Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự


Năm 1992, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có hai vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đặc biệt, trong số những người được vinh danh, duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống.

Nhân dịp Đại tướng bước sang tuổi 100, VietNamNet xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

Để được tôn vinh thiên tài quân sự qua mọi thời đại của nhân loại thật không dễ. Thế nhưng, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ nhận được sự đồng thuận rất cao của giới quân sự, kể cả với những người bình chọn “khó tính” nhất, ông còn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.

Dưới ánh sáng đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đằng sau những thắng lợi mang tính thời đại của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Võ Nguyên Giáp là một động lực. Những chiến tích vĩ đại mà ông đã góp phần cống hiến xuất sắc, ít người sánh kịp, đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới.
Nghiên cứu về con người và sự nghiệp của ông, thế giới không chỉ ca ngợi tài thao lược kiệt xuất, mà thường phân tích sâu 5 yếu tố cơ bản nhất và đó cũng là 5 bài học có giá trị lớn nhất làm nên một thiên tài quân sự.

1. Trước hết, ông được đánh giá là một chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới.

CeciB.Curry, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại có tên tuổi của Mỹ, đã viết cuốn sách “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997.

Cuốn sách được dịch ra tiếng Pháp năm 2003 ấn hành ở Paris và cũng được dịch ra tiếng Trung Quốc xuất bản ở Bắc Kinh, trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần túy quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tùy thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến lược rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân…” (Nguyên văn của dịch giả Nguyễn Văn Sự).

Đường lối chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ phải tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; xây dựng LLVT với 3 thứ quân gồm: Dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, trong đó bộ đội chủ lực làm nòng cốt, yếu tố vũ khí rất quan trọng nhưng yếu tố con người và chính trị tinh thần đóng vai trò quyết định; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp với chiến tranh chính quy, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông; tập trung kết hợp phân tán linh hoạt v.v..

Không chỉ quán triệt sâu sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam một cách hết sức sáng tạo. Ông coi trọng trước hết việc rèn luyện vững chắc bản lĩnh chính trị cho quân đội. Tình yêu nước nồng nàn, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, tinh thần vì nhân dân quên mình, đoàn kết quân dân cá nước luôn được truyền lại và thấm sâu đến từng chiến sĩ. Các LLVT luôn ra sức luyện tập tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, làm tốt công tác dân vận.

Ông kết hợp rất khéo léo, chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa… đạt kết quả toàn diện trên cả hai mặt trận: Kháng chiến và kiến quốc. Ở tuyến trước, quân dân Việt Nam thực hiện linh hoạt phương châm quân sự “2 chân, 3 mũi” (2 chân quân sự, chính trị song song, 3 mũi tấn công vũ trang, đấu tranh chính trị của quần chúng và binh địch vận), đánh địch khắp ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng, đô thị. Còn ở tuyến sau, luôn xây dựng, củng cố vững chắc căn cứ địa cách mạng và hậu phương, chi viện đắc lực cho tiền tuyến.

Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản đường lối tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược của những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 20.

2. Tư duy khoa học của Võ Nguyên Giáp về xây dựng lực lượng quân sự rất độc đáo, sáng tạo và toàn diện.

Bắt đầu từ con số 0, ông đã có và có tất cả những đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu đáp ứng được nhu cầu chiến tranh trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn trăm bề. Ông hội tụ được một đội ngũ cán bộ ưu tú các cấp, có khả năng độc lập, tự chủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở những địa bàn tinh nhuệ được xây dựng thành một binh chủng chính quy. Ngành quân y và cái bếp mang tên người Anh hùng Hoàng Cầm, được triển khai đến tận đại đội trong chiến đấu.

Ông là người đề xuất mở đường Trường Sơn, về sau mang tên huyền thoại đường Hồ Chí Minh và còn phát triển thêm “Con đường mòn” trên biển. Bộ đội hành quân bộ hàng trăm, hàng nghìn cây số ra mặt trận. Mạng lưới thông tin liên lạc, giao thông vận tải quá thô sơ. Bảo đảm hậu cần bằng gồng gánh, thồ xe đạp, mang vác trên vai hơn 50kg vượt qua biết bao sông suối, núi đèo, đói rét, bệnh tật, thú dữ, đạn bom. Một nền hậu cần thời trung cổ đã thắng một nền hậu cần hiện đại, khổng lồ nhất thế giới của quân đội Pháp, Mỹ.

3. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng sắc sảo nhất về nghệ thuật khoét sâu chỗ yếu của địch.

Ông rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, không bao giờ đánh giá thấp đối phương. Cách đánh tập trung quy mô nhỏ. Chỗ yếu lớn nhất của địch là chiến tranh phi nghĩa, không có được các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Việt Nam thì ngược lại, với cuộc chiến tranh toàn dân, đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ đều là chiến sĩ, làm cho quân địch luôn lo sợ cái chết rập rình. Chúng lo sợ cả gỗ, đá, thân tre, lá lúa đều biến thành chông, bẫy, gươm, dao.

Địch tập trung lớn, ta biết tránh đối đầu trực diện, làm cho chúng không tìm thấy đối phương, hiệu suất chiến đấu rất thấp. Chúng ta biết linh hoạt phân tán và tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh vào chỗ sơ hở, điểm yếu và hiểm yếu của địch, gây cho chúng thiệt hại nặng nề.
Võ Nguyên Giáp là vị tướng luôn chủ động bắt buộc đối phương bị động thay đổi thế cờ, đánh theo cách đánh của ông, vì thế mà phá sớm về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn.

Nguồn VietNamNet
còn tiếp