Chương 5.



Các nghi án Kinh Dịch.



Trước tiên, muốn xét các nghi án Kinh Dịch, chúng ta hãy xem lại cái logic hình thành nó (chỉ dành cho Kinh Dịch thôi). Đầu tiên, khi loài người mới được hình thành, họ đã biết nhìn cây, nhìn lá, nhìn đá, nhìn hoa... Sau đó, họ bắt đầu thử và biết vẽ những hình tượng thô sơ, giống như tượng nòng và nọc vậy. Tiếp đến, họ bắt đầu thả hồn bay bổng lên các vì sao để suy ngẫm, để diễn giải mọi việc xảy ra với họ. Rồi, họ thử trật tự hóa các tư tưởng của mình qua các hình vẽ trên một đồ hình hình học (Ví dụ hình tròn chẳng hạn, vì hình tròn rất dễ vẽ, dễ bắt chước: đó là những vòng sóng lăn tăn trong hồ khi ta thả một viên đá vào đó. Hay đơn giản hơn là vòng tròn của con ngươi) nào đó. Để cuối cùng, họ mới mã hóa chúng qua những hình tượng mang tính số học. Phức tạp nhất là mã hóa bằng ngôn ngữ số học nhưng lồng tư tưởng triết học vào đó. Các chương dưới, tôi sẽ chứng minh con đường xây nên kinh Dịch này.



Tại sao gọi là nghi án? Tại vì đúng phải gọi là nghi án. Nếu quý vị thấy cách giải thích này quá tăm tối thì chúng tôi xin giải thích thêm: không có một tiên đề nào của Kinh Dịch của sách Trung Quốc viết ra mà không có nghi vấn. Ví dụ, từ Hà Đồ (được ghi ấn trên lưng con Long Mã) là một đồ hình số khá phức tạp mà làm ra cái Tiên Thiên Bát Quái đơn giản thì thật không hiểu logic từ đâu. Còn nếu bảo thấy con gì đó có sứt, có sẹo mà làm ra Tiên Thiên Bát Quái thì nghe có vẻ có lý. Nhưng như vậy cũng chả thấy sự liên quan nào giữa Hà Đồ với Tiên Thiên. Hơn nữa, nhìn cả một hệ thống Kinh Dịch bất cứ người bình thường nào cũng có thể nghĩ nó liên quan đến Toán học và hệ nhị phân. Những các hệ quả được suy ra như Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát Quái thì lại được đưa ra chả dựa theo một hệ thống logic nào cả. Tất cả cứ như từ trên trời rơi xuống vậy. Từ đó, ta phải gọi chúng là nghi án vì nếu như có một hệ thống logic luận khác rất chặt chẽ để dẫn đến một Kinh Dịch khác thì chúng ta sẽ chọn loại Kinh Dịch nào. Hay chúng ta sẽ cho Kinh Dịch nào đúng đắn và Kinh Dịch nào chỉ là sự giả mạo. Chân giả, nhất là cái Chân và cái Giả từ xa xưa chỉ có thể phát hiện ra dựa trên những tiêu chí “tốt hơn, logic hơn, đúng hơn” mà thôi.



Nhưng thôi, chúng ta cứ dần xét những nghi án của Kinh Dịch xem sao. Và tuỳ độc giả suy xét có nên gọi là nghi án hay là không.