Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, thờ thủy thần là một tục thờ có sớm và phổ biến ở các vùng có địa bàn sông nước ở đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu truyền thuyết về các vị thần được thờ trong các đình, đền ở Đồng bằng sông Hồng, lễ hội rước nước, tục thờ các vị thần này thì thấy dấu vết về tục thờ thủy thần khá đậm nét.

Từ tục thờ thành hoàng: Sự tích, nguồn gốc…



Có nguồn gốc từ thời Trung hoa cổ, sau khi du nhập vào làng xã Việt Nam đã nhanh chóng bám rễ vào trong tâm thức người nông dân Việt, trở nên hết sức đa dạng. Thành hoàng có thể là một vị thiên thần như Phù đổng Thiên vương, một thần núi như Tản Viên Sơn thần, một vị nhân thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng... lại có khi là các yêu thần, tà thần... với nhiều sự tích hết sức lạ lùng, nhiều khi có vẻ vô lý. Tuy nhiên các thành hoàng được sắc vua phong (trừ những tà thần, yêu thần...) luôn luôn tượng trưng cho làng xã mà mình cai quản là biểu hiện của lịch sử, của đạo đức, phong tục, pháp luật cũng như hy vọng sống của cả làng. Thành hoàng có sức toả sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ.

Theo tục lệ xưa, các đời vua thường phong các vị thành hoàng thành ba bậc: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần, tuỳ theo sự tích và công trạng của các vị thần đối với nước với dân, với làng xã. Các vị thần cũng được xét đưa từ thứ vị nọ lên thứ vị kia, nếu trong thời gian cai quản các vị này đã phù hộ, giúp đỡ được nhiều cho đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng. Việc thăng phong các vị thành hoàng căn cứ vào sớ tâu của làng xã về công trạng của các vị thần. Sớ này phải nộp về triều đình trong một thời gian quy định. Mỗi lần thăng phong triều đình đều gửi sắc vua ban rất linh đình và cất nó trong hòm sắc thờ ở hậu cung đình làng.

Thành hoàng cũng được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng, thường mỗi làng thờ một thành hoàng, xong cũng có khi một làng thờ hai, ba hoặc hai ba làng thờ một vị. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng.

Đình làng là nơi thờ phụng thành hoàng và trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một đình riêng. Đình để thờ thành hoàng nhưng đồng thời cũng trở thành nơi hội họp của chức sắc trong làng, hay là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Mọi hoạt động này đều xảy ra ở đình với sự chứng kiến của thành hoàng.

Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức thành hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi.

Có thể cho rằng, thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. Cho nên sự thờ phụng thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng.

Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất nề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thành hoàng để xin phép trước.



Đến những dấu tích thờ thần nước...

Những dấu tích thờ thần nước tại Hà Nam

Điểm đầu tiên phải kể đến là đền Cửa Sông (còn gọi là đền Tam Giang, đền Cô Bơ, đền Mẫu Thoải) ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đền này được dựng ngay trên một gò đất nổi ở ngã ba sông Hồng với sông Lảnh Giang. Lảnh Giang thực ra là một nhánh của sông Hồng, do quá trình phân dòng mà tạo ra một gò nổi ở giữa và một nhánh sông chảy vòng qua gò nổi đó. Chính vì thế mà đền còn có tên là đền Tam Giang. Ngày nay dòng Lảnh Giang đã cạn dần, chỉ còn dấu vết là một con lạch nhỏ, sông chảy hiền hoà nhưng xưa kia chắc chắn nơi đây nước sông chảy xiết, và ở ngã ba sông này có những vòng xoáy nước đe doạ thường xuyên đến mạng sống của người dân. Vì thế mà ngôi đền trên gò nổi trước đây trở nên linh thiêng, ngày thường có đông người đến lễ. Sau này, do sông đổi dòng, bãi nổi lở dần, đền bị sạt lở, phải chuyển vào trong.

Nay đền được xây bên cạnh dòng sông Hồng và dấu tích của dòng Lảnh Giang đang dần cạn. Ngày hội đền trước đây có tục đua thuyền, rước nước là những tục liên quan mật thiết đến việc thờ cúng thủy thần. Vị thần mà ngôi đền này thờ là Mẫu Thoải, vị thần đảm trách miền sông nước trong tín ngưỡng Tứ Phủ.

