Lên Bảo Hà xem hầu bóng

(Bài dự thi) - Nằm ghé bên bờ thượng nguồn sông Hồng, đền Bảo Hà thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lao Kai. Đền thờ ông hoàng Bảy. Tương truyền ông đánh giặc phương Bắc, bị chết trận trôi giạt về đây được dân lập đền tôn thờ. Nhà Nguyễn sắc phong ông là thần vệ quốc. Đền Bảo Hà có từ thời Lê Cảnh Hưng. Theo thuyết phong thủy, đền có tiền án, hậu trảm, tả phù hữu bật, vị thế rất đẹp dành cho sự tôn vinh người anh hùng.




Từ Sapa qua thị trấn Tằng Loỏng của huyện Văn Bàn đến Tân An là tới ngôi đền. Đền Bảo Hà cũng như công đồng Bắc Lệ ở Lạng Sơn, Phủ Giầy ở Nam Định... là những địa chỉ quen thuộc của giới hầu bóng cả nước. Đến Bảo Hà vào cuối chiều một ngày thường mà vẫn còn kịp xem vớt một giá cô. Thày đồng người Bắc Ninh to vâm, nặng cả trăm cân, vậy mà trong giá cô bé đã nhảy chân sáo đến dẻo. Đám cung văn trẻ giọng cao lảnh lót, nịnh ngọt đủ chiêu, lại thêm tiếng đàn lanh tanh trầm bổng cùng trống chiêng mõ phách điểm nhịp khiến cho giá đồng giống như một buổi biểu diễn nghệ thuật.

Người Bảo Hà tự hào với ngôi đền thiêng Hoàng Bảy đã được xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia. Ở đây quanh năm hương khói mịt mờ. Vào những ngày đầu năm và mười bảy tháng Bảy hội đền giỗ ông thì không thể chen chân.Tôi được nghe kể lại canh đồng buổi sáng hôm nay của cô đồng từ thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hoành tráng lắm, tiêu tốn hàng trăm triệu. Tại đền, có lúc ba bốn giá đồng lên cùng lên, thành một cái chợ hầu bóng tấp nập, chiếu đồng nào thì đệ tử ấy




..

Lần đầu tiên tôi cất công ở lại Bảo Hà hết một ngày để xem hầu bóng. Một cô đồng đã lên đến Bảo Hà thường có cả một hội con nhang đệ tử đi theo như một đoàn quân khiêng vác đồ lễ. Đã lên đây, một cô đồng thường lên mười mấy giá, từ giá Hoàng Ba, hoàng Bảy hoàng Mười, rồi các giá cô giá cậu, giá quan... Trước mắt tôi đây là một cuộc biểu diễn nghệ thuật tín ngưỡng khá hoàn hảo, cô đồng như một diễn viên sô-lit. Mỗi giá là một hình thức biểu hiện khác nhau. Gía quan thì nghiêm cẩn, giá ông Hoàng thì ăn chơi ra dáng, giá cô thì dẻo quẹo tha thướt.

Các cô gồng gánh đi chợ, nón thúng quai thao tay ve vẩy múa như đứa trẻ. Gía đồng nào thì trước khi hồi cung, các cô các cậu các quan đều hào phóng phát lộc cho những đệ tử và những người đến thưởng ngoạn. Tôi quay camerra đứng ở ngoài vòng mà cô vẫn để mắt tới ban lộc, bắt đệ tử đem đến tận nơi. Tôi vào đền công đức năm chục ngàn, mà cô đồng ban lộc cho được đến một trăm năm mươi ngàn sau chục giá đồng. Hỏi chuyện mới biết rất nhiều cô là những người buôn bán. Nhưng một năm bao giờ cũng đi một đền nào đấy để nhập vai vào các giá đồng, để được vui được ban phát lộc. Những người được cô ban lộc nhiều nhất thường là cung văn. Cung văn nào mà hát hay đàn ngọt thì sau khi phục vụ vài chục giá đồng thường được ban lộc đến vài triệu. Sau mới dén các tứ trụ, là người trực tiếp để cô sai khiến bưng bê đồ lễ, hầu rượu, thay áo mão khi tiếp sang giá mới, che quạt khi cô cần vui chơi ăn hút. Tôi thực sự bị lôi cuốn vào sinh hoạt tín ngưỡng này vì nó đậm chất nghệ thuật biểu diễn sân khấu nhỏ..





Còn nhiều chuyện có thể bàn quanh các giá đồng. Ở góc độ khoa học, hầu bóng là hình thức xả treess hiệu nghiệm. Các vị có căn có cốt phải theo cửa đền, mỗi năm đôi lần đi hầu, được nhập mình vào các giá quan, giá chầu, giá cô, giá cậu, được nghe văn hát nịnh rồi được ngồi ban phát lộc, tự nhiên thấy người trở nên vui vẻ, thông thoáng, thấy như mình được giải thoát. Ở góc độ văn hóa dân gian, nhờ người lên đồng mà những nhân vật huyền thoại như hoàng Ba, hoàng Bảy, hoàng Mười, Ông tuần tranh, từng có công với đất nước với dân được người đời nhớ tới trong các giá quan giá cô giá cậu. Những cô Bơ bông, cô bé Tân An, cô bé Bắc Lệ, cô bé thượng ngàn gần gũi như người thường quanh ta. Đặc biệt không thể không đánh giá cao những lời hát của cung văn luôn đầy sáng tạo, và rất đời khi đưa những lời ca mới vào các giá đồng ăn nhập và sinh động. Cuộc sống thật là lạ, hầu bóng vốn là một sinh hoạt tâm linh của đồng bằng lại lẩn khuất vào miền núi xa xôi thành những trung tâm quen thuộc của tất cả những ai có căn đồng trong cả nước.




* * *

Những điều mắt thấy tai nghe tại đền Bảo Hà (Lao Cai) nơi thờ ông hoàng Bảy đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm về những trang sử dân gian. Ở đây là một cuộc sống khác không hề có trong chính sử nhưng những nhân vật dân gian này đều được xưng tụng là những vị thánh có công dẹp giặc cứu dân, được sùng bái và tin cẩn. Thành ra đến với giá đồng như đến với các trang sử linh thiêng nằm gọn trong tâm thức người dân, đều là đến với cái tâm thiện và cái đầu văn hóa. Đó như là một góc đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân không thể thiếu. Nên một thời ta bài trừ cấm đoán nó vẫn tồn tại như mạch nước từ một cái nguồn không bao giờ cạn.


Đỗ Đức