19 người đã chết vì lũ lụt đợt hai ở miền Trung

17/10/2010 19:05

(VTC News) - Đợt mưa lũ thứ hai hoành hành tại miền Trung đã khiến 19 người chết, hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước, giao thông đường bộ và sắt Bắc - Nam ách tắc...

Nghệ An: Lũ đến sau nhưng thiệt hại lớn nhất

Mưa lũ trong vòng 3 ngày qua trên địa bàn Nghệ An khiến 8 người chết trong mưa lũ, hàng ngàn hécta hoa màu, thủy sản ngập trong biển nước. Lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 17/10 tại TP Vinh là 750 mm, Nam Đàn 621 mm, Cửa Hội 662 mm.

Tính đến 17 giờ ngày 17/10/2010, toàn tỉnh đã có 8 người chết trong mưa lũ gồm: Đặng Thọ Kiên (SN 1996) ở xóm 4 xã Nghi Trường; Hoàng Văn Đức (SN 1994) ở xóm 5 xã Nghi Xá; Hoàng Văn Minh (SN 1960) ở xóm 5 xã Nghi Xá – Nghi Lộc; Nguyễn Văn Luân (SN 1983) ở xóm 3 xã Thanh Hương; Nguyễn Văn Đồng (SN 1993) ở xóm 4 xã Thanh Hương – Thanh Chương; Trần Văn Nghiêm (SN 1950) ở Hồng Sơn – Đô Lương và Phạm Văn Tuấn (SN 1968) ở xóm Thượng Trung, xã Nam Kim, Nam Đàn. Ngoài số người chết, toàn tỉnh đã bị ngập 4.363 ha lúa mùa, 13.817 ha diện tích ngô đông, 1.192 ha lạc, 2.665 ha khoai lang, 4.806 ha rau và 3.927 ha thuỷ sản.



Giao thông tại TP Vinh sáng 17/10 bị cản trở do nước dâng


Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập nước và hư hại. Hiện nay, Nghệ An đang có 9 xã bị cô lập gồm Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung (Hưng Nguyên); Nghi Vạn, Nghi Xá (Nghi Lộc); Nam Phúc, Nam Kim (Nam Đàn); xóm 1, 2 và 11 Diễn Phú, xóm 11 Diễn Lộc (Diễn Châu). Tính đến 10 giờ ngày 17/10, trên vùng biển tỉnh Nghệ An đã có 1 tàu đánh cá số hiệu HT20245 TS do ông Trương Văn Tiến ở thôn 1 xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) làm thuyền trưởng bị hỏng máy trôi dạt vào vùng biển Xuân Hội. Rất may, 6 thuyền viên trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn.

Để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn chỉ đạo Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố, thị xã, Bộ Chỉ huy quân sự, BĐBP và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một số công việc cấp bách, trong đó tập trung vào việc triển khai các phương án sơ tán dân đến nơi trú ẩn an toàn, kiểm tra, chuẩn bị lực lượng, vật tư và có biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập; chủ động vận hành, bảo vệ các công trình đê điều.

Hà Tĩnh: 6 người chết, 2 huyện bị cô lập hoàn toàn


Lượng mưa từ 7 giờ ngày 14/10 đến 13 giờ ngày 17/10 tại: Chu Lễ 815mm; Hương Khê 741mm; Hòa Duyệt 887mm; Sơn Kim 544mm; Sơn Diệm 520mm; Hương Sơn 503mm; Linh Cảm 584mm; TP Hà Tĩnh 878mm; Nghèn 666mm; Kẻ Gỗ 640mm; Sông Rác 606mm.


Đỉnh lũ tại Chu Lễ - Hương Khê xuất hiện lúc 19h ngày 16/10/2010 là 16,56m trên báo động 3 là 3,06m (vượt mức lũ lịch sử xẩy ra năm 2007 là 0,43m); tại Hòa Duyệt - Vũ Quang đỉnh lũ lúc 7 giờ ngày 17/10 là 12,78m (vượt lũ lịch sử năm 1960 là 0,04m); tại Sơn Diệm - Hương Sơn đỉnh lũ lúc 8h ngày 17/10/2010 là 13,0m ở mức báo động 3; mực nước trên sông La tại Linh Cảm lúc 13 giờ ngày 17/10 là 6,93m trên mức báo động 3 là 0,43m; mực nước hồ Kẻ Gỗ lúc 13 giờ là 32,09m, đang xả tràn với lưu lượng 600m3/s và hồ Sông Rác là 23,0m đang xả tràn với lưu lượng 240m3/s.

