Trong đây có nói đến 35 vị như lai trong 88 vị phật sám hối

PHẬT THUYẾT QUYẾT ĐỊNH
TỲ NI KINH
Đại Chánh (Taisho) vol. 12, no. 325
Hán dịch: Quần Lục Giai Vân
Phiên âm & Lược dịch: Nguyên Tánh & Nguyên Hiển
Hiệu đính: Thích Nữ Diệu Thuần (12-2006)
















Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Tịnh xá Cấp-cô-độc trong rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, cùng với một ngàn hai năm mươi vị đại Tỷ-kheo và tám vạn Bồ-tát.
Bấy giờ đức Thế Tôn như Long vương quan sát Quán sát Đại chúng xong rồi bảo các Bồ-tát rằng, trong các nhân giả thì ai là người có thể ở trong đời ác sau này mà kham nhẫn hộ trì chánh Pháp, dùng các phương tiện để thành tựu chúng sanh?
Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc liền rời tòa đứng dậy, trịch áo bày vai bên phải, quỳ xuống mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Vào đời sau con có thể kham nhẫn. mà thọ trì pháp A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề của Như Lai trong trăm ngàn vạn ức na–do-tha a-tăng-kì kiếp làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.Bồ-tát Sư Tử bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn và thành tựu chúng san.Bồ-tát Kim Cang bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, thương xót và bảo vệ mọi loài chúng sanh xấu ác. Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bạch Phật rằng:Con có thể kham nhẫn, đáp ứng đầy đủ những gì chúng sanh mong cầu .Bồ-tát Trí Thắng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, giáo hóa chúng sanh từ bỏ vô minh. Bồ-tát Pháp Thắng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! con có thể kham nhẫn, giáo hóa chúng sanh xa lìa các việc phi pháp.

Bồ-tát Nguyệt Thắng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, giáo hóa chúng sanh xa lìa các pháp chẳng có công đức. Bồ-tát Nhật Thắng bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, đem pháp an lạc giáo hóa khiến chúng sanh đều được độ thoát .Bồ-tát Vô Úy bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, thành tựu lợi ích cho vô biên chúng sanh. Bồ-tát Bạt-đà-bà-la bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn, thuyết pháp vô ngại khiến mọi loài chúng sanh đều nghe hiểu và thành tựu trí huệ.


Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con có thể kham nhẫn và phát nguyện lớn, khiến tất cả chúng sanh đều được thành tựu. Bồ-tát Nguyệt Quang bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà giáo hóa chúng sanh, khiến tất cả thường thực hành bố thí. Bồ-tát Diệu Mục bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà đem cho chúng sanh nguồn gốc của sự an lạc . Bồ-tát Quán Thế Âm bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn để làm chỗ nương tựa cho chúng sanh cang cường trong đường ác. Bồ-tát Đắc Đại Thế bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn làm cho mọi loài chúng sanh khó độ trong đường ác đều được độ thoát. Bồ-tát Thiện Sồ bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh khó điều phục đều được điều phục. Bồ-tát Diệu Ý bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn làm cho mọi loài chúng sanh ưa pháp Tiểu Thừa đều được độ thoát. Bồ-tát Hỷ Lạc bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh thấp hèn xấu ác đều được độ thoát.

Bồ tát Nguyệt Tích bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh trong đường súc sanh đều được thành tựu giải thoát. Bồ-tát Vô Tận Tránh bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn để chỉ bày chánh đạo, khiến chúng sanh được thành tựu. Bồ-tát Ái Kiến bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn làm lợi ích an lạc cho mọi loài chúng sanh cầu trí huệ chơn thật. Bồ-tát Bất Tư Nghì bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà thương xót thành tựu chúnh sanh trong đường ngạ quỷ. Bồ-tát Nhật Quang bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh chưa thuần thục đều được thuần thục .

Bồ-tát Tỳ-ma-la-kiết bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn làm cho các mong cầu của chúng sanh đều được mãn nguyện.
Bồ Tát Đại Khí Lực bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà đóng cửa các đường ác cho mọi loài chúng sanh. Bồ Tát Đoạn Nghi bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh ưa pháp Tiểu Thừa đều được độ thoát. Bồ Tát Trụ Vô Úy bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà thường khen ngợi làm lợi ích cho mọi loài chúng sanh. Bồ Tát Cát Thắng Trí bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà tùy thuận sở thích của chúng sanh để độ thoát họ. Bồ Tát Trụ Vô Lượng bạch Phât rằng: Con có thể kham nhẫn để thuyết pháp vô vi cho mọi loài chúng sanh. Bồ Tát Trụ Nhất Thiết Pháp Vô Úy bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn để tùy thuận các thứ chúng sanh ưa thích mà thị hiện ra. Bồ Tát Diệu Ý bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà thường thị hiện những điều chúng sanh yêu mến để thành tựu cho họ. Bồ-tát Vô Cấu Viêm bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà thương xót ủng họ chúng sanh khiến được thành tựu. Bồ-tát Ma-ni Quang bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn để khiến mọi loài chúng sanh tự biết được đời trước. Bồ-tát Quang Đức bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn đem giáo pháp Tứ Chánh Cần để cứu vớt chúng sanh.

