Nước cờ “độc” giúp Mỹ khống chế Nhật bản sau thế chiến thứ 2



Thiên hoàng Hirohito (người đứng thứ 6 bên trái sang, để râu, đeo kính) trong buổi tiếp xúc xin đầu hàng quân Đồng Minh

Gần đây, có nhiều nhà sử học của Nhật Bản đã “khơi” lại nguyên nhân vì sao khi đầu hàng Đồng minh, Thiên hoàng Chiêu Hòa với những nghi vấn về trách nhiệm của ông trong vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai đã bị Mỹ liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh. Và theo một số vừa được công bố tại Nhật thì đây là một nước giúp Mỹ khống chế tình hình ở Nhật Bản khi đó.


Vai trò mờ nhạt


Chân dung Thiên hoàng
Hirohito lúc còn trẻ.

Thiên hoàng Chiêu Hòa, tên thật là Hirohito là vị Thiên hoàng thứ 124 của Nhật Bản. Ông làm vua từ năm 1926 đến 1989, có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản, và là vị vua cuối cùng ủng hộ sự thần thánh của Thiên hoàng. Trong cuộc đời ông đã chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật.

Theo Hiến pháp Nhật Bản năm 1889, Thiên hoàng Chiêu Hòa có rất nhiều quyền hạn. Quyền này dựa trên thần thoại rằng dòng dõi của Thiên hoàng xuất thân từ Thiên Chiếu Đại Thần và đã luôn luôn trị vì đất nước. Do dòng dõi thiêng liêng này, nhiều người Nhật xem Thiên hoàng như một hình tượng thiêng liêng. Tuy nhiên, trên thực tế, Thiên hoàng chỉ giữ một số thẩm quyền tượng trưng hơn là thực tế.

Là một Thiên hoàng trong chế độ quân chủ lập hiến, Hirohito được các cố vấn khuyên hạn chế tham dự vào các quyết định chính trị. Ông vẫn tách rời khỏi chính trị và tránh bàn cãi công luận, không đảm nhận vai trò trực tiếp nào trong hầu hết các vấn đề quốc gia. Hầu như trong tất cả các trường hợp, Thiên hoàng Chiêu Hòa chỉ đơn giản phê chuẩn các chính sách đã được nhóm giật dây gồm các cố vấn và các bộ trưởng soạn ra - các chính sách vào thời đó được áp dụng nhân danh ông.

Trong những năm 1930, việc quân sự hoá nước Nhật đã dẫn tới việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương và tham gia Chiến tranh thế giới thứ II. Thiên hoàng Chiêu Hòa, với tư cách là người đứng đầu quốc gia và quân đội Nhật, đã tuyên bố nước Nhật đầu hàng vô điều kiện trước quân Đồng Minh vào ngày 15/8/1945.

Sự kiện gây sốc

Ngày 6/12/1945, được lệnh của Tổng thống Mỹ khi đó là Harry S. Truman, người đứng đầu tòa án Mỹ khi đó là Joseph Keenan đã cùng 40 luật sư đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Hai ngày sau đó, Joseph Keenan đã thành lập một cơ quan điều tra và xét xử các tội phạm chiến tranh tại Nhật mang tên là IPS. Ngay sau đó, một loạt những lãnh đạo cao cấp của nước này đã bị bắt và bị khởi tố với tội danh: Tội phạm chiến tranh, trong danh sách này ban đầu có cả tên Thiên hoàng Hirohito.

Lúc này tại hoàng cung, việc có tên Thiên hoàng trong danh sách tội phạm chiến tranh là một điều không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, Thiên hoàng Hirohito cũng tự nhận mình là người phải chịu trách nhiệm trước một loạt các chiến dịch quân sự của quân đội Nhật Bản sau chiến thắng Trân Châu Cảng và đã không ngăn chặn việc quân đội Nhật tiến đánh Trung Quốc năm 1937. Đồng thời việc Thiên hoàng xuất hiện trước công chúng với bộ quân phục, theo dõi diễn tập quân sự hoặc duyệt quân trên con bạch mã của mình đã làm tăng cường sự ủng hộ chiến tranh của người Nhật khi đó.

Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Thiên Hoàng Hirohito đã nói với cố vấn thân cận của mình là Koichi Kido về việc thoái vị, coi đó như là hành động tự chịu trách nhiệm trước đại thần và quân đội Nhật. Mặc dù thực chất Thiên Hoàng Hirohito không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tội ác mà Chính phủ Nhật đã gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ 2, tuy nhiên, việc Nhật thất bại trong cuộc chiến đã khiến vị vua này phải đưa ra quyết định thoái vị trong cay đắng.

Tháng 10/1945, Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Kantaro với tư cách cá nhân đã có cuộc hội kiến tại cung điện hoàng gia và khuyên Thiên hoàng nên thoái vị. Ngày 4/1/1946, dưới sức ép của dư luận quốc tế, IPS đã nhanh chóng tiến hành điều tra về trường hợp của Thiên hoàng Hirohito. Tuy nhiên, về việc thoái vị, tư lệnh tối cao của quân đội Nhật khi đó đã phản đối vì cho rằng, trong lịch sử Nhật Bản, chưa có tiền lệ nào tương tự như vậy.