Liên quan mật thiết đến đền Cửa Sông là đền Lảnh Giang, còn được gọi là đền Chính, đền Quan Lớn Đệ Tam. Đó là đền thờ một trong ba vị đại vương vốn là ba con rắn được sinh ra từ một cái bọc. Tương truyền, vị đại vương này rất có công trong việc chống Thục nên được vua Hùng phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Từ xuất xứ của thần sinh ra từ sự hoài thai của thủy thần trong hình hài của một con rắn, biểu hiện của nước, đến tên hiệu của vị thần này cũng thấy rất rõ bản chất của thần là một vị thần sông nước. Đó là lớp nghĩa cổ nhất của vị thần này mà truyền thuyết về một vị tướng của Hùng Vương được thêu dệt sau này cũng không làm mờ lớp nghĩa ban đầu.

Đền được xây sát phía ngoài chân đê, là nơi mà dân sông nước qua lại có thể dễ dàng vào cầu nguyện. Hình ảnh của vị thần, một con rắn thần, là hình ảnh phổ biến về các vị thủy thần ở nhiều vùng sông nước. Lễ hội đền Lảnh Giang, cũng như đền Cửa Sông, có lễ rước nước, hội đua thuyền, bơi chải. Đó là những nghi lễ phổ biến của tín ngưỡng thờ thủy thần. Nằm trong vùng một cụm di tích, cách nhau chỉ 100m mà có tới hai ngôi đền thờ thủy thần, đền Lảnh Giang và đền Cửa Ông đã thể hiện rất rõ tín ngưỡng thờ thủy thần của người dân địa phương.

Có thể thấy dấu vết của tục thờ thủy thần qua biểu tượng rồng được chạm khắc xung quanh và trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, trên vách tháp cũng chạm khắc nhiều mảng rồng ổ. Rồng biểu tượng cho tín ngướng của các cư dân canh tác lúa nước, ẩn dụ sự cầu mong mưa thuận gió hòa để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên trán bia chạm hai con rồng đối xứng, chầu vào hàng chữ Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (tháp bia Sùng Thiện Diên Linh – nước Đại Việt triều vua Lý thứ tư). Rồng còn làm vật trang trí trên gạch đất nung: thân hình tròn trịa với nhiều khúc uốn lượn, chân dài và nhỏ dần về phía đuôi, vừa có dáng dấp của một con rắn, vừa có hình thù của cá sấu. Hình rồng còn thô sơ như vậy là do biểu hiện tín ngưỡng của cư dân Việt viễn cổ ở đồng bằng sông nước với tục thờ rắn và cá sấu, lấy các loài thủy tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các tộc người Việt cổ) kể rằng, ông Lạc Long Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là một loài rắn hoá thân mà thành. Rắn và cá sấu theo tín ngưỡng của dân gian được trừu tượng hóa dần, trở thành hình tượng rồng. Và rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của nó càng thể hiện uy quyền phong kiến.

Truyền thuyết về vị thần đình làng Văn Xá (thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân) cũng cho thấy rõ dấu vết của tục thờ thủy thần. Vị thần thành hoàng của làng thoát thai từ một con rắn, khi con đê vỡ, đã trở lại hình hài rắn, nằm chắn ngang đoạn đê vỡ, căng mình ra để ngăn nước lũ, bảo vệ xóm làng.

Vị thần thành hoàng của đình Đá Tiên Phong (thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên), một nữ tướng của Hai Bà Trưng lúc hóa cũng có rồng mang thuyền vàng đến đón. Đó là những trầm tích văn hoá sâu xa của tín ngưỡng dân gian nhiều khi đã bị chìm đi dưới lớp nổi là các truyện kể về lịch sử được chồng chất sau này. Nhìn vào tục thờ, lễ hội, có thể thấy rõ những biểu hiện của tín ngưỡng này, tục rước nước, tục đua thuyền… phổ biến trong các lễ hội cổ truyền ở Hà Nam.

Những dấu tích thờ thần nước tại Bắc Ninh

Tụ thờ Thần nước ngày nay vẫn còn thấy rõ nét ở các ngôi làng cổ Bắc Ninh: Kẻ Diềm (làng Viêm Xá), Kẻ Chóa (thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt) và hệ thống các đền thờ Bách Noãn ở phía Nam sông Đuống.

