QUANG MINH NỘI ĐẠO

Quang Minh Tu Đức nguyên là Nội Đạo Phật Thánh tái sinh.

Nguyên nước Nam ta xưa kia không có tôn giáo. Các tôn giáo đều tự ngoại quốc đem vào dậy dân ta cả. Đến triều Hậu Lê mới có Nội Đạo Tôn Giáo xuất hiện ra đời. Nội Đạo cũng là Phật Giáo. Nhưng mà đức Giáo Chủ gọi là đức Cửu Tằng Thiên hay là đức Thượng Không Phật. Phật kinh không có những danh hiệu ấy. Đạo Nội kiêm cả đạo Nho, đạo Thích mà lập thành một môn. Xem như các kinh khuyến thế thì là chính thủ những lời cách ngôn ba đạo ấy. mà phép tắc thì phải gìn giữ phép tắc Đạo Nội.

Xem thế thì đức Giáo Chủ Đạo Nội nguyên là người từ trên trời giáng xuống truyền đạo cho đức Thượng Sư mà sáng thủy ra tôn giáo Đạo Nội. Tam Thánh lại tham khảo các đạo mà tập đại thành, thì gọi là tôn giáo biệt lập cũng phải. Cho nên Đạo Nội cũng gọi là “Thiên Tâm Chính Pháp”.

Nội Đạo nguyên từ đức Cửu Tằng Thượng Không Phật giáng xuống truyền đạo, tuy là Phật Giáo mà danh hiệu đức Phật cùng phép tắc bổn đạo cũng khác nhau nhiều, cho nên vua Lê Thần Tông cho hiệu là “Nội Đạo Tràng”, để phân biệt với các đạo.

Nội Đạo là Thiên Tâm Chính Pháp, tự Giời mở ra, các đức Thánh lại tham khảo Tam Giáo mà lập thành một tôn giáo nước Nam ta, chẳng những là linh phù linh phép, khu trừ ma quỷ, cứu độ sinh dân, mà lại có kinh sách khuyến dụ hậu nhân, cải ác vi thiện, su cát tị hung, ai theo đạo được thì khỏi phải luân hồi ác báo, mà ai có công tu luyện được thì cũng được thành Thần, hiển Thánh, thành Phật, thành Tiên, như các Thiền sư đời trước.

Vì thế Quang Minh Tâm Đạo nguyên là Nội Đạo tái sinh cho nên cũng có tên là Quang Minh Nội Đạo. Như thế thì ta nên lấy Đạo của nước ta làm cột chốt, làm gốc nguồn, làm phụ mẫu.

Về đời Hậu Lê, Nội Đạo Phật Thánh làm không biết bao nhiêu là phép lạ, long giời lở đất, lấp bể cạn sông. Lại như Quang Minh Nội Đạo các thiện tín mười phương thấy Đức Tuyết Sơn làm không biết bao nhiêu các phép kỳ lạ. Thực là thức tỉnh rõ ràng chứ không phải chiêm bao mộng mị.

Đức Tuyết Sơn về đời Hậu Lê hiệu Ngài là:
Thượng Sư Chính Phối, Nam hải Giáng Sinh Quan Thế Âm Bồ Tát, Hoàng Quý Thị húy Kế, hiệu Chân Khoa Không Phật.

Đến đời nay hiệu Ngài là:
Quang Minh Chính Phối, Nam Hải Giáng Sinh Quan Thế Âm Hoàng Quý Thị húy Nhung hiệu Tuyết Sơn Bồ Tát.

