HÔN VÀ VÍA

I - "HỒN" VÀ "VÍA" TRONG ĐỜI SỐNG :

Theo phong tục Việt Nam, người xưa quan niệm người ta sinh ra có thể xác thì có hồn vía, đàn ống ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Trẻ sơ sinh khi có người vía dữ tới thăm thì khóc không thôi, có khi phát sốt phát rét. Trong trường hợp này, người nhà phải đốt vía. Có khi vì quá sợ hãi bất thần như bị ngã, bị kinh động… đứa trẻ có thể bị mất vía, hoá ra ngớ ngẩn, lúc ngủ hay giật mình. Muốn đứa bé trở lại bình thường, phải làm lễ chuộc vía. Một số nơi khi gia đình có người chết, trước khi nhập quan phải cử người nhà cầm áo người chết leo lên mái nhà đi lối đằng trước hú vía : “ ba hồn bảy vía ông … ở đâu, về với con “ hay “ Ba hồn chín vía bà … đâu, về với con. Đoạn trèo xuống lối đằng sau, cầm áo ấy phủ lên thây. Một phần có ý cầu cho người ấy sống lại. Phần để kiểm tra lần cuối xem đã đúng là chết thật chưa, thì mới cho tiến hành thủ tục tẩm liệm.

Trong tản văn NGUYỄN VIẾT CHỘP của nhà thơ Trần Đăng Khoa, có miêu tả rất sinh động hình ảnh này
“….Ông cụ thân sinh lão Chộp có đến 5 người con, ba trai, hai gái, trong cứ đều thau tháu, đẹp như tranh vẽ. Chúng chỉ bị đậu mùa nhì nhằng. Vậy mà rồi ai ngờ, chúng cũng lại cướp công cha mẹ, chúng theo nhau đi hết. "Hú ba hồn chín vía cái Gái ở đâu thì về...". "Hú ba hồn bảy vía thằng B… Khoăm ở đ âu thì về với chị, với em nhớ...". "Hú ba hồn chín vía...". Đêm nào, làng cũng cồn lên những tiếng hú hồn như thế. Tiếng hú eo éo, rờn rợn trên những tán cau, bụi chuối đen ngòm, vọng từ cổng đồng vào đến từng ngõ xóm tối sẫm, hun hút mưa phùn gió bấc và rông rốc tiếng chó sủa, rồi lại từ ngõ xóm vòng ra ngoài cổng đồng. Những người đàn bà lớn tiếng, cả hơi đều được sung vào đội quân hú hồn. Thỉnh thoảng cũng có đứa tỉnh lại. Ấy là hồn chưa đi xa, chưa bị lú đường, còn nghe được tiếng hú gọi mà lần về nhập vào xác. Còn nhiều đứa hồn đã lìa, mà không kịp gọi ngay là coi như đi đứt. Chúng đã bị Giời bắt. Bà đồng Hỷ khoát tay quả quyết vậy.”

Đấy là thời xưa còn thời nay thi sao.?

Thỉnh thoảng trong giao tiếp chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện nói về những đúa trẻ mới sinh. Một số người có câu cửa miệng là “trộm via” như : “ trộm vía thằng bé, nó ngoan lắm bác ạ” hay “ trộm vía con bé, chứ nó giống mẹ như đúc da cứ trắng bóc như trứng gà bà ạ “.
Trong giao tiếp hay bắt gặp câu đe nẹt : Liệu hồn , giờ hồn, liệu cái thần hồn..... VD: Cô giáo bảo học sinh : " các cô các cậu đi về lớp đi, còn đứng đó láo nháo làm mất trật tự thì cứ liệu " hồn " đấy ! "
Còn chuyện đốt vía thì đủ kiểu : Đốt vía dữ cho trẻ nhỏ như câu chuyện đã kể ở trên. Trên webtretho có một topic của các bà mẹ trẻ trao đổi về chuyện đốt vía cho con, một nick tên là S.. có lời tâm sự rất “thú vị ” : “ Mình cũng (định) chả tin vụ này đâu nhưng mà mấy lần con nó khóc dữ quá, dỗ thế nào cũng không được, gọi điện cho đứa bạn cũng có con nhỏ, chồng lại là bác sĩ nhi, nó bảo: không đói, bỉm sạch thì chả có gì phải lo, cứ đốt vía, hơ, hóa ra chồng là bác sĩ nhi mà vợ vẫn đốt vía khi con khóc đấy. Mình làm theo, cu cậu nín thật, chắc 1 phần cũng tại nhìn thấy lửa lạ lạ nên mải tập trung vào chuyên môn nhìn quên mất chuyên môn khóc “

