Sẽ có rượu, bia uống không say; đồ mã đốt không cháy?
Thứ Hai, 13/09/2010 --- cập nhật 03:16 GMT+7


Ngày 1/9/2010, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa chính thức có hiệu lực. Nghị định dài 49 trang này chắc chắn sẽ thách thức tính kiên nhẫn của những người quan tâm vì muốn đọc hết đã khó, nói gì đến chuyện nhớ chi tiết những hành vi nào sẽ bị xử phạt và mức phạt cụ thể là bao nhiêu?

Đàn ông hãy coi chừng!

Người viết bài này hoàn toàn không đủ sức phân tích cả nghị định (có tới 52 điều), mà chỉ chọn một số điểm thuộc điều 18 quy định mức phạt với những hành động vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa, trong đó có nhắc đến việc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với việc: Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác (điểm c, khoản 1), phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với việc Tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan.

Trước hết là cảm giác ngỡ ngàng khi việc đốt đồ mã nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa lại được xếp cùng khoản với việc say rượu, bia ở nơi công sở, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông và... những nơi công cộng khác.

Mà khoan, quy định "mênh mông" thế này, chợt nghĩ đa số đàn ông cần hết sức chú ý, lơ đãng tý sẽ bị phạt tiền như chơi, dù chưa biết rõ định nghĩa "say" trong Nghị định sẽ được diễn giải thế nào? Cấm say rượu bia ở nhà hàng có nghĩa là hoặc nhà hàng phải bán loại rượu, bia uống vào không bao giờ say hoặc những người ham uống rượu, bia chỉ được phép uống cầm chừng như uống nước chanh đá chứ không được say vì bia rượu. Tuy nhiên, nếu chỉ cấm say rượu, bia ở nhà hàng nên hoàn toàn có thể nhậu nhẹt bia rượu ở quán xá (?)



Quy định là câu đố của thời đại đối với những người ham bia bọt... Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn.

Chà, từ quy định này, xem ra hoàn toàn có cách giải quyết tiện lợi và dễ hiểu hơn nhiều: hoặc là thay đổi khái niệm rượu, bia (không gọi rượu, bia là rượu, bia nữa mà gọi bằng một cái tên nào đó kiểu như đồ uống có men chẳng hạn) hoặc là thay đổi khái niệm nhà hàng (không gọi nhà hàng là nhà hàng nữa mà gọi là Bếp hàng hay Quán hàng chẳng hạn), hoặc là mở cuộc tranh cãi thế nào mới được gọi là say (thí dụ: Uống rượu, bia đến độ ngã xuống đất mới được gọi là say? Uống rượu, bia đến độ nói năng chỉ có người mắc bệnh thần kinh không bình thường mới hiểu được, còn người bình thường thì không hiểu gì hết mới được gọi là say?).

Tóm lại, quy định này sẽ vô cùng khó khăn cho người thi hành công vụ và là câu đố của thời đại đối với những tín đồ bia bọt hiện nay. Dĩ nhiên, cả hai phía chưa vội lo vì còn phải chờ hướng dẫn thi hành nghị định xem sao đã chứ!

Trở lại chuyện đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị phạt tiền. Nhưng khái niệm "nơi công cộng" cần hiểu là những đâu? Trước cửa nhà mình nhưng lại là vỉa hè của phố, vậy cần hiểu đó là nơi công cộng hay cửa nhà người ta?

Chưa kể, định nghĩa "đồ mã" tại thông tư (quy định chi tiết thi hành một số quy định của nghị định) lại định nghĩa "Đồ mã" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 là vật thể có hình người, hình động vật, nhà ở, tư liệu sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của con người, hình khối vàng, bạc, đá quý. Một vài chuyên gia văn hóa đã băn khoăn, quy định thế này hình như bao gồm cả các loại tượng? Không khéo có ai đó trong cơn "cao hứng" mang mấy pho tượng nhỏ như đồ sú- vơ- nia ra đốt thì chắc chắn lãnh đủ đây. Không chừng tới đây có người sẽ sáng chế ra loại vật liệu đốt không cháy để chuyên dùng cho đồ mã thì... nguy!

Đùng một cái, Nghị định ra đời

Nhắc đến việc phạt tiền với hành vi đốt vàng mã cũng như tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan, chợt nhớ lại chuyện của... vài tháng về trước.

