Tấm vải liệm Turin ở nhà thờ thánh Petrus

Mới đây, lại một lần nữa tắm vải thô được coi là đã đắp lên khuôn mặt Jesus khi gỡ xuống khỏi thánh giá được đưa ra mắt công chúng. Khác với mọi lần, khi quảng đại quần chúng chỉ được ngắm tấm vải vài ba giây từ khoảng xa vợi, Vatican đã cho phép một nhà báo được lại gần. Ông ta đã nhìn thấy gì?



Ngắm sát lịch sử

Một lối đi hẹp dẫn tới cầu thang xoắn ốc, 62 bậc dốc dẫn lên độ cao gần 30 m, kết thúc trước một cánh cửa con con. Sau cánh cửa, một lối đi rộng với hai bên tường vẽ trang trí hình thảm. Lão bộc Mauro lấy từ trong túi gấm trang trí ngù bạc ra bốn chìa khóa sắt nặng trĩu và một cuốn vở viết tay chỉ dẫn từng cử động. Đầu tiên là một cửa lưới được mở ra, tấm màn cửa đỏ sẫm vén sang một bên. Hai chìa khóa đồng thời được quay trong hai ổ khóa bên trên và bên dưới cánh cửa sắt. Với chìa khóa cuối cùng, lão Mauro mở ba ổ khóa nhỏ nữa. Rồi lão chậm chạp mở cánh cửa cuối cùng dẫn đến kho báu lớn nhất của dòng đạo Cơ đốc, sau đó gỡ tấm màn gấm móc vào một trong bốn cây cột khổng lồ đỡ mái vòm của nhà thờ thánh Petrus, và khi lão lùi lại một bước thì trong bóng tranh tối tranh sáng trước mắt phóng viên mập mờ hiện ra tấm vải nổi tiếng - được vẽ đi vẽ lại trên hàng ngàn bức tranh đầy sức tưởng tượng và chứa đựng niềm thành kính vô hạn của mỗi con chiên ngoan đạo. Đây là Chúa, đấng cao cả vô hình đã và đang hiện hình trên một tấm vải thô? Chẳng gì thì tấm vải này đã đắp lên khuôn mặt bị hành hạ đẫm máu của Jesus sau khi được hạ khỏi thập tự giá. Và theo truyền thuyết thì 400 năm trôi qua không thể xóa nhòa được những vết sẫm màu mà không cần tinh ý hoặc giàu trí tưởng tượng cũng có thể nhận ra nét mặt khắc khổ của một người đàn ông hay ít nhất cũng giống một cách lạ lùng.



Mỗi năm, vào chủ nhật thứ hai trước lễ Phục sinh, trong một buổi lễ đặc biệt trang trọng, người ta vẫn nâng cao tấm vải liệm ngoài ban công cao vợi dưới mái vòm của nhà thờ thánh Petrus cho các tín đồ chiêm ngưỡng đúng 3 giây. Để được sống 3 giây ấy, nhiều kẻ hành hương đã lết gối đến đẫm máu tới thành La Mã. Cho đến thời Baroque, người ta vẫn tin rằng có một tấm khăn mang tên Veraeikon (bức tranh thật) hay La Veronika mà Chúa, đã in khuôn mặt của mình vào đó. Nhiều danh họa đã cố thể hiện bức tranh theo trí nhớ, và những gì họ thành tâm ngợi ca còn cao hơn đạo đức của các hồng y giáo chủ, là miếng nam châm khổng lồ thu hút hàng triệu người tới đây. Tận mắt nhìn thì không! Cũng không ai được chụp ảnh miếng vải cỡ 25 x 25 cm, cứ như là tấm khăn liệm Turin với hình hài mờ ảo của một khuôn mặt và cơ thể chưa bao giờ có trên đời này.

Liệu có phải đồ giả?

Nhiều kẻ độc miệng thì thào rằng tấm vải thật đã bị lấy cắp từ lâu, trong khung tranh với tấm kính vỡ chỉ là đồ giả. La Mã đã từng bị triệt hạ bởi phiến quân Tây Ban Nha và Đức. Từ 1506, trong căn phòng nhỏ sau bục giảng đạo có treo khung tranh quý, tuy phần lót phía sau đã rách nát. Nơi này chỉ có các bậc quyền uy của nhà thờ được bước chân tới .

