Xuất phát từ Đạo gia (Đạo Lão ) Đạo của những người tu tiên. Khái niệm hồn phách xâm nhập cuộc sống dân gian. Vía chính là Phách theo cách gọi của người Việt.

1/ Hồn vía (phách) là gì ?
Tại sao nam ba hồn bảy vía, nữ ba hồn chín vía ?

Đạo gia quan niệm con người ta khi còn sống có thân (xác) trú trong thân xác đó có thần, hồn, phách, ý và trí.

Vụ Thành Tử chú ”Thái Vi Linh Thư ” viết :
Người ta hồn có ba, là : Sảng Linh 爽 靈, Thai Quang 胎 光, và U Tinh 幽 精. Mỗi tháng cứ ngày mồng 3, 13, 23 là hồn lìa thân xác đi chơi, phải biết phép nhiếp hồn.


Tam hồn

Phách có bảy, là: Thi Cẩu 尸 苟 Phục Thỉ 伏 矢, Tước Âm 雀 陰, Thôn Tặc 吞 賊, Phi Độc 非 毒, Trừ Uế 除 穢, và Xú Phế 臭 肺. Mỗi tháng các ngày Sóc 朔 (Mồng 1), Vọng 望 (15) Hối 晦 (30), là phách lưu đãng, giao thông với quỉ mị, cần phải biết phép hoàn phách.


Thất phách

Hồn là Dương thần, Phách là âm thần cư trú trong cơ thể con người.
Sách Nội kinh nói : “ Hồn Phách đầy đủ mới thành hình người ”.
Tiết Bạch Sinh chú : “ Khí và hình thịnh thì hồn phách thịnh; Khí và hồn suy thì Hồn Phách suy. Hồn là sự rạng rỡ của Phách, Phách là gốc gác của hồn. Phách là âm chủ về tiếp nhận và cất trữ, nên Phách có thể ghi nhận sự việc. Hồn thì dương chủ về sử dụng, nên Hồn có động tác và phát huy. Cả hai Hồn và Phách không thể xa lìa nhau. Tinh tụ thì Phách tụ; Khí tụ thì Hồn tụ, tạo thành cơ thể con người. Đến khi tinh kiệt thì Phách giáng, khí tán thì Hồn rong chơi bên ngoài ( thân thể ) mà không biết nơi nào …”
Chu Tử nói : “ Không có Hồn thì Phách không thể tự tại, khiến người ta đa tư lự. Hồn nóng Phách lạnh, Hồn động Phách tĩnh “ Và như giải thích của Đào Duy Anh : Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất.
Ngoài ra trong Tiên học diệu tú của Lý Lạc Cầu đã cho đến 10 thuyết khác nhau về hồn phách. Tuỳ theo mỗi ngữ cảnh cụ thể mà khái niệm hồn phách khác nhau.
Tóm lại có thể hiểu nôm na là : Hồn và Phách( Vía) là hai dạng thần thể cư ngụ trong thân xác con người ta. Khi còn sống Hồn Phách còn, khi chết đi Hồn bay lên( thăng) phiêu du đâu đó. Còn Xác thân và Phách thì tiêu tan.
Vì vậy trong dân gian mới có hiện tượng lên đồng gọi hồn, cầu hồn người chết chứ không có gọi phách, cầu phách người chết bao giờ.

Từ khái niệm Hồn có ba (Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh) và Phách có bảy ( Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, và Xú Phế ) mới nói người ta có ba hồn bảy vía l à như vậy . Một thuyết nữa là theo Chu Tử toàn thư nói : “ Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim” cho nên nói tam hồn thất phách là vì đó là độ số của Mộc và Kim?
Còn nói Nam có ba hồn và bảy vía do phụ vào thất khiếu, Nữ có ba hồn và chín vía do phụ vào cửu khiếu. Thì dò tìm trong các tài liệu về Đạo gia chưa thấy khái niệm như vậy.
Giả thuyết được đặt ra là. Các đạo sĩ phần đa ( hầu như toàn bộ) là nam giới, nên họ chỉ khám phá con người nam giới. Còn con người của nữ giới bị bỏ ngỏ. Và các cụ nhà ta phát giác ra điều này ?
Theo nhận định của người viết thì người xưa có nhầm lẫn ở chỗ này.
Trên cái thân con người có Cửu khiếu ( 2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi , 1 miệng, lỗ sinh dục và hậu môn ) đó là cửa ngõ của ngũ tạng và thân thể giao thông với bên ngoài.
Vụ Thành Tử chú : “ Thái Vi Linh Thư “ đọan về hoàn Phách như sau : Vào nửa đêm các ngày mồng một và rằm của mỗi tháng , 7 Phách lêu lổng bên ngoài thân ta, chơi bời với bọn qủy mị . Cách kiểm soát, chế ngự và gọi Phách về ( hoàn Phách) là vào những đêm đó phải nằm ngửa , duỗi chân, hai bàn tay che bít hai lỗ tai và để các ngón tay tiếp xúc với gáy, bế hơi thở 7 lần, gõ răng vào nhau 7 lần, tập trung tư tưởng vào đầu mũi. Luồng khí trắng lớn bằng hạt đậu nhỏ , rồi lớn dần dần che kín thân thề trên dưới 9 lần. Khí này bỗng nhiên biến thành 2 con rồng xanh ở 2 mắt và hai cọp trắng ở 2 lỗ mũi, tất cả đều hướng ra ngoài. [ và khí này cũng] biến thành con chim đỏ ở trên tim hướng ra ngoài cửa miệng người ta ……..
Sao lại như vậy ? Do Hồn là Dương, Phách là âm. Theo quy luật Âm thăng Dương giáng lên Phách ( Vía) khi muốn xuất nhập ra ngoài cơ thể phải thông qua 7 khiếu bên trên.
Chứng kiến một người ở trạng thái Hồn xiêu Phách tán sẽ thấy : Thân thể đờ ra, hai mắt thất thần trợn ra không chớp hoặc nhắm tịt lại đồng tử không động đậy, mồm miệng há hốc hoặc ngậm cứng ngắc, hai lỗ mũi trơ ra như không thở hoặc thở rất yếu, tai ù điếc đặc chẳng nghe thấy gì ( nhiều người quật ra mà y học gọi là ngất xỉu ) Với người nam chỉ có như vậy. Còn đối với người nữ có một biểu hiện nữa là hai núm vú teo cứng và thâm lại.
Cách quan niệm 9 vía của người Nữ do phụ thêm 2 khiếu bên dưới ( lỗ sinh dục và hậu môn ) không thuyết phục bằng quan niệm thất khiếu cộng 2 núm vú ( mặc dù là nhầm lẫn ). Vì thứ nhất người nam cũng có 2 khiếu đó ( mà nam mới đúng là 9 lỗ, còn nữ đúng ra là 10 lỗ chứ không phải là 9 ) Thứ 2 theo qui luật âm thăng dương giáng , nếu khi Phách mà tán xuống dưới, đó là ngược qui luật thì chỉ có chết. Chu tử Toàn Thư nói :” Lúc người ta sắp chết hơi nóng đi lên gọi là Hồn thăng. Còn dưới thân thể dần dần lạnh, đó là Phách giáng” Người chết thân xác lạnh từ chân lạnh dần lên, bởi vậy các cụ ta xưa nói sống từ trên sống xuống, chết từ dưới chết lên là như thế.

Do từ xưa Đạo giáo( Đạo Lão) dù vào nước ta nhưng không xâm nhập nhiều vào đời sống nhân dân. Những người biết đến đạo Lão thường là phần nhiều các bậc Nho học vậy. Ý tứ của Nho thì thâm xa, nhân dân dễ hiểu một cách phập phù. Từ đó dẫn đến những nhầm tưởng từ biểu hiện , từ hiện tượng dễ quy hành bản chất, nên nhầm giữa “cửa ngõ lưu thông” và biểu hiện lúc Phách tán như nói ở trên mà cho rằng 7 vía của nam là phụ vào thất khiếu bảy vía của nữ phụ thuộc vào thất khiếu + 2 núm vú là như vậy. Riết rồi thành thói quen rồi thành "thật" là như vậy. Thậm chí có quan điểm cho là : Bảy vía chính là bảy trạng thái Thất tình ( hỉ nộ ái ố ....) của con người. ???

Giống như ở thời nay, người dân ta quen miệng hay gọi tất cả những xe gắn máy đều là xe HonDa. Là vì xe gắn máy hiệu Honda có một thời kỳ quá phổ biến và quen thuộc trong đời sống nhân dân. Và tất cả xe hiệu Yamaha hay Suzuki đều được gọi là xe HonDa tuốt. Ở miền nam Việt Nam, có một thời kỳ người dân gọi bia là La-zde. Bởi vì hãng bia nhãn con cọp hiệu Lareu vào miền nam đầu tiên và rất phổ biến hồi đó. Người ta không gọi cái thứ dung dịch quyến rũ đúng tên là bia mà là la-zde. Lâu dần thành quen “chiều nay anh em ta đi lai rai vài chai Laser …..Sài Gòn đỏ hử ” !!!

Theo tôi thì ngừơi ta Nam như Nữ chỉ có 3 Hồn Và 7 Vía thôi.