kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Nghệ sĩ ghi-ta với các bộ triều phục thời Nguyễn

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nghệ sĩ ghi-ta với các bộ triều phục thời Nguyễn

    Nghệ sĩ ghi-ta với các bộ triều phục thời Nguyễn
    11:14' 05/09/2005 (GMT+7)


    Câu chuyện về con đường phục dựng trang phục cung đình triều Nguyễn của Trịnh Bách nghe thật khó tin: Một người "nghiệp dư" hoàn toàn đối với công việc phục dựng đồ cổ, mang một cái nghiệp hoàn toàn không liên quan gì đến đồ cổ: chơi đàn ghi-ta, vậy mà lại "dám" gánh lấy một trọng trách nặng nề: phục dựng trang phục cung đình thời Nguyễn, các loại đồ sứ, đồ bạc, đồ vải, đồ gỗ, đồ thờ... trong Hoàng cung.



    Ít ai hình dung ra được một người với vẻ bề ngoài khá trẻ trung như vậy lại là đồng tác giả của 14 bộ triều phục của vua, hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tử, cho đến hàng loạt vật dụng trong cung ... được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

    Trịnh Bách sang Mỹ từ năm 1972, trong những năm 1980, anh theo học nghệ sĩ ghi-ta cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20 Andres Segovia ngay tại quê hương ông, Madrid, Tây Ban Nha, rồi tiếp tục theo học ông tại Washington. Đầu những năm 1990, anh và bạn bè đã xuất bản tạp chí VietNow bằng tiếng Anh tại Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam. Năm 1994 anh về Việt Nam phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn với ý định ban đầu là phục chế bức y môn khi tu sửa chùa Hồng Liên – ngôi chùa này do cụ ngoại anh dựng tại Tây Mỗ ngoại thành Hà Nội.


    Áo mãng lan hoàng tử. Lớp ngoài được may bằng vải Đoạn bát ti tơ tằm. Áo thêu rồng 4 móng. Chiếc áo này được phỏng theo chiếc áo của hoàng tử Chánh Mông (sau tức là hoàng đế Đồng Khánh)

    Kể về quá trình phục dựng các hiện vật cổ của mình, Trịnh Bách rất khiêm nhường: "Tôi chỉ là người điều phối, chỉ học việc thôi. Các thợ thủ công mới là những người tạo ra các sản phẩm này. Chúng tôi cùng học với nhau qua từng sản phẩm". Thế nhưng, tất cả các phẩm vật, trang phục đều do một tay anh vẽ mẫu, thiết kế tỉ mỉ từng mũi thêu, đường chạm, từng nét uốn lượn...

    Để có những sản phẩm phản ánh rất sát với nguyên mẫu, Trịnh Bách đã phải dày công nghiên cứu nhiều tài liệu tại các bảo tàng, gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu, tham khảo ý kiến của nhiều thợ thủ công của các làng nghề từ bắc tới nam, đào tạo thợ trẻ, cung cấp tiền vốn. Đặc biệt anh đã gặp cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (con vua Dục Đức, chị vua Thành Thái) nay đã ngoài 80 tuổi, đang ở nước ngoài. Bà còn giữ được những chiếc áo của hoàng thất nhà Nguyễn, như áo vua Thiệu Trị khi còn là thái tử, cùng các áo của các công chúa và các ông hoàng, và bà còn nhớ nhiều thể thức tập tục ăn mặc trong cung.

    Anh cũng đã tìm lại được thợ thủ công tay nghề cao, xưa kia từng trực tiếp thực hiện các sản phẩm tiến cung ở các làng nghề như dệt ở La Khê (Hà Tây), gốm sứ Bắc Giang, chạm khắc gỗ Dương Nỗ (Huế), chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình). Có những cụ thợ dệt, thợ thêu đã ngoài 80 tuổi, vẫn nhiệt tình chỉ dạy cho lớp hậu duệ từng đường kim, mũi chỉ, từng cách xe tơ...

    Nhóm thợ thủ công theo anh thực hiện chương trình phục chế đồ cổ hầu hết còn rất trẻ, thợ cả cũng mới chỉ 32 tuổi. Các em hầu hết được luyện nghề từ năm 13-14 tuổi, từ khi tay còn dẻo và lòng đầy nhiệt tình, đến năm 17-18 tuổi là làm nghề được. Trịnh Bách nói, đây sẽ là những những nhân tố chính của đất nước trong quá trình khôi phục nhiều nghề thủ công cổ truyền.

