Bí mật nguồn gốc gia tộc lừng danh nhất Trung Quốc


Ba chị em nhà họ Tống cùng với Tưởng Giới Thạch: Ngoài cùng bên trái là Tống Khánh Linh, Tống Ái Linh và bên phải là Tống Mỹ Linh
Trong lịch sử cận đại, không có một gia đình nào có thể khuynh đảo lịch sử quốc gia và đời sống của hàng trăm triệu người như gia đình họ Tống của Trung Hoa. Trên một nửa thế kỷ, những người trong gia đình này đã dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm quyền lực chính trị và tài chính của Trung Hoa và đã thu thập được những tài sản khổng lồ, lớn nhất thời đại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà sử học cho rằng, Tống Khánh Linh cũng như những chị em còn lại của bà thực chất không phải mang họ Tống.


Gia tộc họ Tống không phải... họ Tống!

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì ba chị em nhà họ Tống là ba người phụ nữ có chồng là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Tống Ái Linh (1890-1973) là chị cả, kết hôn với Bộ trưởng tài chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc, Khổng Tường Hi.
Tống Khánh Linh (1893-1981) kết hôn với Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc - Tôn Dật Tiên. Sau này bà trở thành Phó Chủ tịch nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 16 tháng 5 năm 1981, hai tuần trước khi mất, bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã được ban danh hiệu Chủ tịch danh dự nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa. Bà là người duy nhất được ban danh hiệu này.
Tống Mỹ Linh (1897-2003) trẻ nhất trong ba chị em, bà đã kết hôn với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch. Các con trai của gia đình họ Tống đều là các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc, một trong ba người nổi tiếng là Tống Tử Văn.

Nếu Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh không có ba cô con gái thì cuối cùng gia đình nhà họ Tống sẽ không được giàu sang quyền quý đến thế. Nhưng Tống Gia Thụ sinh được ba cô con gái rất quý tướng. Đúng ra Tống Gia Thụ có sáu người con, ba trai và ba gái. Nhưng chính ba cô con gái này đã trở thành những nhân vật xuất chúng trên chính trường Trung Hoa, vì kết hôn với những lãnh tụ lớn của Trung Hoa. Ba chị em nhà họ Tống đã tạo được một sự nghiệp chính trị hiển hách và những sản nghiệp vĩ đại cho nhà họ Tống.

Trong số ba người con gái của Tống Gia Thụ, chỉ có bà Tống Khánh Linh tạo được một địa vị cao quý trong lịch sử và tâm hồn người Trung Hoa. Bà được cả những người cộng sản và Quốc dân đảng kính trọng. Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Dật Tiên - nhà đại cách mạng Trung Hoa của đầu thế kỷ 20. Trong lịch sử Trung Hoa có hai cuộc cách mạng quan trọng nhất, đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu của xã hội và nhà nước. Cuộc cách mạng thứ nhất là của Tần Thủy Hoàng năm 221 trước Công nguyên, đã chấm dứt kỷ nguyên phong kiến, và thiết lập chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế. Cuộc cách mạng thứ hai chính là của Tôn Dật Tiên năm 1911, còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi đã lật đổ sự thống trị của vua chúa, và dẫn tới việc thành lập chế độ dân chủ.

Tuy nhiên, theo lịch sử ghi lại thì Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh thực chất không mang họ Tống. Khi còn niên thiếu, Tống Gia Thụ qua được Hoa Kỳ, sống dưới sự che chở của giáo hội Methodist vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thực chất ông vốn mang họ Hàn, được sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại đảo Hải Nam- Trung Quốc. Nhưng khi sang Hoa Kỳ, ông đã đổi tên thành Tống Charlie (Charlie Jones Soong) cho hợp với cách gọi của Hoa kiều khi đó. Trở về Trung Quốc khi đã trưởng thành, Tống Charlie lấy tên là Tống Gia Thụ, và tạo được một sản nghiệp bề thế bằng nghề in và bán sách Thánh kinh. Tống Gia Thụ khi đó cũng đã bí mật tham gia phong trào cách mạng của Tôn Dật Tiên, chống lại triều đình Mãn Thanh.

Tháng 4/1987, tại huyện Văn Xương, tỉnh Quảng Đông đã xuất bản một cuốn sách mang tên: Những kỷ niệm với đồng chí Tống Khánh Linh có ghi: "Người cha của đồng chí Tống Khánh Linh thực chất mang họ Hàn, tên gốc là Hàn Giáo Chuẩn, tên tiếng Anh là Charlie Jones Soong, còn có tên khác là Tống Gia Thụ và Tống Diệu Như. Ông Hàn Giáo Chuẩn là con trai thứ hai của gia đình Hàn Hồng Vũ, người thôn Cổ Lộ Viên, thuộc huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam".