Bồ-tát Hiền Đức bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà đoạn trừ rốt ráo các khổ não cho chúng sanh. Bồ-tát Bảo Thủ bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà đem các kho báu bố thí cho mọi loài chúng sanh khiến được an lạc. Bồ-tát Tối Thắng Ý bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn cứu giúp mọi loài chúng sanh bần cùng khiến xa lìa đói khổ. Bồ-tát Đoạn Chư Triền bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh thường được xa lìa các phiền não sợ hãi. Bồ-tát Kim Cang Quang bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà chỉ bày chánh Đạo cho mọi loài chúng sanh. Bồ-tát Hiện Đức Sắc Tượng bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà cung cấp các thứ khiến được đầy đủ mong cầu của mọi loài chúng sanh . Bồ-tát Xuất Diệu bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn thường thuyết hạnh tu các pháp thanh tịnh. Bồ-tát Kim Cang Thể bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà diệt trừ tất cả chướng ngại cho mọi loài chúng sanh. Bồ-tát Pháp Ích bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn thường đem chánh Pháp mà độ thoát tất cả chúng sanh. Bồ-tát Vô Thiếu Hửu bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà diệt tất cả độc hại cho mọi loài chúng sanh. Bồ-tát Nguyệt Thượng bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà thị hiện thuyết pháp cho tất cả chúng sanh. Bồ-tát Sư Tử Ý bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn thường đem giáo pháp làm lợi ích cho chúng sanh. Bồ-tát Ý Tử Quang bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà độ thoát tất cả chúng sanh ở nơi thấp hèn. Bồ-tát Phật Công Đức bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn hiển bày Chánh đạo để đoạn trừ các đường ác. Bồ-tát Kim Cang Quang bạch phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà hiện ra thân voi để độ thoát chúng sanh. Bồ-tát Đức Cát Thắng bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh tổn giảm đều được tăng ích. Bồ-tát Trì Thế bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn mà đóng bít các cửa địa ngục. Bồ-tát Trì Cam Lồ bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn khiến mọi loài chúng sanh thoát khỏi sanh tử khổ. Bồ-tát Võng Minh bạch Phật rằng: Con có thể kham nhẫn thừng hiện quang minh diệt trừ cấu uế cho mọi loài chúng sanh. Bấy giờ Xá-lợi-phất nghe các vị Bồ-tát nói như vậy, lấy việc thành tựu chúng sanh để tự trang nghiêm là việc chưa từng có, liền đến trước Phật bạch rằng:
Bạch Thế Tôn! Đó là việc chưa từng có vậy. Các vị Bồ-tát khởi tâm đại bi không thể nghĩ bàn, dùng các phương tiện kiên cố, tinh tấn tự trang nghiêm để giáo hóa tất cả chúng sanh cho đến số lượng không thể đếm biết, không thể theo kịp, không thể hàng phục. Các Bồ-tát ấy có ánh sáng không bị chướng ngại. Bạch Thế Tôn! Con thường khen ngợi các Bồ-tát ấy làm việc hiếm có cho đến có người cầu xin các vật từ đầu, mắt, tai, mũi, thân thể, tay chân. Lúc họ cầu xin thì Bồ-tát không tiếc nuối cũng không sanh tâm hối hận. Bạch Thế Tôn! Con thường suy nghĩ như vậy,
nếu có người đến cưỡng bức các vị Bồ-tát, cầu xin bên ngoài cũng như nơi thân Bồ-tát, con biết các vị ấy đều trụ nơi giải thoát bất tư nghì.


Phật bảo Xá-lợi-phất: Đúng thế đúng thế! như lời ông nói, các Bồ-tát này có cảnh giới phương tiện trí huệ của thiền định, chẳng phải chỗ mà hàng phàm phu, tất cả Thanh văn, Duyên giác có thể suy lường. Lại nữa Xá-lợi-phất , tuy các Bồ-tát này thấy được thần thông biến hóa của chư Phật, nhưng đối với các pháp không có tâm chuyển động, thường làm mãn nguyện cho chúng sanh đối với những điều họ mong cầu. Lại nữa Xá-lợi-phất, nếu có chúng sanh ưa thân cư sĩ thì Bồ-tát hiện thân cư sĩ mà làm cho thành tựu; nếu có chúng sanh ưa quyền lực thì Bồ-tát hiện thân vua quan có oai lực lớn mà điều phục họ; nếu có chúng sanh để tâm cầu Niết Bàn thì Bồ-tát dùng Thanh văn thừa mà độ thoát họ; nếu cầu quả Duyên Giác thì Bồ-tát hiện thân Bích Chi Phật mà độ thoát họ; nếu người cầu đạo đại Thừa thì Bồ-tát hiện thân Phật diễn bày tất cả các pháp. Như vậy, Xá-lợi-phất, các vị dùng các phương tiện mà thành tựu chúng sanh, khiến tất cả đều trụ nơi Phật Pháp. Tại vì sao? Xá-lợi-phất, nếu trừ trí tuệ của Như Lai thì không có Thừa nào khác mà được độ thoát đến nơi Niết Bàn, do nghĩa này nên gọi là Như Lai. Tại vì sao? Như Lai thuyết Như như pháp, tức giác ngộ Chân như, biết được pháp này nên gọi là Như Lai; biết các thứ chúng sanh ưa thích mà hiện ra nên gọi là Như Lai; thành tựu tất cả căn lành, đoạn trừ tất cả căn xấu ác nên gọi là Như Lai; có thể chỉ bày con đường giải thoát cho chúng sanh nên gọi là Như Lai; có thể khiến chúng sanh xa lìa đường tà, chỉ bày Chánh đạo nên gọi là Như Lai; thuyết giảng các pháp không, hiển bày nghĩa Không, nên gọi là Như Lai; tất cả chúng sanh có bao nhiêu nghiệp thức bao nhiêu ước muốn tuỳ ý muốn của họ mà chỉ bày con đường giải thoát nên gọi là Như Lai. Các phàm phu vọng tưởng nghi hoặc, Bồ-tát có thể khiến họ biết chẳng phải là pháp chơn thật, các Bồ-tát không sanh loạn động đối với các pháp thế gian chúng sanh như huyễn đều khiến cho họ được giải thoát, dần dần sẻ tiến đền Đạo tràng. Lại nữa Xá-lợi-phất, Bồ-tát tại gia nên tu hai pháp bố thí. Thế nào là hai pháp? Một là Tài thí, hai là Pháp thi. Lại nữa Xá-lợi-phất! Bồ-tát xuất gia là nhu hòa không sân giận, nên tu bốn pháp bố thí. Thế nào là bốn? Một là giấy, hai là mực, ba là bút, bốn là pháp. Bốn pháp bố thí như vậy, người xuất gia nên tu hành sẻ đắc pháp Vô sanh nhẫn như các Bồ-tát. Lại phải tu tập ba pháp bố thí. Thế nào là ba? Bố thí ngôi vua, bố thí vợ con, bố thí đầu mằt. Ba thứ như vậy gọi là Đại thí, gọi là Cực diệu thí. Muốn đắc pháp Vô sanh nhẫn như các Bồ-tát, nên tu ba thứ bố thí như vậy. Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát không nên sợ tham dục, sân giận và si mê.