Đợt mưa lũ ác liệt đầu tháng 10 chưa rút hết; Hà Tĩnh lại phải đối mặt với một trận lũ lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm qua trên lưu vực sông Ngàn Sâu; mưa với cường suất lớn, đồng thời phải xã lũ hồ Kẻ Gỗ để đảm bảo an toàn cho công trình đã gây ra trận lũ lớn trên diện rộng, làm ngập lụt 178 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh (Hương Khê 22/22 xã; Vũ Quang 12/12 xã; Hương Sơn 20/31 xã; Đức Thọ 27/28 xã; Cẩm Xuyên 15/27 xã; Thạch Hà 31/31 xã; Can Lộc 22/23 xã; Lộc Hà 09/13 xã; thành phố Hà Tĩnh 16/16 phường xã; thị xã Hồng Lĩnh 3 phường; Nghi Xuân 05/19 xã); trong đó 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn.



Người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) sinh hoạt trên mái nhà


Các tuyến giao thông Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu một số đoạn gây ách tắc giao thông, hàng trăm xe ô tô phải nằm chờ tại thị xã Hồng Lĩnh; các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị ngập sâu và chia cắt. Lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của trên địa bàn toàn tỉnh.

Thiệt hại ban đầu tính đến 18 giờ ngày 17/10 do Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cung cấp có 6 người chết: Đoàn Quý Đông (15 tuổi - học sinh lớp 9, xã Hương Thủy, huyện Hương Sơn); Lê Ngọc Tự (70 tuổi - xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh); Trương Công Thắng (35 tuổi - trú xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh); Phạm Thị Huyền (32 tuổi - trú xã Quang Lộc); Nguyễn Văn Quý (35 tuổi - trú xã Kim Lộc, huyện Can Lộc) và Đặng Hữu Trí (57 tuổi - trú xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc). 01 người mất tích gồm Lê Đình Sự ( 45 tuổi - trú xã Thuần Thiện).

Có 83.517 hộ bị ngập, trong đó: Hương Khê 18.000 hộ, Vũ Quang 3.728 hộ, Cẩm Xuyên 9.000 hộ, Hương Sơn 4.000 hộ, Đức Thọ 20.000 hộ, thành phố Hà Tĩnh 6.500 hộ, Thạch Hà 17.000 hộ, Lộc Hà 3.230 hộ, thị xã Hồng Lĩnh 1.630 hộ, Nghi Xuân 429 hộ.

Hiện con số thiệt hại vẫn chưa thể thống kê hết được.

Quảng Bình: 4 người chết và 1 người mất tích

Hiện nay, lũ trên các sông ở Quảng Bình đã bắt đầu rút. Mực nước lúc 13 giờ ngày 17/10/2010 các trạm Sông Gianh tại Đồng Tâm 8.84m lớn hơn BĐ II là 1.84m; trạm Sông Gianh tại Mai Hóa 5.80m lớn hơn BĐ II là 0.8 m; trên sông Kiến Giang tại Kiến Giang 815m lớn hơn BĐ I là 0.15m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2.89m lớn BĐ III là 1.89m.

Trước tình hình diễn biến phức tạp trên các sông, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan trực 24/24 giờ, di dời 10.626 hộ/47.997người đến nơi an toàn. Huy động tàu thuyền, lực lượng tại chỗ để xử lý, ứng cứu. Theo đó huy động 300 cán bộ, chiến sỹ, trên 30 xuồng, ca nô, hàng chục xe các các loại của lượng công an và Bộ đội biên phòng, trờn 200 đoàn viên thanh niên các trực tiếp của địa phương, các vùng ngập lụt để cứu hộ, di dời dân tại các vùng trọng điểm.


Nước lũ dâng ngập tại Quảng Bình - Ảnh: Quang Vinh

Tính đến 18 giờ ngày hôm nay, toàn tỉnh có 4 người chết: Nguyễn Văn Toản (26 tuổi - trú ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch; Nguyễn Văn Hoành (17 tuổi, quê ở Quảng Ninh đi rừng bị thác cuốn trôi ở thác Lồ Ô huyện Lệ Thủy); Bùi Quang Vũ (trú ở xã Lộc Ninh, huyện Đồng Hới); Mai Thanh Phong (5 tuổi - trú ở Quảng Thuận, Quảng Trạch).

Bên cạnh đó có 53.920 nhà bị sập; 3 nhà bị hư hỏng; 104 nhà bị tốc mái. Thiệt hại ban đầu ước tính 220 tỉ đồng.

Thông tin từ Ban phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế, tính đến 18 giờ ngày 17/10, toàn tỉnh có 1 người chết do mưa lũ.

Hồng Thắng