Nếu có thời gian rảnh, vào các buổi sáng thử rảo qua các chợ, chúng ta dễ bắt gặp cảnh các bà, các cô cầm tờ báo đốt lửa hua hua khắp gian hàng của mình. Họ đốt vía người mở hàng hoặc người vào trả giá rồi không mua, khiến cửa hàng của họ bị ế ẩm.
Trong văn học chúng ta cũng dễ bắt gặp thành ngữ kinh hồn bạt vía hay hồn xiêu phách tán, hồn vía lên mây ….. để miêu tả cái sự hoảng sợ của con người.

“Đánh trận một hồn xiêu phách tán
Đánh trận hai tan tác chim muông
Trận ba thân thể … trần truồng ” (ý là không còn mảnh giáp )

Hồn vía đôi khi còn được sử dụng ví von như cái tinh tuý của một người, một đối tượng nào đó
“ Những câu thơ vừa nhặt nhạnh được trên đây theo tôi là những "câu thơ hồn vía" của Lê Khánh Mai. Và tôi tin rằng đó là những câu thơ hay của Lê Khánh Mai và của thơ hiện nay ” - T.V.S(TC Sông Hương số 155 tháng 01/2002)
“ Trong những năm tháng xa quê, Tấn vẫn luôn lưu giữ hình ảnh Nhuận Thổ với vẻ đẹp tươi sáng của tuổi thơ hay chính là lưu giữ hình ảnh quê hương. Nó là vùng sáng quê hương, hồn vía quê hương” – ( Trường trung học cơ sở thái thịnh - Chào mừng các thầy cô về dự hội giảng giáo viên giỏi năm học 2006-2007- Giáo viên thực hiện: Phạm Thị Linh- Cùng Tập thể : Học sinh lớp 9A Mục kiểm tra bài cũ )

Vây hồn vía hay hồn phách là gì mà gớm ghê thế nhỉ ?

*/ Theo Đào Duy Anh trong "Việt Nam văn hóa sử cương", (xuất bản 1938), Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp (tái bản năm 1998) , thì :
Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất. Đàn ông có ba hồn phụ vào tam tiêu và bảy phách (vía) phụ vào thất khiếu, đàn bà thì có chín phách (vía) phụ vào cửu khiếu. Và chú thích:
+ Tam tiêu là miền miệng trên dạ dày gọi là thượng tiêu, miền giữa dạ dày gọi là trung tiêu, miền trên bàng quang là g ọi l à hạ tiêu.
+ Thất khiếu là bảy cái lỗ trên mặt: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, và miệng.
+ Cửu khiếu là thất khiếu với hai khiếu: lỗ sinh thực khí và hậu môn

*/ Theo Hoàng Quốc Hải "Văn hóa phong tục", Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2005. chương "Việc tang việc hiếu" ghi rằng:
Theo quan niệm cổ xưa, con người có 7 lỗ (thất khiếu) để hấp thụ vật chất, tinh thần mà trưởng thành. Bảy lỗ đó là : hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng. Đàn bà có thêm lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con. Khi hết chức năng sinh đẻ lại trở về thất khiếu (Phật giáo phân biệt các động vật cao cấp, hễ đã có cửu khiếu (9 lỗ) đều có thể tu Phật. Vì vậy, trong lịch sử có Tôn Hành giả gốc từ con khỉ. Cửu khiếu trong trường hợp này kể cả đàn ông và đàn bà tính theo thế ổn định : 2 lỗ tai, 2 lỗ mắt, hai lỗ mũi, miệng, lỗ sinh dục, lỗ bài tiết).

