Bí ẩn xung quanh Lời thề giữ rừng của người Pu Péo ở Hà Giang: Lời truyền dạy của hoá công !



Cộng đồng người dân tộc Pu Péo (ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), bao đời này vẫn lưu giữ một nghi lễ kính cẩn với những cánh rừng nguyên sinh của mình. Năm lại năm, nhằm vào một ngày đẹp trời, họ tấu dâng với Thần rừng những gì “gan ruột” nhất: lời thề giữ rừng! Rừng vẫn như viên ngọc xanh ôm ấp người Pu Péo từ ngày này sang tháng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác…Ít ai ngờ rằng, bí quyết thuận hoà với thiên nhiên đã được hoá công (trời đất) truyền dạy qua lời thề giữ rừng của một cộng đồng người Pu Péo- một trong những dân tộc ít người nhất nước ta (hiện có 750 người).



Nơi lời thề “độc nhất vô nhị”

Cái giá lạnh ngày đông đang dần qua ngọn núi cao. Cổng trời Phố Là đang ấm dần. Trai gái ở bản Pu Péo đang tất bật chuẩn bị kéo nhau ra suối lấy “nước vàng nước bạc” về cầu may. Người già và bà con trong bản cũng đang chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng rừng đầu năm.

Cao nguyên đá Đồng Văn bao đời vẫn trơ vơ những đá xám eo xèo, bỗng dưng ông trời ban cho người Pu Péo những cánh rừng già mọc như một ốc đảo xanh, lạ lùng! Cũng thật dễ hiểu thôi, có được cả trăm héc ta rừng già như thế, là bởi người Pu Péo có lời thề giữ rừng độc nhất vô nhị ở thế gian này. Từ thượng cổ, con người đã hiểu cái nguyên lý giản đơn: giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng! Các bản người Hà Nhì ở Lào Cai, Điện Biên, bao đời nay cũng vậy, bà con vẫn luôn dành ra một khu rừng cấm nguyên sinh bất khả xâm phạm; để rồi, hằng năm, lễ cúng rừng lại trịnh trọng diễn ra. Khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Bà con giữ rừng như một thứ nghi lễ nông nghiệp không thể thiếu: giữ rừng bằng tâm linh, từ tiền kiếp. Nhưng để có một ngày cả cộng đồng ra trước cửa rừng đầu bản cùng hành lễ, rồi cùng nghe lời thề giữ rừng vang lên khắp bản của người Pu Péo, thì có lẽ không nơi nào có! Lời thề cứ vang lên như tiếng của cỏ cây, như lời sấm dạy giữa thinh không của tạo hoá. Cha ông họ vẫn thề như thế, và cháu con họ mãi mãi sau này cũng sẽ hứa với thần rừng như thế.

Bí ẩn xung quanh lễ cúng rừng

Lễ cúng rừng diễn ra vào lúc 14h chiều, do thầy cúng Củng Díu Lèng (đã ngoài 80 tuổi) điều khiển, một nhóm thanh niên cần mẫn nghe hiệu lệnh sắm sửa trước giờ hành lễ. Đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng. Lá rải xanh ngằn ngặt khắp cửa rừng. Bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao với cuồn cuộn những tán rừng nguyên sinh xanh sẫm, đùng đục trong sương khói. Tôi và Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ngồi lặng thinh ở góc nhà quây bằng đá tảng. Chúng tôi biết, trong buổi lễ thiêng, trang trọng này, người của dân tộc khác, thân thiết lắm mới được dự; và dẫu được tham dự, nhưng trong “giờ cao điểm”, chúng tôi cũng sẽ không được nói một lời nào cả.
Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng, thành lối trên lá chuối tươi. Ông Lèng bảo, mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần, người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần, thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Suối, thần Gió... Trên mỗi nắm cơm là một miếng trứng gà luộc. Dưới bàn thờ, hai con gà trống còn sống được buộc rất cẩn thận. Xung quanh là bình rượu và những cái chén. Cách bàn thờ một chút, là một cái cọc khác, có buộc một con dê cái béo tốt, khỏe mạnh, lông màu đen. Lễ cúng bắt đầu, nó kéo dài vài tiếng đồng hồ, ông Củng Díu Lèng cứ cầm một cành trúc tươi xanh còn nguyên cả lá loà xoà, khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Có lúc tay ông cầm một quả bầu khô lúc lắc. Lời cúng rù rì, có lúc vang xa bay ngược triền rừng già. Khi lễ cúng rừng kết thúc cũng là lúc gà được luộc thơm phức, dê được thui vàng ruộm. Bữa cơm hoang sơ diễn ra giữa trời đất, bên bìa rừng. Những nhà nào không tham dự cũng được chia phần, có người mang về tận nhà. Những người có mặt cùng nhau quây quần bên mâm cỗ cúng. Họ ngồi ngay tại bãi cỏ xanh bìa rừng để cầu may mắn.
Ông Lèng đại diện cho bản làng quỳ lạy trước các vị thần, mời các vị thần về chứng kiến lễ cúng, hưởng thịt gà, thịt dê và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Cầu cho rừng ngày một xanh tốt, chở che cho con người. Bà con thôn Củng Chá xin thề trước thần Rừng sẽ giữ rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Rừng tốt tươi, trời đất giao hoà, bảo hộ cho cuộc sống của bà con Củng Chá. Mưa không gây lũ, nắng không gây hạn, bão gió sấm sét không đánh chết người. Cho “lợn đẻ như lợn rừng/trâu nhiều như hươu nai/bò đông như dê núi”.