Phật bảo Xá-lợi-phất, Bồ-tát có hai thứ Đại phạm. Thế nào là hai? Do sân giận ngu si mà phạm giới goi là Đại phạm; do tham dục mà phạm gọi là tiểu phạm, khó trừ bỏ hết; do sân giận mà phạm nên gọi là Đại phạm, có thể trừ bỏ được; do ngu si mà phạm giới cũng gọi là Đại phạm, khó trừ bỏ; do đâu mà nói tham dục là lổi nhỏ khó trừ bỏ, vì tham dục hay tăng trưởng gốc chồi sanh tử, cũng tạo ra hạt giống sanh tử, vì nghĩa này nên nói tiểu phạm khó trừ bỏ. Do sân giận mà phạm giới sẽ đọa vào đường ác địa ngục súc sanh, nhanh chóng có thể khiến cho tâm chướng ngại nên cũng dễ trừ bỏ. Do ngu si mà phạm giới sẽ đọa vào tám địa ngục lớn, chịu các thống khổ khó được giải thoát. Lại nữa Xá-lợi-phất, nếu có Bồ-tát phạm giới sát sanh thì ở trước mười người đem tâm ngay thẳng ân cần mà sám hối; nếu phạm giới thứ hai thì ở trước năm chúng đem tâm ngay thẳng ân cần mà sám hối; nếu nắm tay người nữ, mắt nhìn, tâm khởi điều xấu, thì ở trước một người hoặc hai người đem tâm ngay thẳng ân cần sám hối; nếu có Bồ-tát tạo tội ngũ vô gián, phạm tội với người nữ, phạm tội với người nam, hoặc phạm tội với tháp miếu, hoặc phạm tội với Tăng, các thứ phạm tội như vậy, Bồ-tát nên ở trước ba lăm vị Phật phát lồ sám hối các tội, rồi ngày đêm chí tâm sám hối. Pháp sám hối như sau: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.


Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Kim Cang Bất Hoại Phật, Nam Mô Bảo Quang Phật, Nam Mô Long Tôn Vương Phật, Nam Mô Tinh Tấn Quân Phật, Nam Mô Tinh Tấn Hỷ Phật, Nam Mô Bảo Hỏa Phật, Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Nam Mô Tinh Tấn Hỷ Phật, Nam Mô Bảo Hỏa Phật, Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Cấu Phật, Nam Mô Ly Cấu Phật, Nam Mô Dũng Thí Phật, Nam Mô Thanh Tịnh Phật, Nam Mô Thanh Tịnh Thí Phật, Nam Mô Ta Lưu Na Phật, Nam Mô Thủy Thiên Phật, Nam Mô Kiên Đức Phật, Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật, Nam Mô Vô Lượng Cúc Quang Phật, Nam Mô Quang Đức Phật, Nam Mô Vô Ưu Đức Phật, Nam Mô Na La Diên Phật, Nam Mô Công Đức Hoa Phật, Nam Mô Liên Hoa Quang Du Hí Thần Thông Phật, Nam Mô Tài Công Đức Phật, Nam Mô Đức Niệm Phật, Nam Mô Thiện Danh Xưng Công Đức Phật, Nam Mô Hồng Diệm Đế Tràng Vương Phật, Nam Mô Thiện Du Bộ Công Đức Phật, Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật, Nam Mô Thiện Du Bộ Phật, Nam Mô Châu Tạp Trang Nghiêm Công Đức Phật, Nam Mô Bảo Hoa Du Bộ Phật, Nam Mô Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Sa La Thọ Vương Phật.

Vậy đó, tất cả chư Phật thường trụ ở đời trong tất cả thế giới, nguyện chư Thế Tôn thương xót cho con ở trong đời này hoặc là đời trước từ vô thỉ sanh tử đến nay đã tạo các tội, hoặc tự làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người khác làm mà vui mừng; đối với vật dụng của tháp, của Tăng, của tứ phương Tăng hoặc tự lấy, hoặc bảo người khác lấy, hoặc thấy người khác lấy mà vui mừng; đối với tội Ngũ vô gián hoặc tự làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người khác làm mà vui mừng; đối với mười pháp bất thiện hoặc tự làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người khác làm mà vui mừng; đối với tội chướng đã tạo, hoặc che dấu hoặc không che dấu, đáng đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường ác, hoặc sanh vào nơi biên địa hạ tiện, miệt lệ xa. Như vậy, tội chướng đã tạo đáng đọa vào các nơi ấy, nay xin sám hối, nguyện chư Phật Thế Tôn chứng minh cho con, thương xót cho con. Con lại ở trước chư Phật mà phát nguyện rằng: Hoặc ở đời này hoặc đời khác, từng thực hành bố thí hay giữ giới thanh tịnh cho đến bố thí súc sanh một nắm cơm; hoặc tu tịnh hạnh nếu có ít căn lành; hoặc thành tựu chúng sanh, nếu có căn lành; hoặc tu hạnh Bồ-đề, nếu có căn lành; hoặc tu vô thượng trí, nếu có căn lành, tất cả thiện căn kể trên đều hợp lại mà hồi hướng đến đạo Vô Thượng Chánh Đẵng Chánh Giác, như chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đã hồi hướng, con cũng hồi hướng như vậy.


Các tội xin sám hối, Chư phước đều tuỳ hỷ,
Và công đức thỉnh Phật Nguyện thành Vô thượng trí.
Quá khứ hiện tại Phật, Tối thắng với chúng sanh,
Công đức như biển cả, Con đảnh lễ quy y.


