Đi tìm văn hoá Việt dịp Hà Nội 1000 năm
Cập nhật lúc 20:47, Thứ Năm, 07/10/2010 (GMT+7)
, - Những ngày này người ta có thể bắt gặp hình ảnh cờ hoa rợp trời tại khu vực phố cổ và nhiều con phố trung tâm của Hà Nội nhưng lại ít điểm nhấn thể hiện chất văn hoá Việt, thể hiện bề dày lịch sử ngàn năm của thành phố.


Trang trí hình chim Hạc và Chiếu dời đô trên tuyến phố Tràng Tiền.


Không khí Hà Nội những ngày Đại lễ thực sự tấp nập với những dòng người đông đúc đổ dồn về những con phố trung tâm. Khu vực Bờ Hồ, tượng đài vua Lý Thái Tổ, như thường lệ, đông nghẹt người, đa phần đều muốn ghi lại những bức ảnh kỷ niệm vào thời khắc lịch sử của dân tộc. Điểm nhấn đáng chú ý nhất vẫn là khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ với bức Chiếu dời đô khổng lồ. Những chiếc cột lớn với những hoạ tiết trang trí hình Rồng đặc trưng của thời Lý đã được dựng lên ở khu vực này để chuẩn bị cho những sân khấu lớn.



Chiều sâu văn hoá Việt và bề dày lịch sử hàng ngàn năm của thành phố mới chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu.


Hình ảnh mô phỏng Chiếu dời đô cũng được sử dụng để trang trí dọc phố Tràng Tiền với dòng chữ 1000 năm Thăng Long cùng cách điệu hình chim Hạc chầu hai bên. Đây có thể coi là những điểm nhấn hiếm hoi thể hiện chất văn hoá Việt và bề dày lịch sử của một dân tộc, một thủ đô tròn ngàn năm tuổi.



Khu vực phố Hàng Ngang - Hàng Đào.


Cách trang trí, chăng đèn kết hoa tại các con phố trung tâm cũng có nhiều điều đáng bàn. Việc các nhà dân trên khu vực phố cổ treo đèn lồng trước cửa nhà là một nét rất đặc biệt ở Hà Nội trong những ngày này. Dù rằng việc treo đèn lồng trước cửa nhà vốn chẳng phải là điều mới bởi nhiều người đã quá quen với hình ảnh đèn lồng ở Hội An nhưng việc nhà nhà trên khu phố cổ treo đèn lồng cũng tạo nên những điểm nhấn thú vị dịp Đại lễ.



Mỗi nhà treo một kiểu đèn lồng.


Tuy nhiên, điểm đáng nói là mỗi nhà lại treo đèn một kiểu, chẳng theo nguyên tắc nào. Có nơi treo đèn lồng Hội An, nhà lại treo những chiếc đèn lồng đỏ Trung Quốc chuyên dùng trong các đám cưới, có nhà lại tận dụng chiếc đèn lồng dành riêng cho dịp Trung thu...

Chỉ có một đoạn phố Hàng Dầu và đường Điện Biên Phủ là có thể bắt gặp chất văn hoá Việt rất riêng qua những chiếc đèn lồng đỏ rất riêng với hình ảnh mô phong những cánh hoa sen kết vào nhau.



Đèn lồng hoa sen trên đường Điện Biên Phủ.


Tương tự, khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng thể hiện được chất văn hoá Việt và tinh hoa của một dân tộc trải qua cả ngàn năm. Ngay lối vào chính, hình mô phỏng tấm Chiếu dời đô với dòng chữ Chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội cũng đã được dựng lên trên hai bông hoa sen bằng lụa. Đèn lồng, cờ hội trải từ ngoài cổng đến tận lối dẫn vào Khuê Văn Các. Tuy nhiên, cảnh rao bán cờ "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" diễn ra hết sức lộn xộn bên ngoài cổng Văn Miếu ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của một nơi tôn nghiêm.



Cờ hội và đèn lồng chăng rợp lối vào Khuê Văn Các.


Song, vẫn có thể cảm nhận không khí ngày hội và chất văn hoá Việt qua thấp thoáng hình ảnh những lá cờ hội chăng trên con phố Chu Văn An hay đường Bà Huyện Thanh Quan gần Lăng Bác. Có thể nói, cảm nhận về không khí lễ hội ở thủ đô những ngày này thì có nhưng lại chưa thấy được chiều sâu văn hoá cũng như chất văn hoá Việt thấm đẫm trên từng con phố.



Cờ hội trên đường Chu Văn An.


•Hoàng Vy
Ảnh: Nguyễn Hoàng