PHẬT TÂM
Một Hợp Tuyển Những Tác Phẩm của Longchen Rabjam về Đại Toàn Thiện
Nguyên tác: BUDDHA MIND
An Anthology of Longchen Rabjam’s Writings on Dzogpa Chenpo
Tulku Thondup Rinpoche – Snow Lion, 1989
Việt Dịch: Đương Đạo - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000
http://tuyenphap.com/Dzogchen-Dai-to...ien-Longchenpa


KÉO DÀI TRẠNG THÁI (CHỨNG NGỘ CÁI THẤY) BẰNG THAM THIỀN

Phác Họa sự Tham Thiền cho Người thuộc Ba Cấp Độ Trí Năng

(i) Cấp độ tham thiền cho người trí năng kém.

(a) TÌM KIẾM SỰ AN ĐỊNH

(1) THUẦN HÓA NHỮNG TƯ TƯỞNG

Trước hết người ta cần thực hành Guru Yoga. Rồi ngồi trong tư thế Vairocana (Tỳ Lô Giá Na) có bảy điểm. Đặc biệt, bày tay phủ lên đầu gối và cổ cần giữ thẳng. Hãy quán tưởng ba kinh mạch, và khi thở ra từ những phần dưới chót của kinh mạch Roma và Kyangma hãy thở ra không khí sáng rỡ như như một chuỗi khói cuộn (nhiều màu và bản chất khác nhau) : Trắng và trong sáng, xanh và lan tỏa, đỏ và sâu, vàng và trong sáng, lục và ấm áp, xanh và đơn điệu. Khi thở vào, đếm đến năm trong tâm bạn. Như thế, bằng cách tham thiền một xâu chuỗi (108 chu kỳ thở), những tư tưởng thô sẽ bình lặng.

(2) TẬP TRUNG CỦA TÂM

Hãy giữ một đối tượng như một hình ảnh, một cuốn kinh, một hòn sỏi hay một miếng gỗ trước mặt bạn. Giữ sự trông chừng đối tượng mà không chuyển động và tập trung vào nó mà không xao lãng. Khi tập trung, bất kỳ khó chịu, mùi hương, tư tưởng nào khởi lên, hãy cắt lìa chúng và để chúng ra đi. Xem đối tượng tập trung với một tâm trống trơn. Nếu tâm nhất tâm, bấy giờ hãy thiền định nhất tâm bằng cách nhắm mắt, và tập trung trên hình sắc những của đối tượng (in trong tâm). Nếu tâm trở nên phóng dật, hãy mở mắt ra và tập trung thẳng vào chính đối tượng. Bằng cách thực hành theo cách này, hãy khai triển sự an định của tâm, sự tập trung vào những hình tướng của năm đối tượng của năm giác quan và những hiện tượng, đối tượng của tâm.

(3) TẬP TRUNG VÀO ÂM THANH VÀ NHỮNG CÁI KHÁC

Cũng thế người ta tu hành trên âm thanh.... Hãy tham thiền bằng cách tập trung tai nhất tâm vào âm thanh của người, gió, những con chó.... Lại nữa, tham thiền bằng cách xoay vào trong, thôi nghe tiếng động thực sự và nghe tiếng được in vào trong tâm. Bằng cách lập lại hai sự tu hành (về âm thanh) này lần lượt, người ta sẽ hoàn thiện sự tập trung vào âm thanh. Trong cùng cách đó, hãy thực hành trên hương, vị và xúc dùng cùng những kỹ thuật. Bằng cách làm những thực hành này, về sau, khi người ta tham thiền (về bất cứ loại thiền định nào,) năm đối tượng giác quan sẽ không có những phóng dật mà là những hỗ trợ. Thế nên nó rất quan trọng.