*/ Còn có quan niệm cho rằng con người ta, cả đàn ông và đàn bà, được coi là có chín cửa (cửu khiếu) để giao hòa với đại vũ trụ. Khi sống, cả 9 khiếu đều đóng hay mở theo những thời điểm phù hợp để con người hòa hợp được với đại vũ trụ, nhưng khi chết thì cả chín khiếu phải đóng lại để hồn có thể thoát ra từ trên đỉnh đầu lên trời (trở về với đại vũ trụ hay siêu thoát), tức là giúp cho hồn không bị siêu tán (tản mạn, phân tán), nhằm sau này có thể đầu thai trở lại làm người. Đàn ông được coi là dương, có tính chất thăng (lên cao) nhiều hơn nên phần hồn có lẽ tập trung ở phía trên nhiều hơn so với đàn bà là âm có tính chất giáng (trầm lắng) nhiều hơn. Do vậy, theo quan niệm của người xưa, khi người ta chết, đối với nam chỉ cần đóng 7 khiếu trên để hồn có thể bốc lên. Bảy khiếu của đàn ông đều ở phần trên của cơ thể nên đôi khi gọi là thất khiếu dương, còn đối với nữ phải là cả 9 khiếu, trong đó có 2 khiếu ở phía dưới (khiếu âm).

*/ Có cách giải thích nữa là : Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.
Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía và ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?
Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.
Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.

*/ Theo Bạch Liên trong bộ “ Con người là ai xuống cõi trần làm chi “ Nhà xuất bản Tùng thơ năm 1949 lại phân con người gồm có Xác thân, cái hồn, cái vía,cái phách,cái trí . Trong đó cái Vía và cái Phách được mô tả như một trường sinh học bao phủ xung quanh con người …….

*/ Trong cuốn "Bí Ẩn Sau Cõi Chết " ông Ðoàn Văn Thông có giải thích và ghi chú tại sao "nam thất nữ cửu," nghĩa là đàn ông chỉ có bảy vía mà đàn bà lại có đủ chín vía?
Nếu ta chấp nhận theo ý nghĩa xưa - không hẳn đúng với sinh lý học (physiology) hay giải phẫu học (anatomy) ngày nay vì lẽ dễ hiểu khoa học chính xác chỉ mới có 5, 10 thế kỷ gần đây - những khí hay hơi, hay vía, hay phách phải thoát ra từ những lỗ (chữ Nho là khiếu) thì con người có cửu khiếu, chín lỗ hổng, đó là: hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, một miệng, một lỗ tiểu, và một hậu môn.
Vậy tại sao nam chỉ có bảy và nữ lại đến chín? Nơi đây một lần nữa, ta coi chừng ý nghĩa của từ và lối dùng từ (với nhiều nghĩa tương đồng) của văn hóa Trung Hoa (và Việt Nam), chẳng hạn khi dùng số 5, có khi 5 không phải là số lượng, 1, 2, 3, 4, 5, mà có thể là thổ, đất hay trung tâm v.v... và chẳng có gì nghịch lý (theo lối suy nghĩ này) là 10 cũng là thổ v.v... Với thời gian và thói quen, người ta dùng lầm chữ này qua chữ khác, như khi nói nam, ta dịch ra là đàn ông, nói nữ dịch ra là đàn bà, phụ nữ, quên là trong bối cảnh nhất định, nam là dương, nữ là âm. Thay vì nói: nam bảy vía, nữ chín vía; ta đặt lại: bảy vía dương, chín vía trong đó có hai vía âm, chúng ta có thể hiểu "câu thai" ấy. Nói người đàn ông không cò và lỗ thì thật là nghịch lý đời, nhưng ta có thể chấp nhận: có thất khiếu thuộc dương vì ở trên đầu (phía trên), vì hướng lên (mắt, tai, mũi, miệng) và hai khiếu kia thuộc âm (không phải chỉ thuộc phụ nữ) là ở dưới thấp, hướng xuống dưới. Một nhà nghiên cứu Dịch học tạm thời chấp nhận giải thích trên. Cũng có thể có những lối giải thích khác rõ ràng và thực tế hơn. (Theo giải thích của học giả Cung Giũ Nguyên).
Những cách giải thích trên theo tôi chỉ mới miêu tả hiện tượng dân gian, còn thiếu sót và đơn giản trong cách giải thích. Lại có những phần lại tự “đặt” vì mục đích khác.


Còn tiếp.....
3/ Tại sao lại phải ”trộm vía” khi nói về trẻ con. Thế nào là chạm vía ?