NHÀ SƯ MÊ TRE - TRÚC



Trưa, nắng tháng năm như đổ lửa trên con đường lên núi Sơn Trà (Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), chúng tôi hăm hở đến tham quan “Sơn Trà tịnh viên” với vườn tre râm mát của nhà sư Thích Thế Tường (44 tuổi), tọa lạc tại Suối Đá ven triền núi Sơn Trà. Giữa lô nhô những đá và tre, một căn nhà nhỏ làm nơi thờ Phật gần bên một hồ nước trong xanh in bóng mây trời

Trao đổi với chúng tôi, vị sư trẻ cho hay, với ước nguyện một đời là giữ lấy hình ảnh của một loài tre đã trở thành biểu tượng, gắn liền với đời sống, tâm hồn của người Việt từ hàng ngàn năm nay trước nguy cơ mỗi ngày mỗi mai một. Việt Nam rất phong phú về tre, trúc với khoảng 250 - 300 loài tre, trúc nằm rải rác ở nhiều địa phương đánh giá có tính đa dạng về thành phần, chủng loại.

Để có được kết quả nói trên, thầm lặng ngày qua ngày, nhà sư trẻ này cật lực với công việc lao động chân tay nặng nhọc biến khoảnh rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín trước đây có cảnh quan thơ mộng và nhà sư đã tự mình lặn lội đi nhiều nơi để mang giống về trồng, biến nơi đây trở thành bảo tàng tre. Vừa qua, sư đã ra vườn lâm sinh Cầu Hai (Đoan Hùng, Phú Thọ) được ông giám đốc Đinh Văn Ba cũng như một số địa phương khác hỗ trợ một số giống tre, trúc.
Nhà sư đưa tôi đi tham quan khắp khu vườn rộng 1 ha. Mỗi loại tre, trúc, đều được nhà sư ghi chú lý lịch riêng, có thẻ bài mang tên Việt và tên khoa học hẳn hoi. Những năm qua, nhà sư chỉ mới sưu tầm và trồng được 100 loài như bương, diễn, mai, vầu, giang sơn trà, trúc đen, trúc quân tử, lồ ô, nứa, lành anh, cơm lam, bạc mày, luồng, le mật, tre tàu, tre mò o… Đặc biệt, có được ba giống quý là loại trúc đen ở Yên Tử, trúc bông ở Đà Lạt và trúc vuông ở Thanh Hóa… Ngoài tre ra, được trồng theo từng loại, thì cảnh quan ở đây cũng được thiết kế khá đẹp mắt với hồ nước xanh, dập dềnh những hoa sen, hoa súng nở trên những đám mây trắng trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước hồ xanh. Bên những lối đi nhỏ có trồng những loài hoa dân dã như vạn thọ, hoa chuối, hoa nhài... điểm xuyết thêm cho không gian “tre trúc” thêm phần sinh động. Con “tiểu khê” chảy róc rách từ suối đá về tưới tắm cho khu vườn thêm phần xanh tốt


Nhà sư Thích Thể Tường bên vườn tre

Nhà sư cho hay, Viện khoa học lâm nghiệp đã ủng hộ và giúp đỡ nhiều việc cụ thể như đã đồng ý đứng tên trong Ban bảo trợ dự án Vườn bảo tồn tre trúc Việt có tên gọi Sơn Trà tịnh viên, với cố vấn chuyên môn là tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nghĩa, viện trưởng Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, GS.TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh; cố vấn công tác bảo tồn là nhà báo Đoàn Huy Giao và cố vấn nghệ thuật tạo vườn là nghệ nhân Hoàng Ngọc Đống…
Vào trưa, nhà sư vui vẻ, ân cần mời chúng tôi ở lại dùng một bữa cơm chay đạm bạc với “cây nhà lá vườn” như các món mít non luộc chấm tương, rau muống luộc chấm xì dầu mà sư gọi đùa là thứ rau “thập bát la hán” giữa bốn bề chập chùng núi đá. Tuy bận rộn với việc sưu tầm tre, sư cũng có mặt trong công tác từ thiện. Hiện sư là phó ban vận động xây dựng nhà tình thương Osaka với mục đích giúp những nạn nhân nghèo bị bệnh ung thư giai đoạn 3 về nuôi dưỡng đến cuối đời tại xã Hòa Phú (Hòa Vang - TP. Đà Nẵng).
Hy vọng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành “Bảo tàng tre, trúc Việt Nam” có đầy đủ 300 loại tre, trúc có mặt ở nước ta, vừa góp phần bảo vệ, nghiên cứu các loài tre, trúc Việt Nam, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch ở thành phố biển, nhất là khi tour du lịch sinh thái Sơn Trà vừa được đưa vào khai thác. Du khách có thể dừng lại tham quan, nghỉ ngơi trước khi xuống núi. Bởi thế cho nên, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các văn nghệ sĩ lại lên đây tham quan, vãn cảnh, ăn bữa cơm chay đạm bạc giúp thư thái tinh thần

Nguồn báo KHPT