(4) TU HÀNH TRÊN PHÁP

Hãy tự quán tưởng mình là một hóa thần bổn tôn và tham thiền trong trạng thái ấy mà không dao động. Khi người ta có thể duy trì sự tập trung nhất tâm, hãy tham thiền rằng những hóa thần ấy ban phước cho chúng sanh khi phát ra và thu hồi những tia sáng, hoặc bốn tâm vô lượng với chúng sanh, tập chú vào những thiền định ấy với tâm sáng tỏ và nhất niệm mà không dao động. Lập lại hai sự tu hành này (chỉ tập trung và ban phước cho chúng sanh) lần lượt kế tiếp nhau, người ta sẽ khai triển an định khi duy trì sự tập trung vào tính bình đẳng (của hai trường hợp) phóng chiếu và an trụ của tâm.

(b) KHAI TRIỂN QUÁN CHIẾU

(1) THAM THIềN TRONG TRẠNG THÁI BÌNH ĐẲNG NHƯ HƯ KHÔNG DỨT BẶT NHỮNG ĐỐI TƯỢNG BÊN NGOÀI ĐỂ NẮM BẮT

Nhiều đối tượng khác nhau xuất hiện biểu lộ như mộng và huyễn thuật, nhưng nếu được phân tích xuống tới những nguyên tử không có phần tử, chúng (được thấy) là trống không, vì chúng không hiện hữu. Thế nên, hãy tham thiền tự nhiên trong trạng thái tự-sáng tỏ và trống không, không có đối tượng cũng như các giác quan nắm bắt để hiểu biết. Đây là một điểm quan trọng cho sự chứng ngộ vô ngã của những đối tượng và những tri giác.

(2) NGƯỜI NẮM BẮT BÊN TRONG LÀ KHÔNG CÓ GỐC RỄ VÀ TRỐNG KHÔNG

Khi người ta tìm kiếm bản chất của tâm, cái tâm hiểu biết những chủ thể và những đối tượng, người ta sẽ không tìm thấy nó có bất kỳ hiện hữu nào, quá khứ hay hiện tại, vật chất hay chẳng phải vật chất, đến, trụ và đi, hay màu sắc và hình dáng v.v.... Đến đây, hãy an trụ tự nhiên trong trạng thái của tâm không gốc rễ, vô trụ mà không có sự nắm bắt. Điều này sẽ đưa đến chứng ngộ tánh Không của sự nắm bắt cho là “tôi” và “bản thân tôi”.

(3) THAM THIỀN VỀ SỰ HỢP NHẤT (CỦA AN ĐỊNH VÀ QUÁN CHIẾU)

Đây là sự tu hành hợp nhất an định và quán chiếu, trong khi sự tu hành ở trước chúng được thực hành riêng rẽ.... Bất cứ cái gì xuất hiện (trong tâm), hãy tham thiền trong trạng thái bình thản tự nhiên, bằng phẳng một cách an lạc, trong sáng không dấu vết, tự do bao la, và rỗng rang không giới hạn mà không có một biên giới nào của phân tích dựng lên. Vào lúc đó sự chứng ngộ như hư không hiện khởi, nó không có trong, ngoài hay ở giữa. Nó là sự thành tựu tự nhiên của an định vì nó an trụ, của quán chiếu vì nó trong sáng và của hợp nhất một vị vì nó không thể chia tách.

(ii) Cách thiền định cho người trí năng bình thường.

(a) THIỀN ĐỊNH VỀ TÁNH KHÔNG NHƯ HƯ KHÔNG

Thân ở trong tư thế Vairocana bảy điểm không cử động, như núi Tu Di. Những giác quan ở yên một cách trong sáng trong sự tự-sáng tỏ không ngừng, như phản chiếu của mặt trăng trong một cái ao. Bất cứ hình tướng gì khởi lên (trong tâm), chớ tập trung vào phương diện xuất hiện mà ở yên với phương diện tánh Không của nó, đó là sự sáng tỏ toàn triệt, vô trụ và tràn đầy mà không có (những phân biệt và giới hạn) ngoài, trong hay giữa. Qua sự thiền định này người ta chứng ngộ tất cả mọi hiện tượng là tánh Không không kẽ hở không gián đoạn như hư không.

