Kiểu đất PHỤNG-HOÀNG HÀM THƯ
Anne Nguyen - Giai thoại phong thủy


"Ngũ bách niên chi tiền, mạch tại thượng,
Ngũ bách niên chi hậu, mạch tại hạ,
Vị thùy vô mục, quả vô mục dã"


TẬP GIA PHẢ VỚI TÁM NGÔI TỔ MỘ!

Họ Nguyễn ở làng Báo Văn là một danh gia, lệnh tộc, không biết phát tích từ đời nào, nhưng người quanh vùng vẫn thường đồn đãi với nhau rằng: từ trên một trăm năm nay, họ Nguyễn ở làng Báo Văn, chẳng đời nào là không có người làm quan to, hay đại hào phú, chủ nhân ông những ruộng vườn thẳng cánh cò bay, đất đai chồn chân, ngựa chạy.


Thiên hạ còn nói nhiều đến tám ngôi tổ mộ của họ Nguyễn táng song song ở giữa cánh đồng vùng Mông Sàng, Mông Phụ mà người ta tin chắc đó là những ngôi mả kết phát rất to tát, lâu dài.


Nhiều nhà phong thủy chính tông Hoa, Việt nghe thiên hạ đồn đãi, đều không ngại vất vả, tốn kém, tìm đến tận nơi quan sát khu vực có mộ phần tổ phụ họ Nguyễn.


Hết thảy đều đồng ý tán thưởng sự tinh tế của cổ nhân: người đã có cặp mắt tinh đời, chọn được thửa đất hiếm có ấy, vì theo sách địa lý, đó chính là kiểu đất Phụng-Hoàng Hàm Thư, mà tám ngôi tổ mộ đều nằm vào đúng giữa bụng chim thần.

Nhưng vào đầu mùa thu năm Ất Mùi (1775) một ông già đầu, râu, tóc bạc, quần vải, áo nâu, bề ngoài trông rất tiều tụy, lam lũ, tìm đến tận nhà quan Án sát họ Nguyễn ở làng Báo Văn, để trình bày về sự nhận xét riêng của lão về tám ngôi tổ mộ.


Hồi ấy quan Án Sát tuy đã cáo lão hồi hưu, song dinh thự vẫn có người canh gác cẩn mật, không kém gì lúc chủ nhân đang còn tại chức.


Tên gia nhân gác cửa, thấy khách lạ hình dung cổ quái, y phục rách vá tứ tung, thì có ý khinh rẻ, yên trí là khách lạ, nếu không định đến xin tiền quan Án, thì hẳn cũng chỉ tới cầu cạnh một ân huệ chi đó, chứ dáng điệu ấy, người ngợm ấy thì hỏi còn có gì đáng bàn chuyện quan trọng về đất cát mồ mả với chủ nhân hắn, vốn là một vị đường quan, danh tiếng ở Bắc Hà!


Nghĩ vậy rồi, hắn liền dơ tay xua đuổi ông già, một mặt khép chặt hai cánh cổng gỗ lim nặng nề, khinh khỉnh nhìn khách lạ, như nhìn một quái vật hiểm nguy, nhơ nhớp!


Khách lạ chỉ hơi nhíu mày, ngỡ ngàng về cách xử sự phũ phàng của tên gia nhân, nhưng chỉ thoáng qua một chút, lão lại bình thản, mỉm cười ung dung nói lớn:


- Chú em đừng nên khinh người, rẻ của quá như vậy? Lão đến đây với tất cả lòng thành khẩn, kính mến đức độ, uy danh của Cụ lớn nhà, chứ nào phải tới cầu xin ân huệ, tiền bạc chi đâu, mà chú em nỡ tâm xua đuổi cho đành?


Lão nói thiệt: chú em nếu muốn cho Cụ lớn nhà đời đời vinh hiển, kế thế công khanh, thì hãy kíp vào bảo với Cụ lớn cho lão được diện kiến, còn nếu không thì thôi, lão càng khỏi phải tốn công, nhọc sức...


Tên gia nhân vẫn không thay đổi ý định: cương quyết đóng chặt cổng dinh, và lớn tiếng quát mắng:


- Lão già vô lý quá! Khi không tới đây, bày đặt chuyện đất cát lôi thôi. Nếu không khôn hồn cút mau đi lỡ ra đến tai Cụ lớn thì lão chắc chắn sẽ bị ăn đòn nứt thịt!


Đang lúc hai người điều qua tiếng lại, thì Cụ lớn từ tư thất bước ra, thấy vậy, vội tiến thẳng đến gần tên gia nhân, hỏi vội:


- Chi đó bây! Nếu người ta lỡ độ đường thì đem ra chút ít tiền gạo, đãi người ta, chứ việc chi mà lớn tiếng vậy?