Ba chị em họ Tống
Trong cuốn sách này đã nói rõ thân thế và nguồn gốc của ông Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh. Quả thực Tống Gia Thụ không phải mang họ Tống mà là họ Hàn. Ngoài ra tư liệu này còn ghi rõ: "Gia đình họ Hàn tại huyện Văn Xương cũng chỉ là người di cư từ nơi khác đến, không có gốc gác chính tại nơi đây. Theo gia phả ghi chép lại, tổ tiên của họ Hàn đến từ huyện Tương Châu, tỉnh Hà Nam. Vào đời Nam Tống (1126 - 1279) một số bộ lạc vùng Trung Á đã xâm lược và lấn chiếm đất đai tại vùng này, khi đó một người họ Hàn tên Hàn Hiển Liễu được bổ nhiệm làm thái thú tại huyện Văn Xương nên đã đưa cả gia đình và họ hàng đến vùng đất này. Gia tộc họ Hàn bắt đầu định cư lâu dài tại Văn Xương từ đó".

Cũng theo ghi chép, cụ của Tống Khánh Linh làm quan cho triều đình. Cụ nội của bà tên Hàn Cẩm Di, sinh được 2 người con trai. Con trai cả tên Hàn Hồng Vũ (tức ông nội của Tống Khánh Linh) và người con thứ hai tên Hàn Bằng Vũ. Hàn Hồng Vũ sau này cũng sinh được 3 người con trai lần lượt là: Chính Chuẩn, Giáo Chuẩn (tức cha của Tống Khánh Linh) và Chi Chuẩn.

Trong ghi chép của một người em họ tên là Hàn Tục Phong, con chú của Tống Khánh Linh cho biết: "Tất cả phần mộ của gia đình họ Hàn hiện nay đều nằm ở Văn Xương, khu mộ này có một tên chung là "Hàn gia chi mộ". Phía tay phải của khu mộ là một loạt những cái tên: Chính Chuẩn, Giáo Chuẩn và Chi Chuẩn. Nằm phía trước của ba ngôi mộ này là ông nội Hàn Hồng Vũ. Vì thế ngôi mộ mang tên Giáo Chuẩn chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Tống Gia Thụ- cha của Tống Khánh Linh".


Vì sao Tống Gia Thụ phải đổi họ?

Theo hồi ức của những người họ Hàn đang sinh sống tại huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Hàn Giáo Chuẩn đổi tên thành Tống Gia Thụ cũng có nguyên nhân sâu xa.

Người cha của Tống Gia Thụ là một nông dân chăm chỉ, vào những lúc nông nhàn, ông thường đi làm phu khuân vác tại các bến cảng kiếm thêm để nuôi vợ con. Tuy nhiên, cuộc sống khi đó lại vô cùng vất vả và gian khổ. Năm 1871, khi Hàn Giáo Chuẩn vừa tròn 13 tuổi, ông đã cùng người anh trai Chính Chuẩn phiêu bạt đến phía đông của Ấn Độ để học về truyền giáo. Sau đó, do có cơ may nên Tống Gia Thụ đã tiếp tục phiêu bạt đến Mỹ cũng để tiếp tục theo học truyền giáo. Tuy nhiên, ở một môi trường mới lại được tiếp xúc với những tôn giáo mới, ông đã từ bỏ Phật giáo để đến với Thiên chúa giáo. Sống dưới sự che chở của giáo hội Methodist vào khoảng cuối thế kỷ 19, Tống Gia Thụ đã theo học khoa thần học tại đại học Stewart thuộc bang Tennessee khi đó. Năm 1880, Tống Gia Thụ chính thức gia nhập Cơ đốc giáo, sau khi tốt nghiệp ông đã trở về nước với nhiệm vụ truyền giáo cho người dân Trung Quốc.

Còn nguyên nhân vì sao Tống Gia Thụ phải đổi họ thì nhiều nhà sử học cho rằng đó là một nước đi đặc biệt khôn ngoan. Trong thời gian còn ở độ tuổi thiếu niên Giáo Chuẩn vẫn đang theo học truyền giáo ở Ấn Độ, nhiều lần trở về quê hương nhưng ông đều không thấy vui vẻ. Một phần là do thấy hoàn cảnh gia đình vẫn nghèo nàn, người cha vẫn phải lao động cật lực nhưng vẫn không đủ ăn. Một lần về thăm gia đình, Giáo Chuẩn được gặp một ông cậu họ xa đã sinh sống lâu năm ở Mỹ cũng về thăm quê. Ông cậu này đang theo học tiến sỹ tại một trường Đại học bang thuộc Massachusett, đồng thời còn mở một nhà hàng buôn bán rất phát đạt bên đó. Sau khi tiếp xúc với Giáo Chuẩn, nhận thấy đây là một chàng trai nhanh nhẹn, thông minh, ông đã ngỏ ý mời Giáo Chuẩn sang cùng làm nhà hàng với ông.

Đây quả là một cơ may "có một không hai" đối với chàng trai trẻ. Giáo Chuẩn lập tức nhận lời và cùng sang Mỹ với người cậu họ xa này. Khi đến Mỹ, để tỏ lòng biết ơn, Giáo Chuẩn đã đổi họ Hàn của mình sang họ Tống- họ của người cậu và cũng là ân nhân nâng đỡ cuộc đời ông sau này.

Nhiều nhà sử học đánh giá, có thể vì chính sự "cải họ" của Tống Gia Thụ mà cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông đã có một bước rẽ hoàn toàn mới. Nếu như Hàn Giáo Chuẩn không đổi họ và theo chân người cậu sang Mỹ rất có thể lịch sử Trung Quốc đã rẽ sang một trang khác.

BÌNH THỦY