(b) THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ SÁNG TỎ NHƯ TẤM GƯƠNG

Tư thế của thân và sự tập chú của những khả năng giác quan thì tương tự với thiền định ở trước. Ở đây người ta không tập trung vào phương diện tánh Không mà tham thiền trạng thái tự-sáng tỏ không có nắm bắt của những thấy biết, một cách trong sáng, sống động và mãnh liệt. Bấy giờ sự chứng ngộ về không định nghĩa (những tri giác hay những hình tướng không được định nghĩa) (Khral-Ma Khrol) hiện khởi, trong đó mọi hiện tượng xuất hiện mà không có sự nắm hiểu.

(c) THIỀN ĐỊNH VỀ NHỮNG SANH KHỞI NHƯ SÓNG

Tư thế của thân và sự tập chú của những khả năng giác quan giống như ở trên. Ở đây, người ta đặc biệt tập chú vào sự sanh khởi của những tư tưởng phóng ra và thu vào, qua trạng thái của tánh giác vốn có sẵn (Rig-pa). Từ đó, hiện khởi sự chứng ngộ về giải thoát những tư tưởng là không có căn cứ và không thể nắm bắt như những cơn sóng tan biến trong nước.

(iii) Cách thiền định cho người trí năng cao.
Ở đây, (trạng thái thiền định và chứng ngộ) là một dòng tương tục không ngừng như sự chảy của một dòng sông. Trong sự chứng ngộ tánh giác là Pháp thân, những phóng chiếu và thu hồi (của tâm thức) khởi lên và tan biến như trò chơi của bản tánh tối hậu. Từ đó, mọi sự khởi sanh như là sự tu hành làm sáng tỏ cho chứng ngộ, mà không có những lấy hay bỏ và những lệch lạc hay che ám. Trên một đảo bằng vàng, đá thường và đất là không thể có dù cố sức tìm kiếm. Cũng thế, bởi vì bất cứ cái gì sanh khởi trong tâm thức là sanh khởi như trí huệ tự nhiên sanh khởi, những tư tưởng nơi chủ thể không gì khác hơn là sự chứng ngộ của Phổ Hiền (Samantabhadra) vốn giải thoát từ vô thủy. Bất cứ cái gì sanh khởi như đối tượng là sanh khởi như sắc tướng của tánh Không. Thế nên, (đối với thiền giả) những tư tưởng về đối tượng không gì khác hơn là pháp giới thênh thang của Phổ Hiền Nữ (Samantabhadri) vốn tự giải thoát từ vô thủy. (Với thiền giả đó) tất cả mọi phương diện hiện tượng, chúng thường được nắm bắt riêng rẽ như tâm và đối vật, đã dừng dứt trong cảnh giới Đại Toàn Thiện bất nhị. Trong đó mọi hiện tượng vốn khởi sanh trong pháp giới của trí huệ mà không có (những phân biệt) ngoài và trong, vốn trở thành bình đẳng nhất như không có đỉnh cao hay đáy thấp, vốn sanh khởi như trí huệ bổn nguyên tự-khởi mà không có phương hướng và điểm trụ, vốn sanh khởi như trò chơi của bản tánh tối hậu không thiên trệ, vốn tự hoàn thiện chính chúng trong trạng thái tự nhiên trụ mà không có ta và người, và vốn đạt đến cảnh giới bổn nguyên không thời gian không nơi chốn. Đó là lúc mà trí năng của thiền giả đã cạn kiệt, nó hân hoan hạnh phúc trong trạng thái tịch diệt, cạn sạch những hình tướng trong bản tánh tối hậu. Ở đây, do đã được đưa vào sự chứng ngộ không gián đoạn và sự tỉnh giác đã trở thành trần truồng, người ta hộ trì tâm thanh tịnh tự nhiên không thiền định, trôi nổi phiêu bồng một cách trần truồng và hoàn toàn không ngăn ngại, và với sự tin cậy sâu thẳm vào Nó.