1. Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
Chúa Bà Đệ Nhất Tây Thiên là bà chúa thượng dưới thời Hùng Vương. Bà là người con gái sinh trưởng trong một gia đình có dòng dõi Hùng Vương. Tương truyền rằng đức thân mẫu của bà nằm mơ thấy tiên nữ từ đám mây ngũ sắc hạ trần, rồi mang thai và sinh ra chúa bà. Càng lớn lên, bà càng sinh đẹp giỏi giang, sau lại tập hợp quân dân giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc Ân. Sau này, đến ngày hóa, bà được quần tiên đón rước về chầu Đế Đình.
Chúa Đệ Nhất là người ban lộc bói toán và cúng lễ. Bà rất ít khi ngự đồng. Thông thường, trong lễ khai đàn mở phủ mà có dâng đàn Chúa Bói thì người ta thường thỉnh bà về chứng tòa Chúa Đệ Nhất màu đỏ. Khi ngự đồng, chúa mặc áo đỏ (áo lụa thêu phượng hoặc áo gấm), cầm quạt khai quang.
Chúa Tây Thiên không có đền thờ chính mà chỉ được thờ trên Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ và bà cũng được thờ cận bên Mẫu Tây Thiên ở Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Theo một tài liệu thì ngày tiệc của Chúa Đệ Nhất Tây Thiên là ngày 10/5 âm lịch (tương truyền là ngày chúa giáng hạ trần phàm). Khi thỉnh chúa, văn thường hát:
“Dâng văn Đệ Nhất Chúa Tiên
Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Tây Thiên chúa về”
Hay cũng có đoạn hát rằng:
“Cung vàng lầu ngọc thảnh thơi
Trăng thanh gió mát cảnh trời bao la
Nửa đêm giờ Tí canh tà
Chúa đi bạch Phật Di Đà Quan Âm
Phật ban tâm phép nhiệm màu
Quy y Tam Bảo cúi đầu vâng theo”
2. Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
Chúa Bà Đệ Nhị Nguyệt Hồ là bà chúa bói dưới thời Hùng Vương (có tài liệu lại nói chúa cũng giáng thế dưới thời Lê Trung Hưng, lại có tài liệu nói bà là con gái nuôi của Vua Hùng). Tương truyền rằng, chúa bà vốn là người thôn nữ ở đất Bắc Giang, từ nhỏ đã sống trong cảnh cơ hàn: vừa bị mù lòa lại vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng bà là người rất tốt bụng, thảo hiền, có lòng nhân hậu, vì vậy, Lão Tổ Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh đã truyền dạy cho bà những đạo pháp của mình (thuật chiêm tinh, bói toán) và đặt tên hiệu cho bà là Nguyệt Hồ (hoặc có nơi gọi là Nguyết Hồ). Sau khi đã học được phép của Tiên Sinh, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Chẳng bao lâu, danh tiếng đồn của Chúa Nguyệt Hồ đã lan tới kinh đô, đức vua bèn truyền chỉ, mời chúa về kinh đô (theo một số tài liệu ghi thì Vua Hùng nhận bà làm con nuôi), mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận.
Trong Tam Vị Chúa Mường thì bà Chúa Nguyệt là bà chúa bói danh tiếng bậc nhất và rất hay ngự đồng. Thông thường, khi có mở đàn Chúa Bói mà không thỉnh được cả Tam Vị Chúa Mường về ngự thì người ta thường hay thỉnh bà về chứng cả ba tòa chúa (Màu đỏ, màu xanh và màu trắng) còn bình thường thì chúa về chứng tòa Chúa Đệ Nhị màu xanh. Khi ngự đồng, chúa mặc áo xanh, múa mồi. Đôi khi chúa ngự về còn dùng lá trầu quả cau để xem bói, phán bảo trần gian.
Chúa Nguyệt Hồ được thờ chính tại Đền Nguyệt Hồ ở gần ga Kép, chợ Bố Hạ, tỉnh Bắc Giang (tương truyền là nguyên quán của Bà Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ khi xưa). Tiệc của Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ là ngày 15-16/2 âm lịch. Khi chúa về ngự văn thường hát các đoạn nói về điển tích của chúa như:
“Trên ngôi cao rầu rầu nét mặt
Chiếc gậy son chúa đặt phía sau
Lá trầu với lại quả cau
Tiền đài chiếc tráp sơn màu xanh la”
Hay cũng hát sử chúa rằng:
“ Nhớ người con gái thôn quê
Không may nhỡn đãng nhưng đà nhập tâm
Sống âm thầm mồ côi cha mẹ
Gặp được thầy Quỷ Cốc Tiên Sinh
Một đời làm phúc quên mình
Tiên sinh truyền phép ban danh Nguyệt Hồ
Tiếng đồn cho tới kinh đô
Có bà Chúa Bói Nguyệt Hồ rất hay”
3. Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Chúa Bà Đệ Tam Lâm Thao là bà chúa chữa dưới thời Hùng Vương. Bà còn có tên là Bà Chúa Ót (theo một số ý kiến thì Tam Vị Chúa Mường có bà chúa Lâm Thao là bà chúa thỉnh cuối cùng nên được coi là út, đọc chệch đi là Bà Chúa Ót). Tương truyền rằng, bà là công chúa, con gái ruột của Vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt. Tuy vậy bà vẫn một lòng giúp vua cha trị quốc, bà là người lo việc quân nhu quân lương trong các cuộc chiến trận, ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam, bà đi khắp vùng đem tài năng của mình để cứu giúp dân lành. Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao cũng là một người có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm phật để cầu cho quốc thái dân an.