Như vậy Xá-lợi-phất! Bồ-tát quán tưởng ba lăm vị Phật này như ở trước mắt, suy nghĩ công đức mà Như Lai có như vậy rồi thanh tịnh sám hối. Bồ-tát nếu sám hối được thanh tịnh rồi thì lúc ấy chư Phật sẽ hiện thân trước mắt, vì độ sanh nên cũng thuyết giảng các hạnh tu, khiến cho chúng sanh mê hoặc được thành tựu. Đối với các thế gian Bồ-tát không sanh tâm giao động, mà tùy theo các thứ ưa thích của chúng sanh mà làm cho mãn nguyện rồi độ thoát họ. Khi Bồ-tát nhập định Đại bi tam-muội thì Bồ-tát có thể thị hiện trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường ác khác. Bồ-tát nếu nhập định Trang nghiêm tam-muội, thì hiện thân cư sĩ để thành tựu chúng sanh. Bồ-tát nếu nhập định Diệu thắng tam-muội thì có thể hiện thân Chuyển luân vương mà thành tựu chúng sanh. Bồ-tát nếu nhập định Quang diệu tam-muội thì có thể hiện thân Đế thích Phạm vương mà thành tựu chúng sanh. Bồ-tát nếu nhập định Nhất tâm tam-muội thì hiện thân Thanh văn mà thành tựu chúng sanh. Bồ-tát nếu nhập định Thanh tịnh bất nhị tam-muội, thì hiện thân Bich Chi Phật mà thành tựu chúng sanh. Bồ-tát nếu nhập Tịch tịnh tam-muội, thì có thể hiện thân Phật mà thành tựu chúng sanh Bồ-tát nếu nhập định các pháp Tự tại tam-muội, thì tùy theo sự ưa thích của chúng sanh mà hiện các thân hình để thành tựu chúng sanh. Lại nữa, Bồ-tát hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương đều do muốn thành tựu chúng sanh. Nhưng Bồ-tát đối với pháp thế gian không hề lay động, tại vì sao? tuy là tùy theo sự ưa thích mà hiện các hình nhưng Bồ-tát là bất đắc dĩ nên tùy thuận chúng sanh mà hiện các hình. Lại nữa Xá-lợi-phất, lúc vua loài thú là sư tử cất tiếng rống thì các loài trùng nhỏ có thể chịu được không? Thưa Thế Tôn! Không chịu được. Lại như voi chúa chở các vật nặng, các loài như lừa, la, có thể chở được không? Thưa Thế Tôn! Không được. Lại nữa, như Đế Thích Phạm Vương, có oai đức sáng rỡ thì kẻ bần cùng có so sánh được không? Thưa Thế Tôn! Không được. Này Xá-lợi-phất, ý ông nghĩ sao, như chim đại bàng cánh vàng có sức mạnh, các chim bồ câu, uyên ương có thể sánh được không? Thưa Thế Tôn! Không được. Như vậy Xá-lợi-phất, Bồ-tát có tâm dũng mảnh, căn lành kiên cố, nếu có tội thì nhờ vào trí xuất ly này mà được gặp chư Phật và đắc Tam-muội, không phải tất cả chúng sanh, Thanh văn, Duyên Giác có phạm tội rồi sám hối mà có thể diệt trừ. Bồ-tát nếu có thể xưng danh hiệu của chư Phật, ngày đêm thường thực hành ba việc thì được tiêu tội và đắc định Tam-muội.

Bấy giờ ngài Ưu-ba-ly xuất định, rồi đến trước Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật rồi ngồi một bên bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Trước đây con ở chỗ vắng, ngồi một mình suy nghĩ như vậy: Như Lai thuyết giới thanh tịnh Ba-la-đề-mộc-xoa, phải nên khéo học. Phật vì Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa nên thuyết như vậy, dầu bỏ thân mặng cũng không xả bỏ giới pháp. Bạch Thế Tôn! hoặc khi Phật còn tại thế hoặc sau khi niết bàn, thế nào gọi là Thanh văn thừa có Ba-la-đề-mộc-xoa? Và thế nào Bồ-tát thừa có Ba-la-đề-mộc-xoa? Thế Tôn nói con là người trì giới đệ nhất, con phải làm sao để thuyết giảng cho họ? Từ nay con nghe lời Thế Tôn mà thọ trì được pháp không sợ hãi, rồi sau mới rộng thuyết giảng cho mọi người. Con một mình ở nơi một mình chỗ vắng suy nghĩ như thế vậy nên con đến chỗ Thế Tôn hỏi ý nghĩa quyết định của giới luật. Nay đại chúng có các Bồ-tát và Tỷ-kheo Tăng đều hội họp, Hay thay Thế Tôn! nguyện xin thuyết giảng!