Theo các nhà nghiên cứu thì Bắc Ninh là vùng nông nghiệp phát triển sớm vì điều kiện tự nhiên thuận lợi. Thời trước các kinh đô cổ đều tập trung lâu dài ở vùng này, tiêu biểu là Dâu trải gần hết thời Bắc thuộc. Nông nghiệp lúa nước phát triển thì nước rất cần để tưới tiêu đồng ruộng nhưng có những năm hạn hán lại liên tiếp xảy ra, mùa màng thất bát, có những năm lại mưa lũ, đồng ruộng lại ngập úng tất cả đều vì nước. Vì thế mà người dân nơi đây sớm có tục thờ Thần nước để cầu khấn Thần cho nước dưới sông hiền hòa không gây lũ lụt, nước trên trời rơi xuống đúng lúc để người dân có thể canh tác trên đồng được thuận lợi.

Tại đền Diềm trong tiết Thanh Minh, diễn ra ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch thường diễn ra lễ cúng nữ thần Giếng và thần cá ở đền Giếng hay còn gọi là đền Cùng. Theo truyền thuyết thì ngôi đền này được xây từ năm 1642, khi vùng này là rừng núi um tùm, người dân đến khai phá và dựng nên một ngôi đền, trước cửa đền lại cho đào một cái giếng lấy nước từ mạch ngầm từ trong núi chảy ra và lấy nước đó để nấu ăn. Trong giếng có một đôi cá mà theo các bô lão thì đôi cá này đã sinh sống ở đây cả trăm năm, dù có lụt lội nước tràn ngập làng cá vẫn không đi và được dân làng gọi là "Cá Thần". Cứ hàng năm vào tiết Thanh minh người dân trong làng lại chuẩn bị vật phẩm gồm xôi gà, ngũ quả, hương hoa và chọn ra vài chàng trai tân đến làm lễ tát giếng, đôi "Cá Thần" được trân trọng vớt lên thả vào 1 cối đá to (đường kính khoảng 1m) bên cạnh bờ giếng. Trong đền dân làng tổ chức tế lễ thì phía ngoài bên bờ giếng cũng làm lễ thờ Cá (gọi là ông Cá).

Cũng là tục thờ Thần nước nhưng làng Kẻ Chóa và hệ thống các đền thờ Bách Noãn ở phía Nam sông Đuống lại thờ các con của Lạc Long Quân và Âu Cơ mà thể hiện rõ nét nhất là tục "Cầu đảo" - cầu mưa mỗi khi hạn hán. Nghi thức tế lễ Thần được tiến hành trong ba ngày liền, không mưa lại ba ngày tiếp theo. Nếu trời vẫn không mưa thì dân làng tổ chức "Tắm kiệu" trên sông, người ta sẽ dùng gáo đồng múc nước dội lên kiệu. Sau lễ tắm kiệu mà trời vẫn không mưa, dân làng lại tổ chức "Rước bơi" - tổ chức bơi chải. Sau ba ngày rước bơi mà trời vẫn không mưa thì nhân dân ở đây tổ chức "Rước huyện", tức đồng loạt các làng ven sông đều tổ chức tế lễ cầu đảo.

Đây là một tín ngưỡng cổ xưa của người Việt cổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay tại các ngôi làng cổ ven sông mà không phải bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam ta có thể tìm thấy. Nó chứng tỏ một đều là nước Việt đã tồn tại từ rất lâu đời và con người luôn sống gắn bó với thiên nhiên, đồng ruộng, xóm làng, văn hóa Việt Nam không dễ phôi pha khi mà đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.

Và lễ rước nước: Nghi thức tâm linh đặc sắc của nền văn minh lúa nước ven sông Hồng



Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng, trong nghi thức thờ thần sông. Hầu như mọi thủ tục, mọi hoạt động trong lễ rước này như múa rồng, rước cá, chèo thuyền, rước nước, v.v. đều có liên quan nước - một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua nghi thức này, nhân dân muốn cầu cho mưa thuận gió hòa để cấy cày thuận lợi, đặng "lấy đầy bát cơm".

