Hoang đường chuyện “cung đường ma ám” ở Hà Tĩnh


Trung tá Nguyễn Trung Tính
Đoạn tỉnh lộ 1 của Hà Tĩnh là con đường đẹp nối liền QL1A đi bãi tắm Xuân Thành. Nhưng từ khi có những thông tin đồn đại đoạn tỉnh lộ đi qua xã Xuân Mỹ - Xuân Viên và thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) có nhiều vụ tai nạn chết người do bị ma ám khiến nó vắng hẳn, đặc biệt là buổi trưa và buổi tối.



Những câu chuyện ly kỳ


Thực hư chuyện nguyên nhân các vụ tai nạn không biết thế nào nhưng lời đồn thổi về “cung đường ma” giờ đã được lan rộng ở huyện Nghi Xuân. Qua thông tin của người dân, PV báo ĐS &PL đã trực tiếp gặp những người được cho là nhân chứng “dính” nạn ở cung đường đó để tìm hiểu. Những câu chuyện nghe thực rùng rợn, ly kì nhưng cũng đầy tính hoang đường.

Em Phan Thị Hằng (thôn 10, xã Cổ Đạm) cho biết đã bị tai nạn cách đây một năm khi cùng đứa em đi qua “con đường ma”. Hằng kể: "Hôm đó hai chị em đi TP Vinh (Nghệ An) kiểm tra thẻ ATM, trời nắng. Lúc đầu, chị em Hằng không muốn đi qua đoạn đường này. Nhưng không hiểu sao đến ngã ba, hai chị em lại rẽ vào “con đường ma”. Khi đi qua chỗ có chiếc bàn thờ to bên đường (Km số 2 + 960), bỗng có một cơn gió mạnh làm em rơi mũ. Nhặt mũ về, em đã bị ốm (!?)”. Chị Trần Thị Hương, mẹ Hằng kể lại: "Hôm đó về, dọn cơm ra Hằng không ăn mà chỉ ngồi cười. Vợ chồng tôi tưởng cháu bị mất thẻ ATM nên sinh bệnh, nhưng không phải. Tối đó nó hét, rồi nói lung lung như đang trò chuyện với một người khác” (!?)

Câu chuyện mà chị Nguyễn Thị Vinh (46 tuổi, xóm Lâm Phú, xã Xuân Liên) còn ly kì hơn. Chị Vinh kể: Lúc đó khoảng 1h sáng ngày 15 tháng 3 âm lịch, chị đi chợ bán cá. Đạp xe gần chục cây số không gặp ai, đến chỗ giáp ranh giữa xã Xuân Viên với Xuân An chị gặp một người thanh niên to cao, đứng ngay cái miếu thờ những người tai nạn chết đường. Tưởng người thật, chị hỏi mãi chẳng thấy người này trả lời nên đi tiếp. Ngày hôm đó, về nhà, chị Vinh ốm nặng.

Anh Trần Đức Linh -chồng chị Vinh cho biết: Khi đó, gia đình đưa chị Vinh đi khắp các bệnh viện nhưng chẳng phát hiện được bệnh gì. Chị Vinh chỉ hét to: "Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!”.(?!). Còn chị Vinh thì nhớ lại: "Trong những ngày bị bệnh, tôi thấy rất rõ từng đoàn thanh niên kéo nhau về bắt tôi. Họ bảo, sẽ bắt cho đủ một đội bóng đá 20 người và một người phụ nữ 46 tuổi xuống nấu ăn. Hôm tôi bị “dính” đã có 16 người thanh niên chết. Sau này vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra làm 4 người thanh niên đi xe mô tô chết, tôi mới ngã người ra, đúng như những gì tôi thấy” (?!)

Những câu chuyện hoang đường kiểu bị “ma đẩy”, “ma kéo”, làm hoa mắt dẫn đến tai nạn được người dân kể còn nhiều vô kể. Ví dụ như anh Đậu Thân (xóm 6, Xuân Viên) cũng đi qua đoạn có cái miếu thờ bị ngã xe, gãy tay. ông Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Viên chở cháu đi đến đó cũng hoa mắt không thấy gì. Cháu ông phải lấy nước tiểu rửa mặt cho ông rồi mới thấy đường đi tiếp...