Lời thề luôn mới trước cửa rừng cấm

Suốt cuộc đời người Pu Péo gắn với rừng. Bà con quan niệm rất rõ, họ chỉ thờ cúng tổ tiên 5 đời trở lại trong nhà mình; còn tổ tiên trước 5 đời, các vị thường ở trong rừng, ngụ tại các gốc cây đa to. Cho nên, tín ngưỡng thời giữ rừng, cúng rừng, với người Pu Péo, cũng chính là cúng tổ tiên. Cũng còn nhiều lý do để người Pu Péo bao đời nay có được lời thề giữ rừng vừa nguyên thuỷ lại vừa rất mới (vấn đề bảo vệ môi trường sống hiện nay) như thế. Bởi, người Pu Péo coi rừng là nơi trú ngụ của tổ tiên, của nhiều vị thần; là nơi giao hoà giữa trời và đất; là “diễn đàn” để các vị thần linh nghỉ ngơi, nghị sự tìm cách giúp đỡ con người. Giám đốc Sở VHTT Hà Giang, ông Nguyễn Trùng Thương đã để tâm nghiên cứu nhiều về người Pu Péo, ông rất có lý khi cho rằng: tín ngưỡng thề giữ rừng, phạt vạ những người vi phạm lời thề bảo vệ rừng của người Pu Péo xuất phát từ cuộc sống dựa vào rừng quá nhiều của bà con, suốt nhiều đời qua. Bà con quan niệm, màu quần áo của dân tộc mình, cũng là trỉa lấy những nét quyến rũ của rừng; người ta tắm bằng nước lá rừng; lót ổ đẻ cho hài nhi cũng bằng lá rừng. Nhau thai của đứa trẻ cũng được bó vào chiếu, treo ở trong rừng! Quan niệm về rừng của họ, có thể giống với quan niệm về tầm vóc vũ trụ của nhiều dân tộc khác.

Một thế giới tâm linh mang tải nhiều lớp lang văn hoá, phong tục thú vị. Không gian rừng già đang hiện hữu ở Phố Là sẽ là bức phông nền tuyệt vời cho cuộc khám phá, tôn vinh dân tộc yêu ca hát, ưa hài hước và niềm tin vào cuộc sống hoang sơ này. Củng Chá, chắc chắn còn quyến rũ chúng ta bởi những quan niệm sống cổ sơ trước nền văn minh thế kỷ 21! Thế nên, ngôi nhà của ông Lèng và của tộc người Pu Péo ở từ bao đời nay vẫn là căn nhà ngói ống, trình tường, xếp đá ám khói tối om. Với họ, đó là căn nhà thiêng của cha ông để lại. Thần Rừng đã nhiều năm đem điều lành đến cho những căn nhà này. Căn nhà xây bằng đá đen, đá xanh; dựa lưng vào vào rừng già, nơi trú ngụ của nhiều vị thần khả kính.

Tôi rời rừng cấm dưới những thân gỗ lừng lững, đứng câm lặng trong chằng chịt dây leo, với bạt ngàn cây bị đổ tróc gốc vì gió bão. Ông Củng Díu Lèng lừ khừ khoác áo ra chào khách. Khách ngước lên các tán sa mộc. Những góc nhà với ống khói, bếp sưởi rất phố phường, những mái ngói cong như ngôi chùa cổ; thêm hệ thống kiến trúc bằng đá tảng xanh phụ họa vào bối cảnh, khiến chúng tôi ngỡ cụ Lèng là một lãnh chúa trong một thái ấp xa xôi. Ông và bà con Củng Chá cứ tựa lưng vào cánh rừng thiêng rộng lòng bao dung của mình mà vui sống.

Bút ký của Đỗ Duy Anh
Hà Giang, cuối năm 2006