Lễ rước nước tại lễ hội tưởng nhớ đức hánh Chử Đồng Tử

Cứ vào dịp từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch hàng năm, nhân dân các xã Bình Minh, Mễ Sở, Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang (Hưng Yên) thường tổ chức lễ hội tưởng nhớ đức hánh Chử Đồng Tử. Cũng có năm không mở hội lớn nhưng lễ rước nước rất đặc sắc thì năm nào cũng được tiến hành trên một dải sông Hồng, theo truyền thuyết là nơi diễn ra cuộc hội ngộ có một không hai giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Dọc theo hai bên tả hữu sông Hồng nhiều nơi có đền thờ Chử Đồng Tử nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là các đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), bên đầm Dạ Trạch (tương truyền là nơi Chử Đồng Tử hóa) và đền Đa Hòa (thôn Đa Hòa, xã Bình Minh), trên bờ sông đối diện bãi Tự Nhiên là nơi xưa kia Chử Đồng Tử và Tiên Dung lần đầu gặp gỡ. Cả hai đền này đều có tổ chức lễ rước nước với nghi thức gần giống nhau trong cùng một ngày mồng 10-2 âm lịch. Theo tục lệ, nước dùng để cúng bái trong cả năm phải là nước được lấy ở giữa sông Hồng. Mỗi đám rước thường rất đông, có đến cả vạn người tham dự. Những người trực tiếp tham gia vào công việc của lễ như đội tế, đội múa sênh tiền, đội múa rồng, đội khiêng kiệu, v.v. được gọi là các giai đồ. So về quy mô thì đám rước nước từ đền Dạ Trạch có lẽ lớn hơn vì có sự tham gia đông đảo của các xã khác như Đông Tảo, Yên Phú, Liên Nghĩa, v.v. đặc biệt các xã thuộc tỉnh Hà Tây có thờ Thánh Chử Đồng Tử cũng tham dự lễ rước nước cùng với Dạ Trạch như xã Tự Nhiên (Thường Tín), xã Vĩnh Khang (Phú Xuyên). Còn đám rước nước từ đền Đa Hòa tuy cũng có rất đông khách thập phương nhưng về quy mô thì chỉ có chín làng (xưa kia thuộc tổng Mễ Sở) trực tiếp tham gia, gọi là lễ hàng tổng. Đi đầu các đám rước là một hoặc hai con rồng vàng lộng lẫy uy nghi uốn lượn theo nhịp trống phách. Tiếp đó đến đội tế nữ của các bà, các cô trong làng ăn mặc xiêm áo rực rỡ, thứ đến bát bửu chấp kích, đội múa bồng vừa đi vừa đánh trống vừa múa thật rộn rã, rồi đến kiệu thánh và kiệu rước chóe để lấy nước sông Hồng. Đám của Dạ Trạch rước đến bảy kiệu, bao gồm: kiệu Long Đình, kiệu Thánh Chử Đồng Tử, kiệu bà cả Tiên Dung, kiệu Hồng Vân, đặc biệt có kiệu gậy - nón và kiệu Ông Bế, sau cùng là kiệu rước chóe. Gậy - nón và Ông Bế là những vật thờ độc đáo của đền Dạ Trạch. Trong đền, gậy và nón (theo truyền thuyết là những vật dụng Chử Đồng Tử dùng để hóa phép ra lâu đài, thành quách) được thờ ở ban phía bên hữu và Ông Bế, hay còn gọi là Bế Ngư được thờ ở ban bên tả. "Bế Ngư thần quan" là tượng một con cá hóa rồng bằng gỗ dài hơn 1m sơn son thếp vàng rực rỡ, biểu hiện niềm mong mỏi chế ngự sông nước của những ngư dân vùng đầm lầy Dạ Trạch.
Dân làng kể rằng thuở xưa trong đầm có những con cá chép lớn đến nỗi trẻ chăn trâu bơi lội còn cưỡi được cả cá, sau 18 năm liền vỡ đê Văn Giang không còn thấy được những con cá lớn ấy nữa. Đám rước nước vừa đi vừa múa trong nhịp trống phách, khi ra đến bờ sông, tất cả các kiệu được chuyển lên đoàn thuyền trang trí cờ xí đèn hoa lộng lẫy đã chờ sẵn. Cả hai làng đều có làm một thuyền rồng lớn có một lầu ở giữa, gọi là du thuyền, để diễn lại cảnh nàng Tiên Dung thuở nào đi du ngoạn trên sông. Chiếc du thuyền uy nghi chèo ở giữa, các thuyền khác diễu chung quanh, sắc màu rực rỡ, âm nhạc vang lừng. Đoàn thuyền của Đa Hòa bơi sang bãi Tự Nhiên, rồi quây thành một vòng tròn ở giữa sông để một cụ già đức độ (được làng chỉ định từ trước) cầm gáo dừa sơn đỏ múc từng gáo nước đổ vào chóe. Còn đoàn thuyền của Dạ Trạch sau khi gặp với đoàn thuyền của xã Tự Nhiên bên kia sông cùng nhau diễn cảnh Tiên Dung du ngoạn xuống đến tận Hàm Tử rồi mới quay về lấy nước ở giữa dòng sông đoạn ngang làng Vĩnh. Chóe nước sông Hồng đầy ắp được các đoàn rước đưa trở về đền để dùng làm nước thờ cúng quanh năm.

Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Hầu như mọi thủ tục, mọi hoạt động trong lễ rước này như múa rồng, rước cá, chèo thuyền, rước nước, v.v. đều có liên quan nước - một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua nghi thức này, nhân dân muốn cầu cho mưa thuận gió hòa để cấy cày thuận lợi, đặng "lấy đầy bát cơm". Lễ hội đền Chử Đồng Tử thôn Đa Hòa và đền Dạ Trạch năm nay nằm trong chương trình du lịch quốc gia "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới". Lễ rước nước trong hội Chử Đồng Tử sẽ cùng diễn ra ở cả hai xã Bình Minh và Dạ Trạch vào ngày 15-3 (tức ngày 10-2 âm lịch).

Lễ rước nước ở Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (xưa kia gọi là Lễ hội Trường Yên, Hội Cờ Lau) thường diễn ra từ ngày mồng tám đến mồng mười tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là nơi, là dịp tưởng niệm hai vị Hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Không gian của Lễ hội là cả một vùng rộng lớn, gồm: Hai khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê (trung tâm), chùa Nhất Trụ, phủ Bà Chúa, núi Mã Yên, sông Hoàng Long, động Am Tiêm, Thiên Tôn Động, Xuyên Thuỷ Động... Mỗi núi, sông, đền đài, lăng tẩm nơi đây hằng gợi nhớ một thuở hào hùng của dân tộc và xã tắc.

Phần lễ ở đây có: Lễ rước nước, lễ dâng hương, tế nữ quan, tế nam quan... Phần hội thường có: Tập trận cờ lau, múa rồng, múa lân, kéo chữ, đấu vật, chọi gà và gần đây có thêm tiết mục làng vui chơi, làng ca hát, cuộc thi người đẹp Cố đô Hoa Lư...

Vào buổi sáng ngày khai hội hàng năm thường diễn ra lễ rước nước. Lễ thức đặc biệt này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Trước ngày khai hội, ở bến sông Hoàng Long gần cửa Đại Hoàng xưa, người ta trồng dưới sông cả một cây tre lớn, cành lá xanh tốt. Nơi ngọn tre có treo dải phướn bằng vải màu sặc sỡ ghi lời chú.

Nội dung lời chú trước đây đại lược là: Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn Rồng Vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng đế nước Đại Việt, sau dựng nên cơ nghiệp nhà Đinh, dẹp nạn cát cứ sứ quân, thu giang sơn về một mốt. Cầu mong thần linh giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ...

Ngày khai hội, khi mặt trời còn chưa ló lên khỏi Mã Yên Sơn, đoàn người đi rước nước đã khởi hành từ cổng đền vua Đinh, qua đền vua Lê để ra bến sông. Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường bát âm, gồm: Đàn, sáo, nhị, mõ, thanh la và cả một phường trống. Phường bát âm cử nhạc réo rắt các làn điệu: Kim tiền, bình bán, lưu thuỷ, xuân phong. Tiếng trống, tiếng thanh la âm vang sôi động.