Nhiều người chứng kiến phép lạ của Ngài Tuyết Sơn. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn ban cho kim đan chữa khỏi ác bệnh, vị thì thấy Đức Tuyết Sơn ban cho cam lộ trừ diệt ác căn. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn giáng nhà dưng nước dưng dầu cúng dàng Ngài như khi trụ thế. Vị thì đang giữa trưa thấy Ngài hiện Ngọc Thể Kim Thân, lẫm liệt uy nghi, huy hoàng sáng lạn – Vị thì đang tụng kinh thấy Ngài hiện trên Kim Đàn thân Thiên Thủ Thiên Nhỡn. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn làm phép lạ đun bổng người lên giữa hư không. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn làm phép lạ đường trăm dặm thu bằng gang tấc. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn làm phép lạ đem đi chơi khắp cả non nhân nước trí. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn hiện hẳn thân đến nhà ngát mùi hoa sen ba bốn ngày không dứt. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn làm phép lạ biến hẳn mùi nước mắm, mắm tôm mà hóa mùi sen báu. Vị thì thấy Đức Tuyết Sơn giáng nhà ánh muôn đạo hào quang chói lọi như mưa rào trên giời rơi xuống.

Quang Minh Nội Đạo vốn là Thiên Tâm Chính Pháp, linh ứng mầu nhiệm, cho nên từ trước đến giờ các vị thiện sĩ quy đạo làm lễ phát nguyện trước đạo tràng Nam Tào Bắc Đẩu ghi danh, Thiên Đàng Cực Lạc chép sổ.

Các vị thiện sĩ Quang Minh cần nhất phải theo đúng luật lệ kỷ cương của Đạo:
1. Hằng đeo Bảo Hiệu và ảnh tượng Quan Âm Tuyết Sơn luôn luôn ở mình, không được dời ra lúc nào (trừ ra khi tắm).
2. Phải chăm Niệm Thực và cầm tay ấn Nhẫn Nhục.
3. Hằng ngày cầu 10 bài thứ nhất, 10 bài thứ hai và 4 bài Quan Âm Tuyết Sơn.
4. Rằm và mồng một tụng thêm khóa Triều Lễ Sám Đức Cha Hiền.
5. Hằng ngày tụng phẩm Đệ Nhất triều lễ Đức Cha Hiền và triều lễ Phương Tây Tuyết Sơn Trai Đàn.
6. Hàng ngày tụng một phẩm Kinh Văn trong 14 bộ Kinh Văn, hoặc một phẩm Hiếu Kinh, Quang Minh Tu Đức và Sám Nguyện (Tụng luân truyền).
7. Tụng một phẩm kinh Chùa Tuyết trong 15 phẩm (Tụng luân truyền).
8. Luyện các phép thiền, phép quán.
9. Khi giỗ ngày tết, việc hiếu, việc hỉ phải theo đúng nghi thức của Đạo.
10. Trong mỗi làng có mười vị thiện sĩ trở lên theo đạo, mỗi vị thiện sĩ lập ban thờ riêng không kể, nhưng phải chung hợp tôn một bát nhang Quang Minh và một bát nhang đức Quan Âm Tuyết Sơn để ký vào nhà vị thiện sĩ rộng rãi, để mỗi háng hai kỳ hoặc có thể thì mỗi ngày một giờ họp mặt cùng làm chung một khóa lễ, ngõ hầu cho có sự liên lạc luôn luôn, có liên lạc các thiện sĩ mới tỏ lòng thương yêu qúy mến cùng nhau.
Nếu sau trong làng đó nhiều vị tu theo thì từ chỗ tôn lô nhang tiến tới chỗ lập ngôi chùa tôn về Đạo, ngõ hầu Đạo mỗi ngày thêm tăng tiến thịnh vượng.
11. Các vị thiện sĩ phải nhớ kỹ mỗi năm có mấy kỳ đến Chốn Tổ làm lễ trình và có mấy kỳ trai giới – (Điều luật lệ này khi quy y vị thiện sĩ sẽ phát nguyện sau).
12. Nguyện suốt đời tu theo Quang Minh Nội Đạo, không được rẽ ngang tạt tắt. Thờ nguyên một chữ “Trung”. Như người tôi trung không thờ hai vua. Sao cho được duy tình duy nhất.

------------------------------
CHÚ THÍCH:

Vua Lê Thần Tông sinh năm 1607, mất năm 1662, thân phụ là vua Lê Kính Tông, thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Trinh.

Vua Lê Thần Tông trị vì lần 1 (1619 – 1643), lên ngôi lần 2 (1649 – 1662), tổng cộng trị vì trong 39 năm.