Hôm 15/6/2010, tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010, dự thảo Thông tư Quy định chi tiết các quy định về lễ hội được công bố đã gây xôn xao khi tất cả những hoạt động kể trên đều thuộc điều cấm (Điều 4 của dự thảo: Quy định cấm trong hoạt động lễ hội).



Liệu có thể phân định rạch ròi giữa niềm tin tín ngưỡng và mê tín dị đoan?

Nhiều chuyên gia đã hẹn sẽ cùng lên tiếng phản biện dự thảo thông tư, dẫn đến Cuộc tọa đàm "đặc biệt" với sự tham gia của những ông đồng, bà đồng đến từ 3 miền đất nước (do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Việt Nam tổ chức vào ngày 4/7).

Cảm nhận rút ra từ buổi tọa đàm là chính những thủ nhang, thủ đền, những "ông đồng, bà cốt" đều đồng tình việc phải nhận thức cho đúng về việc đốt vàng mã, phải đấu tranh với những hiện tượng "lợi dụng" lên đồng để trục lợi, để làm trong sạch ngôi nhà của đạo Mẫu, để xã hội hiểu và tôn trọng đạo Mẫu hơn.

Hai ngày sau (6/7), tại trụ sở Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các chuyên gia văn hóa đã có cuộc gặp mặt, cũng để góp ý kiến cho dự thảo Thông tư, dưới sự chủ trì của GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, và sự có mặt của Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh - Chủ tịch danh dự của Hội.

Nhiều vấn đề đã được mổ xẻ rốt ráo: từ khái niệm mê tín dị đoan không còn phù hợp với cách hiểu về bản sắc, về tính đa dạng văn hóa nữa. Liệu có thể phân định rạch ròi giữa niềm tin tín ngưỡng và mê tín dị đoan? Tại sao lại xếp lên đồng cũng như xem bói, rút thẻ, xin săm vào mê tín dị đoan, phải chăng vì ta không hiểu đúng? Cấm phục hồi những hủ tục trái thuần phong mỹ tục, nhưng định nghĩa thế nào là hủ tục? Các chuyên gia cũng đồng tình phải thông qua chính những "chủ thể" văn hóa để tác động đến cộng đồng...

Với sự cẩn trọng vốn có, các chuyên gia đều đề nghị phải chuẩn bị dự thảo thông tư thật kỹ lưỡng rồi mới ban hành, cần tổ chức hội thảo để bàn cho ra nhẽ những vấn đề còn mắc mớ, đặc biệt là khái niệm mê tín dị đoan - "hòn đá tảng" ngăn trở những hiểu biết đúng đắn về văn hóa, tín ngưỡng. Được biết, Hội Di sản sẽ tổng hợp ý kiến góp ý cho thông tư để gửi lên Bộ trưởng VH-TT và DL.

Bẵng đi từ cuộc họp đó, không nghe thông tin gì mới về thông tư nữa, đùng một cái, ngày 12/8, Nghị định 75 ra đời, hoàn toàn theo tinh thần cũ của thông tư. Lên đồng, xin xăm, xóc thẻ... tiếp tục được đội "mũ" mê tín dị đoan, mặc những phản biện rất thiết tha của các nhà khoa học. Thông tư chỉ mang tính hướng dẫn, chỉ do bộ ban hành, còn nghị định lại "nghiêm trọng" hơn nhiều, vừa là văn bản luật, lại phải do đích thân Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Điều khó hiểu là vì sao một nghị định quan trọng đến thế lại không hề được đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học? Chỉ phân tích vài ba khoản của một điều đã thấy nhiều bất cập, làm sao nghị định có thể vào được cuộc sống?

Điều 18: Vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke;

b) Say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke, nơi hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng khác

c) Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan;

b) Tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã;

c) Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ khác;

d) Lợi dụng tín ngưỡng để quyên góp tiền của, vật chất khác.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng lễ hội để tổ chức hoạt động gây mất trật tự, an ninh; tuyên truyền trái pháp luật; chia rẽ đoàn kết dân tộc.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính đối với hành vi quy định tại các điểm a và d khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc treo cờ Tổ quốc cao hơn, trang trọng hơn các cờ khác đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc khắc phục ô nhiễm môi trường, cảnh quan đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Theo TuanVietNam.net