Như bị thôi miên, nhà báo may mắn được hưởng ngoại lệ của Vatican tiến lại gần tấm vải. Và không nhìn thấy gì! Không có gì ngoài một miếng vải ngả màu sẫm và mang nhiều vết nhàu nát. Không có gì gợi nhớ đến một hình vẽ, lại càng không gợi ý tưởng một khuôn mặt. Sức tưởng tượng cũng phải đầu hàng, không thể mường tượng ra trước đây đã có hình gì trên vải. Những tín đồ đứng phía dưới không thể nhìn thấy gì đã đành, đứng sát tận nơi với đèn pin trong tay nhà báo cũng không thể nhận ra hình ảnh nào ngoài các vết màu khá đối xứng. Trái với vẫn tấm vải liệm Turin, không thể đoán ra đã từng có hình ảnh gì trên vải. Cả hai di vật đều đã trải qua nhiều chặng đường như kết quả phân tích phấn hoa trên vật liệu cho thấy, tuy phỏng đoán này không thuyết phục được một số nhà khoa học hoài nghi. Lần đầu tiên vào năm 614 tấm vải được nhắc đến trong một báo cáo của cha xứ Pelagius, thuật lại vụ người Ba Tư chiếm đất Palestine và lấy nó về Alexandria, hai năm sau qua Bắc Phi đưa về Tây Ban Nha. Khám nghiệm bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon cho phép đoán tấm vải xuất hiện khoảng thế kỷ 7 sau Công nguyên, cùng chất liệu như tấm vải liệm Turin nhưng khác kiểu dệt. Một số ý kiến cho rằng những vết thương do vòng gai đội đầu gây ra trùng hợp với hình vẽ trên tấm vải liệm Turin, nghĩa là hai di vật của cùng một người. Quan niệm đối lập thì cho rằng đây chỉ là một trong vô số đồ giả cổ mà ngày ấy thường được tạo và phát tán. Ít nhất thì nên xét hiện tượng tấm vải được dùng để quấn quanh đầu Jesus trong vòng mấy phút khi chở từ chân thánh giá đến ngôi mộ đó, khó có thể để lại dấu vết một số người muốn nhận ra. Và dấu chấm cuối cùng cho đề tài này liệu có là kết quả khảo cứu hoàn toàn độc lập nhau của cơ quan khoa học hồi 1988, rằng tấm vải liệm Turin là đồ giả mạo, cho dù người ta vẫn chưa lý giải được kỹ thuật chế tạo ra hình trên đó.

(TT&VH)



===================================

Bí ẩn, tấm vải liệm của Chúa Jesus

Cách đây 15 năm, tấm vải liệm Turin mà nhiều người tin là một trong những di vật thiêng liêng nhất của giáo hội Cơ Đốc đã được ba viện khoa học độc lập tuyên bố là vật giả mạo. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn rất quan tâm tới nó và nghiên cứu mới cho thấy tấm vải Turin này đáng được kiểm tra một lần nữa.

Tấm vải niệm Turin.

Vải liệm Turin, dài chừng 4m, rộng 1m, nhuốm máu và hằn lên hình khuôn mặt, tay và thân thể mờ nhạt của một nam giới bị tra tấn. Nhiều tín đồ Cơ đốc giáo tin rằng đó là tấm vải liệm của Jesus. Raymond Rogers, một nhà hoá học vật lý đã nghỉ hưu thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, Mỹ, cho rằng mẫu được sử dụng để xác định niên đại của vải liệm Turin có nhiều khiếm khuyết và nên giám định lại. Kết luận này được dựa trên phân tích hoá học gần đây của ông về tấm vải và những quan sát năm 1978.

Roger là một trong hơn hai mươi nhà khoa học Mỹ tham gia vào Dự án nghiên cứu tấm vải liệm Turin (STURP) vào năm 1978 - một cuộc điều tra khoa học kéo dài năm ngày tại Turin, Italia. Năm 1988, Vatican đã cho phép các chuyên gia cắt nhiều miếng có kích cỡ bằng con tem ở một góc của tấm vải, rồi đưa chúng tới ba phòng thí nghiệm để xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ carbon (ĐH Arizona, ĐH Oxford, và Viện Liên bang Thuỵ Sĩ). Kết quả cho thấy tấm vải được sản xuất vào khoảng năm... 1260 tới 1390.