Cỗ kiệu lớn đi đầu do tám thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Trang phục của họ tựa như trang phục lính túc vệ nhà Đinh xưa: áo đỏ, vàng, cổ áo viền xanh, đầu chít khăn theo lối “thủ rìu”. Hương án trên kiệu có đặt một chiếc bình sứ, ngoài phủ vải điều để đựng nước thiêng. Đi sau kiệu rước này là các vị bô lão, quan khách, đại biểu các đoàn thể, địa phương. Tiếp đến là đội rồng, đội lân, rồi các cỗ kiệu bát cống có hương án, tán lọng, hương, nến, quả, phẩm song hành, nghiêm trang, chỉnh tề, náo nhiệt. Đi bên mỗi kiệu rước là một vị bô lão vận phục trang lễ nghi dân tộc.

Khi đoàn rước ra tới bến sông thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền trước tiên, sau đó là rồng vàng, sư tử. Trống chiêng gióng lên từng hồi, âm vang rộn rã, thúc giục. Rồng vàng uốn lượn uy phong trên sóng nước. Sư tử múa dũng mãnh, hả hê. Lúc này mới chớm dịp trung tuần tháng Ba âm lịch, vào giờ Thìn, thuỷ triều đang lên, bề mặt sông Hoàng Long phong quang, cường thịnh.

Vị chủ lễ trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước. Xong, vị chủ lễ cùng các “quần thần” đốt hoá bản sớ trình, thả xuống dòng sông. Bốn trinh nữ (vận áo tân thời, xưa kia vận áo tứ thân) nhẹ nhàng, thanh thoát múc nước sông đổ vào bình sứ để đưa lên kiệu rước trở về đền vua Đinh trước khi làm lễ dâng hương. Đoàn rước trở về theo thứ tự như lúc khởi hành.

Lễ rước nước là một lễ thức có ở không ít lễ hội cổ truyền trong và ngoài nước và phổ biến ở những lễ hội được phát sinh, lưu truyền trên cơ sở nền kinh tế, nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Qua bao phen bể dâu biến cải, vàng đá phôi pha, lễ thức này vẫn là sự biểu hiện sinh hoạt văn hoá - tâm linh sống động, đặc sắc của các cộng đồng cư dân nông nghiệp ở nhiều nơi.

Nhưng nét đặc sắc mà lễ rước nước hội truyền thống Cố đô Hoa Lư có được chính là không gian sông nước. Bến sông Hoàng Long, nơi diễn ra nghi lễ tế thần linh và rước nguồn nước thiêng truyền thống vẫn gợi nhớ một truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn kể về sự tích rồng vàng hiện lên đưa Đinh Bộ Lĩnh sang sông mà thoát khỏi lưỡi gươm giận dữ của người chú ruột.

Về sau, Đinh Bộ Lĩnh làm nên nghiệp lớn, thống nhất giang sơn, dựng Kinh đô Hoa Lư, đặt triều chính, trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Dòng sông từ bấy có tên là Hoàng Long Giang (sông Rồng Vàng). Bên kia bến sông này là một trái núi đứng độc lập, có tên gọi là núi Cắm Gươm như một chứng tích đẹp, hào hùng.

Truyền thuyết dân gian về rồng vàng, sông Hoàng Long, núi Cắm Gươm chất chứa những hoài niệm và sự lý tưởng hoá của cộng đồng dân tộc về “con rồng cháu tiên”, đặc biệt là về người anh hùng lập quốc, vị Hoàng đế họ Đinh cách nay đã dư một nghìn năm. Huyền tích này sẽ mãi còn mang đậm chất sử thi mà người đời sau vẫn tự hào, yêu thích...

Lễ rước nước hội truyền thống Cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện một mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng lớn, bao hàm được những yếu tố: Linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Rước nước trong lễ hội Gióng

Lễ hội là một sự kiện thực hiện rất nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội. Thông thường một lễ hội có các nghi lễ: lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ tế khai hội và tế giã đám.

Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần hay thần vị): lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Trước khi làm lễ mộc dục, có nơi người ta tổ chức lễ rước nước. Trước khi thực hiện việc tắm tượng (lau chùi tượng thờ) phải làm lễ cáo thần. Sau lễ mộc dục là tế gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng thần). Nếu thần không có tượng mà chỉ có bài vị (thần vị) thì áo mũ đặt lên ngai. Sau đó tượng thần (hay thần vị, hoặc có khi chỉ là áo mũ) đặt lên kiệu, chuẩn bị cho đám rước thần sáng ngày khai hội.

