Tại sao lại có ẩn, lại có hiện vậy? Ẩn hiện do duyên. Đại sư Thanh Lương trong chú giải Hoa Nghiêm bảo với chúng ta: “Mê chân nghiệp khởi, nghiệp báo theo duyên, không có tự thể”. Mấy câu này nói rất hay, rất rõ ràng, rất minh bạch. Cho nên chúng ta học Phật, học Phật chính là học giác. Giác là tự tánh bổn giác. Ở trong khởi tín luận nói rất hay: “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. Chúng ta tự tánh bổn giác, tự tánh vốn dĩ đầy đủ vô lượng đức năng, tướng hảo. Sau khi giác rồi chỉ cần bổn giác, thì đức năng tướng hảo tự nhiên liền hiện ra ngay. Nếu như đã mê mất chân, mê mất chân thì cái bản giác này không còn nữa. Bổn giác mê rồi, đã mê chân rồi, thì năng lực, tướng hảo của chúng ta liền bị gấp khúc, liền biến thành mười pháp giới, biến thành sáu đạo, biến thành ba đường, liền biến thành những thứ này. Những thứ này bạn nên biết, tướng có thể không, sự có lý không. Nhưng khi bạn đã mê rồi, thì giống như Bồ-tát Văn Thù đã hỏi, là có cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Giác rồi thì không có. Người giác rồi, ở trong kinh Phật nói cái cảm thọ đó của họ là gì vậy? Gọi là chánh thọ. Điều này chúng ta thường hay nhìn thấy ở trong kinh. Từ đó cho thấy, khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, cái thọ này là bất chánh, không phải chánh thọ. Tất cả mọi cảm thọ của phàm phu trong lục đạo đều không phải chánh thọ. Ở trong chánh thọ không có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Ý của ngài Bồ-tát Văn Thù hỏi ở trong đoạn kinh văn này là ở chỗ này. Đây là điều chúng ta cần hiểu rõ.

Một câu sau cùng ở trong ý ngài hỏi là “Nhiên pháp giới trung, vô mỹ vô ác” chính là không có đối lập, không có đối lập chính là chánh thọ vậy. Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả là có đối lập. Pháp giới chính là tự tâm, chính là tự tánh. Cho nên ở trong tự tánh không có đối lập thì làm sao có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả? Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả từ đâu mà có vậy? Ở trong tự tánh không những không có thọ, mà ở trong tự tánh không có “Ngã”. Ngã, ngã sở đều không thể được. Cái tự tánh này ở đâu vậy? Khắp pháp giới hư không giới, không đâu chẳng có, không lúc nào chẳng có. Nếu như nó không có, thì tất cả hiện tướng này liền không có. Tại sao vậy? Vì hiện tướng được sinh ra từ nó. Nếu nó không có thì hiện tướng sẽ không được sinh ra.

Chúng tôi ở trên bục giảng thường hay nêu ví dụ, chúng ta dùng dạy học từ xa, mọi người vẫn không rời khỏi màn hình vi tính, ti vi. Tôi thường hay lấy ví dụ màn hình là tự tâm, ví dụ là bổn tánh, ví dụ là pháp giới, ví dụ là pháp thân, nó không có hình tướng, nó không có gì cả! Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, thế giới cực lạc nhất chân y chánh trang nghiêm, đều là những hình ảnh xuất hiện ở trong cái màn ảnh này. Tuy hình ảnh khác nhau, chúng ta biết được hình ảnh có rời khỏi màn hình không vậy? Rời khỏi màn hình thì hình ảnh không thể hiển hiện. Chúng ta đem cái có thể hiển hiện này, màn hình ví dụ làm tự tánh. Cho nên tự tánh nó không phải vật chất, nó cũng không phải tinh thần, nó không phải là gì cả. Ở trong Đàn kinh, Lục Tổ nói rất hay: “Xưa nay không một vật”. Bạn thấy trên màn hình vốn dĩ không một vật, không có gì cả. Tuy vốn dĩ không một vật, nhưng có thể hiện đủ các tướng, chỉ cần duyên đầy đủ thì nó sẽ hiện đủ thứ tướng. Kinh Hoa Nghiêm nói điều này rất thấu triệt, nói rất rõ ràng.

Báo do nghiệp khởi, nghiệp báo theo duyên mà sinh, cho nên nó không có tự thể. Thể của nó là gì vậy? Giống như cái hình ảnh này của chúng ta, hình ảnh không có tự thể, thể của hình ảnh chính là màn hình. Màn hình không phải hình ảnh, nhưng cái hình ảnh này với màn hình là chắc chắn không thể tách rời. Đây chính là gì vậy? Chân không phải vọng, vọng không phải chân, nhưng chân vọng là hợp chung lại với nhau. Không có chân thì cũng không có vọng, không có vọng chân cũng biến mất. Cho nên chân ở đâu vậy? Chân ở trong vọng. Vọng ở đâu vậy? Vọng ở trong chân. Nhưng chân không ngăn trở vọng, vọng cũng không ngăn trở chân, diệu là diệu ở chỗ này. Cho nên đại sư Thanh Lương giảng Hoa Nghiêm “Pháp giới vô chướng ngại”.