Từ Hoàng thành đến đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc
31/12/2007 15:39

(HNMO) - Sau sự kiện phát hiện dấu tích Hoàng thành Thăng Long vài năm trước, khảo cổ học Hà Nội trong năm 2007 lại suýt một phen thăng hoa bởi sự phát hiện hai di tích quan trọng khác nữa là đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc.



Nhưng khác với những gì tìm thấy ở khu Hoàng thành vốn dĩ đã chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật không thể phủ nhận, thực tế ở khu khai quật của cả hai cái đàn này đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau trong giới chuyên môn, và vì thế câu chuyện vừa chỉ mới được "gảy" lên từ hai "chiếc đàn" trên đã có vẻ đi vào hồi kết với "điệp khúc" na ná giống nhau trong các giải pháp dự kiến cũng rất khiêm tốn.



Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại một trong những việc mà vua Lý Thái Tông - con trưởng của Lý Thái Tổ đã thực hiện vào năm 1048:"Lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng". Đó là một nghi lễ phổ biến thờ thần đất và thần ngũ cốc vốn có từ thời cổ đại ở Trung Hoa. Dấu tích về đàn Xã Tắc còn được lưu giữ trong dân gian bởi địa danh Xã Đàn, ngõ mang tên Xã Đàn vẫn được truyền tụng và sử dụng đến tận ngày nay. Còn về đàn Nam Giao, tức là nơi (hoặc chúa Trịnh thời Lê - Trịnh) tiến hành lễ tế trời vào tiết Đông chí hàng năm, thì cũng sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chép với tên gọi lúc bấy giờ là đàn Viên Khâu :"tháng (năm 1154), vua ngự ra cửa Nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu". Đến năm 1581, sách "Đại Việt thông sử" của sử gia Lê Quý Đôn đã ghi lại một sự biến xảy ra với cả hai ngôi đàn này: "Đêm hôm 21, có trận mưa bão rất dữ, mà tại kinh đô càng mạnh hơn, từ cung điện trong triều đến Giao Đàn (đàn Nam Giao), Thái Miếu và đàn Xã Tắc, cả đến nhà cửa cùng dinh thự, thảy đều đổ nát gần hết…"



Trở lại công trường khai quật ngày nay, các nhà khoa học đều đã thống nhất ý kiến kết luận rằng, những nhát cuốc dù hăm hở, say sưa của các nhà khảo cổ vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn, do không tìm thấy dấu vết vật chất của cả hai nền đàn, càng chưa rõ trung tâm của hai đàn này ở đâu cả. Có nhà nghiên cứu, từ việc phát hiện di vật mảnh đầu rồng, phượng, lá đề dất nung ở khu vực khai quật đàn Nam Giao đã cho đây là một di tích Phật giáo - một ngôi chùa, hoặc cũng có ý kiến nghĩ nếu đây là một trong những kiến trúc của đàn Nam giao, thì cũng chưa thể rõ được đó là kiến trúc cụ thể gì của di tích này.



Tình hình ở khu khai quật đàn Xã Tắc xem ra còn có vẻ…tắc hơn thế. Mặc dù tìm thấy cấu trúc móng nhưng người ra cũng chưa đủ cơ sở để xác định đấy là dạng kiến trúc gì. Đặc biệt, sự phát hiện mộ Hán ở đây đã làm tăng sự hoài nghi về vị trí của đàn Xã Tắc, bởi vì một nơi tế lễ tôn nghiêm như thế chắc khó mà lại được tạo dựng ở ngay nơi chôn cất mồ mả như vậy. Có nhà chuyên môn còn nghĩ rằng, đàn Xã Tắc khó có thể được dựng sát với La Thành như điểm khai quật hiện tại, vị trí đàn này còn có giả thuyết nằm ở chính nền chùa Xã Đàn trong ngõ Xã Đàn ngày nay, thậm chí có người còn cho địa điểm đàn Xã Tắc phải nằm lui về khu vực phường Thịnh Quang bây giờ.



Thế là một khi khảo cổ học chưa tìm ra lời giải đáp chuẩn xác, và đây cũng là chuyện bình thường trong khoa học, thì người ta đã nghĩ đến những giải pháp tương đối, dễ chấp nhận hơn cả. Ở khu vực đàn Nam Giao, có thể lập một nhà bia, trong đó hoặc phục chế tấm bia "Nam Giao điện bi ký" khắc năm 1679 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử và có phần dịch ra tiếng Việt ở mặt sau, hoặc dựng bia mới ghi sự tích đàn Nam Giao, đồng thời xây dựng nhà lưu niệm cả truyền thống nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo vốn ngự ở đây trước khi khai quật để nhường chỗ cho công trình mới xem lẫn với việc trưng bày các hiện vật phát hiện tại khu vực này. Đối với khu vực khai quật đàn Xã Tắc, nhiều ý kiến đã đề xuất nên lấp cát di chỉ để bảo tồn dưới lòng đất, đồng thời giải phóng mặt bằng để tiếp tục mở đường, dành một đảo giao thông vừa phải để trồng hoa, tạo một tấm bia ghi về lịch sử đàn Xã Tắc và cả lịch sử xây dựng La Thành, về cửa Trường Quảng thời Lý



Đó là giải pháp dung hòa không chỉ giữa bảo tồn và phát triển, mà còn là sự dung hòa giữa những ý kiến khoa học còn trái ngược, những vật chứng còn chưa đủ sức thuyết phục đối với cả hai di tích suy đến cùng đều mang ý nghĩa cầu mong cho phong đăng hòa cốc, mùa màng tốt tươi. Liệu đó đã phải là kết luận cuối cùng và khả dĩ nhất? Chúng ta còn phải chờ xem



Doãn Chí Thành