Khách lạ chưa kịp nói gì, thì tên gia nhân đã xun xoe tiến đến trước mặt quan Án, vái lạy, rồi tằng hắng liên tiếp mấy cái liền, mới rụt rè cất được tiếng:


- Bẩm Cụ lớn, lão già này không biết từ đâu tới đây, cứ nhất định một hai đòi vào yết kiến Cụ Lớn cho kỳ được, để trình bày đất cát mồ mả chi đó. Con đã đem tiền gạo cho lão và đuổi lão ra, nhưng lão ngang bướng lắm, cố tình muốn ăn vạ đấy ạ.


Quan Án Sát liếc nhanh cặp mắt sâu thẳm, sau lớp kiếng trắng, gọng bạc về phía khách lạ, bất giác phát sanh lòng kính phục con người bần hàn, lam lũ vô cùng, vì qua lớp y phục bẩn thỉu, vá rách, vị hưu quan ở làng Bác Văn đã như mường tượng thấy được một vẻ cao quý khác thường, ẩn hiện trên khuôn mặt già nua, cằn cỗi, mà bộ râu ba chòm bạc phơ, in hệt mớ cước trắng của khách lạ, đã làm nổi bật hơn nữa, nét phong sương của một kẻ giang hồ phiêu lãng!


Quan Án nguýt dài tên gia nhân lỗ mãng, dơ tay ra hiệu cho nó lui vào phía trong, đoạn thong thả đi ra cổng, đến bên lão già niềm nở nói:


- Lão trượng phu chớ chấp kẻ thất phu vô lễ, và xin mời vào chơi trong nhà cho tiện đàm đạo.


Khách lạ gật đầu, có ý thỏa mãn, ung dung xách khăn gói, kéo lê chiếc gậy trúc dài gần hai sải tay, đầu uốn cong thành hình một con cú đứng co một chân, cánh xoè rộng hẳn ra như muốn lấy đà tung bay, theo thế "Anh hùng độc lập", rồi thản nhiên đi ngang hàng với vị hưu quan, cùng bước qua một cái sân gạch Bát Tràng, rộng rãi, vuông vắn, để lên thềm đại sảnh.


Ngôi nhà chính của quan Án Sát hưu trí trông bề thế, cổ kính, như được xây cất từ mấy mươi đời trước bằng các thứ danh mộc, hầu hết đều chạm trổ cực kỳ công phu, tỷ mỉ do những thợ mộc tài hoa chuyên nghiệp ở các vùng Hà Nam, Ninh Bình đảm trách.


Tư thất kiến trúc theo lối Đông Phương cổ kính, tấm mái cong vút như sừng trâu, do mấy hàng cột lớn tay ôm, bóng lộn như gỗ mun, chống đỡ, được chia ra làm năm gian lớn, bài trí toàn đồ cổ ngoạn gia bảo, sập gụ, tủ chè, đỉnh đồng lớn, giá lọ bộ, chóe sứ, lọ Giang Tây, ánh vàng sơn rực rỡ từ những chiếc hoành phi, câu đối, sơn son thếp vàng, lộng lẫy tỏa ra, càng tăng thêm, màu sắc, huy hoàng, nguy nga, tráng lệ cho toà đại sảnh.


Quan Án Sát họ Nguyễn mời khách lạ ngồi trên chiếc cẩm đôn phủ nệm bọc gấm điều trước một án thư bằng gỗ gụ, dưới một cặp tán tía, lọng vàng, treo cao gần sát mái nhà.

Trên tường, một thanh bảo kiếm, chuôi ngà, vỏ bạc, nằm vắt chéo, giữa một đôi tay thước khảm xa cừ có tua đỏ dài lòng thòng, bên cạnh cái trống chầu sơn đỏ và đôi tù và làm bằng hai con ốc cực lớn, bóng lộn như sừng.


Quan Án Sát ngã người trên chiếc sập gỗ chân quỳ, tựa tay lên chồng gối xếp màu hoàng anh, mắt tuy lơ đãng nhìn ra ngoài sân, song kỳ thực, vẫn luôn luôn chăm chú theo dõi từng nét biến chuyển trên khuôn mặt nhăn nheo của người khách lạ, đoạn vừa vuốt râu, vừa vui vẻ hỏi người đối diện:


- Nghe bày trẻ nói: lão trượng có nhã ý đến chơi để bàn chuyện về môn phong thủy.


Hạ quan rất hoan nghênh và sẵn sàng kính cẩn nghe lời vàng ngọc.


Rất mong lão trượng đừng tiếc lời dạy bảo, thì không những may mắn cho hạ quan mà cả dòng họ Nguyễn ở làng Báo Văn cũng được đội ơn hà hải...


Khách lạ ngạo nghễ nói:


- Lão đi qua vùng này, tình cờ được thấy một khu đất cực quý ở ngay ngoài cánh đồng làng ta. Lão hỏi thăm, thì bà con quanh đấy chỉ cho lão coi tám ngôi cổ mộ, và bảo rằng đó là phần mộ của tổ phụ đại nhân.