Chúa Bà Lâm Thao cũng là vị chúa rất hay ngự về, sau Chúa Nguyệt Hồ. Như hai vị chúa trên, khi người ta dâng đàn Chúa Bói thì thường thỉnh chúa về chứng tòa Chúa Đệ Tam màu trắng. Khi về đồng bà thường mặc áo trắng, có nơi khi hầu bà thì múa mồi như Chúa Bà Đệ Nhị Nguyệt Hồ, nhưng có nơi hầu chúa lại chỉ dùng quạt khai quang.
Chúa Lâm Thao được thờ chính tại Đền Lâm Thao ở Cao Mại, Việt Trì, Phú Thọ (tương truyền là nơi khi xưa chúa lập kho quân nhu quân lương và bốc thuốc cứu dân). Ngày tiệc của Bà Chúa Ót tương truyền là 25/12 âm lịch. Trong văn chúa, thường hát rằng:
“ Lâm Thao, Cao Mại quê nhà
Anh linh trắc giáng Chúa Bà Đệ Tam”
Hay cũng có đoạn hát sử chúa:
“ Hùng Vương Thánh Tổ Lạc Hồng
Sớm khuya chầu chực ngai rồng vua cha
Ngắm xem khắp hết gần xa
Vào Chùa Hương Tích Phật Bà Quan Âm
Một lòng mộ đạo nhất tâm
Quy y Phật Tổ thần thông nhiệm màu”
Như đã nói ở trên, các bà Chúa Bói, Chúa Chữa ở trên Sơn Lâm, Sơn Trang có rất nhiều, nhưng hay về ngự đồng nhất là ba vị chúa gọi là Tam Vị Chúa Mường. Ngoài ra, đôi khi người ta cũng hay hầu thêm một số vị Chúa Bà sau đây:
4, Bà Chúa Cà Phê
Chúa Cà Phê là bà chúa bói người Nùng từ thời thượng cổ (chưa có tài liệu nào ghi chính xác là Chúa Cà Phê giáng hạ dưới thời nào), chỉ biết rằng trong các vị Chúa Bói trên ngàn, bà là người có nhiều quyền phép nhất (có một số quan niệm cho rằng Bà Chúa Cà Phê là Bà Tổ Chúa Bói, tức là bà chúa bói đầu tiên của nước Việt ta), tuy nhiên bà lại sống ẩn dật trong núi, không xuất thế vậy nên ít người biết tới bà, vậy nên tuy thế nhưng bà vẫn phải thỉnh sau Tam Vị Chúa Mường.
Chúa Cà Phê không hay về ngự đồng như Tam Vị Chúa Mường, nhưng nếu có đại tiệc mở đàn Chúa Bói thì người ta cũng hay thỉnh Chúa Bà về. Khi giáng đồng chúa thường mặc áo đen (có nơi hầu Chúa lại mặc áo xanh hoặc áo vàng, tuy nhiên khá ít người hầu chúa mặc màu áo như vậy), chúa về đồng cũng múa mồi.
Đền thờ Bà Chúa Cà Phê ở trong vùng rất hoang vu heo hút (thậm chí còn chưa có mạng lưới điện chạy tới), đó là ngôi đền nhỏ gọi là Đền Chúa Cà Phê ở trong miền Phố Vị, Lạng Sơn. Chúa ít khi ngự đồng nên văn chúa cũng khá ít, chỉ có một hai câu khi thỉnh chúa như:
“ Hách danh Chúa Bói Cà Phê
Lên chơi Phố Vị, trở về Tam Thanh”
5. Bà Chúa Tộc Mọi
Chúa Mọi cũng là một bà chúa bói, đúng như danh hiệu, bà là bà chúa của tộc người Mọi người rừng từ rất xa xưa. Hiện nay thì mọi tài liệu kể về sự tích cũng hiển tích của chúa rất ít, hầu như là không có nên chúa cũng được khá ít người biết tới.
Chúa Mọi hầu như không mấy khi ngự về đồng, trong số ít những người hầu, Bà Chúa Tộc Mọi thường mặc áo đen (hoặc áo chàm) và chúa về cũng múa mồi.
Theo truyền miệng (và cũng chưa xác định được chính xác) thì đền thờ chúa cũng ở Lạng Sơn, từ Đền Công Đồng Bắc Lệ đi vào đến cửa rừng Thất Khê, Đèo Kẻng thì khi xưa có ngôi đền chúa. Còn lại một câu hát văn lưu truyền là để thỉnh chúa như sau:
“Khắp Sơn Lâm nức danh Chúa Mọi
Tiếng vang lừng khắp cõi Nam Bang”