Bấy giờ Thế Tôn bảo với Ưu-ba-ly rằng: Nay ông nên biết, hàng Thanh văn có phương tiện khác, có thâm tâm khác để trì giới thanh tịnh. Hàng Bồ-tát có phương tiện khác, có thâm tâm khác để trì giới thanh tịnh. Tại vì sao? Hàng Thanh văn có phương tiện khác có thâm tâm khác; hàng Bồ-tát có phương tiện khác có thâm tâm khác. Ưu-ba-ly! Thanh văn thừa mặc dù giữ giới thanh tịnh nhưng mà đối với Bồ-tát thừa thì không gọi là tịnh giới. Bồ-tát thừa mặc dù giữ giới thanh tịnh nhưng mà đối với Thanh văn thừa thì không gọi là tịnh giới. Này Ưu-ba-ly! thế nào gọi là Thanh văn thừa mặc dù giữ giới thanh tịnh nhưng mà đối với Bồ-tát thừa không gọi là tịnh giới? Ưu-ba-ly! Thanh văn thừa không nên khởi một niệm muốn thọ thân lại, thì đó gọi là Thanh văn thừa trì giới thanh tịnh nhưng đối với Bồ-tát thừa lại là phá đại giới nên gọi là không thanh tịnh. Tại sao gọi là Bồ-tát thừa mặc dù giữ giới thanh tịnh mà đối với Thanh văn thừa lại không gọi là tịnh giới?
Này Ưu-ba-ly! Bồ-tát thừa ở trong vô lượng kiếp kham nhẫn thọ thân mà không sanh tâm nhàm chán, đó gọi là Bồ-tát thừa trì giới thanh tịnh nhưng đối với Thanh văn thừa lại là đại phá giới nên gọi là không thanh tịnh. Lại nữa, Ưu-ba-ly! Bồ-tát thừa trì giới không cùng tận nhưng Thanh văn thừa trì giới có hạn; Bồ-tát thừa trì giới khai mở nhưng Thanh văn thừa trì giới không khai mở Bồ-tát thừa trì giớ thâm sâu nhưng Thanh văn thừa trì giứi có thứ lớp.
Ưu-ba-ly! Thế nào gọi là Bồ-tát thừa trì giới không cùng tận và Thanh văn thừa trì giới có hạn? Tại vì khi Bồ-tát thừa trì giới thì đối với chúng sanh và người khác phải nên tùy thuận còn Thanh văn thừa không được tùy thuận.
Này Ưu-ba-ly, vì nghĩa như vậy nên Bồ-tát thừa hộ trì giới không cùng tận mà người Thanh văn thừa trì giới có hạn. Này Ưu-ba-ly! thế nào gọi là Bồ-tát thừa trì giới có khai mở và hàng Thanh văn trì giới không khai mở?
Ưu-ba-ly, vì Bồ-tát thừa buổi sáng có phạm giới thì buổi trưa suy nghĩ sẽ được Nhất Thiết Chủng Trí, lúc bấy giờ Bồ-tát không phá thân giới; buổi trưa có phạm giới thì buổi tối suy nghĩ sẽ được Nhất thiết chủng trí, lúc ấy Bồ-tát không phá thân giới; buổi tối có phạm giới thì đầu đêm lại suy nghĩ, sẽ được Nhất thất thiết chủng trí, lúc ấy Bồ-tát không phá thân giới; đầu đêm có phạm giới thì giữa đêm suy nghĩ thì sẽ được Nhất thiết chủng trí, lúc ấy Bồ-tát không phá thân giới; giữa đêm có phạm giới thì cuối đên sẽ suy nghĩ sẽ được Nhất thiết chủng trí, lúc ấy Bồ-tát không phạm thân giới; cuối đêm có phạm giới, sáng sớm lại suy nghĩ thì sẽ được Nhất thiết chủng trí, lúc ấy Bồ-tát không phá thân giới. Do nghĩa này nên hàng Bồ-tát trì giới có khai mở nhưng Thanh văn trì giới không khai mở. Bồ-tát không nên sanh hỗ thẹn, cũng không nên sanh tâm hối hận ràng buộc.
Này Ưu-ba-ly! Thanh văn thừa nếu phạm các tội, lúc ấy tức là phá giới, bị mất giới Thanh văn. Tại vì sao? Bởi hàng Thanh văn phải trì giới để đoạn trừ tất cả kiết sử như cứu lửa trên đầu, có tâm thâm sâu là vì Niết Bàn.
Ưu-ba-ly! vì nghĩa này nên gọi hàng Thanh văn là trì giới không khai mở. Ưu-ba-ly! thế nào gọi là hàng Bồ-tát trì giới thâm sâu, hàng Thanh văn trì giới không thứ lớp? Bởi vì Bồ-tát thừa ở trong vô số kiếp thọ năm dục lạc mà rong chơi tự tại, thọ các dục lạc rồi mà chưa từng xả bỏ phát tâm Bồ-đề, bấy giờ Bồ-tát không gọi là mất giới. Tại vì sao? Vì sau đó hàng Bồ-tát có thể khéo léo hộ trì tâm Bồ-đề, cho đến trong mộng tất cả kiết sử cũng không làm hại. Bồ-tát thừa không thể đoạn trừ tất cả kiết sử trong một đời nơi một thân mà phải dần dần đoạn trừ kiết sử, khi căn lành thành tựu thì không gì mà không thành tựu nhưng hàng Thanh văn thì như cứu lửa trên đầu, cho đến không sanh một niệm vui mừng thọ thân. Do nghĩa này mà nói hàng Đại thừa trì giới thâm sâu, hàng Thanh văn trì giới có thứ lớp. Hàng Bồ-tát trì giới khai mở mà không cùng tận, hàng Thanh văn thừa trì giới không khai mở mà có hạn lượng. Tại vì sao?
Vì đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rất khó được, phải đầy đủ Đại trang nghiêm mới có thể thành tựu, hàng Đại thừa qua lại sanh tử trong vô lượng kiếp, không nên sanh tâm nhàm chán xa kìa.
Ưu-ba-ly! Như lai quán sát tính toán, vì hàng Đại thừa mà không chỉ một chiều thuyết Pháp nhàm chán xa lìa, không một chiều thuyết pháp ly dục, Không chỉ một chiều thuyết pháp tu nhanh chóng, mà chỉ nói phát tâm hoan hỷ tương ưng với các pháp, chỉ thuyết pháp thậm thâm không khó khăn, không hối hận, không trói buộc, chỉ thuyết pháp Không, chẳng dính mắc, chẳng chướng ngại. Bồ-tát nghe pháp này rồi thì ưa sanh tử mà không sanh ưu lo hối hận, cũng có thể viên mãn hạnh Bồ-đề. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! hoặc có Bồ-tát vì dục tương ưng với tâm mà phạm giới, hoặc sân giận tương ưng với tâm mà phạm giới, hoặc ngu si tương ưng với tâm mà phạm giới. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phạm giới như vậy, thì đối với dục tương ưng tâm, sân giận tương ưng tâm, ngu si tương ưng tâm, cái nào là nặng? Bấy giờ Thế Tôn bảo Ưu-ba-ly rằng: Nếu có các Bồ-tát số nhiều như cát trong sông Hằng, vì dục tương ứng tâm mà phạm giới, hoặc có Bồ-tát vì sân giận tương ưng tâm mà phạm giới, Bồ-tát trụ nơi đạo Đại thừa nhưng do tâm sân giận mà phạm giới đó là rất nặng. Tại vì sao? Do sân giận thì có thể xả bỏ chúng sanh, do tham dục nên sanh sự yêu mến đối với chúng sanh.
Ưu-ba-ly! nếu có các kiết sử mà sanh yêu mến thì Bồ-tát không nên sanh sợ hãi, nếu có các kiết sử mà xả bỏ chúng sanh thì Bồ-tát nên sanh sợ hãi. Ưu-ba-ly! Trước kia Như lai đã nói dục khó xả ly vì phạm thấy nhỏ, sân giận dễ xả ly vì phạm thấy lớn.
Ưu-ba-ly! nếu có các kiết sử phạm tội nhỏ khó xã ly, hàng Đại thừa nên nhẫn thọ. Nếu có các kiết sử phạm tội lớn dễ xã ly, hàng Đại thừa không nên nhẫn thọ cho dù trong mộng. Do vì nghĩa này, nên hàng Đại thừa nhân nơi dục mà phạm giới, ta nói người này không phạm nhân nơi sân giận mà phạm giới, ta nói người này phạm tội lớn, gọi là họa lớn, là đọa lạc, đối với Phật pháp là nạn lớn.
Này Ưu-ba-ly, nếu có Bồ-tát không có phương tiện, khi dục tương ưng với tâm mà phạm giới thì nên sanh sợ hãi, vì sân giận mà phạm giới thì không sanh sợ hãi. Bồ-tát nếu có phương tiện khi sân giận tương ưng tâm mà phạm giới thì nên sanh sợ hãi, vì dục tương ưng tâm mà phạm giới thì không sanh sợ hãi. Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi đứng dậy đến trước Phật thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp Tỳ-ni rốt ráo vậy thì còn ai lãnh thọ Tỳ-ni? Phật dạy Văn-thù, nếu hàng phàm phu đều có thể hiểu biết tất cả các pháp Tỳ-ni rốt ráo, thì Như lai trọn không diễn thuyết Tỳ-ni, do không hiểu biết nên bấy giờ Như lai mới khiến tất cả đều phải biết các pháp Tỳ-ni rốt ráo, dần dần thuyết các pháp Tỳ-ni. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! ngài Văn-thù-sư-lợi đây đối với nghĩa chắc chắn của pháp Tỳ-ni rốt ráo mà không thuyết giảng. Bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: Nay ông nên giải nói pháp Tỳ-ni rốt ráo, bởi Ưu-ba-ly muốn được nghe nghĩa của Tỳ-ni. Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi nói với Ưu-ba-ly rằng: Tất cả các pháp rốt ráo thanh tịnh mới có thể tự điều tâm, mới thấy được Tỳ-ni rốt ráo. Tất cả các pháp không có sự trói buộc, bản tính thanh tịnh, mới thấy được Tỳ-ni rốt ráo. Tất cả các pháp không ô nhiễm, không thể đắc ngã, mới thấy được Tỳ-ni vô hối. Như ức vạn pháp môn chơn thật đều ưa thích tu học mới thấy được Tỳ-ni thanh tịnh, tất cả pháp không có phân biệt, không trói không mở, không làm không tư duy, mới được thấy không có trói buộc đắm trước. Tất cả các pháp không trụ, không nhiễm, mới thấy được các pháp thanh tịnh. Tất cả các pháp trụ nơi hư không, xa lìa các xứ, mới thấy được việc làm thanh tịnh. Tất cả các pháp không có tranh cãi, trước và sau đều không thể đắc, mới thấy được tất cả pháp ba đời bình đẳng, lìa sự thuyết giảng không có chỗ làm, mới được đoạn trừ các kiết sử.