Thực địa “cung đường ma”

Giữa buổi trưa, trời nắng hầm hập, chúng tôi tìm đến cung đường “ma ám” để thực địa. Ghé vào một quán nước ven đường thuộc xã


Đoạn đường có nhiều tai nạn xảy ra

Xuân Viên, chúng tôi nghe không ít lời bàn tán xung quanh câu chuyện “con đường ma”. ông Trần Sĩ Tùng cho biết: "Chừng này vắng bóng người đi lắm, chú cứ ngồi uống nước, nghỉ ngơi cho qua bóng tròn đã. Đi giờ này là giờ Ngọ, nguy hiểm đấy! Dân chúng tôi bất đắc dĩ quá mới dám đi, bình thường ít người đi. Khách đi đường phần lớn người ở xa, không biết thôi...”. Cụ Trịnh Thị Thu, một cao niên ở xã Xuân An còn cho biết thêm: "Cung đường này, trước là chỗ chôn cất bãi tha ma Cồn Hệ (Xuân An). Năm 1945, người chết đói ở đây nhiều”.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi quyết định đi qua “con đường ma”, đúng giờ Ngọ. Đúng là vào thời điểm này, con đường rất vắng, thỉnh thoảng chúng tôi mới bắt gặp một chiếc ô tô hay xe máy chạy. Qua quan sát, trên đoạn ngắn nhưng rất nhiều các vạch sơn đánh dấu hiện trường tai nạn. Chốc chốc hai bên đường lại thấy những chiếc bàn thờ, lư hương. Khi thấy các vạch vôi chồng chất nhau trước cửa ngõ một người dân trên địa bàn xã Xuân Viên, chúng tôi ghé vào thăm gia chủ để hỏi chuyện. Chủ nhà cho biết, vụ tai nạn gần đây nhất đã làm chết 3 người. Biết chúng tôi là phóng viên, anh này tỏ ra sợ hãi: "Chú cứ hỏi kỹ như thế thì ai dám trả lời. Dân giờ chẳng dám đi đường, huống gì họ lại trả lời về các vụ tai nạn lên báo. Những người nhà gần đường họ sợ ma bắt lắm chứ!”.

Dù vậy, chúng tôi đã đi hết cung đường mà không thấy có hiện tượng bất thường nào xẩy ra. Do lượng người ít nên việc lưu thông càng thuận tiện.

Chỉ là đồn thổi, vô căn cứ

Ông Phan Mạnh Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên xác nhận: "Từ khi làm xong Tỉnh lộ 1, người tai nạn chết rất nhiều. Trong xã cũng đã có 4 trường hợp. Thực tế, nếu không mở rộng con đường, nắn lại các đoạn cua, tai nạn sẽ nhiều nữa. Trong các cuộc họp, giao ban, chúng tôi luôn đề xuất làm biển báo, làm gờ giảm tốc. Có như thế mới giảm bớt được các vụ tai nạn”.

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, Trung tá Nguyễn Trung Tính, Đội trưởng Đội CSGT - TT, Công an huyện Nghi Xuân thừa nhận: “Đây là tuyến đường xẩy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ban ATGT huyện đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên Ban ATGT tỉnh thực hiện một số giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến đường này. Sở GTVT Hà Tĩnh cũng vừa lập đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trạng tuyến đường và cho phép bổ sung cọc tiêu; kẻ vạch tim đường từ Km0 + 500 đến Km5 để xin cắm các biển báo, kẻ giải phân cách. Từ khi chúng tôi lắp biển cảnh báo tai nạn và lắp tạm giải phân cách thì các vụ tai nạn có giảm”.

Lý giải chuyện dân chúng đồn thổi về chuyện ma quỷ, ông Tính cho rằng: Do đoạn đường hay xảy ra tai nạn, nên mỗi khi đi qua, người đi đường lo sợ, tâm lý không vững nên hay luống cuống ngã xe, hoa mắt. Mặt khác, tuyến đường trên không có đèn đường nên khi màn đêm buông xuống, cả con đường tối đen như mực. ông Tính cho hay, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn là do chạy quá tốc độ, chiếm làn đường, người điều khiển giao thông có hơi men... Hơn nữa, đoạn đường này không có biển cắm tốc độ lại hẹp, có nhiều chỗ cua gấp.


Hoàng Vững