Tháng 12/2003, Rogers nhận được một mẫu vải niệm từ đồng nghiệp làm việc trong dự án STURP. Mẫu này cũng được lấy vào năm 1988. Sử dụng phương pháp phân tích hoá học và kính hiển vi, Rogers phát hiện một chất nhuộm từ cây thiên thảo cùng với hỗn hợp chất kết dính đã được quét lên mặt sợi ở góc của tấm vải niệm bị cắt ra. Điều đó cho thấy tấm vải đã được phục chế. Chất kết dính có lẽ đã được sử dụng để gắn chất nhuộm vào sợi. Rogers cho biết: ''Góc vải này chắc chắn được nhuộm để phù hợp với màu ban đầu của tấm vải niệm''.

Rogers cũng tìm thấy một chỗ ghép - bằng chứng cho thấy góc vải không chỉ được nhuộm và còn được sửa chữa và dệt lại. Ông nghi ngờ chất nhuộm và công việc sửa chữa có lẽ đã được tiến hành ở vùng Cận Đông trong thời Trung cổ, trùng hợp với kết quả xác định niên đại bằng carbon, bởi mãi cho tới thế kỷ XVI, hỗn hợp chất nhuộm trên mới được du nhập tới Anh và Pháp. Roger nói: ''Công việc giám định năm 1988 đưa ra niên đại chính xác của mẫu vải được cung cấp. Tuy nhiên, không có ai nghi ngờ vùng vải được xác định niên đại có cấu trúc hoá học hoàn toàn khác với phần chính của vải liệm. Niên đại của mẫu giám định không phải là niên đại của tấm vải''. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc dự án STURP cũng cho thấy góc vải được lấy mẫu không giống các vùng khác của tấm vải liệm.

Theo Kinh Phúc âm, Chúa Jesus được đưa ra khỏi thánh giá và được đặt vào một ngôi mộ nơi thi thể ông được cuốn vải theo tập quán Do Thái. Tuy nhiên, có rất ít tài liệu từ thời gian đó ghi chi tiết vị trí của vải liệm. Tấm vải liệm Turin thu hút sự quan tâm của công chúng và Giáo hoàng Clement VI vào năm 1349 khi một hiệp sĩ người Pháp tên Geoffrey de Charny mua được nó ở Constantinople (Istanbul ngày nay). Tấm vải liệm được lưu giữ tại một nhà thờ ở Lirey, Pháp và lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng vào năm 1355.

Vải phủ mặt Sudarium.

Kể từ cuộc triển lãm đầu tiên này, nhiều người hoài nghi về tính chân thực của tấm vải vì làm giả các đồ vật tôn giáo khá phổ biến trong thời Trung cổ. Kết quả xác định niên đại vào năm 1988 đã làm cho nhiều người thoả mãn: Tấm vải là đồ giả mạo. Douglas Donahue, nhà vật lý thuộc ĐH Arizona, đã tới Turin vào năm 1988 để thu thập mẫu vải cho quá trình kiểm tra. Ông cho biết: ''Tôi thoả mãn với cách lấy mẫu vải. Chúng tôi có nhiều chuyên gia vải tới từ một số quốc gia và tất cả họ đều nhất trí rằng mẫu chúng tôi nhận được đại diện cho toàn tấm vải. Ngay cả khi phương pháp xác định niên đại bằng carbon cho thấy tấm vải có từ thế kỷ thứ I, khó có thể chứng tỏ nó thuộc về chúa Jesus.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại không thoả mãn. Năm 1999, tại Hội nghị Thực vật học quốc tế lần thứ XVI, Avinoam Danin, nhà sinh học thuộc ĐH Jerusalem, tuyên bố các hạt phấn hoa trên tấm vải chỉ có thể được tìm thấy ở Jerusalem. Ông kết luận tấm vải có nguồn gốc ở Trung Đông. Sudarium - tấm vải được cho là vải phủ mặt của Jesus - có dính phấn hoa giống như tấm vải liệm Turin. Các vết máu trên Sudarium cũng thuộc nhóm AB. Do Sudarium được giữ trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ VIII nên có thể thấy là tấm vải niệm Turin có niên đại cổ không kém Sudarium.