Ưu-ba-ly! đó gọi là pháp giới Tỳ-ni rốt ráo, chư Phật Thế Tôn do đây mà đắc đạo, nếu có thể quan sát tính đến pháp này, đó gọi là khéo học giới tối thắng; nếu không quán sát pháp này, thì không thể gọi là thâm nhập chỗ học giới của Như lai. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Pháp mà ngài Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng là không thể nghĩ bàn. Bấy giờ Thế Tôn bảo Ưu-ba-ly:
Pháp mà ngài Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng là nương vào giải thoát, chỗ nương giải thoát thì tâm không có khứ lai, cho nên Văn-thù-sư-lợi thuyết tất cả pháp tâm không có khứ lai, đối với tâm giải thoát mà có người sanh tăng thượng mạn, vì trừ tăng thương mạn cho người kia nên thuyết pháp ấy. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo thực hành pháp gì mà gọi là tăng thượng mạn? Phầt bảo Ưu-ba-ly: Nếu có Tỳ-kheo suy nghĩ muốn đoạn tham dục thì goi là tăng thượng mạn, khởi suy nghĩ muốn đoạn sân hận thì gọi là tăng thượng mạn, khởi suy nghĩ muốn đoạn ngu si thì gọi là tăng thượng mạn, khởi lên suy nghĩ pháp tham dục khác với pháp chư Phật thì gọi là tăng thượng mạn, dấy lên suy nghĩ pháp sân giận khác với pháp chư Phật thì gọi là tăng thượng mạn, có suy nghĩ pháp ngu si khác với pháp chư Phật thì gọi là tăng thượng mạn dấy suy nghĩ có chỗ đắc thì gọi là tăng thượng mạn, khởi lên suy nghĩ có chỗ chứng thì gọi là tăng thượng mạn, khởi suy nghĩ có chỗ giải thoát thì gọi là tăng thượng mạn, khởi suy nghĩ có các pháp không thì gọi là tăng thượng mạn, dấy suy nghĩ mình có thấy không tướng thì goi là tăng thượng mạn, dấy lên suy nghĩ thấy không có chỗ là thì gọi là tăng thượng mạn, suy nghĩ thấy có các hành thì goi là tăng thượng mạn, suy nghĩ thấy có các pháp thì gọi là tăng thượng mạn, tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, nếu có suy nghĩ không nên nghĩ bàn thì gọi là tăng thượng mạn, có suy nghĩ các pháp là rỗng không cần gì phải tinh tấn thì gọi là tăng thượng mạn. Đó gọi là Thanh văn trụ nơi tăng thượng mạn. Thế nào gọi là Bồ-tát tăng thượng mạn?