Vì vậy lão mới tìm tới đây, không ngoài ý muốn, được hầu chuyện với đại nhân về môn phong thủy.


Quan Án Sát chặn ngang:


- Lão trượng nói sao?


Mấy ngôi mộ của dòng họ Nguyễn, táng tại cánh đồng xứ Cốt Đang, làng Báo Văn, cũng đã khá lâu ngày, không hề xảy ra sự nguy hại chi hết, sao giờ đây lão trượng lại có ý thắc mắc? Xin hãy vui lòng cho lão phu biết rõ lý do?


Khách lạ không trả lời thẳng câu hỏi của vị hưu quan, mà lại nói lãng qua chuyện khác:


- Trước khi bàn về mấy ngôi cổ mộ, lão muốn biết sơ qua ít điều thắc mắc: chẳng hay đạo nhân bình thường có chuyên khảo cứu về khoa địa lý không?


Quan Án sát nhìn khách lạ, như cố tìm hiểu xem trong sự hiếu kỳ của người đối thoại, có xen lẫn một dụng ý gí, khả dĩ gây được thiệt hại cho dòng họ Nguyễn nói chung, và cho bản thân quan Án Sát nói riêng.

Trên khuôn mặt dày dạn phong sương, đen cháy vì nắng mưa dầu giãi, đôi mắt sâu thăm thẳm nằm dưới lớp kiếng lão của khách lạ, vẫn luôn luôn tiết ra một tinh thần khẳng khái trung thực: nền tảng căn bản của tín đồ Khổng Mạnh, khiến cho bất cứ ai được tiếp xúc, dù chỉ mới là lần đầu tiên, cũng phải chân thành kính trọng, cảm mến, coi như bậc trưởng thượng trong gia đình.

Vốn nề nếp nho phong, trâm anh thế phiệt nên vị hưu quan nhận thấy ngay được nét tinh hoa đáng quý ấy trên gương mặt quắc thước của khách lạ.

Vì vậy, chẳng một chút ngại ngần, nghi kỵ, quan Án Sát sẳn sàng cởi mở ngay niềm tâm tư, ấp ủ thầm kín trong kẽ phổi, khe gan từ bao lâu nay, chưa có cơ hội nào thuận tiện, cũng như chưa gặp được bạn tri âm nào tâm đầu ý hiệp để giải tỏ can tràng:

- Ngay từ khi còn để chỏm, ngày ngày cắp sách đến tập làm văn tại trường Cụ Thám Hoa ở làng dưới, lão phu đã đặc biệt chú ý đến môn phong thủy, mỗi khi thấy người quanh vùng đem trầu rượu, lễ vật đến nhờ Cụ Thám Hoa tìm đất giúp.

Có nhiều lần được Cụ Thám cho theo hầu, lão phu thường nhìn ngắm say sưa chiếc tróc long hàng giờ không biết chán, nâng niu cái la kinh, thận trọng còn hơn một người chơi đồ cổ săn sóc đôi lọ từ đời Tống, đời Đường, đến nỗi thấy lão phu ham mê môn phong thuỷ, Cụ Thám đã vui vẻ giảng dạy cho lão phu biết sơ qua về cách phân kim, án hướng, thế nào là án nga my, thế nào là tay long, tay hổ, thế nào là thuận nghịch, thế nào là quán khí.

Nhờ đấy, lão dù không am tường, thấu triệt một cách tinh vi khoa học, huyền bí, kỳ diệu ấy, cũng có thể hiểu đại cương sự chuyển vận của long mạch, để tìm trúng chánh huyệt tại các khu đất quý.

Khách lạ không chờ cho quan Án dứt lời, liền hỏi ngang:

- Thôi thế cũng tạm đủ! nhưng có điều lão vẫn chưa hiểu: Vì nếu đại nhân đã biết rành mạch môn địa lý thì sao lại không nhận chân được sự sai lệch của tám ngôi tổ mộ ở xứ Cốt Đang?

Vị hưu quan có vẻ sượng sùng, vội dơ tay phác một cử chỉ ngăn chận rồi nói nhanh:

- Thì lão phu có dám nhận mình là am hiểu tinh vi môn địa lý đâu? Lão phu sở dĩ biết sơ qua chút ít, cũng là do sự chiếu cố của Cụ Thám Hoa, lúc còn đi học, thấy lão phu mê say khoa phong thủy, người mới giảng dạy đại cương cho lão phu nghe, sự kỳ bí, huyền diệu của mạch đất, có thế thôi! Nào lão phu có biết gì hơn.

Vậy nếu những ngôi tổ mộ kia có chi sai lệch, xin lão trượng vui lòng chỉ dạy, lão phu nguyên tạc dạ, ghi xương, thề trọn đời không dám quên ơn lão trượng.

Khách lạ ha hả cười to, đầu gật lia lịa như vô cùng đắc ý:

- Được, Lão xin nhận lời giúp đỡ đại nhân.