác lúc nào cũng tiềm ẩn trong mỗi con người không thưa ông?

Nếu chúng ta làm phép cộng các tội ác thì đáp số đúng là tội ác ngày một gia tăng. Nhưng một xã hội phát triển văn minh cũng là ngòi nổ cho rất nhiều tội ác giết người thì chúng ta phải thừa nhận.

Chúng ta chỉ có cách giảm thiểu tội ác bằng cách phải biết sống với áp lực, hoá giải áp lực và tìm kiếm một cuộc sống nhân văn. Đặc biệt, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm sự tốt đẹp ở những người khác. Khi ấy, chúng ta mới hiểu được và trân trọng ý nghĩa cuộc sống của những người xung quanh cũng như ý nghĩa cuộc sống của chính mình.

- Xin cảm ơn tiến sỹ!


Nguyễn Tuyến (thực hiện)


Theo Vietnamnet