    Những hiện vật của chốn cung đình xưa được phục dựng rất cầu kỳ và tinh xảo. Người xem có thể hình dung phần nào cuộc sống của hoàng tộc ngày xưa khi được tận mắt ngắm nhìn những long bào, mãng bào, phượng bào..., những sập chạm rồng, chân đèn, cán quạt, khay trầu, chén đĩa, đại bình, ống đũa, hộp đựng thuốc... với những mũi thêu, đường chạm trổ, nét vẽ hết sức tinh vi.

    Có những phẩm vật phục chế được bày cạnh nguyên mẫu mà dường như không khác chút nào. Chẳng hạn như chiếc hộp bạc thời vua Hàm Nghi đặt cạnh chiếc hộp phục chế người xem hoàn toàn không nhận ra đâu là nguyên mẫu, đâu là đồ phục chế. Hoặc đôi kiếm được phục chế theo bản mẫu của vua Hàm Nghi, tương truyền là cặp kiếm Thanh Long, Bạch Hổ, được tìm thấy tại Tân Sở (Quảng Trị), nơi vua Hàm Nghi lánh Pháp và tuyên hịch Cần Vương. Đôi kiếm này được nhóm thợ Đa Sĩ (Hà Tây) và Đồng Xâm (Thái Bình) làm trong hàng năm ròng.


    Điểm thu hút nhất của cuộc trưng bày lần này là 14 bộ trang phục vương triều, với những tên gọi lạ lẫm như Long bào xuân hạ hoàng đế, Mệnh phụ thu đông công chúa, Sa kép xuân hạ quý phi, Mãng bào thu đông hoàng tử, Phượng bào thu đông phi hậu, Sa kép xuân hạ thái tử.... được làm từ các loại vải quý như đoạn bát ti tơ tằm, sa nam, the, vải quế, nhiễu, vân... với những hoa văn tinh xảo, lộng lẫy...

    Những bộ trang phục này được thực hiện theo nguyên mẫu từ cách se tơ, dệt vải cho đến từng mũi chỉ thêu. Trịnh Bách cho biết, anh và nhóm thợ thủ công phải tự làm toàn bộ, thậm chí kiểm tra từng sợi dệt xem có đúng số tơ yêu cầu không. Anh bảo, đây là niềm tự hào dân tộc, không thể tùy tiện được.

    Màu nhuộm cũng phải hết sức chú ý. Chẳng hạn áo của vua màu vàng, xưa kia nhuộm bằng hoàng phổ nên chóng phai, người xưa phải hãm màu bằng nước chè, nước củ nâu hay bồ kết, nên vải màu vàng ngả da cam, mà người Huế gọi là vàng chùa. Ngày nay, anh và các thợ thủ công phải ủ bằng các thứ nước trà hoặc nước lá rau để hãm màu…

    Để thực hiện mỗi bộ trang phục, nhóm thợ thêu gồm bốn người phải mất tới hơn một năm. Có những họa tiết thêu mất ròng rã hàng năm trời. Trịnh Bách kể, riêng bộ Long cổn là nhóm anh chưa dám làm, bởi vì phải thêu kín trên một mảnh vải 11m, mỗi mũi thêu dài đúng 1mm, thêu chồng lên nhau rất cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật rất cao.




    Để thực hiện chương trình phục dựng hiện vật triều Nguyễn này, Trịnh Bách đã tiêu tốn tới hơn 400 nghìn USD. Đây là toàn bộ số tiền anh kiếm được bằng chơi ghi-ta ở nước ngoài. Anh khoe, bạn bè cũng giúp đỡ anh rất nhiều, khi thì giúp trả lương thợ, khi thì tài trợ vốn. "Nhưng để tiếp tục thực hiện, có lẽ tôi phải tập đàn lại để kiếm tiền mất" - anh cười vui.

    Kỷ niệm đáng nhớ và cảm động nhất đối với Trịnh Bách là khi anh gặp một nhóm thợ trẻ của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vào tham quan Thế Miếu trong Huế. Họ đã cùng nhau học nghề ngay trên những hiện vật cổ trưng bày tại đây, say sưa nhận xét từng đường lượn, đường cắt, từng hoa văn, màu sắc... Điều này, như lời Trịnh Bách nói, xuất phát từ tình yêu tha thiết đối với nghề truyền thống, và rộng hơn, là tình yêu quê hương từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người.

    Theo Nhân dân
    Last edited by Bin571; 19-01-2008 at 03:07 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •