Nên thông hiểu 3 chữ : TINH, KHÍ, THẦN.
(Còn gọi là ba báu hay ba bửu của con người)

ÐH CHIẾU-QUANG
Nói về 3 chữ Tinh, Khí,Thần tôi chợt nhớ đến phương pháp luyện Tinh hóa khí, luyện Khí hóa thần, luyện Thần hườn hư, luyện Hư hườn vô... hiệp với khí hư vô của Trời Ðất là phương pháp của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ mà nước Việt Nam diễm phúc được Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế lập Ðạo, cùng với các chư Phật Tiên Thánh Thần giáng cơ giảng dạy cho nhơn loại cái phương pháp tu luyện để được đắc quả vị chỉ một kiếp người mà trở về gặp lại Ðại Từ Phụ, hay nói cách khác là lên "Niết Bàn".
Ðó là phương pháp động tịnh,cũng còn gọi là luyện khí công là phương pháp thiền của Thiên Ðạo (Ðạo Cao Ðài) là luyện Tinh hóa khí,luyện Khí hóa thần, luyện Thần huờn hư, luyện Hư huờn vô, để hiệp nhứt với khí Hư vô của Trời Ðất (của Ðại Từ Phụ, Ðại Linh Quang) là được trở về là đắc quả vị, Phật giáo gọi là lên Niết Bàn hay là về Tây Phương Phật.
Ðức Ðông Phương Lão Tổ cũng có dạy rằng: Cách luyện nầy chỉ có Âm Dương, thần khí và tánh mạng (tu Tánh luyện Mạng) hay là câu luyện khí công để nuôi trí não, luyện trí não để mở khiếu "Huyền Quan",để chân Thần được xuất ra dễ dàng mà trở về nơi quê xưa chốn cũ.
Bây giờ ,ta thử tìm hiểu 3 chữ Tinh, Khí,Thần là ba của báu của con người. Muốn hiểu rõ 03 chữ trên ta cũng cần hiểu qua về luật thiên nhiên. Vì con người là một Tiểu vũ trụ, Ðại Vũ Trụ bên ngoài có những gì thì trong con người cũng có những thứ ấy như là: Mộc, Hỏa,Thổ, Kim,Thủy... Hay nói cách khác vũ trụ là Ðại Linh Quang, con người là tiểu linh quang được chiết xuất từ Ðại Linh Quang, nên luôn luôn hòa hợp và giống nhau. Vì vậy mà phương pháp trị bệnh của Ðông-y là chỉ theo qui luật của thiên nhiên (là qui luật của vũ trụ).
Vì con người được tạo ra, lớn lên và trở về (chết) cũng theo qui luật của Trời đất,cũng như ngoài Vũ Trụ có cha Trời và mẹ Ðất tạo ra vạn vật: từ đá lên thảo mộc,tới thú cầm rồi đến con người. Làm con người nếu biết lo tu luyện sẽ được trở về nguồn cội mà gặp lại Ðại Từ Phụ (là cha linh hồn của mình). Phật giáo gọi là nhập Niết Bàn.Vì vậy nên có câu "Các con là Phật sẽ thành", chỉ có con người mới tu luyện thành Thần Thánh Tiên Phật được. Còn cha mẹ trong gia đình là cha mẹ ở thế gian chỉ ở với mình khoảng một trăm năm mà thôi, Cha linh hồn mới là Cha thật của mình.
Vậy ai là người có trách nhiệm và thông hiểu về cách tu luyện nầy hãy nói lên để giúp cho mọi người cùng được hiểu.
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về 3 chữ Tinh Khí Thần.
TINH: Con người được sinh ra là nhờ tình thương và tinh cha huyết mẹ tạo thành một cơ thể bẩm sinh gồm có phần thân và phần thể tức là phần thể xác và phần linh hồn,là cái chơn Thần hay là phần thể khí bên trong. Phần này rất tinh vi và nhẹ nhàng ẩn trong xác thân và còn bao bọc ra ngoài thân xác độ 01 tấc, để bảo vệ xác thân gọi là phần thể phách là phần khí Tiên Thiên là hệ thống kinh lạc mạch bên trong để chẩn đoán bệnh và trị bịnh (châm cứu).
Sau khi sanh ra cơ thể trẻ sơ sanh lại hấp thụ khí Trời (thở) và chất ăn uống do tỳ vị mà tạo ra khí huyết nuôi dưỡng cơ thể gọi là khí Hậu Thiên. Khí Tiên Thiên là cơ sở bẩm sinh chỗ dựa cho hậu thiên,mà hậu thiên thì cần thiết để bồi dưỡng và phát triển cho Tiên Thiên,hai bên phải kết hợp chặt chẽ thì cơ thể mới hoạt động và phát triển được.
Tiên Thiên trong cơ thể con người ở nơi quả thận,thận thủy,thận hỏa là chân âm, chân dương là Mệnh môn hỏa.
Hậu Thiên cơ sở sản sinh ra khí huyết là Tâm, Can, Tỳ, Phế (tim gan hệ thống chuyển vận của bao tử = rate và phổi). Ngũ tạng, lục phủ phải bảo đảm sự quân bình và vận chuyển của thủy hỏa, khí huyết đúng theo quy luật của âm dương, ngũ hành, đúng theo quy luật thăng thanh,giáng trược thì mới bảo đảm được sức khỏe.
Một quy luật của hoạt động cơ thể,quy luật khí hóa,quy luật Tinh Khí Thần làm cho Tinh biến thành khí, khí biến thành thần, để bảo đảm sự hoạt động của cơ thể.Phương pháp động tịnh nầy gọi là luyện khí công hay là phương pháp thiền của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (là Thiên Ðạo Ðại Thừa của Ðạo Cao Ðài).
Bây giờ nói rõ thêm về Tinh là chất tinh hoa của thức ăn do Tỳ,Vị tạo thành là chất tinh hoa của ngũ tạng, lục phủ... Từ chất tinh hoa của thức ăn kết hợp với khí của phổi, chất tinh nầy cần thiết cho hoạt động của tạng phủ và của cơ thể.
Chất tinh có thể hiểu là các chất glu-cit, lepit và protid chất glucozen của gan, chất nội tiết của các tuyến, chất sinh tố, chất men,tất cả rất cần thiết cho sự chuyển hóa.
Nói tóm lại, Tinh là cơ sở vật chất của sự sống con người và các loại hoạt động cơ năng của cơ thể. Gồm có tinh Tiên thiên và tinh Hậu thiên.
KHÍ ,trong thuyết Tinh Khí Thần; chữ Khí có nghĩa là năng lượng do quá trình khí hóa các chất mà ra chất tinh trong quá trình khí hóa phát ra năng lượng cần thiết cho hoạt động cơ thể. Năng lượng nầy biểu hiện bằng nhiều hình thức: như năng lượng nhiệt để sưởi ấm cơ thể bằng hệ thống kinh mạch chằng chịt ra tận tới da, lông, khỏi tế bào bì phu độ 01 tấc thước ta.., ấy là năng lượng cơ động để lao động,để thở vận chuyển thức ăn, tim đập,v,v...Năng lượng hóa học để tạo ra chất mới để cần thiết cho hoạt động của cơ thể,v,v..năng lượng điện trong các dây thần kinh và bắp thịt,v,v..
Nguồn gốc của khí do Tiên Thiên và Hậu Thiên tạo thành.
- Tông khí : khí Trời + khí hậu thiên.
- Dinh khí : khí huyết do bộ tiêu hóa.
- Vệ khí : bắt nguồn ở Tiên Thiên, khí vận hóa của Tỳ + khí phế.
Gốc của Hạ tiêu, Trung tiêu nuôi dưỡng và khai khiếu ở Thượng tiêu (phổi) ,Khí Vệ đi ngoài mạch phân bố toàn thân. Trong thì ấm nội tạng,ngoài thì làm ấm cơ nhục,da,lông đóng mở tuyến mồ hôi. Bảo vệ cơ thể chống ngoại tà xâm nhập.
THỀN, là một hình thức năng lượng rất cao đặc biệt là của tổ chức tế bào vỏ não như là cảm giác, ý thức tư tưởng, tình cảm để điều khiển hoạt động cơ thể.Tinh Khí là cơ sở vật chất của Thần do Tiên thiên và Hậu thiên ra, trong cơ thể khí huyết thịnh vượng, ngũ tạng, lục phủ điều hòa thì tinh thần sung túc.
Tinh Khí Thần là ba của quí, Tinh Khí có đầy đủ thì Thần mới vững mạnh,thần yếu ớt là tinh thần suy yếu,thần hoạt động quá mức làm cho tinh khí hao kiệt. Giữa tinh của nội tạng và thần có liên quan mật thiết trong y học thiên nhiên nói Tâm tàng thần, Phế tàng phách, Can tàng hồn,Tỳ tàng ý, Thận tàng chí. Nghĩa là Tinh ở tạng đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của Thần.
Ví dụ: Can khí đầy đủ giúp cho việc tính toán mưu lược tốt.
Tỳ khí, Thận khí đầy đủ giúp cho việc suy nghĩ sâu xa, làm việc có ý chí.
Ngược lại, các tình cảm của thần cũng ảnh hưởng đến ngũ tạng (tâm,can, tỳ,phế,thận) như giận quá tổn thương đến gan, buồn lo quá tổn thương đến phế v,v,..Bây giờ chúng ta nói đến cách thiền : luyện tinh hóa khí,luyện khí hóa thần, luyện thần huờn hư,luyện hư huờn vô hiệp nhứt lại với khí hư vô của vũ trụ. Nghĩa là khi luyện thần khí được tốt (gọi là phát huệ) thì khai mở được khiếu "Huyền Quan" sẽ hòa hiệp được với khí hư vô của Trời đất tức là thông được với Thiên khí là đắc quả vị, là được trở về hiệp nhứt cùng Thầy Mẹ.
Ðức Ðông Phương Lão Tổ có dạy: Ðại Ðạo chỉ có âm dương, thần khí và tánh mạng (tức là tu Tánh luyện Mạng) hay là luyện khí công để nuôi trí não, luyện trí não để mở khiếu "Huyền Quan".
Qui luật Tinh Khí Thần là qui luật khí hóa của thiên nhiên để giúp cho việc phòng bệnh và chữa bệnh cho tất cả mọi người.
Xưa Thánh Nhân có dạy rằng:
Vạn lý hữu bổn mạc,
Sự hữu thỉ chung,
Sở tri tiền hậu tắc cận Ðạo hỉ.
Nghĩa là: Hầu hết các lý,các sự trên đời đều có cái gốc ngọn trước sau của nó.
Nếu ai biết được đầu đuôi manh mối ấy thì ắt đã gần với Ðạo rồi vậy.
Trên đây là những lời tâm huyết mạo muội viết lên bài này để tùy ý các vị tìm hiểu cho rõ trong buổi Hạ Nguơn mạt pháp nầy. Chớ không phải là những lời truyền đạo hay dụ đạo chi cả, cũng chẳng phải vì danh, vì lợi. Vì đã hiểu được Ðạo thì thấy rõ đời là vô thường (không có chi là trường tồn cả).
Kỳ ba Hạ Nguơn mạt pháp nầy đức Thượng Ðế cùng các chư Thần,Thánh,Tiên,Phật mở lượng từ bi ân xá trực tiếp xuống trần khai mở Huỳnh Ðạo (Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ) đặng độ dẫn chúng sanh tu hành theo Tân Pháp,chỉ trong một kiếp người mà đắc được quả vị và được trở về ngôi xưa vị cũ hiệp nhứt cùng Thượng Ðế.
Nhưng lý Ðạo rất u-huyền thâm viễn,khó hiểu,khó tầm. Ðòi hỏi phải nhiều công trình móc moi từng khối óc,tìm kiếm đủ sách cũ, kinh xưa mới truy nguyên lý đạo hầu đạt vị thành công,vì sách vở hiện nay Thánh giáo bị sửa thành phàm giáo rất nhiều.
Vì thấy hiện nay hầu như tất cả nhân loại cứ lăn lộn theo nếp sống hiện sinh của khoa học vật chất hóa con người toàn diện, nên lý trí hữu hạn lấn áp tinh thần,nên tương sanh thì nhiều mà tương trợ lại ít.
Kể từ lúc sơ khai ban đầu tự nhiên Thiên cơ tuần hoàn chuyển phục,vật cực tắc phản thì ra cơ tạo hóa, hóa sanh có đủ huyền linh, nhưng cũng phải tuân y luật chung tùy duyên nhứt lý. Phải tùy theo thiên cơ động tịnh chuyển biến rồi "Nhứt bổn tán vạn thù và Vạn thù cũng phải huờn về nhứt bổn",nghĩa là trở về ngôi xưa vị cũ hiệp nhứt cùng Thượng Ðế. Phật giáo gọi là đắc quả vị là lên Niết Bàn hoặc là bị luân hồi theo căn nghiệp của mình đã tạo.
Trước là "Vô Cực" thủ xuất (xưng tồn) rồi lần lần sanh ra "Lưỡng Nghi" mới có âm dương phân biệt, kế đến vô số man khai,sanh sanh hóa hóa.
Nay muốn trở về chỗ "Vạn thù qui nhứt" thì cũng phải thuận tùng theo Thiên lý mà qui hiệp nhứt nguyên. Cũng như các Thánh giáo kinh điển xưa cũng đã dạy đủ hết không thiếu một lời, nhưng vì rất thâm-u huyền bí,khuất ẩn khó tầm,khó ráp đặng máy "Thiên cơ". Nên Ơn trên hằng dạy đi dạy lại hoài,cũng không ngoài ý "Nhứt bổn tán vạn thù,đến cùng cực rồi thì vạn thù qui nhứt bổn" là trở về, đây là luật Trời đất không một ai tránh khỏi dù ở địa vị nào.
Tóm lại: Vấn đề tu hành để đắc được quả vị chỉ có: "Ðịnh tâm sửa tánh, gìn giữ bổn mạng và tu luyện cho Thần Khí khai thông các huyệt đạo thì chân Thần mới xuất ra được mà trở về.
Nghĩa là: Ðịnh được tâm đừng để vướng mắc các ngục tù như: tửu sắc tài khí, tham sân si dục, sanh lão bịnh tử. Sửa đổi tánh phàm trở thành tánh Thánh,Tiên, Phật. Gìn giữ bổn mạng cho không bịnh hoạn để lo công phu thiền định,luyện khí công động tịnh thăng thanh,giáng trược cho thần khí được khai mở các huyệt đạo,chân thần xuất ra.
Ðức Thái Thượng có dạy: 03 loại ngục tù có 12 tấm vách bao quanh mình,mỗi tấm nó sẽ tác hại như sau:
SẮC mà vướng: thì thân khổ lụy,
Tài mà vương: nhà bị tiêu vong,
Tửu vào: thần khí muội hôn;
KHÍ làm nhục thể mỏi mòn khổ đau.
THAM : thời chẳng lúc nào đầy túi,
SÂN: thì làm ám muội trí khôn,
SI: làm đần độn tâm hồn;
Dục: đào hố thẳm, tự chôn lấy mình.
SANH: thì ắt thọ hình ngũ trược,
LÃO: lại làm bại nhược nhục thân,
Bịnh : làm thân xác tiêu dần,
TỬ : làm khởi thỉ hạt nhân luân hồi.
Phương tu tịnh để giải thoát ngục tù,Ngài dạy tiếp là đốn cho tuyệt nọc sanh tử,bứng gốc sanh tử...
THI:
Tu tịnh để đoạn chồi dứt hạt,
Tu tịnh làm giải thoát ngục hình,
Phàm tâm tử, Ðạo tâm sanh,
Làm chơn lý lưu hành chơn nguyên.
Tịnh là lặng lặng yên trong sáng,
Không tính toan suy đoán bao đồng,
Thiền là niệm lự giai vong,
Vạn duyên đốn tuyệt,không không vọng cầu.
Tâm vừa phóng liền thâu trở lại,
Niệm phóng lên liền phải diệt trừ,
Kiền kiền bám sát công phu,
Một đường hướng ấy,mà tu hết giờ.
THI:
Hư vô nguồn Ðạo thong dong,
Bảo tồn chơn khí bên trong cho bền.
Tinh thần nội thủ cố kiên,
Thân,tâm thường nhựt phải siêng tập tành.
Làm cho vạn bệnh không sanh,
Làm cho vạn thiện trở thành trí nhu.
Ðó là Tánh Mạng song tu,
Công trình,Công quả,Công phu đắc thành.
Bài:
Muốn đắc Thánh thì mau trở lại,
Muốn về Thầy cải đổi phàm tâm,
Muốn tu triệt thoái quần âm,
Muốn nên Bồ Tát nhớ mầm vô minh.
Tu là để giữ gìn cội gốc,
Tu là làm đoạn dứt trần duyên
Tu toan dập tắt não phiền,
Tu cho tỉnh thức,tùng quyền nội tâm./.
Thánh-y Tuệ Tỉnh để lại bài thơ thật ý-nghĩa:
Bế Tinh dưỡng Khí tồn Thần,
Thanh tâm hỏa dục thủ chơn luyện hình.
Nghĩa là: giữ gìn tinh khí,hạn chế dục vọng để giữ chơn khí, thiền luyện thần khí cho được "thánh thai" cái chơn thần (linh hồn) lúc vào đầu thai, thì sẽ được quả vị Phật,Tiên...
Cách thức ăn uống hằng năm theo Ngũ Hành:
1/- Chất cay: thuộc Kim (phổi) giúp cho phổi sanh khí khô ráo,mở đường nhuận tả.
2/- Chất chua: thuộc Mộc (gan) làm cho gan ấm ấp thì cơ thể thâu liễm rút lại và sáp lại.
3/- Chất mặn: thuộc Thủy (thận) làm cho thận được bền bỉ mềm mại sanh hàn và hỏa khí.
4/- Chất đắng: thuộc Hỏa (tim) nó làm cho tim được sanh ra nhiệt và ráo.
5/- Chất ngọt: thuộc Thổ (tỳ rate) làm cho tỳ được sanh ra khí ẩm thấp đi vào tỳ.
Năm sắc đậu thường bổ 5 Tạng: Tâm,Can,Tỳ,Phế,Thận.
1/- Ðậu đỏ (hỏa) bổ tâm và tiểu trường (ruột non)
2/- Ðậu xanh (mộc) bổ được gan và đởm (mật)
3/- Ðậu vàng (thổ) bổ tỳ và vị (bao tử sự chuyển vận)
4/- Ðậu trắng (kim) bổ phế và đại trường (ruột già)
5/- Ðậu đen (thủy) bổ thận và Bàng quang (bọng đái)
*Trong bốn mùa thuộc Ngũ Hành có liên quan với 5 Tạng phải tùy theo mùa tiết,nên tăng hay giảm tùy nghi mà sử dụng món ăn cho hợp thời.
1/- Mùa Xuân: thuộc mộc, can đởm vượng. Mộc khắc thổ, tỳ vị suy nên ăn uống vị ngọt và màu vàng nhiều đặng hỗ trợ cho tỳ vị được quân bình lại. Bớt ăn chua và màu xanh làm cho can đởm bị thái quá sẽ thọ bịnh.
2/- Mùa Hạ : thuộc hỏa,tâm và tiểu trường vượng.Hỏa khắc kim,nên phế và đại trường bị suy, nên ăn cay và màu trắng. Thận thủy và Bàng quang đều bị tương khắc với tâm hỏa nên ăn vị cay mặn, màu trắng và đen nhiều. Bớt ăn ngọt đắng màu vàng, đỏ ít lại, cho quân bình được phế và tỳ thận khỏi sanh điều khắc lại.
3/- Mùa Thu : thuộc Kim phế và Ðại trường vượng, kim khắc mộc (can đởm). Nên ăn vị chua và màu xanh nhiều để bổ xung cho can đởm. Bớt ăn cay và màu trắng để quân bình khỏi bị thái quá mà sanh bịnh.
4/- Mùa Ðông: thuộc thủy ;Thận thủy và Bàng quang vượng,Thủy khắc hỏa Tâm và tiểu trường bị suy nên ăn đắng và màu đỏ nhiều để bổ xung cho Tâm và tiểu trường mạnh lên, bớt ăn vị mặn và màu đen để được quân bình vô bệnh vậy.
10 Ðiều tổn hại về: Ði, đứng, ngồi, ngủ, nghe, xem, nói, ăn, lo, dâm:
1- Ði nhiều thì tổn gân, 2- Ðứng nhiều thì tổn xương, 3- Ngồi lâu thì tổn huyết, 4- Ngủ nhiều thì gây mạch tổn, 5- Nghe lâu thì tổn tinh, 6- Xem lâu thì thần tổn, 7- Nói lâu thì tổn khí, 8- Ăn no tổn Gan,Trường,Tâm, 9- Lo nhiều thì tổn tỳ (rate),10- Dâm nhiều thì tổn mạng./.

http://www.caodaigiaoly.de/bachutinhkhithan.htm