Bồ-tát nếu có suy nghĩ ta sẽ phát tâm Bồ-đề đối với Phật thừa tối thắng, gọi đó là tăng thượng mạn; thực hành sáu pháp Ba-la-mật để được làm Phật mà dấy lên ý nghĩ đó thì sẻ gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ chỉ có pháp Bát-nhã-ba-la-mật mới được xuất ly còn các pháp khác không được xuất ly, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ đối với pháp thâm sâu nên tác động phương tiện, chẳng nhân nơi thế pháp, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ pháp này thâm sâu này pháp kia chẳng thâm sâu, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ pháp này thanh tịnh, pháp kia chẳng thanh tịnh, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; có suy nghĩ đây là pháp Phật, đây là pháp Bích-chi Phật, đây là pháp Thanh văn, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; dấy lên suy nghĩ pháp này nên làm pháp kia không nên làm, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ pháp này gần, pháp kia chẳng gần, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn;suy nghĩ đây là chánh đạo, kia là tà đạo, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ nhanh chóng sẽ đằc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không nhanh chóng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Cháng Giác, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ tất cả Phật pháp là không thể nghĩ bàn, chưa có người nào có thể giác ngộ, dấy lên ý nghĩ đó thì gọi là tăng thượng mạn; suy nghĩ đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không thể nghĩ bàn vậy không nên bàn luận, đây chẳng phải là nhận thức, nhận thức là có lỗi đó gọi là Bồ-tát trụ nơi tăng thượng mạn. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạgh Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Làm sao Tỷ-kheo xa lìa tăng thượng mạn? Phật bảo Ưu-ba-ly, nếu có Tỳ-kheo suy nghĩ các tâm lúc suy nghĩ tâm thì không đắm vào tư duy, đó gọi là tối thắng xa lìa tăng thượng mạn. Bấy giờ Thế Tôn muốn rộng phân biệt về pháp tư duy nên nói kệ rằng:

Không phân biệt pháp và phi pháp, Không nên trụ tâm vào hí luận,

Có thể biết pháp bất tư nghì, Gọi đó là người luôn thọ lạc.

Nếu ai muốn biết pháp có, không Khởi suy nghĩ ấy phải chơn thành.
Kẻ phàm phu chạy theo tà tâm Chịu trăm ngàn ức các món khổ


Nếu có Tỳ-kheo thường niệm Phật, Chẳng chân không chính như thế niệm,

Thường Phật từ phân biệt khởi, Thật không thể đắc cũng không sanh

Nếu có tư duy các pháp không, Là phàm phu trụ nơi tà đạo,

Tuy dựa danh tự thuyết pháp Không Thí trú nơi không danh tự thuyết

Nơi thanh cảnh vắng, tư duy pháp, Người đời ngợi khen Tịch tịnh nhân,

Tâm trụ giác quán là hý luận Bởi thế vô tâm là giải thoát

Mỗi tâm mỗi pháp là tư duy Hễ có tư duy là đẳm trước

Nếu xa rời pháp đắm trước này Không có tư duy, chỗ tư duy

Pháp như cỏ cây không chỗ biết Do nơi các duyên mà sanh khởi

Không có chúng sanh có thể đắc Mới biết pháp không, không các duyên

Do ánh sáng chiếu mắt được thấy Đêm đến hết duyên thì không thấy

Nếu mắt có thể thấy các sắc Tại sao hết duyên thì không thấy

Mắt thường nương nơi các ánh sáng Mà được thấy các sắc vừa ý

Thường biết tánh thấy có duyên sanh Cho nên biết mắt không thể thấy

Nếu nghe được các âm thanh hay Sanh rồi diệt không có chỗ nghe

Tìm cầu chỗ diệt không thể được Do phân biệt khởi, có âm thanh

Các pháp cũng giống các âm thanh Diễn bày mà nói có các tướng

Chưa từng sinh pháp và phi pháp Nhưng vì phàm phu mà thị hiện

Ta vì thế gian, khuyên bố thí Thật pháp kiên cố không thể đắc

Pháp Phật đã thuyết khó nghĩ bàn Vì chưa thể đắc nên diễn thuyết

Ta thường khen ngợi giữ tịnh giới Tướng của phá giới như chấp không

Các tướng phá giới như hư không Trì giới thanh tịnh cũng như vậy

Ta thuyết nhẫn nhục là vi diệu Thật tánh sân giận không thể sanh

Đối với các pháp không phiền não Mà Phật khai thị pháp nhẫn nhục

Ngày đêm thường thuyết không mỏi mệt Tinh tấn giác ngộ là tối thượng

Tuy lại siêng năng trong trăm kiếp Nhưng chỗ làm không có giảm tăng

Thiền định giải thoát là tối thắng Như Lai khai thị các pháp môn

Mà các pháp thật không tán loạn Thế Tôn thị hiện thuyết thiền định

Tánh của trí tuệ mới liễu ngộ Nếu biết các pháp là Tuệ nhân
Như tự tánh ấy không có sanh Phật nói giải thoát là thị hiện