Dù tấm vải có thuộc về Chúa Jesus hay không thì nó cũng thu hút được hàng triệu du khách tại các buổi trưng bày. Giáo sư Phillip Wiebe thuộc ĐH Trinity Western, Canada, cho biết: ''Tấm vải liệm Turin có sức lôi cuốn cả về mặt khoa học lẫn tâm linh. Nó là một vật thể rất bí ẩn. Câu hỏi đặt ra là hình ảnh trên vải được hình thành như thế nào và đó là hình ảnh của ai?''. Nếu hình ảnh này là giả đi chăng nữa thì vẫn còn những bí ẩn xung quanh cách nó được tạo ra. Một số người cho rằng đó là hình vẽ. Tuy nhiên, phân tích nghệ thuật của STURP cho thấy không tìm ra bằng chứng về màu vẽ.

Minh Sơn (Theo National Geographic)

===========================================


Nhà nghiên cứu tìm thấy chứng cớ mới cho sự thật của Tấm Khăn liệm Chúa Giêsu tại thành Turinô, nước Ý.



10-09-2006 (CathNews): Một nhà nghiên cứu ở Sydney đã nói trong một cuốn sách mới của ông rằng: giới truyền thông đã bỏ qua chứng cớ khoa học mới chứng minh Tấm Khăn Turinô được xác định thuộc thời đại của Chúa Kytô, chứ không phải thời Trung Cổ, như nhận định trước đây.

Trong một cuốn sách mới nhan đề là“The Shroud Story-Lịch sử Khăn liệm". Ông Brendan Whiting, nhà nghiên cứu ở Sydney nói rằng: "sự chính xác của Tấm Khăn Turin đã được củng cố bởi những khám phá mới nhất".

Việc xác định niên đại của vải băng bằng giấy than trước đây, được tin là vải niệm xác Chúa Giesu, được cho là có từ thế kỷ 14, nhưng cuốn sách của ông Whiting nói, cuộc thử nghiệm sớm hơn được làm trên các mẫu hóa học khác với phần còn lại của vải – và thực ra là phần sót lại của vải vá không thể trông thấy được, đã được thực hiện trong thời Trung Cổ.

Ông Whiting nói: "giờ đây không có dữ kiện khoa học nào ủng hộ cho bất cứ cuộc tranh luận chống lại Khăn liệm, hiện giờ được đặt ở Vương Cung Thánh Đường ở Turinô, được 2,000 tuổi".

Việc nêu niên đại bằng giấy than được thực hiện ở ba phòng thí nghiệm độc lập. Các kết quả đã được những người nghi ngờ và giới truyền thông dùng để gán cho Khăm Turin là giả.



Ông Whiting nói: "Nhiều người đã bị hướng dẫn sai lầm để tin rằng, hình ảnh với khổ hình người thật của một đàn ông bị đóng đanh trần truồng là một sự giả mạo của thời trung cổ”,

“Các cuộc thử nghiệm khoa học gần đây đã chứng minh rằng, kết quả của sự xác định niên đại bằng giấy than thì thất thường".

Ông whiting nói: Cuốn sách liệt kê nhiều cuộc khám nghiệm từ một nhóm khoa học gia quốc tế gồm 24 người cho rằng: "Tấm Khăn Turin là một bằng chứng sống động của chúa Kitô đã chịu đóng đinh".

Những cuộc nghiên cứu của họ về việc tạo thành hình người trên khăn liệm kết luận: “Sự sống lại của Chúa Giêsu thành Nazaret từ cõi chết không thể bị từ chối, nếu dựa trên nền tảng khoa học”.

Ông Whiting đã dùng bốn năm để nghiên cứu. Cuốn sách của ông sẽ được ông John Della Bosca (Bộ Trưởng Thương Mại New South Walse, Úc Đại Lợi) giới thiệu vào cuối tháng này.