Thông tin muốn thoái vị của Thiên hoàng đã nhanh chóng được giới truyền thông quốc tế đưa tin. Tháng 10/1945, dẫn theo lời của cố vấn cao cấp Koichi Kido do truyền thông nước này đưa tin: "Nếu như Thiên hoàng thực sự muốn thoái vị thì toàn bộ người trong hoàng thất sẽ ủng hộ quyết định này của ông. Tuy nhiên, thời khắc để thoái vị vẫn chưa tới”. Cũng theo lời của vị cố vấn cao cấp này, tại thời điểm đó, Thiên hoàng sẽ có 3 lựa chọn về thời gian để có thể chính thức thoái vị. Khi đó, thời điểm ký hiệp định đầu hàng quân Đồng minh đã qua, còn hai thời điểm thích hợp để nói lời “từ giã” lại... chưa đến.

Cũng tại thời điểm đó, người ta đã nhắc tới những người em trai của Thiên hoàng Hirohito, thậm chí cả người con trai còn rất nhỏ tuổi của ông cũng được đưa vào danh sách kế vị ngai vàng. Tuy nhiên, mọi việc đã không xảy ra như thực tế.

Nước cờ chính trị

Dưới sức ép của dư luận, tại thời điểm ngay sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Thiên hoàng Hirohito vẫn không thoái vị. Ông luôn hoài nghi về tư cách của những người được cho là nhân vật kế vị ngai vàng. Trong ba người em trai của ông, người thì ốm đau triền miên, người thì được đánh giá kinh nghiệm còn hạn chế... Mặc dù lúc đó, sau khi việc muốn thoái vị được đông đảo dân chúng Nhật biết đến, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, chính trị đã lên tiếng ủng hộ việc thoái vị của Thiên hoàng, nhưng ở hoàng thất người ta vẫn chưa đề cập đến thời điểm “quan trọng” mà cố vấn Koichi Kido đã nói.

Mặc dù dư luận rất đồng tình việc thoái vị của Thiên hoàng, nhưng Douglas MacArthur, tướng Mỹ đặc trách chỉ huy các lực lượng chiếm đóng của quân Đồng minh nhận thấy rằng: Việc đặt Thiên hoàng vào đúng cương vị sẽ giúp giải quyết ổn thỏa sự dân chủ hóa của Nhật Bản. Vì thế vị tướng này không ủng hộ sự thoái vị của Thiên hoàng Hirohito.

Trong một bức thư gửi cho Thiên hoàng sau khi khuyên ông nên trở lại thủ đô Tokyo, tướng Douglas MacArthur có nói rõ chủ kiến của mình: "Mỹ và các nước đồng minh luôn coi Thiên hoàng Hirohito như một biểu tượng của quốc gia, và cho sự hoà hợp của dân tộc Nhật Bản”. Nhận được tín hiệu ủng hộ từ phía Mỹ, tháng 3/1946, Thiên hoàng Hirohito đã mời đại sứ Nhật Bản tại Mỹ khi đó là Terasaki Hidenari dự yến tiệc tại hoàng cung. Sau bữa tiệc, Thiên hoàng Hirohito có ý muốn biết ý kiến của tướng Douglas MacArthur đối với việc thoái vị của ông như thế nào. Câu trả lời mà vị vua này nhận được là: "Mỹ và quân Đồng minh luôn coi Thiên hoàng Hirohito như một người bạn thực sự”.

Theo lời của đại sứ Terasaki Hidenari, tướng Douglas MacArthur cho rằng, “nếu như Thiên hoàng Hirohito thoái vị và bị khởi tố với tội danh tội phạm chiến tranh, chắc chắn Nhật Bản sẽ trở nên hỗn loạn. Mặc dù Thiên Hoàng không phải vô tội trong việc Nhật Bản gây nhiều tội ác trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nếu ông thoái vị thì sẽ nảy sinh sự tranh giành quyền lực tới ngôi hoàng đế, Nhật Bản chắc chắn sẽ trở nên hỗn loạn bởi sự tranh chấp và ganh đua. Vì thế theo ý kiến của đại sứ Terasaki Hidenari, tướng Douglas MacArthur không ủng hộ việc Thiên hoàng Hirohito thoái vị”.

Cũng theo tiết lộ của đại sứ Terasaki Hidenari, tướng Douglas MacArthur đã gửi một bức điện khẩn cho tổng tham mưu trưởng quân đội đồng minh khi đó là Dwight D.Eisenhower để biện hộ cho những hành động của Thiên hoàng Hirohito khi ông bị buộc tội là tội phạm chiến tranh. Trong bức điện, vị tướng này có nhắc tới những cụm từ như: "Thiên hoàng tượng trưng cho sự đoàn kết của Nhật Bản”, "Nếu như Thiên hoàng thoái vị, sẽ gây ra một cuộc hỗn loạn lớn chưa từng có...”.

Vì bức điện này của tướng Douglas MacArthur, sau khi Cơ quan điều tra và xét xử các tội phạm chiến tranh IPS và Nhật cùng hợp tác lên danh sách những tội phạm chiến tranh của nước này, không thấy tên nào có ghi chữ Thiên hoàng Hirohito. Khi một số nhân vật “tai to mặt lớn” trong Chính phủ cũ của Nhật lên tiếng kiến nghị thì câu trả lời duy nhất họ nhận được là: "Không có bất kỳ lý do nào để quy tội ác chiến tranh cho Thiên hoàng Hirohito, bởi vì ông không phải là người ra quyết định phát động chiến tranh”.

BÌNH THỦY