Ta thường khen ngợi pháp khổ hạnh Hoan hỹ thực hành hạnh Đầu-đà

Tìm cầu pháp tham không thể đắc Gọi người tối thượng không tham trước

Thường vì chúng sanh trăm ngàn loài Nói việc đáng sợ trong địa ngục

Pháp vị tằng hữu tùy địa ngục Người chết đọa vào vô gián ngục

Mà địa ngục ấy không tự có Cũng không thể tạo các khí cụ

Do tâm phân biệt mới thấy có Các thứ đao kiếm thương tổn thân

Trái cây hoa quả đủ sắc màu Cung điện trang nghiêm mà sáng rở

Cũng chưa từng có người tạo ra Đều là vọng tưởng sinh phân biệt

Thành pháp giả dối lừa thế gian Phàm phu vọng tưởng sinh luân hồi

Không có tự tánh lấy hay bỏ Cũng do phân biệt có vòng lửa

Ta thuyết sự tu là tối thắng Vì chúng sanh mà phát đạo tâm

Đạo Bồ-đề là không thể đắc Nên biết người cầu đều không thật

Bản tánh trong tâm thường thanh tịnh Không có đắm nhiễm các khổ não

Phàm phu phân biệt các tâm xấu Tự sanh tham ái các nhiễm trước

Các pháp tối thắng thường vắng lặng Mà thật không có tham sân si

Pháp tánh giải thoát lìa ái nhiễm Đi đến an lạc, không chỗ đến

Ta biết các pháp như hư không Dạo chơi thế gian không sợ hãi

Tâm ý chưa có gì trước nhiễm Cho nên không trụ ở tà đạo

Ta tu các hạnh trong nhiều kiếp Độ thoát vô biên mọi chúng sanh

Mà số chúng sanh không cùng tận Cũng chưa từng có lúc giảm tăng

Thí như ảo gia giữa thế gian Hóa ra trăm ngàn vô số người

Rồi lại làm hại các người ấy Nhưng người huyễn kia không tổn hại

Tất cả chúng sanh cũng như huyễn Chưa từng thật có một chúng sanh

Nếu hay quán sát, bất tư nghì Phải biết người kia chẳng nhàm sanh

Quán đời tịch tịnh là dũng mãnh Biết thật tướng pháp cũng như vậy

Ở trong ngũ dục, thường tu hành Không sanh ái nhiễm, độ chúng sanh

Không có chúng sanh và thọ mạng Thế Tôn thương xót khởi từ bi

Tinh tấn siêng tu pháp khổ hạnh Tuy không chúng sanh vẫn lợi hành
Như nắm tay không lừa trẻ nhỏ Dẫn dụ khiến tâm khó tham đắm

Sau đó mở tay là trống không Lúc ấy trẻ nhỏ liền òa khóc

Như vậy đức Phật khó nghĩ bàn Với tướng các pháp ý thanh tịnh

Không có pháp nào không thoát ly Mà chỉ thị hiện cho thế gian

Ta với pháy ấy, rất vui sướng Xả ly pháp tục để xuất gia

Về sau sẽ đắc quả Tối thắng Mà đấng Đại Bi thường thuyết giảng

Đã là xuất gia bỏ thế tục Lại nghe pháp này mau chứng quả

Quán sát các pháp tướng chân thật Không có các quả có thể đắc

Đối với các pháp không có đắc Lại sanh ý tưởng chưa từng có

Vui thay! Đại Bi, đấng Sư tử Khéo vào tương ưng tướng các pháp

Tất cả các pháp như hư không Mà lập ra tên trăm ngàn vạn

Tên này là gốc thiền giải thoát Cũng gọi Thập lực, Thất giác chi

Các căn không có tướng sanh diệt Thập lực, giác chi cũng như vậy

Không phải sắc tánh không thể giữ Nhờ lực trí tuệ chỉ thế gian

Ta nói chúng sanh có sở đắc Đều là xa lìa các tánh tướng

Nếu nói ta có chỗ sở đắc Không gọi là đắc quả Sa-môn

Các pháp không sanh cũng không diệt Ai ở nơi pháp mà có đắc

Nói chúng sanh đắc là không được Hiểu rỏ pháp này gọi là đắc

Chúng sanh đắc quả là tối thắng Ta nói chúng sanh phi chúng sanh

Tất cả chúng sanh chưa từng đắc Cho nên không nói có đắc quả

Thí như ruộng tốt không hạt giống Trong ấy không thể sanh ra mạ

Như vậy chúng sanh không thể đắc Làm sao đi đến nơi vắng lặng

Tánh của chúng sanh thường vắng lặng Chưa từng có đắc căn bản tánh

Nếu ai thường hay quán pháp này Lời ta trọn vẹn không hề dư

Chư Phật quá khứ trăm ngàn Rộng độ chúng sanh không cùng tận

Mà chúng sanh này không có thật Cứu cánh, tịch tịnh lại bất sanh

Tất cả các pháp là tướng diệt Chưa từng có pháp được sanh ra

Nếu hay quán sát pháp như vậy Người này không đắm vào ba cõi

Ta thuyết các đạo không chướng ngại Hay lìa đắm nhiễm mà được vui
Trong trăm ngàn kiếp rất khó được Quá khứ từ thời Phật Nhiên đăng

Hay khởi tối thắng vô sanh nhẫn Đoạn sạch chướng ngại không còn dư

Vì thế có được thân thanh tịnh Mãi mãi xa lìa các tà kiến

Không còn đường ác, thường an lạc Dũng mãnh hiểu được vô ngại pháp

Không chấp các hạnh tức giải thoát Trong trăm ngàn kiếp không lo sợ

Được các biện tài cũng dễ thôi Vô biên trăm ngàn Đà-la-ni

Hiểu rõ các nghĩa Đà-la-ni Mới mau giác ngộ vô ngại pháp



Lúc Phật nói bài kệ rồi, có hai trăm Tỳ-keo tăng thượng mạn do không chấp các pháp nên tâm được giải thoát, sáu mươi (Đan bản đời Đường ghi lục thiên) Bồ-tát đắc pháp Vô sanh nhẫn. Bấy giờ Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì, làm thế nào thọ trì? Phật bảo Ưu-ba-ly, kinh này tên là Quyết Định Tỳ-ni cũng gọi là Hoại Nhất Thiết Tâm Thức, nên theo như vậy mà thọ trì.

Bấy giờ Ưu-ba-li và Văn-thù-sư-lợi cùng tất cả chư thiên, loài người, A-tu-la trong đại hội nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ lễ Phật lui ra.

Phật Thuyết Kinh Quyết Định Tỳ-Ni