Lễ rước: trong một lễ hội thường có rước thần, rước thành hoàng, rước văn hay rước nước. Lễ rước thần hay rước thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia… Trong số các lễ rước thì rước thần và rước nước phổ biến hơn cả.

Lễ hội thường tôn vinh đối tượng thiêng, đó là “Thánh”, “Thần”, nhưng thánh và thần thường được thờ ở đền, miếu. Đa số lễ hội thường được tổ chức ở đình làng, đền, nơi rộng rãi tiện cho việc hành lễ và tổ chức các trò chơi. Do vậy trước khi khai hội, người ta thường tổ chức cuộc rước thần đi theo lộ trình từ đền hoặc đình về nơi hành lễ, xong hội lại rước thần trở lại nơi thờ cũ. Sau lễ rước sẽ là lễ tế thần và khai hội. Đặc biệt có nơi, trong dịp lễ hội ngày nào cũng có rước, lễ rước này không phải rước thần mà là rước sớ (rước văn), tức bài văn cúng thần. Mỗi ngày người ta cúng thần bằng một bài sớ riêng. Trong đám rước văn, bài sớ cũng được đặt lên kiệu rước, gọi là kiệu văn.

Lễ rước trong các lễ hội truyền thống thường quy định người trực tiếp tham gia rước phải là nam giới tuổi từ 18 trở lên, không có phụ nữ, trừ một vài lễ hội thờ nữ thần (như lễ hội Phủ Dày, lễ hội Hạ Lôi) đoàn rước lại chủ yếu do nữ đảm nhiệm.

Người tham gia rước (gọi là giai đô), là những người được dân làng lựa chọn, cắt cử. Họ là những chàng trai khoẻ mạnh, có tài có đức, không có điều tiếng đáng chê trách trong làng xóm. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình.

Đám rước khi đi đường có biểu tượng riêng để tránh sự trùng lặp giữa các nhóm cộng đồng. Trước khi khởi hành, chiêng, trống nổi lên từ trong đền, đình (trước đây đốt pháo). Thường từ nửa đêm, tiếng trống đã gióng liên hồi để mọi người đều biết, ai có phận sự phải lo sửa soạn trước. Ngày xưa thường đốt pháo lệnh trước khi đám rước bắt đầu.

Ngày giã đám (xuất tịch) thường có một buổi đại tế cuối cùng gọi là tế giã đám. Nghi thức này cũng thực hiện với đầy đủ các bước theo quy định

Lễ rước nước trong lễ hội Đền Ngư Dội

Đền Ngự Dội, thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Hằng năm, lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14,15 tháng Giêng. Lễ hội với quy mô vùng, gắn với tín ngưỡng thờ đức Thánh Tản Viên, một trong "Tứ bất tử" của Việt Nam, được coi là ông tổ của nghề nông của cư dân vùng châu thổ sông Hồng khu vực xứ Đoài- khu vực thuộc trấn Sơn Tây ngày xưa.

Tương truyền rằng, sau khi chiến thắng giặc Thục đức Thánh Tản trên đường trở về Đông Cung (đền Và-Sơn Tây) có đi qua vùng đất của thôn Duy Bình ngày nay (xưa có tên là trang La Phiên), khi đến bờ sông Hồng bèn lệnh cho binh sĩ nghỉ chân, còn mình ra bờ sông tắm gội. Ra đến bờ sông, thấy có cô gái cắt cỏ ngang qua Ngài liền nhờ cô gái xuống sông múc nước. Cô gái thắc mắc rằng mình chỉ có mỗi cái sọt đựng cỏ không thể múc nước được, nghe vậy Ngài bảo nàng cứ xuống sông múc nước rồi sẽ múc được. Quả nhiên sau đó cô gái mang sọt xuống sông thì múc được nước lên, lấy làm lạ cô gái liền trở về trong thôn thuật lại cho mọi người nghe. Thấy vậy, dân làng lũ lượt kéo nhau ra xem thì thấy Ngài đang múc nước tắm gội thật. Biết đây là bậc thánh thần cho nên họ vội vã về làng mổ lợn, sửa soạn lễ vật ra để mời Ngài ngự. Tuy nhiên, đang chuẩn bị thì dân làng nhận được tin đức Thánh cùng quân lính đã sang bờ bên kia sông rồi, thế là dân làng lại vội vã mang lễ vật ra bờ sông mà bái vọng.